Thứ hai, 29/6/2020, 13:58 (GMT+7)

Đức Thịnh mong khỏi ung thư để chăm lo vợ con

Nam diễn viên trăn trở vì 20 năm làm nghề, hao tốn nhiều tiền của cho nghệ thuật, không lo được nhiều cho gia đình nhưng giờ lại đổ bệnh, để vợ con phải chăm sóc.

Diễn viên Đức Thịnh.

- Anh phát hiện bệnh trong hoàn cảnh nào?

- Tôi phát hiện bệnh hôm 25/3, đúng dịp sinh nhật 6 tuổi của con trai. Bệnh của tôi không có triệu chứng đau đớn, chỉ nổi một khối u duy nhất với kích cỡ to bằng cái nắm tay trên cổ. Đặc biệt, khối u này chỉ nổi trong một tiếng, lúc ngủ trưa. Ban đầu, tôi nghĩ mình hoạt động nhiều, bị sưng cơ nên dán cao để giảm đau. Hai ngày sau không khỏi, khối u ở cổ tôi bắt đầu sưng to, tôi quyết định vào viện gần nhà khám. Bác sĩ kết luận tôi bị viêm và cho thuốc uống. Tuy nhiên, tôi uống thuốc hơn 10 ngày vẫn không khỏi. Bệnh không thuyên giảm, tôi vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương xét nghiệm máu. Họ vẫn kết luận tôi bị viêm và được tăng cường uống gấp đôi kháng sinh.

Hơn 20 ngày trôi qua, bệnh vẫn không khỏi, tôi bắt đầu nghi ngờ sức khỏe của mình có dấu hiệu không hay. Tôi tiếp tục đến Bệnh viện Ung bướu kiểm tra. Bác sĩ siêu âm ra hai chỗ có khối u là ở cổ và ngực. Tôi được chỉ định mổ khối u trên cổ để sinh thiết. Bác sĩ sau đó kết luận tôi bị ung thư hạch giai đoạn hai. Đã chuẩn bị sẵn tinh thần 50/50 nên tôi không quá sốc, chỉ hụt hẫng khi nhận tin dữ. Một tháng tìm ra bệnh, tôi trải qua nhiều cảm giác từ nghi ngờ, bồn chồn đến lo lắng. Nhưng hiện tại, tôi chấp nhận sống chung với bệnh. Tôi biết vợ còn sốc hơn mình.

Tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì triệu chứng bệnh xuất hiện sớm để đi khám. Nhiều người sang giai đoạn 4, 5, thậm chí di căn mới phát bệnh thì khi ấy không còn khả năng cứu chữa. Bệnh của tôi vẫn còn khả năng chữa trị. Loại bỏ được tế bào ung thư, sức khỏe sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, chữa bệnh phải trường kỳ và thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống, sinh hoạt để tế bào ung thư không phát triển trong cơ thể.

Đức Thịnh sau một lần hóa trị.

- Sức khỏe của anh ảnh hưởng thế nào trong quá trình điều trị?

- Sau ba tháng phát bệnh, tôi đã hóa trị bốn lần ở bệnh viện K Tân Triều. Tôi vẫn đang ở chu kỳ 1 của phác đồ điều trị hóa chất. Mỗi lần truyền hóa chất cách nhau 13 ngày. Hóa chất là chất độc. Mỗi lần truyền hóa chất vào người, ven mạch máu bị cháy đen. Các đầu ngón chân, ngón tay của tôi cháy đen như bị dập móng. Truyền hóa chất vào người cũng khiến thể trạng mệt mỏi. Cái mệt này rất khó tả. Sau mỗi đợt hóa trị khoảng hai đến ba ngày, hai cánh tay tôi đau nhức như kiến bò trong xương, không thể ngủ nổi. Nhưng tình trạng này chỉ kéo dài 1-2 ngày là hết. Trộm vía, tôi không bị tác dụng phụ ói, nôn nao như nhiều bệnh nhân khác khi truyền hóa chất mà vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường.

Vợ tôi vẫn nhẹ nhàng, luôn bên cạnh động viên, chăm sóc. Tôi có hai cháu, một bé trai 6 tuổi và một bé gái 4 tuổi. Các cháu đã quen với việc ăn cơm xong, mỗi tối sẽ tranh nhau pha thuốc cho bố. Khi tôi vào viện điều trị, hai con liên tục gọi điện hỏi thăm sức khỏe. Khi thấy tôi thức khuya, các con giục bố đi ngủ sớm. Bố tôi thậm chí còn lên phương án dự phòng sẽ bán nhà vì biết việc điều trị ung thư tốn kém nhiều chi phí. Tôi thấy may mắn khi nhiều bạn bè, đồng nghiệp hỏi han, quan tâm và động viên mình.

- Chi phí điều trị được anh trang trải thế nào?

- Mỗi bệnh nhân ung thư có chi phí điều trị khác nhau. Như tôi, chu kỳ 1 tiêu tốn 30 triệu đồng vì phải mua lượng thuốc lớn cho bốn lần truyền. Nhưng có những bệnh nhân phải dùng morphine, mỗi tháng lên tới 60-70 triệu đồng, nặng hơn thì tốn khoảng 150-200 triệu đồng. Những người phát bệnh ở giai đoạn 4,5, tế bào ung thư di căn lên các bộ phận khác trên cơ thể thì tiền điều trị như muối bỏ biển.

Gia đình Đức Thịnh.

- Anh gặp khó khăn gì trong quá trình điều trị?

- Dịch Covid-19 khiến việc điều trị của tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi phải sử dụng thuốc ngoại, nhưng vì các đường bay quốc tế vẫn chưa mở cửa, thuốc vẫn chưa được nhập về. Trải qua bốn lần hóa trị, tôi đang hết thuốc. Không biết lần thứ 5 tới, bác sĩ sẽ có phương án gì, bệnh viện có cách nào để lấy được thuốc hay không. Bác sĩ nói với tôi họ lo lắng vì không lấy được thuốc. Tất cả bệnh nhân đều phải chờ.

Đầu tháng 7 tới, tôi sẽ khám lại để bắt đầu chu kỳ điều trị thứ hai. Khối u của tôi hiện tại vẫn chưa hết, thậm chí diễn tiến bệnh có thể phức tạp hơn.

- Công việc của anh bị ảnh hưởng thế nào từ thời điểm phát bệnh?

- Hai lần điều trị đầu tiên, tôi không làm gì cả. Hai đợt tiếp theo, ra vào bệnh viện nhiều nên tôi có gặp một số bệnh nhân chữa K. Có người đang ở chu kỳ 5, mỗi chu kỳ có 6-9 lần truyền hóa chất. Có người đã sống với K 8-9 năm, xem bệnh viện là nhà. Tôi khi ấy tự nhủ rằng bản thân không thể nằm chờ khỏi bệnh, đỡ bệnh để làm việc. Do đó, hết lần truyền hóa chất thứ hai, tôi đã trở lại với công việc. Tôi đang viết kịch bản, sản xuất các chương trình đều đặn.

Ở với nhiều bệnh nhân, có những người đau đớn, gào thét, chửi bới khi bị K giai đoạn cuối. Có những bệnh nhân hết tiền mua morphine, gia đình phải xin về. Thậm chí, có những người nghe tin bị ung thư thì bỏ về luôn, không tiếp tục chữa trị vì không có tiền. Tôi thấy mình còn may mắn vì có gia đình, bạn bè bên cạnh. Bản thân tôi có hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, 10 năm đi diễn nên mối quan hệ với các diễn viên, ca sĩ rất nhiều. Do đó, tôi đang làm dự án Tình K bốn mùa, mỗi tháng một đêm nhạc.

Đêm đầu tiên diễn ra ngày 2/7 với sự tham gia của ca sĩ Quang Hà, Hiền Anh, NSƯT Hồng Liên. Đêm nhạc diễn ra với quy mô nhỏ ở phòng trà. Nếu kết quả tốt, tôi sẽ mở rộng dự án và kêu gọi thêm nhiều đồng nghiệp tham gia. Số tiền thu về, tôi sẽ dùng để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, đang điều trị ung thư tại Bệnh viện K Tân Triều. Số tiền lớn, tôi sẽ chia ra, mỗi người 10-15 triệu đồng. Còn nếu thu về ít, tôi sẽ tập trung hỗ trợ một hoàn cảnh. Tôi biết việc làm này như muối bỏ biển nhưng nghĩ bản thân vẫn nên làm vì hơn hết đó là sự sẻ chia. Tinh thần của tôi khi điều trị cũng tốt hơn.

- Mong muốn lớn nhất của anh hiện tại?

- 20 năm làm nghề, đến giờ phút này, kinh tế của tôi rất tệ. Tôi buồn vì không lo được nhiều cho gia đình nhưng lại đổ bệnh, để vợ con phải chăm sóc. Đó là điều tôi rất trăn trở, sốt ruột. Tôi mong mình có thể hoàn thiện các dự án nghề nghiệp để có kinh tế, lo cho gia đình vì không biết trước ngày mai sẽ ra sao.

Ngày xưa, tôi cứ lao đầu, mải miết làm nghệ thuật một cách mù quáng theo kiểu "tôi không cần tiền, chỉ cần cống hiến". Nhưng ở góc độ cá nhân, là một người có gia đình, tôi thấy việc này không ổn chút nào. Tôi cần khỏe mạnh để chăm lo cho vợ và các con.

Tôi cũng mong có phương pháp tuyên truyền nào đó, giúp mọi người có ý thức giữ gìn sức khỏe, quan tâm hơn đến vấn đề sinh hoạt, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để không chỉ mình mà những người xung quanh có được sức khỏe tốt.

Ngoài Tình K bốn mùa, thời gian tới tôi vẫn sẽ thực hiện các dự án phim, âm nhạc nung nấu từ trước đến giờ.

Đức Thịnh đội đặc nhiệm nhà c21
 
 
Đức Thịnh trong phim 'Đội đặc nhiệm nhà C21'.

Đức Thịnh sinh năm 1982 tại Hà Nội. Anh được khán giả biết đến nhiều hơn khi thủ vai "Sơn sọ" trong phim Đội đặc nhiệm nhà C21. Sau này, anh vào TP HCM lập nghiệp, tham gia ban nhạc của ca sĩ Jimmii Nguyễn và có nhiều sáng tác như Người không biết yêu, Sao em mãi khóc...

Đức Thịnh kết hôn năm 2012 và có hai con. Sau khi lập gia đình, vì cơm áo gạo tiền, nuôi con, anh phải làm mọi cách để có thu nhập. Anh kiếm tiền bằng việc đi hát, làm MC, làm thiết kế để có tiền. Hiện, anh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim, tổ chức sự kiện.

Thiên Anh