Thứ ba, 10/3/2020, 00:00 (GMT+7)

Marilyn Monroe: Không phải 'người đẹp ngốc'

Người ta đã quá quen với hình ảnh cô gái tóc vàng quyến rũ nhưng có phần "ngờ nghệch" khi nhắc đến Marilyn Monroe. 

Có lần một nhà báo hỏi "Cô đang cố gắng biến hóa diễn xuất của mình sao?", Marilyn trả lời rằng cô muốn đóng một bộ phim giống như "Anh em nhà Karamazov", dựa trên tiểu thuyết của Dostoevsky. Các nhà báo liền ngờ vực. Một người trong họ hỏi nhạo lại: "Cô có biết đánh vần tên của Dostoevsky không vậy?".

Nàng Marilyn đã quá quen với những câu hỏi bất lịch sự nên điềm tĩnh trả lời: "Ồ, tôi đâu cần phải biết đánh vần mọi câu mình nói ra". Câu trả lời khiêu khích ông nhà báo vì đã xem thường cô. 

Thời đó phụ nữ quá thông minh thì hay bị ghét. Vẫn còn nhiều người cho rằng "bình hoa di động" mới là mẫu phụ nữ đáng yêu. Tất nhiên họ không có ý xấu khi gọi mấy cô gái ngu ngốc nhưng xinh đẹp là "bình hoa di động". Chỉ là họ muốn gọi như thế cho vui thay vì chỉ đơn giản dùng từ "ngây thơ". Tuy nhiên ngôn ngữ thống trị suy nghĩ của con người. Ở nơi mà "phụ nữ 3 chữ "n" (ngu, ngoan, ngon) là một lời khen thì những cô gái "thông minh thẳng thắn thường thua thiệt". 

Marilyn Monroe là nhân vật cuối cùng phải chịu đựng nỗi u uất bị trói buộc bởi xiềng xích của "người đẹp ngốc". Bà đã sống trong hình ảnh một cô gái "tóc vàng não trắng tinh". Đến khi bà mất đi thế giới mới thấy rõ những điều về bà mà họ chưa bao giờ thấy. Tuy không được học hành đến nơi đến chốn nhưng bà rất nỗ lực. Ngoài trường quay, người ta thường bắt gặp hình ảnh Marilyn Monroe chăm chỉ tiếp thu kiến thức mới qua những trang sách. Bà còn mạnh mẽ lên tiếng phản đối nạn phân biệt chủng tộc và tổ chức các hoạt động ủng hộ cho nhân quyền của người da đen. Thế nhưng công chúng Mỹ vẫn cười nhếch môi khi nói về nàng Monroe. "Cô vẫn chỉ là nữ diễn viên ngốc nghếch mà thôi".

◆ Tuổi thơ bất hạnh

"Tôi chưa bao giờ được hạnh phúc. Tôi lớn lên khác với những đứa trẻ luôn mong chờ hạnh phúc". Tuổi thơ của Marilyn rất đáng thương. Người cha đã bỏ gia đình mà đi khi bà còn trong bụng mẹ. Lúc được sinh ra, bên cạnh bà chỉ có người mẹ luôn đau đáu vết thương lòng. Bà không khác gì đứa trẻ không gia đình. Bà hết ở trại trẻ mồ côi lại phải chuyển tới trung tâm phúc lợi xã hội. Tuổi thơ của bà bị nhúng sâu xuống bùn hơn nữa khi bị xâm hại tình dục.

Nàng Monroe xinh đẹp đã chọn kết hôn làm lối thoát, ở tuổi 16. Chưa hưởng ngọt ngào được bao lâu, người chồng đã phải lên đường tòng quân vì Thế chiến thứ hai nổ ra. Monroe lúc đó xin được việc trong một doanh nghiệp sản xuất quân nhu và phải kiếm sống qua ngày bằng những công việc lặt vặt như sơn tường. Nhờ đó mà Monroe có duyên lọt vào mắt một phóng viên ảnh phục vụ trong quân đội. Ông mời Monroe làm người mẫu khỏa thân để chụp một bộ ảnh lịch. Sau này, khi nàng đã thành siêu sao, bức ảnh khỏa thân đó được công khai, tạo nên nhiều cuộc tranh cãi không dứt. Trước câu hỏi tại sao lại chụp bộ ảnh táo bạo như vậy, Monroe trả lời bằng câu hỏi ngược: "Chụp những bức ảnh đó vì cơn đói là lỗi lầm đến thế sao?".
Phim "Niagara".

Đám cưới vội vàng nên chia ly cũng nhanh chóng. Cô và chồng chỉ chung danh nghĩa được 4 năm. Nhờ có màn debut ảnh lịch ấn tượng nên cái tên Marilyn Monroe bắt đầu được biết đến dưới gương mặt người mẫu cho tạp chí. Đến năm 1947, sự nghiệp của bà sang trang khi được mời đóng một vai phụ trong bộ phim Shocking Miss Pilgrim. Kể từ đó bà bắt đầu trở nên nổi tiếng. Những bộ phim có Monroe tham gia diễn xuất như Niagara (năm 1950) và Gentlemen prefer blondes (năm 1950) gặt hái được nhiều thành công lớn. Và tới bộ phim How to Marry a Millionaire thì Marilyn Monroe đã trở thành một ngôi sao.

◆ 'Anh không có quyền đánh tôi'

Thế giới phát điên với hình thể của nàng Monroe, tới mức họ còn tạo ra cả cụm từ "Dáng đi của Monroe" (Monroe's walk) để miêu tả cách bước đi yểu điệu đánh hông sang hai bên rất quyến rũ. Phần lớn các bộ phim đầu sự nghiệp của Monroe đều có những cảnh quay nhấn mạnh đến vòng eo thon gọn và bộ ngực nở nang của nàng. Đây hầu hết là những tác phẩm tập trung vào nét dục cảm của phụ nữ. Những năm 1950, ai cũng cuồng Marilyn Monroe. Hình tượng trong phim của bà là những cô gái ngây thơ trong sáng, tốt bụng và có phần hơi ngốc nghếch, có lợi thế về ngoại hình nhưng không dùng nó để mồi chài đàn ông. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các chàng lính Mỹ trở về quê hương và đều xem cô gái ngoan ngoãn Monroe như một sự an ủi về mặt tinh thần. Và Monroe đã được gắn với hình ảnh cô em "3 chữ n" như thế.

Khi đang tận hưởng đỉnh cao danh vọng, Monroe tuyên bố kết hôn vào năm 1954. Người chồng mới là cầu thủ bóng chày Joe DiMaggio hơn cô 12 tuổi. Ông cũng từng là ngôi sao thi đấu ở những giải đấu lớn và đã giải nghệ. Công chúng phấn khích gọi cuộc hôn nhân này là khi "thân hình tuyệt mỹ" gặp "cơ thể vô địch". Joe DiMaggio lớn lên trong một đại gia đình người Italy nhập cư. Ông cũng muốn xây dựng một gia đình nề nếp. Vì đã giải nghệ nên ông có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, lúc đó nàng Monroe lại là một ngôi sao đang rực sáng. 

Giữa hai người bắt đầu xuất hiện những tiếng cãi vã kể từ chuyến trăng mật tại Nhật Bản. Monroe lúc đó nhận được một lời mời từ Hàn Quốc, đất nước ngay bên cạnh. Quân đội Mỹ đang tham chiến tại Triều Tiên đã gửi lời mời hy vọng Monroe có thể xuất hiện để cổ vũ tinh thần các binh lính. Joe DiMaggio mong rằng vợ mình sẽ từ chối lời mời nhưng Monroe vẫn quyết định lên đường sang Hàn Quốc, nơi đang bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trong suốt bốn ngày, cô đã biểu diễn tại 10 địa điểm, không chỉ ở Seoul mà còn ở những nơi ác liệt như Daegu, Inje. Hàn Quốc thì biết ơn nàng Monroe thiện lương, còn chồng cô thì lại rất bất mãn vì người vợ không biết nghe lời. 
Monroe biểu diễn ở Hàn Quốc năm 1954.

Joe DiMaggio bắt đầu khó chịu với mọi việc Monroe làm. Ông không muốn vợ theo nghệ thuật nữa. Mức độ lục đục bắt đầu lớn dần lên. Và rồi đến lúc vị vận động viên to xác đó đã xuống tay với nàng diễn viên xinh đẹp. Thậm chí còn dùng đến cây gậy bóng chày để hành hung. Bạo hành tiếp diễn thành thói quen. Đến lúc không chịu được nữa, Monroe tuyên bố "Anh không có quyền đánh tôi" và cuộc sống hôn nhân kết thúc sau chưa đầy một năm.

◆ Monroe đọc Ulysses

Vào năm 1955, bức ảnh Marilyn Monroe đọc sách xuất hiện. Người ta lại bắt đầu những tranh cãi nhỏ nhặt. Chỉ bởi vì cuốn sách mà nàng cầm trên tay lại có tên Ulysses. Đó là tác phẩm của đại văn hào James Joyce, một áng văn được ngợi ca là kinh điển của kinh điển. Vì sự đồ sộ và độ khó của tác phẩm nên bản thân việc đọc xong thôi cũng đã được xem như một sự thử thách. Có cả nhà nghiên cứu văn học nọ đã bỏ cả cuộc đời ra chỉ để nghiên cứu về nó. Vậy nên, công chúng thời đó không chấp nhận được việc Monroe đọc một cuốn sách đòi hỏi năng lực tri thức cao như thế. "Làm sao một cô diễn viên ngực to hơn não lại có thể đọc Ulysses chứ". Nhiều người còn cười khẩy cho rằng Monroe giả vờ đọc một cuốn sách khó chỉ để huênh hoang lừa gạt mà thôi.

Sau này, khi Monroe qua đời, người ta mới phát hiện ra rất nhiều sách trong phòng đọc của bà. Không chỉ có James Joyce, mà còn cả Albert Camus, Nikos Kazantzakis, Thomas Mann, Dostoevsky, Marcel Proust và Emile Zola. Bà không chỉ mê sách mà thỉnh thoảng còn làm thơ. Nếu xem các bài phỏng vấn hoặc bài viết của Marilyn Monroe để lại thì ta có thể cảm nhận được cái nhìn tinh tế về cuộc sống của bà. Ở Monroe còn có diện mạo thông minh trí thức ít người biết đến. 
"Khi thân hình tuyệt mĩ gặp bộ não vĩ đại".

Người chồng thứ ba của Monroe là nhân vật kề vai sát cánh với các tác giả những cuốn sách trong thư phòng của bà. Đó là nhà viết kịch Arthur Miller. Hai người tổ chức đám cưới vào năm 1956. Trước khi gặp gỡ Monroe, ông đã rất nổi tiếng với vở kịch Cái chết của người bán hàng (Death of a Salesman) và hai lần đoạt Pulitzer. Một lần nữa giới báo chí lại hưng phấn gọi cuộc hôn nhân này là "khi thân hình tuyệt mĩ gặp bộ não vĩ đại". Đối với Monroe, Arthur Miller vừa là chồng vừa là thầy. Ông rất ân cần với bà và không bao giờ xem thường vợ mình. Nhưng cuộc tình đó cũng không có kết thúc hạnh phúc.

Hai người chia tay nhau sau 4 năm 7 tháng.

◆ 'Thiên hạ coi tôi như một món đồ'

Ai cũng có quyền sống và chăm lo cho cuộc đời của mình. Monroe cũng muốn được như thế. Cô không xấu hổ khi người ta gọi mình là "biểu tượng sex". Nhưng cô luôn cố gắng thoát ra khỏi hình ảnh "bình hoa di động" thường thấy trong phim và luôn thử thách bản thân trong những vai diễn đa dạng hơn. Dù đã trở thành ngôi sao, Marilyn Monroe vẫn tìm đến thầy dạy diễn xuất giỏi để bồi dưỡng kỹ năng. Cô còn đến trường đại học để học thêm về triết học. Nhưng thế gian vô tình. Với hình tượng phụ nữ ngờ nghệch chỉ biết phục tùng, nếu Monroe thoát khỏi vai diễn thì người ta lại không chấp nhận. Xin hãy nhớ lại lời mỉa mai "Cô có biết đánh vần tên Dostoyevsky không?" ở trên.

Lúc đó Marilyn Monroe vừa (một lần nữa) thất bại trong hôn nhân, vừa nhận ra sự nổi tiếng chỉ là mớ phù phiếm sáo rỗng và bà bắt đầu bị suy nhược. Cuộc đời bà lao dốc. Bệnh trầm cảm và tự kỷ ngày càng nặng. "Thế gian này chỉ coi tôi như một món đồ" - bà cô độc một mình sau ánh hào quang. Ngày 5/8/1962, người ta phát hiện Marilyn Monroe chết ngay tại nhà riêng ở tuổi 36. Chỉ hơn 1 năm rưỡi sau ngày ly hôn với Arthur Miller. Nguyên nhân được phỏng đoán là dùng thuốc an thần quá liều. Những tin đồn về âm mưu nào đó xung quanh cái chết của bà vẫn luôn được nóng cho tới ngày hôm nay.

Thủy Tiên tổng hợp