Thứ tư, 8/1/2020, 00:02 (GMT+7)

Những sự kiện thời trang gây chấn động 2019

Sự ra đi của huyền thoại Karl Lagerfeld, tuyên bố phá sản của Topshop, Forever 21... biến 2019 thành một năm buồn trong lĩnh vực thời trang.

1. Karl Lagerfeld qua đời

Sau một thời gian ốm nặng, Karl Lagerfeld qua đời vào 19/2 tại Paris, hưởng thọ 85 tuổi. Đây là một mất mát lớn bởi nhà thiết kế tài năng này được xem là huyền thoại của giới thời trang, vốn được gọi với biệt danh "ông trùm".

Karl Lagerfeld.

Karl Otto Lagerfeld sinh năm 1933 tại Đức. Ông đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo cho Chanel từ năm 1983, hơn 10 năm sau khi nhà sáng lập của Chanel - Gabrielle "Coco" Chanel - qua đời. Lúc bấy giờ, nhà mốt này đang trên bờ vực phá sản. 

Đúng như ông đã khẳng định, bằng bàn tay tài hoa và óc sáng tạo tuyệt vời, Karl Lagerfeld vực dậy Chanel thành công, biến thương hiệu này thành cái tên hàng đầu trong lĩnh vực thời trang cao cấp, là biểu tượng của những quý cô sang chảnh, là đặc trưng nhận diện cho những ngôi sao và giới thượng lưu.

Hơn 50 năm tồn tại trong giới thời trang, Karl Lagerfeld giúp Chanel thành một đế chế, không chỉ bằng những bộ sưu tập hòa trộn hơi thở cổ điển và hiện đại, mà còn bằng những sàn catwalk gây choáng ngợp, lồng ghép khéo léo giữa thời trang, nghệ thuật và cuộc sống.

Chanel Thu Đông 2019 là bộ sưu tập cuối cùng có những sáng tạo của Karl Lagerfeld. Nhà thiết kế quá cố đưa người xem đến một ngày mùa đông đẹp trời trên núi cao, tuyết phủ trắng xóa. Giọng nói của Karl vẫn vang lên bằng tiếng Pháp trước khi buổi diễn bắt đầu, khiến người xem đều xúc động.

BTS Chanel Thu Đông 2019
 
 
Show Chanel Thu Đông 2019.

2. Victoria's Secret hủy làm show

Sau lần đầu tiên vào năm 1995, Victoria's Secret show được tổ chức thường niên, cho đến khi quyết định tạm dừng vào 2019. Trước khi hủy bỏ, Victoria's Secret show từng là chương trình biểu diễn thời trang nội y được mong chờ nhất năm, nơi khởi nguồn của rất nhiều mỹ nhân, siêu mẫu hàng đầu làng mốt. Cụm từ "thiên thần của Victoria's Secret" cũng đã trở nên quen thuộc với giới mộ điệu.

Vài năm gần đây, Victoria's Secret trải qua thời kỳ tăm tối nhất lịch sử. Theo số liệu được đưa ra trên đài ABC của Mỹ, lượng người xem show vào năm 2018 chỉ đạt 3,3 triệu, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Doanh thu sụt giảm, công ty phải đóng cửa 20 cửa hàng, giá đồ lót dòng cơ bản cũng thấp kỷ lục. 

Năm 2018, hãng nội y này gặp nhiều rắc rối bởi có những phát ngôn gây tranh cãi, bị kêu gọi tẩy chay vì coi thường người mẫu ngoại cỡ. Dù có nhiều động thái "lấy lòng" khách hàng như mời mẫu ngoại cỡ, mẫu chuyển giới, Victoria's Secret vẫn chưa lấy lại được vị thế. 

Người mẫu mở màn của Victoria's Secret từ 1999-2014
 
 
Những thiên thần tiêu biểu của Victoria's Secret.

3. Topshop, Forever 21 sụp đổ

Forever 21 (F21) là một thương hiệu thời trang bán lẻ ra đời năm 1984, có trụ sở đặt tại Los Angeles, Mỹ. Nhà sáng lập của hãng là ông Do Won Chang, doanh nhân người Mỹ gốc Hàn.

Ngày 28/8, Bloomberg đưa tin Forever 21 chuẩn bị nộp đơn phá sản, loại bỏ những cửa hàng không mang lại lợi nhuận, cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp. Dựa trên tình hình kinh doanh của hãng, đây là kết cục được dự báo trước. Tuy nhiên sự sụp đổ của Forever 21 vẫn là tin buồn với tín đồ thời trang. Đã có thời điểm, hầu như cô gái nào cũng có ít nhất một sản phẩm Forever 21 trong tủ quần áo. 

Sau Forever 21, thương hiệu thời trang bình dân của Anh là Topshop Topman cũng đệ đơn xin bảo hộ phá sản, đồng thời đóng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop và Topman tại Mỹ. Công ty mẹ Arcadia Group ước tính tài sản của công ty tại Mỹ chỉ vào khoảng 53 triệu USD, trong khi nợ lên đến 179 triệu USD.

Topshop tấn công thị trường Mỹ vào 2009. Tuy nhiên, thương hiệu đến từ xứ sở sương mù đã không thể thực hiện tham vọng bành trướng khi tính đến thời điểm trước khi phá sản, hãng chỉ mở được tổng cộng 11 cửa hàng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ, con số khá khiêm tốn. Các thiết kế của Topshop dù có kiểu dáng đặc trưng, phù hợp với giới trẻ thành thị nhưng vẫn khó cạnh tranh với các thương hiệu cùng phân khúc. Không chỉ ở Mỹ, nhiều cửa hàng Topshop ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng phải đóng cửa.

Thêm vào đó, Chủ tịch Phillip Green đối mặt với các cáo buộc quấy rối tình dục và các hành vi phân biệt chủng tộc. Vụ bê bối khiến thương hiệu bình dân đình đám một thời này đối mặt với làn sóng tẩy chay của khách hàng.

4. Barneys New York phá sản

Ngành kinh doanh thời trang ảm đạm khiến một "ông lớn" khác rơi vào tình trạng phá sản, đó là biểu tượng xa xỉ của New York - Barneys New York. Ngày 31/10, công ty tuyên bố sẽ đóng cửa 15 trong số 22 địa điểm trong một nỗ lực tái cấu trúc. Tất cả cửa hàng Barneys New York sẽ được chuyển sang cho thương hiệu Saks Fifth Avenue tiếp quản, có khoảng 2.000 nhân viên bị sa thải.

Barneys được sáng lập bởi Barney Pressman tại thành phố New York năm 1923. Ban đầu đây là một cửa hàng bán quần áo giá rẻ cho nam giới. Mãi đến những năm 70, Barneys mới trở thành nhà bán lẻ cao cấp. 

Thương hiệu với tuổi đời gần 100 năm này từ lâu đã được xem là biểu tượng của phong cách sống xa xỉ, cao cấp cho giới thượng lưu tại New York cũng như là địa điểm yêu thích của người nổi tiếng và các tín đồ thời trang. Tuy nhiên sự phát triển của mua sắm trực tuyến khiến khách hàng ngày càng giảm, cùng với đó là chi phí mặt bằng tăng cao, khiến thương hiệu không thể duy trì, kết thúc một đế chế tồn tại gần một thế kỷ.

Trang Shaelyn