Thứ năm, 26/3/2020, 09:52 (GMT+7)

'Tôi đang sống thế nào cạnh người chồng nhiễm nCoV’

MỹHàng đêm, khi chồng ngủ, Jessica lén kiểm tra xem anh còn thở không. Cô nói 'gia đình tôi đang phải sống trong những ngày hiện tại, nhưng là tương lai của nhiều nhà khác'.

Dưới đây là bài viết của Jessica Lustig - người phụ nữ đang chăm chồng nhiễm nCoV tại nhà - đăng trên New York Times.

"Anh ổn chứ anh yêu?" - Tôi đứng từ phòng khách hỏi vọng vào. Từ ngày chồng nhiễm bệnh, sàn phòng khách cùng chiếc đệm cắm trại đã trở thành giường ngủ của tôi, nhường lại phòng ngủ thành nơi cách ly cho chồng.

"Anh không muốn đánh thức em, nhưng anh cần em giúp" - T thì thầm bằng một giọng khàn khàn, tôi có thể hình dung ra anh đang run rẩy trong chiếc áo len mà anh khăng khăng mặc, đó là chiếc áo màu xám cha anh từng mặc khi còn sống.

Tôi đã quên không đặt thuốc giảm đau vào chiếc đĩa nhựa trong phòng tắm. Tôi không thể để cả lọ thuốc vào trong đó, bởi nó cần được cất ở một nơi an toàn không nhiễm khuẩn. Bất cứ thứ gì chồng tôi chạm vào đều phải ở yên trong phòng anh, hoặc được đưa cẩn thận từ phòng anh đến nhà bếp.

Mỗi ngày, tôi đều mang bát đĩa anh sử dụng vào bếp. Trong khi cô con gái 16 tuổi CK của tôi mở máy rửa bát, tôi nhanh chóng đặt chúng vào giữa các giá đỡ trước khi con bé vội vàng đóng lại để tôi không phải chạm tay vào bất cứ đồ đạc nào. Sau đó, CK sẽ bật vòi nước để tôi rửa tay bằng xà phòng ngay lập tức.

Chồng tôi - 56 tuổi, cao lớn, mạnh mẽ, đạp xe 5 giờ đồng hồ mỗi ngày từ Brooklyn đến Vịnh Jamaica - giờ đây đang nằm ngửa trong phòng cách ly, mắt nhìn vô định lên trần nhà, mặc một bộ đồ ngủ trong nhiều ngày vì thay đồ cũng là một việc quá khó đối với anh. Anh dính chặt lấy chiếc giường vì không thể đứng dậy quá lâu. Đã 12 ngày kể từ khi T thức dậy vào giữa đêm 12/3 với những cơn ớn lạnh. Ngày hôm sau, khi chính phủ thông báo tình trạng cấp bách về nCoV lây lan tại Mỹ, anh nghĩ rằng mình đã khỏe hơn, nhưng sau đó những cơn đau quay trở lại kèm trận sốt 38 độ liên tục kéo dài trong nhiều ngày.

T tự cách ly trong phòng ngủ ngay phía trước căn hộ, căn phòng mà thường ngày anh vẫn phàn nàn về việc nghe rõ tiếng xe tải qua lại và những tiếng nổ dài từ đám tàu ở cảng New York cách đó vài dãy nhà. T chỉ ra khỏi phòng duy nhất lúc anh cần đi vệ sinh.

2 ngày sau khi các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện, chồng tôi đi khám tại phòng khám tư và được bác sĩ cung cấp tờ rơi "Phải làm gì nếu bạn bị nhiễm Covid". Anh trở về nhà và tự cách ly khỏi người thân trong gia đình. Sau đó, T sốt 39 độ, anh xét nghiệm âm tính với bệnh cúm, nhưng vì vừa bị hen cấp tính vài tháng trước, T được liệt vào danh sách người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 và bị chỉ định xét nghiệm thêm. T được chẩn đoán chỉ một ngày trước khi Mỹ mất kiểm soát vì dịch bệnh bùng phát.

Giờ đây, chúng tôi phải đương đầu với cuộc chiến chống lại Covid-19 ngay trong chính nhà mình; cuộc chiến mà chúng tôi thường xuyên lo sợ không có đủ thuốc để chống chọi lại những trận sốt và những cơn đau dữ dội kéo đến mỗi giờ. Advil (thuốc giảm đau) và Tylenol (thuốc hạ sốt) là 2 dược phẩm được bác sĩ khuyên dùng, nhưng chúng dần trở nên khan hiếm giữa đại dịch.

Từng ngày trôi qua tin tức về Covid lại một dày đặc hơn. Mỗi sáng thức dậy, mọi người hồi hộp xem thời sự để đếm số ca nhiễm và số người tử vong thay cho hoạt động thể dục lành mạnh thường ngày, e dè khi phải bước ra đường và nghi ngại tiếp xúc với những người xung quanh.

3 ngày sau khi xét nghiệm, bác sĩ của T gọi đến nhà thông báo kết quả dương tính. Tôi ngó vào phòng thấy T nằm nghiêng, đọc một bài báo về sự gia tăng chóng mặt các trường hợp dương tính ở New York. Anh ấy đang đọc tất cả tin tức về những người nhập viện cách ly, những người đang phải đặt máy thở, và cả những người đã chết vì cùng nhiễm virus giống mình.

Lần cuối cùng cả gia đình tôi quây quần bên nhau cách đây hơn 2 tuần mà tưởng như đã từ lâu lắm. Hôm đó, chúng tôi đang xem vài tập đầu của loạt phim "Chernobyl" trên kênh HBO, bỗng nhiên T cảm thấy mệt và đi về phòng nằm. Bây giờ có quá nhiều phiền phức và mệt mỏi chúng tôi phải đối diện hàng ngày, chẳng còn đủ thời gian để xem tiếp một tập phim nào nữa.

Ngày qua ngày tôi chăm lo từng bữa ăn cho T, trong khi anh chỉ có thể gắng gượng húp một chút súp vào mỗi bữa. T không cảm nhận được mùi vị của thức ăn bởi còn bận chiến đấu với chứng buồn nôn đến nghẹt thở. Tôi giúp anh kiểm tra thân nhiệt mỗi giờ và theo dõi độ bão hòa oxy trong máu bằng máy đo oxy do bác sĩ yêu cầu.

Tôi mang trà, chuẩn bị thuốc cho chồng, rửa tay nhiều lần trong ngày, nhắn tin cho bác sĩ mỗi khi tình trạng bệnh của anh trở nên tệ hơn, đứng bên an ủi trong khi anh trùm chăn ho rũ rượi. T luôn nói "Em không nên ở lại đây", nhưng anh dường như sợ hãi hơn mỗi khi màn đêm buông xuống. Anh sợ những cơn sốt kéo dài khiến thân thể ướt đẫm mồ hôi, run rẩy vì lạnh và đau đớn khủng khiếp. T ví những cơn đau giống như cái cối nghiền nát cơ thể mình.

Các trường công tại New York đang dần đóng cửa toàn bộ để bắt đầu triển khai học trực tuyến, trong đó có trường của con gái tôi. Suốt nhiều ngày, CK và các bạn cùng lớp liên tục nhận được những tin nhắn hướng dẫn dài vô tận của ban giám hiệu và cô giáo chủ nhiệm, bội thực với lời thông báo lặp đi lặp lại: Đây không phải một kì nghỉ, đây là học tập từ xa. Đến nỗi tôi buộc lòng phải viết email cho hiệu trưởng để trình bày về hoàn cảnh gia đình hiện tại.

Tôi không chỉ nhắn tin liên tục cho bác sĩ, tôi còn trò chuyện nhóm cùng 5 anh chị em của T, cập nhật tin cho bố mẹ và anh trai tôi, nhắn tin cho đối tác kinh doanh và nhân viên của T, rồi lại nhắn tin cho các bạn thân của gia đình tôi. Một vòng tròn đều đặn mỗi ngày với biết bao lời cầu nguyện bình an cho 3 người chúng tôi. Chồng tôi quá kiệt sức và mệt mỏi, anh bảo tôi đừng giấu giếm tình trạng của anh với bố mẹ, mọi người đều cần sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh trong bối cảnh Covid lây lan nguy hiểm như thế này.

Rất nhiều người ngoài kia còn chưa ý thức được về mức độ nguy hiểm của Covid họ vẫn vô tư sống đời mình và coi dịch bệnh là chuyện của người khác. Họ nghĩ rằng việc đọc tin tức hàng ngày và thực hiện các hướng dẫn chung chung về y tế của chính phủ là đã đủ giúp mình sống an toàn qua mùa dịch, liên tục chia sẻ trên mạng xã hội sự khó chịu khi phải ở nhà, bức bối với việc học trực tuyến, hay bày tỏ sự kì thị với những người mắc bệnh. Trong khi nhà của chúng tôi đang phải biến thành phòng bệnh tạm thời, gia đình tôi đang phải sống trong những ngày hiện tại sẽ sớm trở thành tương lai cho thêm nhiều người trong số họ.

CK kể: "Con ra ngoài đổ phân mèo. Có vài người lạ người đứng gần đó, con nghe thấy họ nói 'Hay đấy, đúng là cơ hội để gắn kết gia đình', nó khiến con bực bội và quay trở vào nhà!".

Trong những ngày qua, cô con gái 16 tuổi mơ mộng đã trở thành trợ lý việc nhà của tôi, từ trông nhà, dọn dẹp bếp núc, cho mèo ăn, dọn phân mèo, gấp quần áo, chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, rửa chén bát, và phối hợp nhịp nhàng với tôi trong việc hỗ trợ T. Chúng tôi nhờ đó mà giao tiếp với nhau nhiều hơn mọi ngày.

Dù mệt mỏi phát khóc, tôi vẫn phải kiên trì giữ an toàn cho bản thân và con gái. Tôi lau tay tất tần tật đồ vật trong nhà từ tay nắm cửa, công tắc đèn, vòi nước, tủ đồ, bàn ghế... bằng cồn. Tôi ném chiếc áo hoodie mặc ban ngày vào máy giặt buổi tối như ném một búi rác. Tôi giặt tất cả khăn trong nhà hết lần này đến lần khác.

Khi CK muốn tắm, tôi lau toàn bộ phòng tắm chính, nơi T lấy nước, đi cầu, ho và khạc đờm bằng thuốc tẩy, thay toàn bộ khăn mặt, khăn tắm mới, dặn CK cẩn thận tránh chạm vào đồ đạc, tắm nhanh và trở về phòng. Tôi làm tương tự với chính mình. Nhiều lúc tôi vừa cọ rửa phòng tắm xong xuôi thì T lại cần sử dụng nó, tôi sẽ phải thực hiện lại toàn bộ công cuộc tẩy trùng trước khi 2 mẹ con bước vào.

Trong suốt 2 tuần ăn ngủ với dịch bệnh, tôi đã tự tin hơn với các kĩ năng sinh tồn của mình. Tôi không còn quá lo lắng nếu CK bị lây nhiễm. Tôi sẽ chăm sóc cả 2 bố con. Hoặc nếu tôi bị lây nhiễm, tôi sẽ hướng dẫn CK làm nhiều việc hơn nữa, như cần phải làm gì nếu T hoặc tôi phải nhập viện? Một đứa trẻ 16 tuổi sẽ tự lo liệu cho mình như thế nào? Làm sao để có được thứ mình cần? Mất bao lâu để làm việc đó...

Tôi biết chắc chắn mình không thể gửi con cho ông bà, ông bà ở Long Island đã 78 tuổi, họ muốn CK đến, nhưng con bé có thể giết họ nếu chẳng may nó cũng nhiễm Covid. Nếu CK nhiễm virus nó sẽ cần một người chăm sóc, họ phải có phòng tắm và phòng ngủ để con bé được cách ly. Tôi nằm trên sàn nhà trằn trọc suy nghĩ vì mất ngủ lúc 4 giờ sáng, suy tính cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Đã 3 lần chúng tôi chần chừ đi cấp cứu, T không có dấu hiệu khó thở và đó là lý do chúng tôi lại quyết định ở nhà. Chúng tôi gọi video vào một trong những đêm này với bác sĩ ở phòng cấp cứu của Đại học New York, một trong số 250 người được huy động để thực hiện các cuộc gọi video chăm sóc khẩn cấp với các bệnh nhân có triệu chứng giống như T. Cô ấy nói rằng tình trạng bệnh sẽ kéo dài 2 đến 3 tuần, T có thể ở nhà nếu như không bị khó thở và thiếu oxy. Tôi thường lén kiểm tra mỗi khi T ngủ, khẽ tiến lại giường và cúi xuống quan sát để chắc chắn rằng anh còn thở, giống như bà mẹ kiểm tra em bé sơ sinh ngủ trong cũi.

Vào một trong những đêm tồi tệ nhất, tôi ở bên giường, vỗ về T qua tấm chăn, tôi thấy mình vô thức ngân nga khúc hát thời thơ ấu mà cả mẹ và bà tôi thường hát cho tôi nghe. Và hơn 4 thập kỉ sau, tôi ngân lại giai điệu đó cho người chồng bệnh nặng của mình.

Ra ngoài đường, T bằng cách nào đó trông còn yếu đuối hơn, cơ thể 1,85m của anh lom khom trong chiếc áo khoác mùa đông to sụ, giấu bên trong 4 lớp áo dày cộm khác. Anh nói rằng trời lạnh, nheo mắt dưới ánh mặt trời tháng 3, bịt kín mũi và miệng bằng chiếc khẩu trang được phát ở lần đi xét nghiệm. Cả 2 chúng tôi đều đeo găng tay dùng một lần, tôi khoác tay anh và cùng đi đến phòng khám.

Đêm hôm trước là một đêm đáng sợ, T đau đầu và buồn nôn nhiều hơn cả, chỉ ăn khi tôi ép anh ăn, ho nhiều hơn và phải hít thuốc liên tục. Người anh ướt đẫm mồ hôi vào buổi sáng và đến tối thì lại nằm cuộn tròn rên rỉ "Anh vừa ho ra máu".

Chúng tôi bật loa ngoài để gọi cho bác sĩ ở phòng khám tư, ông nói rằng chưa có phác đồ điều trị cụ thể, nhưng nhiều bệnh nhân khác có vẻ khá hơn sau 1 tuần. Tuy nhiên theo những gì chúng tôi biết qua tin tức hàng ngày, những trường hợp nghiêm trọng dẫn đến con số tử vong ngày một tăng lên. Rủi ro ở mức báo động khi virus nhắm thẳng vào phổi gây ra tình trạng viêm phổi nguy kịch.

Để trấn an gia đình, bác sĩ kê cho chồng tôi một đơn thuốc kháng sinh. Vì lúc đó đã khuya và hiệu thuốc sẽ đóng cửa trong vòng một tiếng nữa, tôi đã phải nhờ bạn của chồng đi mua hộ, tiện thể nhờ anh mua một ít cam để T bồi bổ. Không thể tưởng tượng chúng tôi đã mua được quả cam cuối cùng ở quầy siêu thị vào hôm đó.

Bác sĩ bảo chúng tôi quay lại phòng khám để chụp X-quang ngực vào sáng sớm hôm sau. Và giờ chúng tôi đang đi bộ qua 3 dãy nhà, T ho liên tục sau tấm khẩu trang trên suốt dọc đường. Trên đường, người đi lại đã thưa thớt hơn nhiều, sau khi Thống đốc Andrew Cuomo khuyên người dân New York nên ở yên trong nhà và hạn chế đi lại ở mức tối đa, chỉ có vài người ra ngoài vì vẫn giữ thói quen chạy bộ buổi sáng.

Chỉ hơn một tuần trước, tôi còn giống họ, vậy mà giờ đây tôi phải làm mọi cách đánh lạc sự chú ý của T vào những người qua đường, để anh không thấy ánh mắt soi mói và cái ngoái đầu kì thị của họ. Một số người cũng mang khẩu trang, nhưng họ đi thẳng và sải bước nhanh chóng với thái độ bảo vệ chính mình, không giống chúng tôi là những người mang bệnh.

Tại phòng khám, tôi gặp một cặp vợ chồng khác đeo khẩu trang bước vào và một người đàn ông đeo khẩu trang ngồi trên ghế chờ. T ngồi xuống dựa vào tường và nhắm mắt lại. Tôi tiến lại bàn lễ tân và nói với y tá "Chồng tôi xét nghiệm dương tính với Covid", cô y tá đeo khẩu trang nhưng không giấu được ánh mắt kinh hãi khi nhìn thẳng vào mắt tôi. Cô ấy lập tức đưa cho tôi một chiếc khẩu trang yêu cầu đeo vào.

Hôm nay bác sĩ của T đang công tác tại một phòng khám khác, vì vậy chúng tôi sẽ gặp một bác sĩ mới và họ sẽ đối chiếu lại y bạ. Mắt T vẫn nhắm nghiền trong thời gian chờ khám, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ sau lưng, mọi người vẫn đi lại trên phố như một ngày bình thường. Bên kia đường, một người đàn ông mở cửa quán cà phê bằng tay trần và đi vào bên trong. Một y tá khác đi đến bàn lễ tân, họ thì thầm với nhau và cùng đeo khẩu trang. Chúng tôi được bác sĩ gọi vào phòng, các y tá kiểm tra tổng quát cho T, anh sốt nhẹ 37 độ, khả năng là do dùng thuốc hạ sốt trước khi đi. Huyết áp của anh vẫn ổn, mạch bình thường, độ bão hòa oxy trong máu ở mức chấp nhận.

Chúng tôi nói với họ về tình trạng sốt, toát mồ hôi, buồn nôn, ho ra máu và độ bão hòa oxy thấp hơn khi đo vào sáng nay lúc ở nhà. Khi các y tá rời đi, T dựa lưng vào ghế khám, ngả đầu, đôi mắt lại nhắm nghiền. Bên ngoài, tôi nghe loáng thoáng ai đó nói "Anh ta bị bệnh lâu rồi, cần phải vào viện cách ly đi chứ".

Bác sĩ bước vào đeo khẩu trang và đội mũ kèm kính chắn plastic, T run rẩy thay quần áo bệnh nhân, đi theo cô vào phòng chụp X-quang. Khi trở lại, T thều thào "Chỉ việc giữ 2 tay lên đầu thôi mà anh cũng thấy thật khó khăn". Bác sĩ cho biết phim chụp rất khác với tuần trước, anh bị viêm phổi trái, may mắn là T đã được kê đơn kháng sinh tối qua. Tuy nhiên khi kiểm tra qua ống nghe thì phổi anh không có dấu hiệu khò khè nên được bác sĩ cho tiếp tục điều trị tại nhà và theo dõi chặt chẽ hơn trước.

Ra khỏi phòng khám, chúng tôi gặp hai người phụ nữ cao tuổi hồn nhiên đứng chuyện trò ngay lối vào. Tôi và T lúng túng chờ đến khi họ đi tiếp rồi mới dám bước ra ngoài và đi bộ về nhà. T nói anh lạnh, tôi quay sang nhìn anh râu mọc trắng cổ và cằm sau nhiều ngày chưa được cạo. Vài người đi ngang qua chúng tôi trên vỉa hè, không hề biết rằng chúng tôi là những "vị khách đến từ tương lai". Tôi lãng đãng suy nghĩ trong lúc tản bộ, đây sẽ là kịch bản tương lai cho họ: Hoặc là T - vật lộn với Covid đằng sau tấm khẩu trang và 5 lớp áo; hoặc là tôi - người chăm sóc bệnh nhân kiên cường, nếu như họ may mắn.

Trúc An (Theo Nytimes)