Thứ bảy, 14/3/2020, 16:02 (GMT+7)

Ngọc Quyên bị kỳ thị vì mang khẩu trang tại Mỹ

Ngọc Quyên nói Mỹ kỳ thị những người mang khẩu trang vì họ quan niệm vật dụng này chỉ dành cho người nhiễm bệnh.

Ngọc Quyên định cư ở Mỹ nhiều năm nay. Cô sống cùng con trai bốn tuổi - bé Jiraiya - tại Santa Ana. Diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến cuộc sống của mẹ con cô đảo lộn. Cô quyết định cho con trai nghỉ học từ 10 ngày trước để tiện chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. 

"Đầu tháng ba, khi theo dõi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và nhận được thông tin tại bang Washington có vài trường hợp dương tính với nCoV, tôi đã rất lo lắng và quyết định cho con nghỉ học. Khi ấy, nhiều người cười cợt, nói tôi 'dở hơi'. Họ bảo tôi lo lắng thái quá bởi dịch bệnh mới chỉ bùng phát mạnh ở các nước châu Á và một vài quốc gia châu Âu. Vì không có thái độ phòng, chống dịch bệnh nên Covid-19 lan nhanh ở Mỹ với tốc độ chóng mặt", cựu người mẫu cho hay.

Ngọc Quyên kể, khẩu trang là vật dụng quen thuộc của người dân Việt Nam khi ra đường nhưng tại Mỹ, không nhiều người mang món đồ phòng dịch này.  Thậm chí, cựu người mẫu 8x bị kỳ thị vì mang khẩu trang nơi công cộng. "Ở Việt Nam, tôi đọc tin tức thấy người dân phải xếp hàng để mua khẩu trang. Nhưng ở Mỹ, việc một người khỏe mạnh, đeo khẩu trang dường như là hành vi khó chấp nhận. Họ quan niệm, chỉ những người có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân hay bị bệnh mới cần đeo khẩu trang.

Một lần mang khẩu trang đi siêu thị, những người dân bản địa nhìn tôi như ở hành tinh nào rớt xuống. Tôi nhìn thấy rõ sự kỳ thị. Họ thấy tôi và né. Cách cư xử của họ làm tôi không dám đeo khẩu trang. Đến bây giờ, khi dịch bùng phát, tôi bắt buộc phải đeo, ai muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Nhà tôi ở khu tập trung nhiều người Việt Nam ở, họ vẫn đeo. Còn ở những nơi tập trung đông người Mỹ thì không.

Những mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay ở Mỹ cháy hàng là do người Việt Nam hoặc những công dân ở các nước có dịch, sống tại Mỹ ôm hàng. Người Mỹ khi ấy còn dửng dưng, không thèm mua hàng. Hiện tại, tất cả siêu thị tại Mỹ không đáp ứng nổi nhu cầu mua bán các mặt hàng này của người dân", cô nói.

Ngọc Quyên bị nói 'dở hơi' vì cho con trai nghỉ học từ 10 ngày trước.

Lý giải nguyên nhân Covid-19 bùng phát nhanh tại Mỹ, Ngọc Quyên cho biết, thái độ người Mỹ rất dửng dưng. "Ở Việt Nam, chỉ có vài ca dương tính nCoV là mọi người đã hốt hoảng. Trong khi ở Mỹ, họ rất chủ quan. Người dân bên này được dạy rằng, đeo khẩu trang không kiểm soát được bệnh tật. Khẩu trang chỉ dành cho người bệnh.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, chỉ cần một người dương tính là cả làng, cả xóm biết cô ấy bị gì, từng tiếp xúc với ai. Nhưng ở Mỹ, danh tính người bệnh thuộc về quyền riêng tư, bảo mật của mỗi người. Do đó, khó có thể kiểm soát được những ai đang nhiễm bệnh", cô chia sẻ.

Covid-19 ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của Ngọc Quyên tại Mỹ. Cửa hàng spa của cô nằm trong một khách sạn. Do dịch bệnh, khách sạn không có khách thuê phòng. "Mọi khi cuối tuần là hết phòng nhưng thời điểm này không có khách bởi mọi người hủy hết lịch đi chơi. Khu vui chơi Disneyland cũng đóng cửa. Trong vài ngày tới, nếu tình hình trầm trọng hơn, tôi sẽ tạm đóng cửa spa. Thu nhập của tôi cũng có giảm nhưng không quá ảnh hưởng đến cuộc sống. Bởi thu nhập chính của tôi là từ công việc bán hàng online", cô chia sẻ.

Ngọc Quyên tiết lộ, vài ngày nữa, có thể những khu chợ đông đúc sẽ bị đóng cửa tại Mỹ. Những ngày này, người dân ra ngoài, mua gạo về dự trữ. "Nhà tôi có hai mẹ con nên cũng không trữ nhiều đồ ăn. Hai bịch gạo, tôi ăn cả năm mới hết. Bé ăn sữa là chính. 

Tôi và con trai chống dịch bằng cách duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh mỗi ngày. Hai mẹ con uống nhiều nước, vitamin C, ăn nhiều trái cây, tập thể dục và hạn chế tụ tập nơi đông người. Khi đi từ ngoài về, mẹ con tôi tắm, giặt và thay quần áo. 20-30 phút, tôi lại xịt nước khử trùng vào tay. Tôi cũng tự pha chế nước sát khuẩn để thuận tiện sử dụng", cô nói.

Mẹ Ngọc Quyên vừa từ Mỹ trở về nước. Một tháng nữa, bà trở lại Mỹ với con gái. Ngọc Quyên lo cho mẹ. Ngày nào, cô cũng đọc tin tức từ những nguồn chính thống, theo dõi tình hình Vệt Nam. Cô không định về Việt Nam để tránh dịch. "Tôi và ông xã, mỗi người được giữ con 50%. Dính con nên tôi không về nổi. Theo luật ở Mỹ, nếu đưa bé rời khỏi đây, tôi phải được chồng cũ đồng ý. Nếu tự ý mang con trai về Việt Nam sẽ bị quy tội bắt cóc và phải ngồi tù". 

Tính đến 14/3, tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới là 145.634 với 5.436 người chết và 72.528 trường hợp hồi phục, theo Worldometers. Việt Nam ghi nhận 49 ca dương tính, trong đó 16 ca đã chữa khỏi.

Xem thêm: Tại sao khẩu trang quan trọng ở châu Á nhưng bị kỳ thị tại Mỹ

Thiên Anh