Thứ sáu, 6/8/2021, 09:38 (GMT+7)

Vì sao thời trang trong phim Việt không đọ được với phim Hàn?

Trong các drama Hàn Quốc, khâu trang phục được đầu tư 'khủng' với chi phí khổng lồ, trong khi phim truyền hình Việt Nam chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề này, khiến nhân vật xuất hiện không bắt mắt.

Trong phim Hàn, phục trang không chỉ nhằm lột tả nhân vật, bối cảnh, tình tiết mà còn được đẩy lên như một yếu tố thu hút người xem về mặt thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thời trang của khán giả. Từ những bộ phim lột tả cuộc sống của giới thượng lưu với những trang phục xa hoa, lộng lẫy như Mine, Penthouse đến các bộ phim chủ yếu nói về con nhà nghèo như Những người thừa kế, Start up..., các diễn viên luôn được ăn vận rất sang trọng, đẹp mắt. Hiếm khi nào họ diện lại, mặc trùng một bộ cánh xuyên suốt các tập phim.

Còn ở phim truyền hình Việt Nam, điều này vẫn chưa được chú trọng. Trang phục chỉ góp một vai trò rất nhỏ để thể hiện tính cách, hoàn cảnh nhân vật, dù thỉnh thoảng vai trò này cũng không được thực hiện đầy đủ. Việc những nàng giàu có nhưng ăn mặc kém phần sành điệu hay những chàng "tổng tài" mặc đi mặc lại vài bộ quần áo suốt hàng chục tập phim là điều dễ thấy. Gần đây, phim Hương vị tình thân lên sóng bị phàn nàn về trang phục nhàm chán của hai diễn viên chính Phương Oanh, Mạnh Trường. Nhiều khán giả thậm chí còn cho rằng Hương vị tình thân là bộ phim "tiết kiệm" trang phục nhất năm.

Vậy tại sao trong phim Hàn, thời trang luôn rất long lanh đẹp mắt còn diễn viên phim Việt mãi bị chê về tạo hình?

Diễn viên phim Hàn đa phần được tài trợ trang phục

Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc luôn được xem là nguồn cảm hứng bất tận cho tín đồ thời trang. Từ những bộ phim hài lãng mạn, tâm lý đến kinh dị, trinh thám, trang phục trong phim luôn đảm bảo yếu tố đẹp mắt từ tập đầu tiên đến tập cuối cùng. Phong cách của các nhân vật luôn có chủ đích, từ thân thế mỗi người đến diễn biến tâm lý của họ đều được cài cắm tinh tế thông qua ngôn ngữ thời trang. Đóng vai trò quan trọng như vậy nên ê-kíp sản xuất của phim không thể "phó mặc" cho các diễn viên thích mặc gì thì mặc.

Các phim Hàn luôn có một đội ngũ stylist chuyên chuẩn bị khâu phục trang tỉ mẩn đến từng phân cảnh, đặc biệt là trong những bộ phim nói nhiều đến yếu tố phong cách, thế giới thượng lưu.

Son Ye Jin trong 'Hạ cánh nơi anh' với kho hàng hiệu đồ sộ.

Tất nhiên, nhà sản xuất không thể chi một khoản tiền quá lớn để sắm những bộ đồ hiệu dàn đều cho từ diễn viên chính đến diễn viên phụ. Theo trang Notjustalabel, quyền lực của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh quân sự hay kinh tế, với Hàn Quốc, yếu tố văn hóa cũng rất được chú trọng. Thông qua các K-drama, họ có thể quảng bá nền công nghiệp thời trang nước nhà, làm lan tỏa làn sóng Hallyu. Đó là lý do các bộ phim truyền hình thường có sự hợp tác cùng những thương hiệu thời trang nội địa. Họ hiểu rằng khi một bộ phim lên sóng, các trang phục diễn viên mặc sẽ được các tín đồ thời trang đua nhau bóc giá, bóc mác và học hỏi mua theo. Đã có hàng loạt bộ phim như Hậu duệ Mặt trời, She was pretty, Thư ký Kim sao thế?... nữ chính mặc váy áo gì là món đồ đó cháy hàng. Sự hợp tác này giúp cả bộ phim và thương hiệu đều rất có lợi.

Suzy 'nghèo rớt' vẫn mặc đồ Dior trong Start up.

Bên cạnh đó, bản thân các diễn viên cũng nhận được sự tài trợ. Là gương mặt đại diện của nhiều thương hiệu cao cấp, các ngôi sao Kbiz không khó khăn để mượn được tủ đồ khổng lồ và lộng lẫy phục vụ cho việc quay phim. Để vào vai minh tinh sang chảnh trong Vì sao đưa anh tới, Jun Ji Hyun nhận được đồ tài trợ thường xuyên của Alexander McQueen; Suzy dù đóng vai con nhà nghèo nhưng vẫn liên tục "dát" đồ Dior trong Start up... Càng là những diễn viên tên tuổi như Song Hye Kyo, Son Ye Jin, Gong Hyo Jin..., khả năng được các thương hiệu cao cấp như Miu Miu, Burberry, Gucci... tài trợ càng cao. Cũng vì là đồ đi mượn nên mỗi outfit thường chỉ xuất hiện đúng một lần trong phim Hàn, sau đó được trả lại cho nhà tài trợ.

Diễn viên phim Việt thường tự chuẩn bị trang phục

Khác với các sao Hàn luôn được nhãn hàng thời trang săn đón để có cơ hội quảng bá trong phim, sự liên kết giữa diễn viên phim Việt và thương hiệu thời trang vẫn còn khá yếu. Hầu hết các bộ phim, diễn viên phải tự bỏ tiền để chuẩn bị trang phục và cả tự xây dựng phong cách cá nhân.

Chia sẻ với iOne, diễn viên Quỳnh Nga cho biết trang phục cả trong Về nhà đi conSinh tử chủ yếu đều do cô tự mua. Để vào vai gái ngành trong Sinh tử, nữ diễn viên thậm chí còn đầu tư đến 100 bộ váy gợi cảm cho 70 tập phim. Số trang phục này dù biết chắc không dùng hết nhưng cô vẫn chuẩn bị sẵn để có thêm lựa chọn. Đặc biệt, trang phục đã mặc trong phim này Quỳnh Nga cũng sẽ không sử dụng cho phim khác để tránh hình ảnh bị trùng lặp.

Quỳnh Nga trong một cảnh phim với Quốc Trường.

NSND Công Lý thừa nhận, số tiền cát-xê phim không đủ để anh đầu tư cho nhân vật khi lần đầu đóng vai giám đốc giàu có trong Hướng dương ngược nắng. Nhằm tạo hình ảnh chỉn chu nhất cho ông xã trong phim, người đẹp Ngọc Hà tiết lộ đã phải chi đến 300 triệu đồng để sắm giày, túi, thắt lưng của Hermes, Christian Louboutin, Louis Vuitton, Montblanc..., còn sơ mi và vest chủ yếu của hãng Ziozia. So với cát-xê, số tiền phục trang tốn gấp nhiều lần, tuy nhiên nam diễn viên vẫn chịu khó đầu tư vì các bộ phim là cơ hội quảng bá tên tuổi, giúp diễn viên kiếm thêm nhiều hoạt động quảng cáo, sự kiện khác.

Cũng vì tự chuẩn bị trang phục, diễn viên phim Việt thường xuyên bị chê mặc xấu, hoặc mặc lố. Cả Phương Oanh và Mạnh Trường trong Hương vị tình thân gần đây đều bị chê gu ăn mặc nhàm chán, một bộ đồ diện đi diện lại nhiều lần, cách phối đồ lỗi mốt.

Phương Oanh mặc lỗi mốt trong 'Hương vị tình thân'.

Nhân vật Báu của Nhã Phương trong Cây táo nở hoa thì bị chỉ trích là "thảm họa thời trang", thiếu gần gũi với đời thường. Để miêu tả tính cách đáng ghét của nhân vật này, Nhã Phương cùng stylist tự sắm đồ si ở chợ Bà Chiểu để mix, tạo nên những set đồ màu mè và siêu lố.

Khi bị chê phong cách ăn mặc như "bà đẻ" trong phim Về nhà đi con, diễn viên Thu Quỳnh giải thích với iOne rằng, những trang phục đó đều là cô tự mua từ các cửa hàng vintage của Nhật vì nghĩ nó phù hợp với tính cách của nhân vật trong phim.

Chỉ một số ít diễn viên nhận được tài trợ trang phục từ các nhãn hàng thân thiết. Khi được tài trợ, "phần nhìn" của các diễn viên cũng cải thiện hơn hẳn. Bảo Thanh có hàng loạt bộ pyjama xinh xắn trong Về nhà đi con nhờ được một nhãn hàng tài trợ thường xuyên. Những bộ cánh này sau đó được rất nhiều chị em phụ nữ lùng mua theo. Tương tự, Quốc Trường "gây thương nhớ" với vai soái ca trong Về nhà đi con nhờ những bộ vest "xịn xò" của một thương hiệu thân thiết, giúp anh thăng hạng phong cách hơn hẳn so với thời tự mua tự mặc trong Gạo nếp gạo tẻ. Ở Bánh mỳ ông màu... Dương Cẩm Lynh cũng được một thương hiệu đồ thiết kế trong nước chuẩn bị khá nhiều bộ váy áo thanh lịch, giúp cô hoàn thiện hình ảnh tiểu thư con nhà giàu.

Trong phim Hàn, thời trang đôi lúc hơi xa vời với thực tế, tuy nhiên lại thành công ở khía cạnh tạo nên thế giới trong mơ mà các cô gái phải ao ước, ngưỡng mộ và bằng mọi cách để có được. Nếu được đầu tư đúng mực hơn, phim Việt cũng có thể tạo nên những cơn sốt thời trang như vậy, giống như Quỳnh Nga trong Về nhà đi con, Hồng Diễm trong Hướng dương ngược nắng từng làm được.

Trang Shaelyn