Thứ sáu, 10/9/2021, 10:43 (GMT+7)

Vườn cây trĩu quả trên sân thượng của gia đình ở TP HCM

Sau ba năm "tập làm nông", anh Giàu đã biến sân thượng rộng 60 m2 của gia đình thành vườn cây siêu trái, từ dưa lưới, dưa lê, nho cho đến ổi, táo, mía.

Tranh thủ những ngày giãn cách xã hội, đều đặn ngày ba lần, anh Nguyễn Văn Giàu (30 tuổi, quận Tân Bình) lên kiểm tra vườn cây chuẩn bị đến độ thu hoạch.

Vốn là tầng thượng bỏ không, ba năm trước anh Giàu tận dụng không gian 60 m2 để làm vườn. Ban đầu chỉ trồng rau xanh, sau chuyển sang trái cây, nhờ khéo chăm sóc cộng với sự tìm hiểu, giờ đây anh đã trồng thành công nhiều cây ăn quả, bí, mướp, cà chua, sung Mỹ.

Anh Nguyễn Văn Giàu bên giàn nho Ninh Thuận.

Bỏ 20 triệu đồng để mua thùng nhựa, giàn, một mình vác đất từ dưới nhà lên sân thượng ở tầng 4 và tham gia vào nhiều hội nhóm để tham khảo kiến thức, người đàn ông bắt tay thực hiện.

Thời gian đầu anh liên tiếp gặp thất bại do thời tiết, thiên tai, sâu bệnh hoặc cây cho ra trái nhưng chất lượng không cao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vườn cây của anh Giàu thu được những kết quả bước đầu.

"Để cây phát triển tốt, mình sẽ kê cao chậu trồng, quét dọn thường xuyên để thoát nước tốt. Đất trồng phải tơi xốp, chậu phải có chỗ thoát nước để rễ không bị ngập úng, đồng thời bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trong từng giai đoạn", anh nói.

Khu vườn với đủ loại trái cây trên sân thượng.

Khu vườn của anh Giàu có đủ loại trái cây, từ dưa lưới, cóc, ổi, khế, chanh, táo, sung, nho... nhưng nửa diện tích hiện tại chỉ trồng dưa lưới, loại quả có giá trị cao nhưng đòi hỏi công chăm sóc lớn.

Thời gian đầu anh chọn mua giống dưa lưới của Nhật, Thái Lan. Khoảng 50 gốc dưa cho thu hoạch khoảng 1 tạ mỗi vụ, thời gian trồng từ 3 – 4 tháng. Sau, anh chuyển sang trồng giống dưa Honey Red chỉ khoảng 1,5 tháng sẽ cho thu hoạch, năng suất tăng.

Ngoài dưa lưới, người đàn ông cũng tận dụng khu vực nhiều nắng nhất để trồng giống nho Ninh Thuận. Vụ thu hoạch đầu tiên kéo dài khoảng 9 tháng, sau cứ 4 tháng sẽ thu hoạch lứa tiếp, cho sản lượng 5kg/đợt. Còn giờ, anh không trồng nho vì tán rộng, cớm các cây phía dưới, thay vào đó sẽ làm giàn trồng cây dây leo theo mùa như bí, muớp.

Khi thu hoạch, anh Giàu chỉ giữ lại một phần rau củ, trái cây cho gia đình, còn chủ yếu đi tặng bạn bè, người thân, hàng xóm hoặc bán cho những ai có nhu cầu để tái đầu tư tiền giống.

Thời gian đầu làm nông, người đàn ông buộc phải cân bằng với công việc buôn bán hàng ngày.

"Tranh thủ sau giờ làm việc, độ từ 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau, mình lên chăm cây, bón phân. Vì đây là sở thích cá nhân, thú vui riêng nên không thể ảnh hưởng đến thu nhập chính", anh nói. Còn giờ đây, khi thành phố đang giãn cách, đều đặn 3 lần/ ngày, anh Giàu đều lên kiểm tra vườn, tính toán nên trồng thêm gì, bỏ bớt cây nào do diện tích sân vườn có hạn.

Không chỉ giúp gia đình có nguồn lương thực sạch trong dịch, khu vườn trên sân thượng còn là nơi để các thành viên giải toả những áp lực trong cuộc sống. Thi thoảng, ba người con (2 tuổi, 6 tuổi và 9 tuổi) vẫn lên giúp bố chăm sóc, tưới cây và học thêm những điều mới thay vì bó hẹp trong 4 bức tường.

Không phải là người thành công ngay từ lần đầu tiên thử sức, anh Giàu cho rằng chỉ cần mọi người chịu khó tìm tòi, học hỏi và có lòng say mê ắt sẽ "gặt trái ngọt".

Thời gian này, người đàn ông 30 tuổi thường chia sẻ không gian xanh trên sân thượng cùng kinh nghiệm làm vườn vào các hội nhóm để mọi người tham khảo. Bên cạnh đó, anh cũng lập ra một nhóm để hướng dẫn những người có đam mê trồng cây trên sân thượng và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người.

Thúy Quỳnh

Ảnh: Nhân vật cung cấp