Thứ tư, 13/5/2020, 12:00 (GMT+7)

Stylist 22 tuổi đứng sau loạt MV hàng chục triệu view của Vbiz

Sinh năm 1998, mới bắt đầu công việc stylist được 2 năm nhưng Mei Mei đã được các ca sĩ tin tưởng vì có khả năng tạo nên những MV với màu sắc và trang phục độc đáo, riêng biệt.

Thị trường nhạc Việt vài năm gần đây có hàng loạt MV được đầu tư về mặt kịch bản, hình ảnh. Nếu nhắc tới những Màu nước mắt, Tự Tâm (Trung Quân), Chị ngả em nâng (Bích Phương), Ai cần ai (Bảo Anh), Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc), Chân ái (Orange) hay Kẻ cắp gặp bà già (Hoàng Thùy Linh), không khó để tìm được hai điểm chung: đó đều là những MV triệu view và có yếu tố hình ảnh, thời trang rất màu sắc, đã mắt.

Ít ai biết đứng sau, góp phần tạo nên style thời trang độc lạ của các MV này là một cô gái rất trẻ: Mei Mei (Phương Mai). Cô nàng sinh năm 1998 là cựu sinh viên khoa Thiết kế thời trang, Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội (LCDF).

Cùng nghe Mei Mei chia sẻ về công việc stylist cho một MV.

Mei Mei (giữa) trong buổi ra mắt MV 'Màu nước mắt'. Cô nàng stylist 22 tuổi yêu thích phong cách tomboy, đơn giản.

- Bạn bắt đầu với công việc stylist thế nào?

- Công việc này đến với mình khá bất ngờ. Khi mình đang chuẩn bị cho kỳ tốt nghiệp vào năm 2018, anh Denis Đặng giám đốc sáng tạo (khi ấy cũng là một người bạn mới quen) gọi điện chia sẻ với mình về một dự án rất tâm huyết. Sau thời gian trao đổi, khi vừa hoàn thành show thời trang tốt nghiệp tại trường, mình bay thẳng vào Sài Gòn và hội tụ cùng êkíp của Denis để bắt đầu dự án đầu tiên và cũng chính là sản phẩm thành công nhất cho đến giờ trong sự nghiệp của mình - Màu nước mắt.

- Bạn nhận được những phản hồi thế nào về MV đầu tay này?

- Lúc MV vừa được phát hành, điện thoại của mình nổ tin nhắn liên hồi, toàn là lời chúc mừng đến từ gia đình, bạn bè, rồi vào mạng xã hội ngập tràn bài chia sẻ về MV nữa. Đến giờ MV cũng được hơn 50 triệu view rồi, nhiều người còn ví von giống như một phim ngắn về thời trang của Dolce&Gabbana nên mình vui và hạnh phúc lắm. Nhờ sản phẩm đầu tay này, mình bắt đầu nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các nghệ sĩ khác. Nửa năm sau đó, mình thậm chí quá tải công việc và phải tuyển trợ lý stylist riêng.

'Màu nước mắt' được ca ngợi là MV có kịch bản đỉnh nhất năm 2018 cũng như trang phục đẹp xa hoa, cổ điển, vương giả.

- Ngoài 'Màu nước mắt', quá trình làm stylist cho các MV khác của bạn có gì đáng nhớ?

- Sản phẩm mình thực hiện chủ yếu là các video ca nhạc như Chị ngả em nâng (Bích Phương), Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc), Ai cần ai (Bảo Anh), Chân ái (Orange Khói), Tự Tâm, Canh ba (Nguyễn Trần Trung Quân), hay mới đây nhất mình có đóng góp một phần công sức trong Kẻ cắp gặp bà già - MV đang hot của Hoàng Thùy Linh. Ngoài ra, mình còn thực hiện một số bộ ảnh thời trang cho ca sĩ, diễn viên và các MV thương mại khác.

Trong số này, MV Chị ngả em nâng là sản phẩm mình có thời gian để chuẩn bị ít nhất, chỉ tầm 10 ngày trước khi bấm máy (với Màu nước mắt là hơn một tháng). Cực kỳ gấp gáp nhưng đồ thì lại rất phức tạp. Mình đã chuẩn bị đâu đó 40 bộ trang phục bao gồm cả đồ may và đồ mượn của các NTK khác. MV quay trong 2 ngày thì có những bộ đồ phải tới sáng ngày quay thứ hai mới may xong.

Trong MV này, Bích Phương khiến người ta liên tưởng tới một bà đồng với tính cách quái đản thú vị. Trang phục mang hơi hướng Ấn Độ nhưng thật ra đều là sự kết hợp từ đồ của các NTK Việt trong đó có sản phẩm của Mei Mei.

Quá trình lên đồ cho MV Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc từng khiến mình "đau tim" lên xuống. Mình và cô thợ may đã cãi nhau cực căng vì sản phẩm không đúng ý. Hôm sau mình đi mua vải may lại từ đầu và hẹn ngày hôm đó phải may xong. Nhưng hết ngày, tới ngày hôm sau nữa đồ vẫn chưa có. Mình đã phải ra sân bay trước để check-in gửi hành lý, sau đó đặt ship đồ tới tận sân bay ngay trước giờ khởi hành.

Trang phục trong MV này nhìn khá đơn giản nhưng cũng vất vả để hoàn thành, từ khâu đi chọn vải gấm, chọn họa tiết màu sắc cho vải, rồi làm hình thêu để tạo nên chi tiết cho mỗi cái áo dài. Mình còn ngồi tỉ mẩn làm khăn đóng và ngọc bội treo áo cho từng bộ nữa.

Trang phục trong MV 'Hết thương cạn nhớ' đơn giản nhưng cần stylist nghiên cứu kỹ vì có yếu tố lịch sử.

- Bạn trải qua những công đoạn nào để chuẩn bị trang phục cho một MV? 

- Đầu tiên là đọc kịch bản, họp với ca sĩ, art director. Sau đó về nhà, mình sẽ tìm hiểu thêm rồi gửi thông tin trang phục cho êkíp. Khâu này lặp lại nhiều lần và mất nhiều thời gian nhất. Sau khi được duyệt, mình sẽ tiến hành chuẩn bị trang phục, phụ kiện. Công đoạn này là gấp rút nhất và mệt nhất. Tiếp đó là ngày fitting và quay. Ngoài ra còn có những thay đổi phát sinh sau khi fitting và ngay cả trước lúc bấm máy nữa.

Với MV Màu nước mắt, mình nhận dự án từ cuối tháng 8 và tới tháng 10 mới bấm máy nên đây là MV mình có thời gian dài nhất để chuẩn bị. Lúc duyệt ý tưởng với êkíp tốn rất nhiều thời gian nên sau đó mình còn ít thời gian để chuẩn bị đồ. Khi ấy vừa bị áp lực về thời gian vừa áp lực từ chính mình bởi không thể tặc lưỡi kiểu "Ừ thôi không có nhiều thời gian thì mình làm được tới đấy là tốt rồi". Mình luôn muốn điều tốt nhất cho tất cả sản phẩm. Khi chưa ưng ý, mình không thể ngủ hay cho phép bản thân được nghỉ. Chắc vì thế mà mình luôn thấy mệt.

- Những kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn trong quá trình làm stylist ?

- Lúc mới bắt đầu với MV Màu nước mắt, mình chỉ có một mình và phải tự làm mọi việc, mỗi ngày đều phải chạy khắp Sài Gòn. Là lần đầu tiên vào, không biết đường sá gì hết nhưng mình vẫn chạy khắp ngõ ngách, đủ các chợ để mua từng mảnh vải, nhặt từng miếng đá, hạt... về làm mấy món phụ kiện.

Sau cả ngày lê la, tối về mình lại ôm máy tính để làm hình in, hình thêu. Sau này, khi có thêm các chị em chung team cùng san sẻ công việc, mỗi khi có ai đó kêu mệt, mình chợt nhớ lại những ngày đầu tiên đó, không hiểu hồi ấy sao lại có thể phi thường đến thế.

Concept độc đáo của Orange trong 'Chân ái'.

- Ngoài việc mượn đồ từ các nhà thiết kế, thương hiệu lớn, bạn còn đích thân thiết kế đồ cho các MV. Mei Mei có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Mình có hai năm học Thiết kế thời trang tại Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội (LCDF). Hai năm cực "gắt" nên bây giờ mình có thể làm từ A-Z các công đoạn cho ra một sản phẩm cao cấp và hoàn hảo. Phần lớn trong các MV mình đều tham gia thiết kế. Đây là lợi thế rất lớn vì như vậy đồ luôn được chuẩn theo ý tưởng trong đầu mình.

- Có điểm khác biệt nào khi làm trang phục quay MV và các trang phục để bán ?

- Hầu hết sản phẩm mình làm đều có concept khá đặc biệt như hoàng gia (Màu nước mắt), cổ trang (Hết thương cạn nhớ), tuồng chèo (Chân ái) , vintage (Chị ngả em nâng). Phần lớn đồ kiểu này đều không có sẵn. Nó cần chất liệu, họa tiết vải mang đúng tinh thần, đúng thời gian nên nhiều lúc không thể mua được và mình phải tự làm hình in để in vải. Đặc biệt nhiều kiểu trang phục mình phải nghiên cứu rõ để tránh sai lệch vì có liên quan tới lịch sử văn hóa thời trang.

Ví dụ như khi làm MV Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc, sau khi nghe câu chuyện về MV là truyện Chí Phèo, mình đã nghiên cứu về kiểu dáng, màu sắc và các chi tiết đặc trưng của trang phục thời đó. Sau đó kết hợp với xu hướng hiện tại để dung hoà tính nghệ thuật hiện đại và tính lịch sử thời trang cho MV.

Hình ảnh của Bảo Anh từ concept đến thực tế. Quá trình để chốt concept thường diễn ra rất lâu nên sau khi được duyệt, stylist gần như phải "vắt chân lên cổ" để chuẩn bị đồ cho kịp tiến độ quay.

- Stylist cho MV đang lên ngôi như một nghề thời thượng. Bạn sẽ nói gì với những người trẻ cũng muốn theo đuổi công việc này?

- Theo mình đây chắc chắn là một việc vất vả, cần có sức khoẻ, sự kiên trì, quyết tâm, ham học hỏi. Phải biết lắng nghe ý kiến người khác nhưng cũng phải bảo vệ và có chính kiến riêng để thuyết phục và khẳng định những sáng tạo của mình với khách hàng. Có kiến thức về thời trang là tối quan trọng.

Khi vào nghề stylist này, mình thấy được nhiều nhất chính là kinh nghiệm làm việc, có những trải nghiệm chưa bao giờ có và các mối quan hệ mới. Trong các công việc liên quan đến nghệ thuật hầu hết mọi người đều có cá tính và muốn bảo vệ ý kiến của họ nên sẽ không tránh khỏi những tranh cãi gây mất lòng nhau.

Nhờ được học thiết kế một cách bài bản đi kèm thực hành, mình đã có khá nhiều kiến thức từ các môn học khác nhau, đó cũng là một lợi thế của mình so với các bạn stylist khác. Ví dụ như chính vì có kiến thức về rập, may nên mình khá tự tin khi tự làm trang phục cho các MV. Ngoài ra ở trường, mình cũng được học về digital nên thường tự design hình in, hình thêu theo ý mình. Mảng chất liệu cũng được học khá kỹ nên việc đi chợ và chọn mua vải phù hợp với từng chất liệu đối với mình cũng rất dễ dàng.

Phương Mai và BST tốt nghiệp mang tên "Mọt sách".

- Trong tình hình các hoạt động nghệ thuật bị hạn chế vì Covid-19, công việc của bạn có gì thay đổi? 

- Mọi công việc của mình đều đang tạm dừng. Thường những lúc không có dự án, mình dành thời gian để nghiên cứu thêm về nghề, học thêm cái này cái kia phục vụ cho công việc. Về kinh tế, mình vẫn sống thoải mái với phần thu nhập từ các dự án trước. Ngoài ra, trong tương lai mình cũng có ý định sẽ mở brand thời trang riêng và muốn nó trở thành nguồn thu nhập ổn định.

Trang Shaelyn (thực hiện)