Thứ sáu, 10/4/2020, 17:05 (GMT+7)

Vũ Hán 'thức giấc' sau ác mộng phong tỏa

Bác sĩ Hu Weiling là người đã sống và làm việc trong 76 ngày Vũ Hán bị phong tỏa giữa cơn ác mộng của bệnh tật, chết chóc và nỗi sợ hãi.

Là bác sĩ tại một bệnh viện cộng đồng, Hu Weiling đã cùng đồng nghiệp điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, từ trẻ mới biết đi cho đến người cao tuổi chống lại Covid-19.

Vũ Hán phải đối mặt với lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có trong một nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Mọi tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không đều ngừng hoạt động. Cảnh sát tuần tra liên tục trên đường phố và hàng loạt trạm kiểm soát cộng đồng được dựng lên để đảm bảo người dân không ra khỏi nhà, trừ trường hợp bất khả kháng.

Khi số ca nhiễm và tử vong ở Vũ Hán tăng lên, Hu nhớ lại khoảnh khắc cô đứng nhìn mưa rơi trên cửa sổ bệnh viện và tự hỏi liệu thành phố hàng trăm năm tuổi với 11 triệu dân có thể vượt qua cơn ác mộng hay không.

Mọi người đi bộ dọc theo một con phố ở Vũ Hán ngay khi lệnh hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Ảnh: AP.

Vào ngày 8/4, Vũ Hán dỡ lệnh phong tỏa, khai thông giao thông công cộng, người dân được rời khỏi thành phố lần đầu tiên kể từ 23/2. Hu bảo, đây là chiến thắng đầy khó khăn của thành phố cũng như chính cô và khoảng 90% đồng nghiệp khác - những người trải qua nhiều đêm thức trắng trong khu cách ly để chăm sóc bệnh nhân với tình trạng thiếu nguồn vật tư y tế và đồ bảo hộ.

"Tôi vui mừng vì mình đã sống sót sau cuộc chiến và chúng tôi giành chiến thắng. Tôi nghĩ thành phố đã sẵn sàng và hy vọng cuộc sống có thể trở lại bình thường", cô nói. 

Nhưng Hu hiểu rõ rằng cuộc sống ở Vũ Hán sẽ chẳng thể quay trở lại như trước kia bởi họ đã mất mát quá nhiều. Bên cạnh những người đã qua đời, nhiều người khác rơi vào trạng thái suy sụp vì những gì vừa trải qua. Doanh nghiệp phải tạm dựng hoạt động và một số không thể gượng dậy. Hu kể, hai chị gái của cô đã mất việc trong ngành khách sạn. Cô cũng chứng kiến vô số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần trong đại dịch.

Đến giữa tháng 3, bệnh viện nơi Hu làm, đã điều trị hàng trăm bệnh nhân Covid-19. Cuối cùng, họ cũng có thể đưa số ca nhiễm mới về con số 0. Cô và các bác sĩ khác ăn mừng khi vẫn đeo đồ bảo hộ. Số bệnh nhân trong toàn thành phố còn khoảng 400, theo dữ liệu công bố gần đây. Hu cũng trải qua cách ly 14 ngày và quay trở lại bệnh viện - nơi chỉ mở ra để chữa cho những bệnh nhân không nhiễm nCoV.

Ở những nơi khác của Vũ Hán, một số nhà máy ô tô tạo nên xương sống của nền kinh tế đã hoạt động trở lại. Trước khi phong tỏa, nơi đây sản xuất gần 2 triệu xe mỗi năm, biến nó thành ngành công nghiệp lớn nhất Vũ Hán và đưa thành phố được mệnh danh là "thủ phủ ô tô" của Trung Quốc.

Thế nhưng, Vũ Hán được biết đến trên toàn thế giới không phải bởi xa hơi, ẩm thực vịt quay hay trường đại học danh tiếng mà bị gọi "tâm chấn Covid-19 đầu tiên". Giống như các thành phố Chernobyl (Ukraine) hay Fukushima (Nhật Bản) liên quan đến các thảm họa hạt nhân, mối quan tâm ở Vũ Hán hiện là nơi diễn ra đại dịch, lây nhiễm cho hơn 1,5 triệu người và cướp đi hơn 90.000 sinh mạng trên thế giới chỉ sau hơn 3 tháng.

Bác sĩ Vũ Hán khám cho bệnh nhân hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

Bác sĩ Hu nói chưa có kế hoạch nghỉ ngơi. "Tôi không có đủ thời gian để làm điều đó. Tôi nghĩ mình có thể bị phân biệt đối xử tại các thành phố khác. Điều này có lẽ sẽ kéo dài cho tới khi nào dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu", cô nói.

Khi lệnh phong tỏa không còn, người dân được phép rời Vũ Hán. Taxi đã xuất hiện trở lại trên các con đường, nhưng để đi đến mọi nơi trong thành phố, hầu hết mọi người vẫn cần xuất trình mã QR trên điện thoại di động để cho thấy họ khỏe mạnh, đồng thời chứng minh công việc của mình, đặc biệt là tại siêu thị hay trên xe buýt, tàu điện ngầm. Những người không thể xuất trình hai thông tin trên sẽ không thể rời khỏi khu dân cư. Trung tâm thương mại mở cửa nhưng có rất ít khách hàng. Một số tòa nhà văn phòng vẫn đóng.

Người dân Vũ Hán ra đường khi dỡ phong tỏa
 
 

Trong khi hầu hết người dân thành phố đều mang tâm trạng chung là nhẹ nhõm. Bầu không khí tại chợ hải sản Hoa Nam vẫn ảm đạm. Đây là nơi có mối liên hệ với những trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên. Giới nghiên cứu cho rằng virus đã lây sang người từ những động vật hoang dã được bày bán tại chợ.

Chợ Hoa Nam bị đóng cửa vào ngày 1/1 sau khi các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân được báo cáo trong thành phố. 

Cho tới ngày Vũ Hán được dỡ phong tỏa, khu chợ vẫn trống rỗng và im lặng. Các quầy hàng được che chắn kín bởi hàng rào và tấm nhựa. Tên của các quầy hàng hải sản được bao phủ bởi vải đen. Dù đã đóng cửa trong nhiều tháng, mùi hải sản thối rữa vẫn còn vương lại.

Một tấm biểu ngữ treo trên hàng rào ở một khu phố gần đó có nội dung: "Quyết tâm giành chiến thắng trong trận chiến với Covid-19 bằng cách dựa vào nhân dân".

Chợ buôn bán động vật hoang dã Hoa Nam - nơi những bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên được phát hiện bị đóng cửa nhiều tháng qua. Ảnh: Xinhua. 

Liu Miao (36 tuổi) điều hành một cửa hàng điện thoại di động cách chợ không xa, cho biết anh sẽ đóng cửa hàng và đi nơi khác. "Cái tên chợ hải sản Hoa Nam như cơn ác mộng với nhiều người Vũ Hán - là nơi chỉ nhắc đến thôi cũng sợ", anh nói.

Đối với những người khác ở Vũ Hán, việc dỡ bỏ phong tỏa là lúc để họ nhìn lại những gì đã xảy ra và cả những quyết định đã được thực hiện.

Zhang Xiaochun - Phó khoa X-quang tại Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán - là người đầu tiên đề nghị chính phủ cho phép chẩn đoán virus bằng cách sử dụng CT để hiển thị tổn thương mô phổi, thay vì chỉ xác nhận bằng bộ dụng cụ xét nghiệm vốn không đủ nguồn cung. Bà khẳng định thay đổi này có thể giúp hãm phanh đại dịch.

Hai tháng qua đi, Zhang nói bà không thể ngủ được vì lo lắng ban lãnh đạo bệnh viện sẽ gặp rắc rối khi đưa ra đề xuất của bà. "Nó giống như chờ thi hành án vậy", bà nói về áp lực phải chịu đựng.

Nhưng Trung Quốc đã thay đổi chính sách và tiêu chuẩn chẩn đoán mới cho phép 20.000 bệnh nhân khác được nhập viện.

Các bác sĩ không chỉ làm công việc được giao ở bệnh viện. Khi số ca nhiễm ở Vũ Hán giảm mạnh nhưng tăng vọt trên toàn cầu, Zhang bắt đầu quyên góp vật tư y tế gửi ra nước ngoài, đồng thời tổ chức những buổi tư vấn và bài giảng trực tuyến về cách phòng ngừa và kiểm soát Covid-19.

Một số người trong thành phố lại nhắc đến tinh thần cộng đồng được nuôi dưỡng giữa đại dịch. Yu Xiuzhu - chủ nhà hàng tình nguyện cung cấp bữa ăn nóng hổi tới các bác sĩ vào thời điểm ai cũng sợ đến gần bệnh viện. Anh thuyết phục bố mẹ và vợ cùng giao bữa ăn với mình. Anh bảo, có lúc họ làm việc từ 2h sáng đến 19h để chuẩn bị đồ ăn giao tới bệnh viện gần đó. "Tôi chỉ cảm thấy như mình phải đi. Các bác sĩ bên trong đang mạo hiểm tính mạng của họ. Nếu tôi không đi, họ sẽ chết đói và tất cả chúng ta sẽ kết thúc", anh nói.

Zhi Hua - chủ sở hữu một công ty quản lý chuỗi cung ứng trong thành phố - cũng tham gia vào việc giao bữa ăn cho các bệnh viện. Anh nhớ lại việc lái xe xuống những con đường vắng bóng người ở trung tâm thành phố Vũ Hán hôm 24/2, và tự hỏi liệu dịch bệnh bao giờ mới chấm dứt. Khi ấy, anh chợt nhận ra đó là ngày sinh nhật mình. Rồi anh bật khóc.

Giống như nhiều người khác, Zi rất biết ơn việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại. Anh tin rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã đi qua, nhưng chưa phải lúc để ăn mừng.

"Bạn có thể nhìn thấy nhiều xe, nhiều người trên đường phố hơn, nhưng vẫn còn đó những vết thương sâu bên trong mỗi người phải mất rất nhiều thời gian mới lành lại", anh nói.

Doanh thu từ dịch vụ hậu cần tại công ty Zhi đã giảm 40%. Anh nghĩ khách hàng sẽ tìm cách tránh Vũ Hán trong chuỗi cung ứng, dù thành phố là một trung tâm giao thương của cả nước. "Chúng tôi bị thừa lao động vì đơn hàng giảm. Với 60 nhận công, tôi không muốn sa thải bất kỳ ai cả bởi đằng sau mỗi người là một gia đình".

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn hơn đang quay trở lại cuộc sống bình thường, mang lại hy vọng cho các công ty nhỏ hơn liên kết với họ. Động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố vẫn là ngành công nghiệp ô tô. Nhà máy Honda đã trở lại mức sản xuất tiền dịch với 98% trong số 12.000 công nhân làm việc ngoài giờ để bù đắp sản lượng bị hao hụt, theo Reuters.

Nhân viên lấy mẫu gạc từ một công nhân xây dựng để kiểm tra axit nucleic ở Vũ Hán ngày 7/4. Ảnh: Reuters. 

Tập đoàn ô tô Đông Phong - thuộc sở hữu nhà nước - cũng đang tăng cường sản xuất trở lại tại một nhà máy trong thành phố. Theo nhân viên họ Wu, 60% lao động đã trở lại làm việc, trong khi những người khác sẽ quay trở lại sau tuần tự cách ly mà công ty yêu cầu sau khi họ trở lại từ các thành phố khác.

"Tất cả nhân viên đều được xét nghiệm và kiểm tra nhiệt độ hai lần mỗi ngày. Giày và quần áo cũng được khử trùng", ông Wu nói.

Yu Kun, một chủ doanh nghiệp sửa chữa ô tô, cũng mở lại hoạt động kinh doanh từ hai tuần trước. "Khách hàng của tôi ở Quảng Châu yêu cầu tôi không đến đó để ký hợp đồng. Họ hỏi tôi đã xét nghiệm virus chưa", Y Kun kể.

Nhân viên khác trong công ty của Yu cũng không muốn di chuyển vì sợ lây nhiễm. "Họ không đùa vui như trước nữa, chỗ làm yên tĩnh lạ thường. Tôi đoán một số người vẫn chưa thể quên được cú sốc", Yu nói. 

Xem thêm:

Hàng chục nghìn người rời Vũ Hán sau dỡ bỏ phong tỏa

Trai gái Vũ Hán đi đăng ký kết hôn sau dỡ phong tỏa

Huyền Anh (Theo SCMP)