Thứ sáu, 28/9/2018, 21:16 (GMT+7)

Trẻ em hát bolero: Chưa kịp lớn đã não nề, ủy mị

Ở tuổi 12 - 13, nhiều ca sĩ nhí đã rền rĩ với những ca từ như "Thôi chia tay nhau từ đây, nghe nước mắt vây quanh/ Biết lỡ yêu đương, sẽ đau thương suốt cả một đời”.

3 năm trở lại đây là thời kỳ trở lại ồ ạt của bolero. Bên cạnh những ngôi sao nhạc tình từ hải ngoại về nước, các ca sĩ nổi tiếng với nhạc trẻ, tân nhạc như Giang Hồng Ngọc, Nam Cường, Anh Thơ... cũng phát hành sản phẩm âm nhạc bolero. Điều gây ngạc nhiên hơn cả là sự xâm lấn của dòng nhạc này đối với lứa tuổi thiếu nhi.

Theo ca sĩ Mỹ Huyền, những ca khúc bolero thiên về giai điệu buồn, ủy mị không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Tuy nhiên, đây không phải là lỗi của các em mà là do khâu tổ chức những cuộc thi âm nhạc dành cho trẻ nhỏ. 

Ẩn chứa trong bolero là chất tự sự, trải đời, cho nên, để thể hiện xuất sắc những ca khúc của dòng nhạc này, các ca sĩ đòi hỏi phải có sự trải nghiệm, trưởng thành ở mức độ nhất định để hiểu hết ý nghĩa sâu xa của ca từ, truyền tải trọn vẹn thông điệp ca khúc đến với khán giả. Tuy nhiên, các cuộc thi ca hát gần đây dành cho trẻ em như The Voice Kid, Thử tài siêu nhí, Siêu bất ngờ... khiến nhiều người bất ngờ bởi có quá ít các bài hát đúng lứa tuổi được các em thể hiện. Thay vào đó, nhiều em chọn những ca khúc trữ tình nổi tiếng để thu hút người nghe đại chúng, nhằm chinh phục lá phiếu bình chọn của người nghe - một hình thức "chấm thi" phổ biến trong các gameshow âm nhạc hiện nay.

LK Người Đi Ngoài Phố, Chuyến Tàu Hoàng Hôn - Tấn Bảo & Nhật Duy
 
 

Tiết mục Chuyến tàu hoàng hôn - Người đi ngoài phố của hai giọng ca nhí.

Có hẳn một chương trình bolero dành cho trẻ em, đó là Tuyệt đỉnh song ca nhí. Hồi tháng 6, tiết mục Chuyến tàu hoàng hôn – Người đi ngoài phố của hai giọng ca nhí Tấn Bảo - Nhật Duy (đều dưới 13 tuổi) trong chương trình này đã thu hút 6,6 triệu lượt xem khi đăng tải trên Youtube, gây ra những luồng ý kiến trái chiều. Bên cạnh “cơn mưa” lời khen từ hàng nghìn bình luận tung hô nhờ lối hát đầy kỹ thuật, phong cách thể hiện não nề, da diết không thua kém bất kỳ ca sĩ lớn tuổi nào; tiết mục này cũng gây ra nhiều băn khoăn. Nhiều người không hiểu vì sao ở lứa tuổi 12-13, các em đã phải nức nở, quằn quại với “Còn đâu, còn đâu? Tình duyên đã lỡ làng/ Thôi chia tay nhau từ đây, nghe nước mắt vây quanh/ Biết lỡ yêu đương, sẽ đau thương suốt cả một đời”. 

Con Đường Xưa Em Đi - Phương Mỹ Chi ft Trung Quang
 
 
Phần trình diễn gây tranh cãi của Phương Mỹ Chi.

Cuối năm ngoái, Phương Mỹ Chi, giọng ca 14 tuổi, cũng khiến dư luận dậy sóng khi song ca ca khúc Con đường xưa em đi cùng ca sĩ Trung Quang trong một show truyền hình. Nhiều người bức xúc khi thấy Mỹ Chi thể hiện trạng thái buồn bã trong một ca khúc không phù hợp với lứa tuổi.

Nghệ sĩ chuyên trị nhạc bolero - Hương Lan - chia sẻ, dù hát dòng nhạc nào thì ca sĩ cũng cần phải chú trọng vào kỹ thuật và cảm xúc. Bởi hát hay là một chuyện, hát đi vào lòng người mới khó. Với những ca khúc bolero, người thể hiện cần đi đủ chiều dài của cuộc đời, chiều sâu của nội tâm thì mới có thể hát rút ruột người nghe, khiến khán giả khóc cười với chính nhạc phẩm của mình.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Từng chấm thi nhiều cuộc thi dành cho thiếu nhi, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long khi trao đổi với iOne cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề này. Lý giải về xu hướng trẻ em hát bolero, anh nói: “Một trong những lý do khiến trẻ em không mặn mà với những bài hát thiếu nhi là bởi lượng bài dành cho các em, được các em đón nhận hiện còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được nhu cầu về nghe và hát của các em.

Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc trẻ em thích “vượt rào”, hát nhạc bolero não tình. Chẳng hạn, những người thực hiện chương trình muốn tạo sự chú ý từ công chúng nên vẫn chấp nhận phản ứng trái chiều từ dư luận và để các em hát bolero. Hoặc nguyên nhân nằm ở chính bố mẹ các em, họ muốn con mình hát bolero để chứng minh năng lực, giúp con tiến sâu trong các gameshow mang tính thi thố. Thời đại công nghệ phát triển, các em cũng có thể bị nhiễm những bài hát người lớn từ chính thói quen nghe nhạc của ông bà, bố mẹ...”.

Anh nêu quan điểm: “Những bài hát bolero chia xa, yêu đương, ngăn cách, não nề hoàn toàn không phù hợp với trẻ em. Thứ âm nhạc trẻ em cần là những ca khúc, giai điệu có ca từ phù hợp với tuổi thơ, có nội dung hồn nhiên, trong sáng”.

Thiên Anh