Chủ nhật, 10/5/2020, 13:00 (GMT+7)

Trung Quốc thật sự biết đến nCoV từ khi nào?

Dù Trung Quốc bác bỏ việc virus lây lan từ phòng thí nghiệm và khẳng định không giấu giếm, nhiều chứng cứ khoa học cho thấy có thể nCoV đã xuất hiện sớm hơn nhiều so với thời điểm Bắc Kinh công khai.

Chiều 18/9 năm ngoái, nhân viên của sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán nhận báo động về việc một hành khách trên chuyến bay sắp hạ cánh có tình trạng sức khỏe không tốt với dấu hiệu khó thở. Đội ngũ nhân viên tại sân bay ngay lập tức bật chế độ khẩn cấp, trang bị mặt nạ để đưa ra các phương án hành động. Không lâu sau đó, Trung tâm cấp cứu Vũ Hán báo cáo, ca bệnh này được chẩn đoán lâm sàng là mắc một chủng mới của virus corona.

Đây được xem là một ca tập dượt để kiểm tra phản ứng nhanh của đội ngũ y tế trước thềm Olympics quân sự được tổ chức vào tháng sau đó, nơi sẽ có đến 10.000 tuyển thủ tập trung tại Vũ Hán.

Tuy nhiên, sự trùng hợp kỳ lạ này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao họ lại chọn một chủng mới của virus corona để tập dượt, và điều này có thể chứng tỏ, việc Vũ Hán phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu không phải là điều không thể dự đoán trước.

Câu hỏi này càng phù hợp hơn trong bối cảnh, một vận động viên người Pháp tiết lộ một số người có thể đã nhiễm nCoV khi tham gia Olympics quân sự đó. Họ có những triệu chứng giống như bệnh cúm trong suốt sự kiện diễn ra trong 9 ngày, từ 18/10/2019.

Virus thực sự xuất phát từ đâu?

Hôm 27/12/2019, một người bán cá nhập viện tại Paris vì nghi ngờ viêm phổi, đã được xác nhận là nạn nhân của loại virus mới dù không đi du lịch nước ngoài. Trung Quốc đã thông báo về căn bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bốn ngày sau khi người Pháp đó nằm viện, tuy nhiên không phong tỏa Vũ Hán cho tới 24 ngày sau.

Một nghiên cứu cho thấy nếu các quan chức ở đây hành động sớm hơn ba tuần, họ đã giảm được 95% trường hợp lây nhiễm. Thậm chí chỉ cần phong tỏa sớm hơn một tuần, họ đã có thể cắt giảm 2/3 ca bệnh.

Nhà virus học nổi tiếng Trung Quốc Shi Zhengli. 

Theo The Mail tiết lộ, năm ngoái, Shi Zhengli - nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Virus học Vũ Hán (WIV) - đã cảnh báo rõ ràng về mối nguy hiểm của những động vật có vú sống về đêm. Trong một bài báo được xuất bản với ba đồng nghiệp vào tháng 3/2019, bà thừa nhận rằng "rất có khả năng sẽ có một đợt bùng phát nCoV có nguồn gốc từ dơi, và nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc". Zhengli nhận định, văn hóa ăn động vật sống vì bổ dưỡng của người Trung Quốc có thể tăng khả năng lây lan virus.

Một nghiên cứu điển hình của các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc khẳng định cụm triệu chứng giống như viêm phổi bắt đầu xuất hiện vào ngày 21/12/2019. Các bằng chứng đều hướng về chợ buôn bán hải sản Hoa Nam. Một bài báo khoa học còn chỉ ra tê tê có thể là vật chủ trung gian lây nhiễm SARS-CoV2.

Tuy nhiên Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo lại cho rằng, có những bằng chứng cho thấy virus xuất phát từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán. Một hình ảnh chụp từ bên trong Viện Virus học bí mật của Vũ Hán cho thấy một nhân viên phòng thí nghiệm lấy ra một hộp đông lạnh chứa mẫu chủng virus chết người, bên cạnh là gioăng trên cánh tủ đông đã bị hỏng. Đây là phòng thí nghiệm được sử dụng để lưu trữ 1.500 chủng virus, bao gồm cả virus corona lây từ dơi sang người.

Gioăng trên cánh tủ lạnh lỏng lẻo ở phòng thí nghiệm Vũ Hán. 

Chính nhà nghiên cứu Shi Zhengli cũng hoài nghi về việc liệu virus có thể bắt nguồn từ viện nghiên cứu của chính bà hay không. Dẫu sao, bà cùng các đồng nghiệp đã thu thập và lưu trữ vô số mẫu virus gây bệnh từ dơi trong nhiều năm qua, và sự cố luôn luôn có thể xảy ra.

Một bài báo học thuật xuất bản vào tháng 2 bởi Botao Xiao, giáo sư sinh học tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, và Lei Xiao, một nhà nghiên cứu ở Vũ Hán, đã kết luận virus corona có thể bắt nguồn từ Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Vũ Hán. Đây là cơ sở hoàn toàn tách biệt, cách chợ hải sản Vũ Hán, nơi vốn được cho là điểm bùng dịch ở Trung Quốc, chỉ 300 m.

Bài báo này cho biết có 605 con dơi được giữ trong Trung tâm. Nó còn mô tả cách dơi tấn công một nhà nghiên cứu, buộc anh ta phải cách ly.

Một số phương tiện truyền thông bác bỏ những điều này cho rằng đây là thuyết âm mưu về vũ khí sinh học, tuy nhiên "sẽ rất hữu ích nếu biết virus đến từ đâu để có thể ngăn chặn điều này xảy ra lần nữa", Davi Sridhar, Giáo sư sức khỏe cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh cho biết.

Virus xuất hiện vào lúc nào?

Trên SCMP có báo cáo xác định một người đàn ông 55 tuổi đến từ Hồ Bắc là ca bệnh đầu tiên được biết đến, mốc thời gian là 17/11/2019, không loại trừ khả năng virus đã lây lan sớm hơn. Tuy nhiên các nhà chức trách không thể xác định ai là F0 trong 9 bệnh nhân mắc bệnh ban đầu, với tuổi đời từ 39 đến 79. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc lại chia sẻ trên tờ The Lancet, căn bệnh khởi phát vào 1/12 và 27 trong số 41 bệnh nhân của họ đã có mặt tại chợ hải sản.

Chợ hải sản Hoa Nam.

Wu Wenjuan, một trong những tác giả và bác sĩ cao cấp tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm (Vũ Hán), chuyên về các bệnh truyền nhiễm nói với BBC bệnh nhân đầu tiên của họ là một người đàn ông lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ, về cơ bản không đi ra ngoài nên không tiếp xúc với chợ hải sản. Trong 10 ca bệnh tiếp theo, chỉ 4 người có mối liên quan đến khu chợ này.

Giới chức Vũ Hán thì tuyên bố người đầu tiên mắc bệnh là vào 8/12, người này cũng khẳng định không đi đến chợ buôn bán động vật hoang dã.

Tuy nhiên theo nghiên cứu trên tờ The Lancet, trường hợp đầu tiên tử vong lại có liên hệ với chợ Hoa Nam. Năm ngày sau khi người đàn ông này phát bệnh, vợ ông (53 tuổi) cũng nhập viện cách ly vì triệu chứng của viêm phổi dù không đi chợ.

Wu Wenjuan cũng nói với tờ Wall Street Journal rằng trong những bệnh nhân đầu tiên của họ có một thương nhân 49 tuổi tại chợ đã đổ bệnh vào 12/12. Bốn ngày sau, bố vợ anh mắc bệnh. Các bác sĩ và nhân viên y tế cũng bắt đầu nhiễm virus từ 25/12. Điều này cho thấy virus có thể lây từ người sang người, vài tuần trước khi Bắc Kinh thừa nhận.

Một phụ nữ được phun khử trùng toàn thân sau khi điều trị khỏi nCoV hồi tháng 3 và chuẩn bị về nhà tự cách ly 14 ngày. 

Một nhóm từ Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Vũ Hán đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Nature Microbiology tháng trước, đề cập đến những chiếc băng gạc được lấy từ "bệnh nhân có triệu chứng cúm ở Vũ Hán từ 6/10/2019 đến 21/1/2020". Nghiên cứu trên 640 chiếc băng gạc cho thấy có 9 mẫu dương tính, vì vậy virus thậm chí đã có dấu hiệu từ hồi tháng 10.

Một blogger cũng phát hiện sự thật từ tháng 7 năm ngoái, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành một sắc lệnh về việc chống lại bệnh truyền nhiễm, thúc giục các địa phương tăng cường giám sát các trường hợp giống như bệnh cúm hay viêm phổi.

Trung Quốc khẳng định hoàn toàn minh bạch và không giấu điều gì về Covid-19, nhưng nhiều người thắc mắc tại sao Bắc Kinh một mực phản đối điều tra.

Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, Ấn Độ cho biết Trung Quốc không cho chuyên gia nước ngoài tiếp cận bất kỳ cơ sở hay địa điểm nào có thể là nơi khởi phát virus, bao gồm Viện Virus học Vũ Hán. Một số người dân phỏng đoán Huang Yanling, một sinh viên tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) có thể là bệnh nhân số 0 sau khi lây nhiễm từ phòng thí nghiệm, tuy nhiên giới chức đã phản đối tin đồn này và cho biết, cô đã chuyển đến sống tại một nơi khác ở Trung Quốc.

Trung Quốc bác bỏ mọi giả thuyết về việc nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm, đồng thời hối thúc các nước không "chính trị hóa" virus và để việc tìm hiểu nguồn gốc Covid-19 cho giới khoa học.

Covid-19 được cho là khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, đến nay đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 4,1 triệu người nhiễm, trong đó hơn 280.000 người đã tử vong.

Xem thêm:
- Phản ứng kịch liệt của thế giới với Trung Quốc về Covid-19
- Tình báo Anh nói 'không nên tin vào tuyên bố của Trung Quốc về Covid-19'
- Nỗi tuyệt vọng của sĩ quan Mỹ bị đồn 'mang virus đến Vũ Hán'
- 6 ngày Trung Quốc chần chừ, khiến thế giới trở tay không kịp

Nghệ Nhi