Thứ năm, 15/4/2021, 00:00 (GMT+7)

'Vườn treo cà chua' như chuỗi đèn rực đỏ cả sân thượng

Hải PhòngTận dụng sân thượng bỏ không, cô Hoàn đã tạo khu vườn ngập tràn sắc hoa cùng một giàn cà chua sai trĩu quả vô cùng bắt mắt.

Đều đặn 21h mỗi ngày, sau khi kết thúc việc nhà, cô Tô Thúy Hoàn (50 tuổi, trú tại Đồ Sơn, Hải Phòng) mới có thời gian lên sân thượng để chăm sóc cho vườn rộng 50m2 với đủ loại hoa, rau và cây ăn quả. Lọ mọ tưới cây, bón phân, cắt tỉa cành nếu cần, có hôm phải hơn 23h cô mới đi xuống phòng nghỉ ngơi.

Vốn yêu thích làm vườn từ nhỏ nhưng do bận công việc và chăm sóc gia đình nên chưa có thời gian thực hiện. Mãi đến đợt Covid-19 đầu tiên bùng phát, công việc buộc phải tạm nghỉ, cô Hoàn mới quyết định cải tạo tầng thượng thành không gian xanh.

Cô Hoàn bên vườn cà chua cùng rau xanh, cây ăn quả.

"Gần 20 năm gắn bó với nghề kinh doanh sứa biển (đặc sản Hải Phòng - PV), Covid-19 ập tới làm du lịch đình trệ, các quán ăn, nhà hàng là khách quen của tôi đều tạm thời đóng cửa. Tôi từ cảnh làm từ sáng tới tối không hết việc bỗng dưng có nhiều thời gian rảnh rỗi nên mới bắt đầu tìm hiểu cách trồng cây", cô Hoàn nói.

Ban đầu người phụ nữ đi xin đất, thùng xốp, đặt mua giống, sau tham gia vào các hội nhóm để tìm hiểu cách trồng trên sân thượng... rồi bắt tay trồng. Đa phần cây ở sân thường đều làm bằng thùng xốp, xô nhựa - các vật dụng vốn dùng để đựng hải sản phục vụ việc buôn bán sứa trước đây.

Vườn cà chua sai trĩu quả.


Cần một lượng đất lớn để trồng cây, ban đầu cô Hoàn hì hục bê từng chậu đất lên, dần dần mới nghĩ ra cách buộc dây kéo từ tầng một lên sân thượng, vừa đỡ mất sức mà hiệu quả được cải thiện.

Để làm lối thoát nước, giúp rễ thông thoáng và đỡ tốn đất, người phụ nữ đục lỗ can nhựa rồi đặt xuống đáy thùng, miệng can hướng về phía mặt thùng; các mặt bên của thùng được đục lỗ, cách đáy khoảng 20 cm.

Cô Hoàn thường tận dụng thêm rau củ, quả thừa và các loại vỏ của củ, quả cho vào thùng, đổ đất lên trên và tưới nước gạo... để tạo thành hỗn hợp phân xanh. Nhờ loại phân này cây trồng phát triển rất tốt.

Ấn tượng nhất trong khu vườn của cô Hoàn phải kể đến giàn cà chua bạch tuộc (giống cà chua Nga) sai trĩu quả, quả nào quả nấy căng bóng, đẹp mắt. Bên cạnh việc làm phân xanh, người phụ nữ còn dùng phân trùn quế, phân vi sinh ủ từ chất thải của nhà bếp để bón cho cà chua. Khi cây ra hoa và có trái sẽ tưới thêm nước vôi trong và bón phân NPK.

Để cây luôn sai quả, khỏe mạnh, mỗi ngày, cô Hoàn đều tỉa lá già, lá che khuất để cây tập trung dinh dưỡng vào trái lúc sáng sớm và tối muộn, khoảng thời gian trong ngày cô vẫn kinh doanh sứa.

"Lần đầu trồng cà chua tôi mua phải giống không tốt nên ít quả. Đến tháng 9/2020 mới trồng thử nghiệm giống mới, cho được 6 cây trên sân thượng và một cây dưới nhà, nhưng tôi không nghĩ lại có thành quả đến vậy. Cà chua sai quả, chín theo đợt nên hết lứa này lại đến lứa kia, nhìn vô cùng thích mắt", cô Hoàn nói.

Hiện vườn cà chua đã là cuối vụ, lượng quả không còn nhiều như thời điểm cuối năm. Tổng số cà chua thu hoạch cả vụ lên đến vài chục cân.

Trong khu vườn 50m2, ngoài giàn cà chua, cô Hoàn còn trồng thêm đu đủ, dưa chuột, dâu tây, dưa lê... cùng các loại rau ít sâu bệnh như mùng tơi, rau ngót, xà lách, rau thơm. Hết mùa cà chua, cô làm thêm giàn bầu, bí, thiên lý... Rau củ tại khu vườn không chỉ đủ cho gia đình sử dụng, tặng người thân, bạn bè mà còn được tận dụng để làm món nộm sứa bán cho khách hàng.

"Năm nay tôi mới trồng thử nghiệm nên chưa căn được thời gian để cà chua ra đúng đợt với các loại hoa nở cuối năm. Giờ đã có kinh nghiệm, sang năm vườn cà chua của tôi ắt sẽ đẹp và rực rỡ hơn", cô Hoàn chia sẻ.

Hiện khu vườn của cô Hoàn trồng nhiều loại nông sản kết hợp với trồng các loại hoa như hoa hồng, thược dược, thậm chí là trồng cải cúc nhưng chỉ hái lá ăn, còn phần thân và ngọn để cây phát triển và ra hoa.

Từ khi có khu vườn, cô Hoàn cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Thi thoảng cô cùng nhiều người bạn lại lên vườn cây "sống ảo". Nơi đây trở thành không gian để cả gia đình thư giãn sau ngày dài làm việc.

Thúy Quỳnh

Ảnh: NVCC