Chủ nhật, 9/2/2020, 00:00 (GMT+7)

Phim Oscar: '1917' - cuộc chạy đua cứu 1.600 người của 2 anh lính trẻ

"1917" thành công trong việc lôi kéo khán giả vào trải nghiệm chiến tranh, biến mỗi giây trôi qua trong phim đều chân thực như ngoài đời.

Phim mở đầu bằng cảnh một vùng đồng cỏ xanh thanh bình ở đâu đó đằng sau chiến tuyến Pháp, những chàng lính trẻ đang nghỉ ngơi sau những ngày xông pha trận mạc, Tom Blake (Dean-Charles Chapman) bị đánh thức bởi lời triệu tập từ viên trung sĩ, không quên dặn anh mang theo hành trang và chọn lấy một người bạn. Will Schofield (George MacKay) tình cờ là người mà Blake chọn vì ngồi ngay kế bên. Cả 2 hơi bồn chồn nhưng không biết rằng việc sắp được giao còn khó khăn hơn những gì mình tưởng tượng. Đại tướng Erinmore (Corlin Firth) giao cho Schofield và Blake một nhiệm vụ đặc biệt: vượt qua chiến tuyến cũ của quân Đức và gửi lệnh ngừng chiến trước khi trời sáng cho Đại tá MacKenzie (Benedict Cumberbatch) Tiểu đoàn thứ hai của Trung đoàn Devons, để tránh một cuộc thảm sát không đáng có trước một trận phục kích pháo binh tại chiến tuyến Hindenburg của quan Đức. Nếu nhiệm vụ thành công, 2 tiểu đoàn gồm 1600 anh em sẽ được cứu sống, trong đó có anh trai của Blake.

Ức chế sáng tạo nhưng vẫn tràn đầy cảm xúc

Cuộc hành trình dài 9 dặm (gần 15 cây số) trên đường bộ trong khoảng thời gian ước lượng chừng 8 tiếng được rút gọn trong vòng 2 tiếng đồng hồ kịch tính, nghẹt thở. Đứng trước mệnh lệnh, Blake tỏ ra hướng ngoại và nghiêm túc, trong khi Schofield là một người hoài nghi và mỉa mai. Với Schofield, việc Blake được chọn không hẳn vì cậu ta là người định vị giỏi nhất mà chỉ bởi Blake phải làm vì anh trai của mình là một trong 1600 binh sĩ đang nằm dưới lưỡi hái tử thần. Còn bản thân Schofield là kẻ số nhọ khi bị cuốn vào câu chuyện chẳng liên quan đến mình.

Sam Mendes tạo ra sự tương phản sâu sắc giữa tính cách của 2 người lính và sự nhỏ bé của họ so với tầm vóc của nhiệm vụ được giao. Blake và Schofield qua những đối thoại mang tính miêu tả có thể thấy là những chàng lính bình thường, non trẻ, cấp thấp, mơ hồ về năng lực và không tha thiết gì chiến trường. Họ có lẽ là những cậu trai vui vẻ, năng nổ ở quê nhà, nhưng chiến tranh đã khiến họ trở nên chai sạn và trầm tư. Đây là một ý tưởng cổ điển nhưng vẫn đủ hiệu quả để phát huy tác dụng với "1917".

Kịch bản của Sam Mendes tiết chế tối đa sự sáng tạo cá nhân để giữ nguyên tinh thần trang nghiêm của câu chuyện sử thi, biến người lính trở nên nhỏ bé hơn khi loại bỏ gần như toàn bộ những yếu tố nội tâm và tiểu sử của họ, không khai thác quá khứ, không đào sâu kinh nghiệm, không tầm nhìn, không gốc gác hay tham vọng. Mendes không sẵn lòng đối diện với tâm hồn hai binh sĩ trong tác phẩm của mình, dù đó là chút sợ hãi hay ham muốn, phù phiếm hay thù hận. Bất cứ những nét dao động đều có thể làm giảm bớt sự căng thẳng cần có khi tiếp cận chủ đề Đại chiến và tác động đến diễn biến thay đổi quyết tâm trong con người Schofield sau này.

Lôi kéo khán giả vào trải nghiệm chiến tranh

Sam Mendes đã bỏ qua phương án kể một câu chuyện hấp dẫn, thay vào đó kéo người xem cùng tham gia cuộc trải nghiệm như nhập vai trong một game du kích, đồng hành cùng nhân vật qua những chiến hào thép gai, những trang trại bỏ hoang, cây cầu gãy hay thành phố tro tàn... Khán giả trở thành con mắt thứ ba của nhân vật, luôn giữ cho mình đầu óc tỉnh táo, lo lắng và dè chừng trước mỗi bước đi. Một phát súng rền hay lựu đạn nổ toang cũng có thể khiến ta choáng váng đầu óc và mất bình tĩnh trong ít phút.

"1917" không có những cảnh chiến đấu sục sôi nhưng vẫn là kiệt tác về sắp đặt bối cảnh hoành tráng khiến khán giả cảm nhận được sự khốc liệt của bom đạn nơi chiến trường. Ở đó, người xem cảm nhận rõ sự không lối thoát của chiến tranh, cuộc chiến sinh tồn bất đắc dĩ mà những người lính phải trải qua.

Đại tá MacKenzie sau khi nhận lệnh ngừng chiến đã thở dài tuyệt vọng: "Tôi cứ hy vọng hôm nay là một ngày tốt đẹp. Nhưng niềm tin là lưỡi dao nguy hiểm... Cuộc chiến này chỉ có thể kết thúc theo một kịch bản: Kẻ sống sót sau cùng".

Phản chiến mạnh mẽ từ chính hình ảnh người lính

Chiến tranh trong mắt những người lính trẻ là vô nghĩa và đau đớn, họ khao khát một kì nghỉ phép để được về bên gia đình, hay đơn giản là tạm xa doanh trại và ném đi vũ khí trong ít ngày, sẵn sàng đem tấm huân chương để đổi lấy một chai rượu ngon hay chuyện phiếm đủ thứ để giải khuây trên đường hành quân vất vả. Blake nhớ những mùa xuân hoa anh đào mẹ trồng nở trắng muốt vườn nhà. Schofield thì sẵn sàng đem tặng toàn bộ nhu phẩm và sữa tươi cho người phụ nữ Pháp và bé gái không quen biết, mặc dù biết rằng những món đồ đó chẳng giúp họ sống được lâu hơn.

Ở "1917" người ta thấy một lính Anh vì cứu một lính Đức rơi máy bay mà bị gã đâm chết, ở "1917" mới có cảnh bịt miệng kẻ thù để cầu xin yên lặng, trong khi lẽ ra tất cả những chướng ngại vật trên đều đã có thể giải quyết bằng một phát súng.

Tom Blake hy sinh ngay từ giữa phim khi mới đi được nửa chặng đường làm nhiệm vụ. Chết dưới nhát dao của tay phi công Đức mà anh đang cố gắng cứu giúp. Điều đáng ngạc nhiên ở chỗ không một ai trong hai chàng lính Anh tỏ ra trách móc hay thù hằn kẻ đã gây ra điều đó. Giữa khoảnh khắc cận kề cái chết, Schofield chỉ ôm chặt lấy bạn mình, hứa hoàn thành mệnh lệnh trước khi trời sáng và giúp Blake thực hiện tâm nguyện. Cái chết trong chiến tranh được mặc định như điều phải đến và kẻ thù giết kẻ thù hiển nhiên là không sai. Chỉ những người mang lòng trắc ẩn vào trong chiến trường và đặt không đúng chỗ mới là kẻ chịu thiệt thòi và phải trả giá bằng mạng sống. Trong phân đoạn chiến đấu ở ngôi làng đổ nát, Schofield chút nữa đã lặp lại sai lầm của Blake khi không xuống tay với tên lính Đức mà để hắn hét lên chỉ điểm mình. Sam Mendes thể hiện rõ động cơ của mình khi làm bộ phim này là góp tiếng nói hòa bình và tinh thần phản chiến.

Lựa chọn "mẫu mực" của các giải thưởng lớn

Lịch sử Oscar luôn có vị trí ưu ái cho những tác phẩm chiến tranh, kể từ khi "Wings" - bộ phim lấy bối cảnh Thế chiến I của đạo diễn William A. Wellman được vinh danh Phim hay nhất vào năm 1928 và 15 phim khác lần lượt chiến thắng vào những năm sau. "1917" đã giành nhiều giải thưởng đáng kể trước khi góp mặt trong danh sách đề cử của Oscar 92. Và đó là bước đệm vững chắc để bộ phim giữ một vé chiến thắng ở giải thưởng điện ảnh danh giá bậc nhất thế giới năm nay. Tác phẩm của Sam Mendes không phức tạp về nội dung, hay đánh đố khán giả bằng tiểu tiết, nó chỉ tràn ngập hiện thực và được phơi bày trong một cú one-shot từ đầu đến cuối.

Theo lời tựa cuối phim, "1917" được thực hiện như món quà dành cho ông nội của Sam Mendes - Lance Corporal Alfred H. Mendes, người đã kể lại câu chuyện này cho đạo diễn. Vì mục đích tôn vinh những hồi ức về một thời vang bóng của ông mình, Sam Mendes đã cố gắng giữ "1917" trong một tinh thần trang nghiêm thuần túy và tôn trọng lịch sử đến mức ức chế sự sáng tạo. "1917" được dựng bằng cách nối ghép những cảnh quay dài liên tục tạo ra sự liền mạch về tiến trình di chuyển. Kết quả là theo chân 2 người lính Anh vào ngày 6/4/1917, phim dẫn dắt người xem qua các chiến hào và chiến trường miền Bắc nước Pháp trong một nhiệm vụ đưa tin gấp gáp và nguy hiểm khôn lường. Điều đó đồng thời cũng biến "1917" trở nên giống như một chương trình trải nghiệm, một sự kiện lịch sử được làm live-action chứ không chỉ là một sản phẩm điện ảnh thông thường.

Những bộ phim như "1917" thường rất ít bị chê vì sức nặng của giá trị lịch sử. Ở các giải thưởng lớn nơi mà chính trị còn chi phối nhiều đến chiến thắng, việc lựa chọn một phim phản chiến mà tự bản thân nó đã thấm đẫm tinh thần nhân văn luôn là lựa chọn an toàn và ít chi tiết để mổ xẻ, tranh cãi.

Trúc An