Thứ sáu, 14/2/2020, 00:04 (GMT+7)

Virus corona - phép thử về tình người trên thế giới

Loại virus làm chúng ta sợ hãi ngay bây giờ không phải là corona, mà là định kiến và sự hoảng loạn thái quá, tạo nên phân biệt chủng tộc ở nhiều quốc gia.

Khi Bethany Ao rẽ vào ngã tư con phố Fifth và Spruce Streets trên đường đạp xe đi làm vào sáng thứ Hai tuần trước (3/2), cô đã nghe thấy một điều mà chưa bao giờ chứng kiến ở Philadelphia (Mỹ) trước đây. Một người phụ nữ lớn tuổi muốn Ao chờ cho đến khi bà băng qua đường, trước khi cô đi vào làn đường dành cho xe đạp. Bà ta tức giận vì Bethany Ao không làm điều đó, rồi hét lớn, chửi rủa quốc tịch của Ao. Những lời từ miệng người phụ nữ trung niên này nặng nề và xúc phạm đến mức một người giao hàng trên phố phải ngoái đầu nhìn với nét mặt sửng sốt tột độ. Hai ngày sau đó, cũng là một buổi sáng thường nhật khi Ao đạp xe đi làm, một người đàn ông nhìn chằm chằm cô từ vỉa hè và hét lên: "Trung Quốc!!!".

Là một phóng viên người Mỹ gốc Hoa, Ao hẳn đã quen với những câu hỏi như "bạn đến từ đâu" trong các cuộc phỏng vấn hay trò chuyện với mọi người. Nhưng vài tuần qua, cô chứng kiến làn sóng kỳ thị châu Á gia tăng mạnh mẽ tại Philadelphia, nhất là kể từ khi Trung Quốc bùng phát dịch viêm phổi do virus corona. Dù thành phố nơi cô đang sống không có trường hợp nào được xác nhận nhiễm nCoV nhưng sự kỳ thị ấy vẫn diễn ra. 

'Mối nguy hại' của người tóc đen da vàng 

Người đi bộ đeo khẩu trang tại trung tâm thành phố Toronto, Canada. Ảnh: Shutterstock.

Sự bùng phát về dịch nCoV đã khiến cả thế giới lo sợ. Dịch bệnh bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đã khiến hơn 60.000 trường hợp nhiễm bệnh, hơn 1.300 ca tử vong. Không chỉ có ở Trung Quốc đại lục, nhiều bệnh nhân được phát hiện ở nhiều quốc gia, châu lục khác trên thế giới. Virus lây lan nhanh chóng, nhưng sự hoảng loạn về nó còn lan nhanh hơn. Lúc này, nỗi lo sợ về virus corona cũng trở thành cái cớ để làn sóng phân biệt chủng tộc nổi lên, với triệu chứng chính: sự thù địch đối với người Trung Quốc và người gốc Á.

Người Trung Quốc và người châu Á đang đối mặt với những ánh mắt nghi ngờ, dò xét ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và các nước phương Tây. Phóng viên John Pomfret của Washington Post viết: "Tại một trường trung học gần nhà tôi, một tin đồn lan truyền rằng tất cả các trẻ em châu Á đều bị nhiễm virus corona và cần được cách ly". 

Kyra Nguyen - một người Mỹ gốc Việt 20 tuổi ở thành phố Los Angeles (Mỹ) - cho biết nhiều người bắt nạt cô trên mạng, thậm chí gợi ý bắn hạ những chiếc máy bay từ Trung Quốc đến Mỹ ngay trước khi nó hạ cánh. 

"Nhiều người mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn thường nói hãy tránh xa những người bạn châu Á. Là một người Mỹ gốc Á, tôi có cảm giác mình là người nước ngoài vĩnh viễn ở đất nước tôi sinh ra", một sinh viên người Mỹ gốc Việt khác chia sẻ trên The Verge.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang bước đi trên khu phố Tàu ở London, Anh. Ảnh: Sky News.

Theo Sky News, sự bùng phát của virus corona đã dẫn đến sự gia tăng phân biệt chủng tộc tại Anh. Mọi người dường như rất cẩn trọng khi tiếp xúc với người Trung Quốc trên các phương tiện giao thông công cộng. 

Ken Chung, một diễn viên hài người Anh gốc Hoa, đã đăng trên trang cá nhân: "Chưa đến 0,001% người Trung Quốc bị nhiễm virus corona, nhưng hơn 99.999% người Trung đã trải qua hội chứng corona-rasict".

Các nhà hàng Trung Quốc tại Anh cũng than vãn rằng, họ phải vật lộn để kinh doanh trước tình cảnh ế ẩm do những quan niệm sai lầm về an toàn vệ sinh trong các món ăn của họ.

Không chỉ người Trung Quốc, những người có nguồn gốc châu Á với đặc điểm ngoại hình "tóc đen, da vàng" cũng nhận về sự kỳ thị. Mee Ma Lee, một food-blogger người Myanmar sống tại London đã đăng những bức ảnh lên Twitter cá nhân và cho biết khi đi tàu điện ngầm, mọi người đồng loạt chọn đứng thay vì ngồi cạnh cô. "Mọi người trông không thoải mái và không dám nhìn vào mắt tôi", Lee nói.

Helen, một sinh viên người Malaysia du học ở Perth (Australia), bị chủ nhà trọ đuổi khỏi nhà vì nỗi sợ virus corona, sau khi cô trở về từ chuyến du lịch nước ngoài.

Tất nhiên, Mỹ và Anh không đơn độc trong làn sóng kỳ thị Trung Quốc và người Á Đông. Tại Pháp, tờ báo Courier Picard đã sử dụng các tiêu đề như "Chinese Coronavirus - Alerte jaune" (Virus corona Trung Quốc - Báo động vàng) và "Le péril jaune?" (Nguy hiểm màu vàng?), kèm theo hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc đeo khẩu trang. Các thuật ngữ "màu vàng" và "mối họa" ám chỉ việc phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á. Điều này đã khiến nhiều người Pháp gốc châu Á phản ứng trên phương tiện truyền thông xã hội với từ khóa #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải là virus).

 Tiêu đề bài báo gây tranh cãi của tờ Courier Picard.

Ngay khi Đức công bố ca nhiễm nCoV đầu tiên do tiếp xúc với một người phụ nữ từ Trung Quốc, những người châu Á sống tại quốc gia này cảm nhận được sự bối rối và ánh mắt ngờ vực của người da trắng dành cho họ. "Tàu rất đông, mà không hiểu sao quanh tôi lại thưa người. Một đứa trẻ đã dùng khăn quàng che miệng và mũi khi đi qua tôi để tới cửa tàu", Hằng Nguyễn, một người Việt Nam sống tại Đức chia sẻ.

Trong cơn hoảng loạn vì virus corona ở Canada, nhiều doanh nghiệp do Trung Quốc điều hành tại Toronto đã chịu tổn thất nặng nề. Ước tính Toronto mất khoảng 1 tỷ đô la khi người dân và khách du lịch né tránh thành phố, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, theo The Guardian. Amy Go - Chủ tịch lâm thời của Hội đồng Công lý Quốc gia Canada Trung Quốc - cho biết: "Tôi đã hy vọng rằng nỗi sợ hãi này sẽ không giống như năm 2003. Nhưng nó đã diễn ra như vậy, và tiếp tục được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông xã hội". 

Gần 9.000 phụ huynh ở một khu vực phía bắc Toronto đã ký một bản kiến nghị yêu cầu những học sinh từng đến Trung Quốc trong 17 ngày trở lại - bị cấm đi học. "Việc này phải ngừng lại. Ngừng ăn động vật hoang dã và sau đó lây nhiễm cho mọi người xung quanh bạn", một phụ huynh viết sau khi ký vào đơn. 

"Virus corona sẽ không tồn tại lâu bởi nó được sản xuất từ Trung Quốc" - lời nói đùa mang tính phân biệt chủng tộc tại một tiệm cà phê trên đường Macquarie, Liverpool ở Sydney, Australia. Ảnh: @echewy/Twitter.

Nhiều người Australia gốc Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về mức độ phân biệt chủng tộc gia tăng kể từ khi dịch virus corona bùng phát. Tờ Daily Telegraph của Australia đưa tin một người đàn ông ngã gục và chết trên khu phố Tàu ở Sydney nhưng chẳng ai dám lại gần vì lo sợ ông có thể nhiễm virus.

Bác sĩ phẫu thuật Rhea Liang đã kể rằng, một bệnh nhân đã nói đùa về việc không dám bắt tay ông vì sợ nhiễm virus. "Tôi vẫn chưa rời khỏi Australia. Đây không phải là cách phòng ngừa dịch bệnh, đây là phân biệt chủng tộc", bác sĩ Liang tweet.

Erin Wen Ai Chew, một doanh nhân 37 tuổi gốc Trung Quốc, kể về trải nghiệm gần đây ở một sân bay tại Australia. Chew nói rằng một phụ nữ da trắng nhìn mọi người châu Á đi ngang qua, đặc biệt là những người đeo khẩu trang, như thể đang tìm kiếm dấu hiệu của bệnh tật. Chew cố tình ho gần người phụ nữ, sau đó bà ta bỏ chạy, mắt mở to kinh hoàng.

"Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra. Chúng tôi biết rằng mọi người sẽ nhìn vào mái tóc đen và làn da vàng, rồi nhắm vào chúng tôi. Có rất nhiều sự tức giận, phẫn nộ và cũng rất sợ hãi khi biết rằng mỗi lần chúng tôi ra ngoài, rất có thể phải chịu sự phân biệt chủng tộc", Chew nói.

Ở Hàn Quốc, hơn nửa triệu người đã ký đơn kiến nghị tổng thống ngăn chặn người dân Trung Quốc nhập cảnh. Tương tự, số chữ ký của người dân gửi lên chính phủ Singapore là hơn 100.000. Tại thị trấn Hakone của Nhật Bản, một cửa hàng đã phải gửi lời xin lỗi sau khi đăng một tấm biển cấm người Trung Quốc vào. 

Những ngôi sao nổi tiếng cũng nhận sự dè bỉu, kỳ thị vì liên quan đến gốc gác châu Á, hoặc vì lên tiếng cổ vũ Trung Quốc. Trong màn trả lời phỏng vấn sau trận thắng Manchester City, tiền đạo người Hàn Quốc Son Heung Min của Tottenham đã ho trước ống kính và điều đó lập tức trở thành đề tài bàn tán của nhiều CĐV thiếu văn hóa. Các bình luận trên mạng xã hội nhắm tới quê hương châu Á của Son, nói rằng những cơn ho là dấu hiệu của virus corona.

Song Hye Kyo - nữ diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc - bị chính người dùng mạng trong nước chửi rủa là kẻ "bao đồng", đuổi cô sang Trung Quốc đóng phim, chỉ vì cô lên tiếng kêu gọi ủng hộ người dân Vũ Hán. Netizen Hàn cho rằng những ngôi sao sống trong sự giàu có như Song Hye Kyo sẽ không thể hiểu được nỗi khổ sở của người bình thường trong bối cảnh lo sợ về đại dịch. "Các người được sống trong nhà an toàn, ấm cúng, chẳng cần phải thò mặt ra đường làm việc dù chẳng biết khi nào bệnh dịch mới được kiểm soát, cũng chẳng cần lo chuyện giá khẩu trang đang tăng chóng mặt hay sao? Còn người thường chúng tôi vẫn phải đi làm bằng tàu điện, vẫn phải bỏ 150.000 won mỗi tháng tiền khẩu trang cho gia đình... Chắc chúng tôi ngu quá nên mới không có thời gian cho cái gọi là "tình yêu nhân loại" nhỉ?", một netizen bình luận. 

Người Hàn Quốc biểu tình gần Nhà Xanh (Seoul) để phản đối người Trung Quốc nhập cảnh.

 Tim Soutphommasane, giáo sư tại Đại học Sydney nói trên New York Times: "Nỗi sợ và lo lắng chính là nguồn nuôi dưỡng phân biệt chủng tộc". Sự xuất hiện của loại virus mới này đã kích hoạt nỗi sợ hãi và định kiến lâu năm của người phương Tây dành cho người gốc Á. Từ thế kỷ 19, nạn phân biệt chủng tộc đã xuất hiện ở châu Âu với tên gọi "Yellow Peril" (mối nguy màu vàng). Người phương Tây cho rằng, người Trung Quốc là một chủng tộc mà bất kể họ sống ở đâu trên thế giới cũng có thể mang mầm bệnh, theo Erika Lee - Giáo sư Lịch sử và nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học Minnesota.

Mặc dù việc dựng "tường rào" biên giới là cần thiết để hạn chế sự lây lan của virus, các quốc gia dường như cũng vô tình nhắm đến những mục tiêu không công bằng, hoặc những phản ứng thái quá đối với người Trung Quốc. Australia đang cách ly những người đến tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc trong thời gian gần đây trên một hòn đảo ngoài khơi xa. Nhiều người trong số họ là người gốc Á. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lệnh cấm nhập cảnh tạm thời với các công dân nước ngoài đã tới Trung Quốc trong vòng hai tuần trở lại. Điều này đi ngược lại với hướng dẫn của WHO. Tổ chức này cho rằng các lệnh cấm, hạn chế đi lại có thể khiến việc giúp đỡ các quốc gia đang phải đối phó với dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại của Mỹ - Wilbur Ross - lại nhắc đến cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc như là một cơ hội để... tăng tỷ lệ việc làm ở Mỹ.

Chàng trai phản đối phân biệt chủng tộc
 
 

Massimiliano, một chàng trai người Italia gốc Hoa, đã đứng trên một con phố tại Florence với một dòng chữ: "Tôi không phải là virus, tôi là một con người, hãy xóa bỏ định kiến".

Những con người bị cô lập

Trong tình cảnh dịch bệnh khiến cả thế giới lo lắng và sợ hãi, hơn 3.700 người đã bị cách ly trên chuyến du thuyền lênh đênh ngoài biển. Du thuyền Diamond Princess chở 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn bị cách ly ở Nhật Bản từ ngày 4/2, sau khi một du khách xuống tàu ở Hong Kong bị phát hiện dương tính với virus corona. Con tàu hiện đã trở thành ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc sau khi 218 ca nhiễm được phát hiện (tính đến 13/2), trong đó có 4 ca nguy kịch. 

 Du thuyền Diamond Princess. Ảnh: Reuters.

Chính phủ các nước cho rằng không cho cập cảng và cách ly du thuyền là biện pháp hữu hiệu để khống chế dịch virus corona. Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins bình luận trên Washington Post: "Du thuyền Diamond Princess giờ giống như một phòng tập bắn cho virus. Lệnh cách ly này không hợp lý và rất tàn nhẫn". 

"Biện pháp cách ly như hiện nay không còn là giải pháp hiệu quả, cũng không phù hợp về mặt đạo đức. Nguy cơ lây nhiễm trên tàu là hiện hữu khi chúng ta để những người khỏe mạnh tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Cách tiếp cận hiện tại không còn hiệu quả để chấm dứt hoặc ngăn dịch lây lan", Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nhận định thêm.

Du thuyền Diamond Princess dường như đã trở thành phiên bản thu nhỏ của thành phố Vũ Hán - nơi 11 triệu dân được đặt dưới lệnh đóng cửa nghiêm ngặt suốt nhiều tuần nay, sau 2 tuần lênh đênh ngoài cảng Yokohama. Trong các khoang hành khách của Diamond Princess, hơn 2.500 du khách được cách ly cẩn thận. Các bữa ăn được chuyển đến cabin của họ. Họ được phép đi bộ trên boong, cách nhau 1,8 mét, trong vài phút mỗi ngày.

Trong khi hành khách được cách ly, 1.035 thủy thủ vẫn làm việc chung, di chuyển và tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày. Họ không có phòng riêng mà phải chung phòng với những người khác, phải đi lại khắp tàu để phục vụ đồ ăn cho khách. Việc tiếp xúc với nhiều người và nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh là không thể tránh khỏi.

Hơn 3.700 người trên du thuyền đang sống trong sợ hãi vì bị cô lập. Ảnh: AFP.

Hơn 10 nhân viên trên tàu đã được xác nhận nhiễm virus và những người khác cảm thấy bị bệnh. Nhưng không giống các hành khách, họ không được cách ly. Tâm trạng lo sợ đang bao trùm các nhân viên trên tàu khi họ nhìn thấy nhiều người đã ngã bệnh. Các thủy thủ trên tàu, xin được giấu tên với New York Times vì sợ mất việc, nói rằng họ đã được cung cấp khẩu trang, găng tay và nước khử trùng, nhưng lại được chỉ dẫn sơ sài về cách giảm nguy cơ nhiễm bệnh trong tình huống nghiêm trọng này. 

Binay Kumar Sarkar, một nhân viên phục vụ thức ăn và rửa bát trên tàu, mô tả chiếc du thuyền giống như một "thành phố nhỏ và rất dễ lây lan virus". "Tôi bị kẹt ở đây và không biết mình có còn sống để trở về nhà hay không". "Tại sao họ không tách chúng tôi ra? Có phải chúng ta không phải là một phần của con tàu hay không? Nếu hành khách đã bị cách ly, tại sao chúng tôi không được như vậy", một đầu bếp khác từ Ấn Độ nói với Washington Post

Nhân viên trên tàu chủ yếu đến từ các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có 132 người Ấn Độ.

Giống như các hành khách, nhân viên phi hành đoàn được phát nhiệt kế và được yêu cầu theo dõi nhiệt độ của họ và phải báo lại nếu bị sốt. Hành khách rất biết ơn các nhân viên, nhưng cũng lo lắng rằng bất kể họ mặc đồ bảo hộ, họ vẫn có thể truyền bệnh cho những người bị cô lập bên trong. Trong khi mục đích phong tỏa Diamond Princess là để ngăn virus phát tán, điều kiện ngặt nghèo mà các thủy thủ đối mặt có thể dẫn đến kết cục ngược lại. 

Phó giáo sư John B. Lynch chuyên về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Washington cho biết: "Trường hợp Diamond Princess cũng tương tự Vũ Hán nhưng với quy mô nhỏ hơn. Khi du thuyền bị cách ly, các thủy thủ buộc phải chia sẻ không gian sống chật hẹp và làm tăng khả năng phát tán virus. Chúng ta nên nhớ rằng lệnh phong tỏa chủ yếu là để bảo vệ cho những người bên ngoài 'vòng kim cô' chứ không phải những người ở bên trong".

Trong khi đó, những du khách tưởng chừng như được trải qua chuyến du lịch trên du thuyền sang chảnh, giờ đây lại sống trong ngột ngạt và lo lắng. Con gái của một hành khách đã cố gắng bón thức ăn và nước uống cho mẹ già - người bị sốt trong thời gian sống cách ly trên tàu. "Bà ấy thấy ốm yếu và mệt mỏi. Tôi hy vọng bà ấy có thể được ra khỏi đây sớm", cô rơi nước mắt nói. 

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bước xuống từ Diamond Princess khi du thuyền neo đậu tại cảng Yokohama. Ảnh: AFP.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết hôm 10/2, cho đến nay họ đã lấy mẫu xét nghiệm của 439 người trên tàu để tìm virus corona. Điều đó khiến hơn 3.000 người chưa được kiểm tra, chỉ nhận được kiểm tra sức khỏe ban đầu. Chính phủ Nhật Bản nói rằng họ có khả năng kiểm tra ít nhất 1.000 người mỗi ngày nhưng sẽ rất khó khăn khi xét nghiệm mọi người trên tàu Diamond Princess. Giới chức Nhật Bản sẽ cân nhắc việc chấm dứt lệnh cách ly vào ngày 19/2, nhưng hàng nghìn người trên chuyến tàu này vẫn hy vọng được rời tàu và trở về đất liền trước khi tình hình chuyển biến tồi tệ hơn.

Chiếc du thuyền "đen đủi" thứ hai là MS Westerdam. Nó chở 1.455 khách và 802 nhân viên đang bị kẹt lại dù chưa có bất kỳ hành khách nào trên tàu có biểu hiện của việc nhiễm bệnh. MS Westerdam rời Singapore vào ngày 16/1, bắt đầu chuyến đi kéo dài 30 ngày vòng quanh châu Á. Tuy nhiên, sau khi rời Hong Kong vào ngày 1/2, con tàu bị các cảng ở Nhật Bản, Guam, Thái Lan, Philippines và Đài Loan từ chối cập cảng do lo ngại có thể có hành khách nhiễm virus corona trên tàu, theo CNN. 

Đến ngày 12/2, du thuyền MS Westerdam đã được chính phủ Campuchia đón nhận, cho phép neo đậu tại thành phố Sihanoukville. Dự kiến con tàu sẽ cập cảng vào sáng 13/2, kết thúc những ngày sống trong tình trạng bị xa lánh. Thủ tướng Hun Sen cho rằng đây là một hành động giúp đỡ "mang tính nhân đạo" giữa tình thế khẩn cấp. Chính quyền Campuchia sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe trên tàu và cung cấp dịch vụ miễn visa cho hành khách - một quan chức chính phủ cấp cao giấu tên nói với Fresh News.

May mắn hơn Diamond Princess và MS Westerdam là du thuyền World Dream. 3.600 khách và thủy thủ đoàn đã được xuống bến ở Hong Kong, sau nhiều ngày bị cách ly trên biển. Một con thuyền khác cũng phải ở lại bến ở bang New Jersey (Mỹ) hai ngày, sau khi bốn hành khách phải đi xét nghiệm virus corona. Bốn người này và 23 hành khách khác cho kết quả âm tính, và con thuyền được cho đi tiếp vào ngày 10/2.

Hoàng Hà
(Theo New York Times, Washington Post, The Verge, Sky News)