Thứ năm, 13/2/2020, 19:00 (GMT+7)

Giới thời trang khủng hoảng nặng nề vì virus corona

Dịch bệnh lây lan trên diện rộng khiến hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa, fashion week thế giới vắng bóng giới thời trang châu Á...

Sự bùng phát của dịch nCoV khiến nền kinh tế không chỉ ở Trung Quốc mà còn khắp thế giới bị đình trệ và rơi vào khủng hoảng. Nó còn ảnh hưởng mạnh đến nhiều nền công nghiệp chính, trong đó có ngành thời trang.

Shanghai Fashion Week - từng là nơi tụ hội của 1.700 thương hiệu - phải tạm hoãn vì dịch nCoV.

Mùa fashion week ảm đạm

Mới đây, BTC Shanghai Fashion Week (Tuần lễ thời trang Thượng Hải) thông báo trên mạng xã hội việc sẽ trì hoãn vô thời hạn sự kiện, dù trước đó đã có kế hoạch tổ chức từ 26/3 đến 4/2. "Chúng tôi sẽ tích cực tìm một khung thời gian phù hợp khác để tổ chức sự kiện", BTC viết.

Việc Thượng Hải vắng mặt trong bản đồ thời trang châu Á sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu của nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế.

Trong những năm gần đây, Shanghai Fashion Week đã vươn tầm trở thành tuần lễ thời trang hàng đầu khu vực, đồng thời là nơi diễn ra hội chợ thương mại thời trang lớn nhất châu Á. Đây không chỉ là nơi tụ hội của những thương hiệu, nhà thiết kế nổi tiếng nhất Trung Quốc, mà còn là không gian giới thiệu bộ sưu tập cho những cái tên hàng đầu thế giới. Vera Wang, Jenny Peckham hay Burberry đều không thể quảng bá thương hiệu ở tuần lễ Thượng Hải mùa này.

Fashion Week trước đây luôn tấp nập các sao và giới thời trang Trung Quốc. Ảnh: Vogue.

Vì virus corona, không chỉ có tuần lễ thời trang ở Trung Quốc mới chịu tổn thất. Lệnh cấm xuất nhập cảnh để tránh sự lây lan của bệnh dịch khiến hàng loạt nhà thiết kế, khách hàng, phóng viên, biên tập viên thời trang, người mẫu đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan... không thể tham dự tuần lễ thời trang ở 4 kinh đô New York, Paris, Milan và London.

Tại New York Fashion Week đang diễn ra, thiếu vắng sự góp mặt của nhiều tên tuổi. Trong show của Luooif Studio, hai nhà thiết kế của thương hiệu là Lena Luo và Ekcee Chan không thể bước ra chào khán giả. Thay vào đó, trợ lý của các NTK mang một chiếc laptop ra sàn diễn, chiếu hình ảnh của họ lên màn hình để thay thế.

Tại Milan, dự đoán sẽ có khoảng 1.000 người trong giới thời trang đến từ Trung Quốc sẽ phải ngồi ngoài mùa này. Có 3 nhà thiết kế đến từ đất nước tỷ dân cũng đã công bố không diễn bộ sưu tập mới. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Paris với 6 nhà thiết kế Trung Quốc phải hủy bỏ lịch trình.

Trong khi đó tại London Fashion Week, nhà thiết kế người Anh gốc Việt A Sai Ta của nhà mốt ASAI tuyên bố sẽ hủy show vì bộ sưu tập sản xuất tại Thượng Hải quá chậm trễ. Trung Quốc là nơi cung cấp hơn một nửa số sản xuất dệt may trên thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ đã chậm lại trước tình hình virus lây lan rộng. Hàng loạt đơn hàng của các hãng thời trang lớn ở châu Âu không thể đảm bảo đúng hạn vì nhiều nhà máy đóng cửa, chưa hẹn ngày mở lại.

Hàng loạt thương hiệu đóng cửa hàng

Người tiêu dùng đến từ đất nước tỷ dân đóng góp sự tăng trưởng lớn hoặc giảm sút mạnh vào doanh thu của các thương hiệu cao cấp. Theo Vogue, tại Sanlitun - khu mua sắm sầm uất bậc nhất Bắc Kinh, từng có 600-800 người đi bộ qua cửa và 90-120 người trong số đó vào mua hàng. Tuy nhiên, hiện tại chỉ cần có 5 khách vào xem đồ cũng là điều quá xa xỉ.

Theo dự đoán, ảnh hưởng của virus corona khiến trong 6 tháng tới, doanh số bán hàng của các thương hiệu Italy tại Trung Quốc sẽ giảm khoảng 1,8 %.

Cảnh xếp hàng trước store Louis Vuitton ở Thượng Hải là điều quá xa xỉ hiện tại. Ảnh: QQ.

Để tránh lây lan dịch bệnh, thương hiệu Burberry quyết định tạm đóng cửa 24/64 cửa hàng tại Trung Quốc. Đại diện hãng tiết lộ lượng khách ghé thăm cửa hàng giảm đến 80% vì virus corona. Thương hiệu Moncler vừa chứng kiến sự phát triển chóng mặt ở thị trường đại lục trong năm 2019 cũng phải chấp nhận tạm đóng cửa 1/3 số cửa hàng trong giai đoạn này. Kế hoạch mở các store mới cũng bị hoãn vô thời hạn. Thương hiệu Prada mới đây cũng xác nhận với Reuters sẽ không nhận khách hàng ở một số store tại Trung Quốc, Macau.

Tapestry, công ty mẹ của thương hiệu thời trang Mỹ Coach, tạm thời đóng cửa phần lớn cửa hàng ở Trung Quốc. Theo báo cáo của Fox News, điều này sẽ khiến tập đoàn thất thu khoảng 250 triệu USD.

Ở Đài Loan, sự kiện khai trương của các thương hiệu cao cấp Cartier và Fendi dự kiến tổ chức trong tháng 2 đã phải tạm hoãn.

Các thương hiệu thời trang bình dân như Adidas, The North Face, Timberland, Vans... cũng ảnh hưởng nặng nề, phải đóng đến 60% số cửa hiệu. Thương hiệu bán lẻ hàng đầu Nhật Bản - Uniqlo - tuyên bố đóng 270 cửa hàng trên tổng số 750 cửa hàng khắp Trung Quốc. Nhãn hàng này vốn dự định bành trướng đến 1.000 cửa hàng khắp đại lục, tuy nhiên kế hoạch này đã bị tạm dừng.

Cảnh ảm đạm trong một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh giữa mùa dịch. Ảnh: AP.

Với tình hình lây lan của virus corona, các hiệp hội thời trang cố tìm mọi cách để sức mua của khách hàng Trung Quốc không quá giảm sút. CNMI (Camera Nazionale della Moda Italiana - Phòng thời trang quốc gia Italy ) phát động chiến dịch "China, We Are With You" với một loạt sáng kiến kỹ thuật số, bao gồm cả việc phát trực tiếp hình ảnh hậu trường các show diễn, những cuộc đối thoại của giới chuyên môn nhằm giúp khách hàng Trung Quốc có thể trải nghiệm tuần lễ thời trang từ xa.

Theo Business of Fashion, do dòng chảy tiêu dùng giảm mạnh và tổn thất nặng nề của các thương hiệu, một số trung tâm thương mại tại Trung Quốc đã đề xuất các giải pháp. Hãng bất động sản Hang Lung đang sở hữu trung tâm hương mại nổi tiếng Hang Lung Plaza thông báo sẽ cho người thuê gian hàng giảm giá/miễn phí thuê trong 3 tuần. Wanda group và China Resources Land cũng cung cấp giải pháp miễn phí thương hiệu và miễn phí thuế. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời. Việc giới thời trang năm nay ảnh hưởng đến mức nào, vẫn còn cần phải chờ tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Trang Shaelyn