Thứ hai, 13/5/2019, 08:04 (GMT+7)

Ông Sơn 'Về nhà đi con': 'Tát Bảo Thanh, Bảo Hân nhiều, tôi rất xót xa'

NSƯT Trung Anh cho biết anh 'nhát tay' khi phải tát đi tát lại các diễn viên trẻ trong 'Về nhà đi con'.

NSƯT Trung Anh. Ảnh: Đình Tùng

Hai năm sau vai diễn Lương Bổng được nhiều khán giả yêu mến trong bộ phim Người phán xử, NSƯT Trung Anh mới trở lại màn ảnh nhỏ. Trong Về nhà đi con - bộ phim tình cảm gia đình của VFC, Trung Anh vào vai ông Sơn - người đàn ông trung niên làm nghề lái xe. Sau khi có hai con gái đầu, ông Sơn luôn khao khát có con trai. Vợ mất khi đẻ con gái út, ông Sơn sống trong cảnh "gà trống nuôi con". Ân hận, mặc cảm tội lỗi nên ông luôn khắt khe với các con.

Tính cách nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc, nhưng từng hành động, cử chỉ của ông Sơn lại toát lên tình cảm yêu thương con vô bờ bến. Ông bố ở tuổi xế chiều cùng ba cô con gái viết nên câu chuyện gia đình ấm áp, tràn ngập tình yêu thương và những bài học quý giá trong cuộc sống. Nhiều khán giả cho biết, vai ông Sơn khiến họ nhớ đến và yêu thương hơn người cha của mình.

Ngày giỗ của vợ ông Sơn Về nhà đi con
 
 

Trích đoạn phim 'Về nhà đi con'.

Muốn vai ông Sơn sống tình cảm nhưng phải cứng rắn

Tâm sự với iOne, NSƯT Trung Anh cho biết, ông Sơn chính là một vai nằm trong series nhân vật khắc khổ mình từng đảm nhận. "Mặt tôi vốn khắc khổ. Lên hình, nếp nhăn hiện rõ thì cái sự khắc khổ ấy lại được nhân lên gấp bội. Mà có khi, các đạo diễn cũng lười tìm diễn viên nên vai nào khổ một chút lại giao cho tôi. Lâu lâu thành thói quen", Trung Anh nói.

Trung Anh kể, ban đầu, anh suýt không nhận vai ông Sơn vì khi được đạo diễn Nguyễn Danh Dũng ngỏ lời mời hợp tác, anh có chút việc riêng. Tuy nhiên, sau khi đọc kịch bản, anh đã nói ngay với đạo diễn Danh Dũng rằng, đây là kịch bản mà anh rất thích. Anh cố gắng thu xếp công việc và tới trường quay khi các diễn viên khác đã quay được hơn 20 ngày. 

"Tôi phải cảm ơn đội ngũ biên kịch của Về nhà đi con rất nhiều. Lâu lắm rồi mới có một kịch bản khiến tôi thích thú ngay từ lần đầu tiếp cận. Đọc kịch bản một lèo từ đầu tới cuối, tôi đã khóc tới 6-7 lần. Trước khi quay, tôi cũng có trao đổi riêng với đạo diễn Danh Dũng và đề nghị anh ấy thay đổi một số chi tiết trong kịch bản. Nếu theo kịch bản ban đầu thì suốt bộ phim, tôi phải khóc đến cả chục lần. Điều này không logic lắm với tính cách của một ông bố đơn thân, ở vậy nuôi ba cô con gái từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Tôi muốn nhân vật của mình sống tình cảm nhưng phải cứng rắn chứ không sướt mướt", Trung Anh tâm sự.

Ông Sơn và Ánh Dương trong Về nhà đi con
 
 

Cách dạy con của ông Sơn.

Gặp khó khăn với cảnh tát các con

Trung Anh tâm sự, chưa bao giờ anh đóng vai ông bố mà có tới ba cô con gái. May mắn, anh cũng có một cô con gái ở ngoài đời nên nắm bắt được một phần tâm lý của các con trong phim. Là diễn viên lớn tuổi, có một chút kinh nghiệm trong việc đi quay nên Trung Anh thường đóng vai trò "đầu tàu", tạo bầu không khí gia đình cho các diễn viên trẻ thoải mái khi quay. 

"Ngay từ ngày đầu tiên, bản thân tôi đã phải tạo ra không khí gia đình thực sự khi đến trường quay. Không khí vui vẻ khiến các diễn viên trẻ thoải mái khi quay. Tôi nhìn nhận, ba diễn viên nữ đóng ba cô con gái trong phim diễn rất tốt. Nhờ có các bạn ấy, chúng tôi cũng tương tác tốt và tạo ra cảm xúc thật khi diễn. 

NSƯT Trung Anh cùng ba cô con gái trong phim tại buổi họp báo.
Ông Sơn về nhà đi con và Ánh Dương
 
 

Trung Anh đánh giá cao diễn xuất bản năng của gái út Bảo Hân.

Bảo Thanh và Thu Quỳnh là những diễn viên giỏi, chúng tôi từng đóng chung nhiều lần. Còn Bảo Hân là diễn viên trẻ, là ẩn số tuyệt vời. Bảo Hân có bản năng rất tốt, ngoài đời là một cô bé đáng yêu. Nhiều lúc, Bảo Hân nói nhịu khiến cả đoàn phim cười đau bụng. Sự hòa hợp của các diễn viên đã tạo ra không khí ấm áp cho đoàn phim", Trung Anh chia sẻ.

Là một diễn viên gạo cội nhưng Trung Anh cho biết, anh vẫn gặp khó khăn với cảnh tát Bảo Hân và Bảo Thanh trên phim trường. "Cứ hình dung mình phải tát một đứa bé, lại là con gái, trông rất ngây thơ, trong sáng đã thấy ngượng tay rồi. Huống hồ là phải tát con mình. Vai ông Sơn được xây dựng là người bố lúc bột phát cảm xúc thì rất nóng tính nhưng sau cơn nổi trận lôi đình lại ngồi bần thần, thương con.

Bảo Thanh bị ông Sơn tát trong Về nhà đi con
 
 

Trung Anh tát Bảo Thanh trên phim.

Cảnh tát Bảo Thanh, tôi phải làm lại ba lần. Cảnh tát Bảo Hân cũng mất 4-5 lần vì tát quá nhẹ. Tôi xót xa và thương các bạn ấy quá. Tôi không thể bạo tay làm những việc như thế dù biết phim là phải đóng thật. Chính cái nhát của tôi mà các bạn ấy bị tát đi tát lại, thành ra lại khổ các bạn ấy hơn. Sau này, có những cảnh tát các con, tôi phải đề xuất với đạo diễn là bỏ đi. Thật sự việc dang tay tát các diễn viên trẻ rất khó", Trung Anh tâm sự.

Trung Anh nhận định, vai ông Sơn rất dễ đóng, song để đóng hay lại rất khó: "Để khán giả chấp nhận, yêu thích ông Sơn rất khó. Ông Sơn là nhân vật một chiều nên mình phải làm sao để đa dạng về cách thể hiện. Với những cảnh tâm lý, xúc động, các bạn nữ sẽ dễ làm hơn diễn viên nam. Đối với diễn viên nam, để khóc được đòi hỏi kịch bản phải thật, câu chuyện phải thực tế. Hoàn cảnh thật, nhân vật thật thì khóc không quá khó.

Trong phim có hai đoạn cực kỳ quan trọng, tôi dồn diễn xuất nước mắt. Trong đó có đoạn hồi tưởng cảnh vợ mất ở bệnh viện sau khi vừa sinh con gái thứ ba. Đó là kiểu khóc bục ra chứ những phim trước đây tôi vẫn ghìm nước mắt ở lại. Cho nên, đóng phim này, không thể lần nào cũng khóc bù lu bù loa. Phải biết cách khóc tùy từng phân đoạn".

Chưa bao giờ nói đóng phim không vì cát-xê

Về nhà đi con hiện là một trong những bộ phim truyền hình hot nhất hiện tại, song Trung Anh thừa nhận, anh không xem phim mình đóng. "Không phải do tôi lười hoặc không có thời gian mà vì tôi rất sợ xem lại mình. Duy nhất dự án Người phán xử là tôi và anh Hoàng Dũng cùng xem để trả lời thắc mắc của khán giả. Phần lớn phim khác, tôi không xem. Vợ và các con tôi cũng ít xem. Hai đứa nhà tôi cũng không thích nghệ thuật. Hồi bé, các cháu từng được mời đóng phim nhưng từ chối thẳng", Trung Anh nói.

Từng có thông tin cho rằng Trung Anh đóng phim không phải vì cát-xê song ông Sơn của Về nhà đi con khẳng định đó là tin đồn bịa đặt. "Tôi không phát biểu như thế. Làm phim vừa là làm nghề, vừa làm kinh tế. Gia đình tôi kinh tế cũng rất bình thường, sống dựa vào chính thu nhập của bản thân mình. Nói tôi đóng phim không vì cát-xê thì sống sao được".

Suốt chặng đường 30 năm làm nghề, Trung Anh cho biết, anh chưa bao giờ nghĩ nghề diễn đã cho mình bất kể điều gì mặc dù nghề này đã cho anh rất nhiều thứ, từ thu nhập trang trải cuộc sống đến việc nổi tiếng và được nhiều khán giả yêu quý. Anh cảm thấy may mắn vì được làm công việc mà mình yêu thích từ khi còn trẻ đến lúc xế chiều.

Ở tuổi 58, Trung Anh còn hai năm làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam trước khi về hưu. Anh gửi hồ sơ xin xét duyệt Nghệ sĩ Nhân dân từ năm 2017 sau nhiều năm chần chừ và đang chờ xét duyệt. Trung Anh hàng ngày vẫn miệt mài trên phim trường và tất bật với những chuyến công tác. Anh cho biết, hạnh phúc đơn giản của bản thân hiện tại là được quây quần bên mâm cơm gia đình và được thử thách bản thân ở nhiều dạng vai mới.

Thiên Anh