Thứ bảy, 21/12/2019, 15:14 (GMT+7)

Trạm phát thanh bản Tuyên ngôn độc lập trước ngày bị phá dỡ

Nhằm phục vụ xây dựng tuyến đường sắt trên cao nối cầu Vĩnh Tuy tới Ngã tư Sở, căn biệt thự Pháp cổ (tại 128C Đại La, Hà Nội) - nơi phát thanh bản Tuyên ngôn độc lập - sẽ bị phá bỏ vào 31/12.

Từng là nơi phát lại Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và là nơi ra đời Đài Tiếng nói Việt Nam, căn biệt thự Pháp cổ với kiến trúc độc đáo nằm trên đường Đại La sẽ phải phá dỡ. Thông tin này khiến người dân sinh sống tại đây không khỏi tiếc nuối.

Theo tài liệu lịch sử thành lập Đài Phát thanh Quốc gia, năm 1912, ngôi biệt thự cổ được Pháp xây dựng làm Đài Phát tín Bạch Mai, phục vụ liên lạc giữa chính quyền thực dân ở Hà Nội với cả nước, toàn Đông Dương và Paris - Thủ đô nước Pháp. Bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, Trạm phát tín đưa Việt Nam trở thành biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất châu Á với kỹ thuật truyền tín hiện đại đầu thế kỷ 20.

Tháng 8/1945, trước yêu cầu thành lập Đài Phát thanh Quốc gia, đài phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai tại số 128C Đại La (nay là ngôi biệt thự Pháp cổ) được cải tiến máy tín phát tín hiệu moocxo thành máy phát tín hiệu âm thanh, hoạt động phát thanh bắt đầu được thử nghiệm và đưa vào triển khai.

Ngôi biệt thự Pháp cổ nằm trên đường Đại La.

11h30 phút ngày 7/9/1945 - 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chính tại tầng 1 của ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp (thuộc quần thể nhà cổ Trạm vô tuyến - Điện báo), Đài tiếng nói Việt Nam ra đời. Cũng chính nơi đây, bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đã được phát sóng rộng khắp.

Ngày ấy phát thanh viên nam nhiều, nhưng nữ chỉ có bà Dương Thị Ngân (Ngân Thanh) - nữ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam. Sau lời bà Ngân Thanh, ông Nguyễn Văn Nhất - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam - xướng lại một lần nữa.

Một góc của căn nhà cổ. 

Từ 1967 – 1977, căn biệt thự tại 128C Đại La được phân cho hai gia đình cán bộ cao cấp của Đài tiếng nói Việt Nam là ông Lý Văn Sáu và vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhất - bà Dương Thị Ngân. Cụ thể, không gian tầng 1 của căn biệt thự thuộc sở hữu của gia đình ông Lý Văn Sáu, tầng 2 thuộc về gia đình ông Nguyễn Văn Nhất.

Gia đình ông Nhất có 5 người con, 2 người sinh sống bên ngoài, ba anh em còn lại chia nhau mỗi nhà một phòng sau khi bố mẹ qua đời. Riêng không gian tầng 1 (nhà ông Sáu) vẫn do con gái - bà Nguyễn Khánh An sinh sống. Trong suốt 43 năm gắn bó với căn biệt thự, các gia đình với gần 30 người sinh sống không đập phá, tôn tạo, tu sửa mà vẫn giữ nguyên cấu trúc ban đầu.

Một căn phòng được lát sàn gỗ lim của nhà ông Trung.

Theo lời ông Nguyễn Việt Trung (68 tuổi) - con trai thứ ba của ông Nguyễn Văn Nhất - hiện sinh sống tại tầng 2 của căn biệt thự: "Cuối năm 1972, máy bay B52 của Mỹ rải thảm bom xuống khu vực Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì và Đài Bạch Mai (đồng thời là khu tập thể lớn), phá huỷ cả hai cơ sở phát sóng lớn tại Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam phải ngừng phát sóng 9 phút. Riêng căn biệt thự số 10 rất may chỉ bị hư hại phần mái, còn thân nhà vẫn được bảo toàn. Năm đó, các gia đình lợp lại phần mái bị hư hại và tiếp tục sinh sống".

Anh em ông Trung theo bố mẹ chuyển về tầng hai của căn biệt thự từ  1976. Diện tích mặt sàn khoảng 200 mét vuông với ba phòng lớn, mỗi phòng đều được lát sàn gỗ, đều có một lò sưởi cùng hệ thống công trình phụ dùng chung. Nhưng do chiến tranh, chỉ còn hai căn phòng có sàn gỗ, một căn phòng phải thay thế bằng nền gạch.

Ông Nguyễn Việt Trung - con trai thứ ba của ông Nguyễn Văn Nhất. 

Từ lò sưởi, gỗ lim lát sàn, hệ thống cửa sổ, mái vòm vẫn nguyên trạng, duy chỉ phải quét sơn tường do bị ẩm mốc và đường dây điện chìm được thay thế cho đường dây nổi.

"Nếu tính từ đời bố mẹ tôi đến nay cũng đã bốn thế hệ sinh sống ở đây. Do cốt nhà tốt, anh em tôi cứ ở mà chẳng phải tu sửa gì. Những năm bố mẹ tôi còn công tác tại đài, mọi người còn đến đây bàn bạc, thảo luận để làm nội dung phát thanh cho các bản tin thường và cả dịp lễ Tết. Ngày đó nhiều kỷ niệm lắm", ông Trung bộc bạch. 

Cũng theo gia đình chuyển về căn biệt thự từ năm 1977, bà Nguyễn Khánh An (64 tuổi) - con gái nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (tên khai sinh là Nguyễn Bá Đàn), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, cũng gắn bó với ngôi nhà được 42 năm.

Khu vực phòng khách (trước là phòng studio của đài phát thanh) - nơi gia đình bà Khánh An sinh sống.

So với tầng hai - nơi gia đình ông Trung sinh sống, nhà bà An có diện tích hơn 100 mét vuông bao gồm cả sân vườn. "Ngày trước phòng không có vách ngăn mà cứ "thông thống" hết. Gia đình tôi có làm một bức tường để ngăn cách phòng khách với phòng bếp và sử dụng chiếc tủ kệ dài để tạo phòng ngủ. Hầu hết thiết kế trong ngôi nhà vẫn giữ nguyên".

Phần sân sau của ngôi nhà của bà An. 

Trước thông tin tòa biệt thự này đứng trước nguy cơ bị phá dỡ để phục vụ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, nối cầu Vĩnh Tuy tới Ngã tư Sở của UBND TP Hà Nội, 30 người dân sinh sống trong tòa nhà cổ không khỏi luyến tiếc.

Mỗi lần nhắc đến việc phải phá dỡ ngôi nhà, bà An không kìm được nước mắt. "Tiếc chứ, cả một công trình gắn liền với lịch sử, nếu bảo không tiếc là nói dối. Đó là nơi sinh sống, lập gia đình rồi cũng chính là nơi bố mẹ tôi qua đời. Vui buồn đủ cả, vậy mà phá đi thì uổng quá. Tôi chẳng tiếc của cải, cũng sẵn sàng chuyển đi, nhưng nếu có cách nào giữ lại ngôi nhà thì quý quá", bà nói. 

Ăng-ten parabol được một người bạn tặng cho gia đình ông Lý Văn Sáu từ những năm 80, để thu tín hiệu đài nước ngoài, không phải là di tích còn lại của trạm phát sóng.

"Trước đây khi còn sống, bố tôi vẫn dặn dò các con nên gìn giữ ngôi nhà, đừng di dời hay cải tạo kiến trúc vốn có. Giờ cứ nghĩ đến cảnh cần cẩu, xe ủi đập thẳng vào ngôi nhà mà cảm thấy đau xót kinh khủng".

"Đây là sàn gạch với họa tiết hoa văn từ thời xưa, phía dưới kia còn một căn hầm rộng bằng diện tích bằng cả tòa nhà, cao chừng 1,6 m; rồi chiếc lò sưởi cũ, những cột nhà được thiết kế thuôn dài ở trên và hơi phình ở dưới... - mỗi khi có ai hỏi về kết cấu đặc biệt của ngôi nhà, bà An đều tả chi tiết rồi lại dẫn mọi người đi xem. Với bà, ngôi nhà như một phần máu thịt, nơi cất giấu nhiều ký ức đẹp.

Dù là nhà ở phố, căn biệt thự hơn 100 năm tuổi vẫn giữ được nét cổ kính vốn có. Những mái vòm với họa tiết hoa văn nổi, chiếc cửa gỗ xanh còn vẹn nguyên, những bậc cầu thang lên xuống đã mòn vì bước chân người đi, mái ngói rêu phong nhuốm màu thời gian và cả rặng tre xanh phủ kín căn nhà.

"Những hộ gia đình ở đây giải tỏa gần hết, xung quanh bụi mù rồi rác thải chất đống, khó chịu lắm nhưng bảo chuyển đi lại không nỡ. Thôi thì được ở ngày nào hay ngày ấy", bà An tâm sự.

Liên quan đến căn biệt thự số 10 ngõ 128C Đại La, UBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, phường đang tổng hợp ý kiến phản ánh từ người dân, cộng đồng để báo cáo UBND quận, UBND thành phố xem xét. Theo kế hoạch, căn biệt thự này sẽ bị phá dỡ trước ngày 31/12.

Mới đây, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét bảo tồn ngôi biệt thự cổ (Nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 ngõ 128C Đại La (quận Hai Bà Trưng).

Thúy Quỳnh

Ảnh: Tùng Đinh