Thứ hai, 23/3/2020, 14:39 (GMT+7)

Thế giới nhận được bài học đắt giá gì từ Italy?

Kinh nghiệm 'xương máu' từ Italy cho thấy các biện pháp cách ly, hạn chế di chuyển cần phải được thực hiện sớm và tuân thủ nghiêm ngặt.

Khi số ca Covid-19 ở Italy cán mốc 400 và số người chết lên hai con số, Nicola Zingaretti, lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền đăng một bức ảnh đeo kính râm trong lúc thưởng thức ly cocktail ở Milan. Ông nói với mọi người "không cần phải thay đổi thói quen của chúng ta". 

Đó là vào 27/2, chứ không phải là 10 ngày sau, khi số bệnh nhân ở Italy đã lên đến 5.883 người, 233 người chết. Lúc này, Nicola Zingaretti lại đăng lên một video mới, thông báo rằng ông bị nhiễm nCoV. 

Italy hiện ghi nhận hơn 59.000 bệnh nhân, hơn 5.400 người chết, tốc độ lây nhiễm tăng chóng mặt. Hơn một nửa số ca nhiễm và tử vong đã xảy ra chỉ trong vòng một tuần qua. Hôm 21/3, quan chức y tế nước này báo cáo 793 ca tử vong, mức tăng trong ngày kỷ lục của thế giới. Italy cũng đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia xác nhận số người chết cao nhất toàn cầu, trở thành tâm chấn mới của đại dịch lúc này. 

Chính phủ phải điều động quân đội để phong tỏa vùng Lombardy, miền bắc giàu có của Italy, nơi đang là trung tâm bùng phát các ca nhiễm với số thi thể chất đống trong các nhà thờ. Tối 20/3, lệnh phong tỏa toàn quốc được siết chặt hơn: đóng cửa công viên, cấm mọi hoạt động ngoài trời - kể cả đi bộ hay tập thể dục.

Tối 21/3, thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố một biện pháp quyết liệt khác để đối phó với đại dịch mà ông gọi là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất đất nước kể từ Thế chiến thứ hai". Theo đó, Italy sẽ đóng cửa toàn bộ nhà máy và dịch vụ sản xuất không thiết yếu, một sự hy sinh kinh tế to lớn nhằm ngăn chặn Covid-19 và bảo vệ tính mạng người dân.

"Chính phủ ở ngay đây", ông Conte trấn an công chúng. 

Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm nCoV đến bệnh viện hôm 16/3. Ảnh: New York Times.

Bi kịch của Italy là lời cảnh báo cho các nước láng giềng châu Âu và Mỹ, nơi virus đang lây lan với vận tốc tương đương. Kinh nghiệm rút ra từ Italy cho thấy các biện pháp cô lập khu vực bị ảnh hưởng, hạn chế sự di chuyển của người dân cần được thực hiện từ sớm, đặt ra với sự rõ ràng tuyệt đối và thực thi nó một cách nghiêm ngặt.

Mặc dù đang thực hiện những biện pháp cứng rắn nhất trên thế giới, thời gian đầu chính quyền Italy đã phải dò dẫm từng bước khi loay hoay tìm cách bảo vệ quyền tự do cơ bản cho người dân cũng như nền kinh tế. Từng nỗ lực của Italy, từ việc phong tỏa các thị trấn, sau đó là các vùng, rồi đến việc đóng cửa toàn quốc, tất cả đều đi chậm hơn quỹ đạo gây chết người của Covid-19.

"Bây giờ, chúng ta đang phải chạy theo nó", Sandra Zampa, Thứ trưởng Y tế Italy nói. "Chúng tôi đóng cửa dần dần, như châu Âu đang làm. Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ cũng đang làm như vậy. Mỗi ngày bạn phải đóng cửa từng thứ một, bạn từ bỏ một chút thói quen thường ngày. Bởi vì virus không cho phép bạn cuộc sống bình thường".

Nhiều chính phủ quốc gia khác đang có nguy cơ đi vào vết xe đổ của Italy, lặp lại những sai lầm quen thuộc và khiến dịch bệnh trở thành thảm họa.  Về phần mình, các quan chức Italy lại cố gắng bảo vệ những phản ứng chậm trễ của họ, nhấn mạnh rằng đây là cuộc khủng hoảng quốc gia chưa từng có tiền lệ thời hiện đại. Họ khẳng định rằng chính phủ Italy đã phản ứng trước Covid-19 với tốc độ quyết liệt, ngay lập tức hành động theo lời khuyên của các nhà khoa học và nhanh chóng tiến hành các biện pháp cứng rắn dù gây tổn hại đến kinh tế nhiều hơn so với các nước láng giềng châu Âu.

Tuy nhiên, lật lại những hành động thời gian đầu của chính phủ Italy, có thể thấy rằng quốc gia này đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn từ sớm và vấp phải sai lầm nghiêm trọng. Trong những ngày đầu tiên của đợt bùng phát, thủ tướng Conte và các quan chức cấp cao Italy đã tìm cách hạ thấp mối đe dọa, tạo ra sự nhầm lẫn và cảm giác an toàn sai lầm về sự lây lan của virus. Họ đổ lỗi cho việc xét nghiệm quá nhiều ở phía Bắc kể cả với những người chưa có triệu chứng, đồng thời cho rằng sẽ gây ra sự kích động thái quá và làm xấu hình ảnh của đất nước với thế giới.

Ngay cả khi chính phủ Italy xem việc phong tỏa toàn quốc là cần thiết để đánh bại Covid-19, họ cũng thất bại trong việc truyền đạt mối đe dọa đủ mạnh để thuyết phục người dân tuân thủ nghiêm túc các quy tắc. 

"Không dễ dàng trong một nền dân chủ tự do", ông Walter Ricciardi, thành viên hội đồng WHO và là cố vấn hàng đầu của bộ y tế, cho biết. Ông Ricciardi nói rằng chính phủ Italy đã chuyển sang thực hiện những biện pháp chống dịch mạnh mẽ so với châu Âu hoặc Mỹ, nhưng bộ trưởng y tế quốc gia này từng phải đấu tranh trong việc thuyết phục các quan chức khác hành động nhanh chóng. Ngoài ra, Italy cũng gặp khó khăn trong việc điều phối sự phân chia quyền lực giữa Rome và các khu vực khác, dẫn đến những thông điệp, quy định (về Covid-19) đưa ra không nhất quán. 

Theo Walter Ricciardi, hệ thống này của chính phủ Italy đã gây ra thêm những rắc rối nghiêm trọng và trì hoãn quá trình áp dụng các biện pháp hạn chế sự gia tăng của Covid-19. 

"Nếu Italy làm được sớm hơn 10 ngày thì mọi chuyện đã khác", ông nói.

Mọi thứ đáng lẽ đã không xảy ra

Đối với virus corona, 10 ngày cũng có thể quyết định sự sống còn. 

Vào ngày 21/1, khi các quan chức hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo rằng những người che giấu nhiễm bệnh "sẽ bị bêu tên trên chiếc cột ô nhục vĩnh viễn", bộ trưởng Văn hóa và du lịch Italy vẫn tổ chức buổi hòa nhạc cho phái đoàn Trung Quốc trong một sự kiện ngoại giao tại Học viện Quốc gia Santa Cecilia. 

Tại sự kiện, Michele Geraci, cựu thư ký Bộ phát triển kinh tế Italy, uống rượu với các chính trị gia khác nhưng vẫn nhìn xung quanh trong tâm trạng khó chịu. "Chúng ta có chắc chắn muốn làm điều này không?", Ông kể lại câu hỏi ngày hôm đó. "Hôm nay chúng ta có nên ở đây không?". Với nhận thức muộn màng, các quan chức Italy nói rằng mọi chuyện đáng lẽ không nên xảy ra. Khi nhìn lại sự việc, bà Sandra Zampa, Thứ trưởng y tế Italy, thừa nhận rằng bà lẽ ra nên đóng cửa mọi thứ ngay lập tức từ sớm. Nhưng trong thời điểm đó, mọi chuyện vẫn rất mơ hồ. 

Khu vực Navigli nhộn nhịp ở Milan gần như trống rỗng trong thời gian phong tỏa. Ảnh: New York Times.

Các chính trị gia lo lắng về nền kinh tế, và khó chấp nhận sự bất lực khi đối mặt với virus. Quan trọng nhất, Italy từng xem câu chuyện diễn ra ở Trung Quốc chỉ là "bộ phim viễn tưởng chẳng bao giờ xảy ra" với nước họ. Và khi Covid-19 bùng phát, châu Âu lại nhìn Italy "giống hệt như cách chúng tôi đã nhìn nhận về Trung Quốc", bà Zampa nói.

Dẫu vậy, vào tháng 1, một số quan chức cánh hữu đã thúc giục thủ tướng  Giuseppe Conte cách ly các sinh viên trở về từ kỳ nghỉ ở Trung Quốc tại miền bắc Italy, như một biện pháp bảo vệ an toàn cho các trường học. Họ hầu hết là con cái của những gia đình nhập cư người Trung Quốc. Nhiều người theo chủ nghĩa tự do dân chủ đã chỉ trích gay gắt đề xuất này. Ông Conte cũng từ chối với lý do các thống đốc khu vực miền bắc nên tin tưởng vào lời khuyên của cơ quan giáo dục và y tế, mà trong đó không hề nhắc đến việc phải cách ly người trở về từ Trung Quốc. 

Đến ngày 30/1, Italy mới ban hành lệnh cấm mọi chuyến bay đến và rời Trung Quốc. "Chúng tôi là quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp dụng biện pháp phòng ngừa như vậy", Conte nói. Trong tháng 2, Italy đã tăng tốc độ phản ứng trước nỗi lo sợ về Covid-19. Hai khách du lịch Trung Quốc nhiễm bệnh và một công dân Italy trở về từ quốc gia này đã cách ly tại một bệnh viện nổi tiếng ở Rome. Thậm chí một tin báo động nhầm lẫn cũng khiến các nhà chức trách nhanh chóng cách ly hành khách trên một tàu du lịch cập cảng bên ngoài thành Rome. 

'Bệnh nhân số 1' - siêu lây nhiễm

Ngày 18/2, một người đàn ông 38 tuổi đến phòng cấp cứu tại bệnh viện ở Codogno, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Lodi tại vùng Lombardy, với các triệu chứng cúm nặng, nhưng chẳng ai cảnh báo về sự nguy hiểm. Bệnh nhân từ chối nhập viện và về nhà. Anh ta bị nặng hơn và trở lại bệnh viện vài giờ sau đó. Vào 20/2, bệnh nhân này được chuyển sang khoa chăm sóc đặc biệt, nơi anh ta nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. 

Người đàn ông, sau này được biết đến như là "bệnh nhân số 1", đã có một tháng bận rộn trước khi biết mình nhiễm virus. Anh tham dự ít nhất ba bữa tiệc tối và chơi bóng đá với nhiều người - tất cả diễn ra khi đã có triệu chứng, nhưng chưa nặng.

Ông Walter Ricciardi nói rằng Italy đã gặp xui xẻo khi có một bệnh nhân siêu lây nhiễm trong khu vực đô thị đông dân cư và sôi nổi bậc nhất đất nước. Người này đã đến bệnh viện không chỉ một mà hai lần, lây virus cho hàng trăm người, bao gồm cả bác sĩ và y tá. Nhưng bệnh nhân này không có bất kỳ liên hệ trực tiếp nào với Trung Quốc, và các chuyên gia nghi ngờ anh ta có thể nhiễm bệnh từ một người châu Âu khác. Hay nói cách khác, Italy đã không thể xác định được "bệnh nhân số 0", cũng như không lần theo được nguồn gốc lây lan để kiểm soát được dịch bệnh.

Các chuyên gia cho biết, loại virus này có thể đã hoạt động ở Italy trong nhiều tuần trước đó, lây lan qua bởi những người không có triệu chứng và thường bị nhầm là cúm. Nó lan rộng khắp vùng Lombardy, nơi có thủ phủ là thành phố Milan, khu vực năng động về kinh tế và giao thương nhiều nhất với Trung Quốc. 

"Người mà chúng ta gọi là 'bệnh nhân số 1', có thể là 'bệnh nhân số 200'", Fabrizio Pregliasco, một chuyên gia dịch tễ học nói.

Đến ngày 23/2, số ca nhiễm nCoV ở Italy đã tăng lên 130 người. Italy phải phong tỏa 11 thị trấn với các trạm kiểm soát của cảnh sát và quân đội. Những ngày cuối cùng của lễ hội thường niên Venice Carnival đã bị hủy bỏ. Ở Lombardy, trường học, bảo tàng, rạp chiếu phim đóng cửa. Người dân Milan vội vàng chạy đến các siêu thị để mua đồ tích trữ.

Nhưng thời điểm đó, thủ tướng Conte vẫn tìm cách hạ thấp mối nguy hại của dịch bệnh, nói rằng các trường hợp dương tính gia tăng là bởi vùng Lombardy đang thực hiện nhiều ca xét nghiệm hơn. 

Khử trùng xung quanh nhà ga xe lửa trung tâm ở Milan tuần trước. Ảnh: New York Times.

Bước sang 24/2, khi tổng số bệnh nhân vượt quá mốc 200, trong đó có 7 người chết và thị trường chứng khoán lao dốc, ông Conte lại đổ lỗi cho bệnh viện Codogno. Ông cho rằng họ đã xử lý mọi việc "không theo đúng tiêu chuẩn", đồng thời chỉ trích các vùng phía bắc như Lombardy và Veneto "đang thổi phồng mọi chuyện bằng việc làm xét nghiệm cho cả những người không có triệu chứng".

Ngày 25/2, khi các quan chức của vùng Lombardy đang vật lộn với sự quá tải giường bệnh do con số bệnh nhân tăng lên 309 người với 11 ca tử vong, thủ tướng Conte vẫn cho rằng "Italy là một quốc gia an toàn, thậm chí an toàn hơn nhiều nơi khác".

Ngày 28/2, văn phòng thủ tướng tổ chức họp báo với điều kiện Conte có thể trả lời câu hỏi bằng văn bản. Khi nhận những câu hỏi về những tuyên bố trước đây, Conte đã từ chối trả lời. 

Những thông điệp hỗn loạn của chính phủ

Những phát ngôn trấn an từ các quan chức đã khiến người dân Italy hoang mang. Ngày 27/2, khi ông Zingaretti đăng bức ảnh nhâm nhi ly cocktail trên trang cá nhân, cũng là ngày mà bộ trưởng ngoại giao Luigi Di Maio tổ chức một cuộc họp báo ở Rome. 

"Ở Italy, chúng ta đang đi từ nguy cơ dịch bệnh sang dịch bệnh thông tin", ông Di Maio nói. Ông chỉ trích các phương tiện truyền thông đã thổi phồng mối đe dọa về sự lây nhiễm, và nói thêm rằng "chỉ có 0,089 % dân số Italy bị cách ly".

Đó cũng là ngày mà tại thành phố Milan, nơi cách trung tâm dịch bệnh khoảng 1 dặm, thị trưởng Beppe Sala công bố chiến dịch "Milan không dừng lại". Cùng với đó, Duomo, thánh đường hút khách du lịch nổi tiếng, mở cửa trở lại. Mọi người lại đổ xô ra ngoài đường.

Khung cảnh đông đúc tại một quán rượu ở Milan vào cuối tháng 2. Ảnh: New York Times.

Nhưng trên tầng 6 của trụ sở chính quyền khu vực ở Milan, Giacomo Grasselli, người điều phối các đơn vị chăm sóc đặc biệt trên toàn vùng Lombardy, đã nhận thấy những con số tăng lên nhanh chóng và dự đoán rằng họ không thể điều trị cho tất cả những người bệnh nếu tình trạng lây nhiễm không được kìm hãm. 

Tại cuộc họp hàng ngày của 20 quan chức y tế và chính trị gia, ông Grasselli báo cáo với thống đốc vùng Lombardy, Attilio Fontana, về những con số gia tăng không ngừng. "Chúng ta cần phải làm gì đó nhiều hơn", ông Grasselli nói trong cuộc họp. Ông Fontana, người đã nhiều lần thúc ép chính quyền trung ương hành động cứng rắn hơn, cũng đồng ý với nhận định này. Ông nói rằng những thông điệp hỗn loạn từ Rome và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đã khiến người Italy tin rằng "mọi thứ chỉ là một trò đùa và họ vẫn sống như trước đây".

Thống đốc Attilio Fontana đã đề xuất các biện pháp phòng chống dịch cứng rắn hơn trong các cuộc họp video với thủ tướng và với các thống đốc khu vực khác. Ông cảnh báo rằng xu hướng gia tăng ca nhiễm có nguy cơ làm sụp đổ hệ thống y tế phía bắc, nhưng những đề xuất của ông liên tục bị từ chối. "Chính phủ thuyết phục rằng tình hình không quá nghiêm trọng và họ không muốn làm tổn thương nền kinh tế quá nhiều", ông Fontana nói. 

Chính phủ Italy bắt đầu cung cấp một số gói hỗ trợ kinh tế, sau đó là gói cứu trợ trị giá 25 tỷ euro (28 tỷ USD), nhưng quốc gia này đã bị chia rẽ giữa những người nhìn thấy mối đe dọa, và những người có quan điểm trái ngược. 

Khi giới chức Italy phát hiện các cụm lây nhiễm ở thị trấn Vò (thuộc vùng Veneto) không có mối liên hệ dịch tễ nào với cụm lây nhiễm bùng phát ở Codogno, bộ trưởng y tế và thủ tướng mới bắt đầu cân nhắc những việc cần làm. Họ quyết định đóng cửa phần lớn phía bắc. 

Một trạm kiểm soát của cảnh sát ở Milan sau khi nước này ban hành lệnh phong tỏa. Ảnh: New York Times.

Trong một cuộc họp báo đột xuất vào 2h sáng ngày 8/3, khi Italy ghi nhận 7.375 người dương tính với nCoV và 366 người chết, ông Conte tuyên bố quốc gia này đang trong "tình trạng khẩn cấp". Trước đó, bản dự thảo của sắc lệnh phong tỏa toàn quốc, bị rò rỉ vào tối 7/3, đã khiến nhiều người dân Milan vội vã chạy đến các ga tàu hỏa, cố gắng rời khỏi khu vực. Nhiều người sau này cho rằng tình huống này đã khiến virus bắt đầu lây lan về phía nam. 

Trong sáng 8/3, nhiều người vẫn bối rối về mức độ nghiêm trọng của các quy định hạn chế. Để làm rõ, Bộ nội vụ đã ban hành mẫu "chứng nhận tự động", yêu cầu người dân phải điền vào trước khi ra đường. Cư dân sẽ được phép ra ngoài vì mục đích công việc, sức khỏe, hoặc một vài nhu cầu thiết yếu khác. Trong khi đó, một số thống đốc địa phương lại yêu cầu những người đến từ khu vực khác phải tự cách ly, những người còn lại thì không. 

Việc mở rộng phong tỏa lên phạm vi toàn bộ Lombardy khiến rào chắn cách ly giữa Codogno và các thị trấn thuộc "vùng đỏ" (một khu vực bao quanh 10 thị trấn tại vùng Lombardy) được dỡ bỏ. Giới chức địa phương nói rằng sự hy sinh bấy lâu nay của họ là vô ích, vì dịch bệnh đã lan ra khắp vùng rồi.

Một ngày sau, vào 9/3, khi các trường hợp dương tính với nCoV ở Italy đạt 9.172 và số người chết tăng lên 463, thủ tướng Conte đã tăng cường các quy định hạn chế di chuyển và ký sắc lệnh phong tỏa toàn quốc. Nhưng theo các chuyên gia, mọi việc đã quá muộn.

Người dân tại San Fiorano, một trong những thị trấn đầu tiên của "vùng đỏ", đang xem Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 9/3. Ảnh: Reuters.

Cuộc thử nghiệm địa phương

Italy vẫn đang phải trả giá cho những thông điệp thiếu nhất quán từ các nhà khoa học và chính trị gia. Số bệnh nhân tử vong những ngày gần đây hầu hết đều bị nhiễm bệnh trong thời điểm hỗn loạn một hoặc hai tuần trước. 

Roberto Burioni, một nhà virus học nổi tiếng tại Đại học San Raffaele ở Milan, nói rằng sự thiếu thống nhất về quan điểm của chính phủ Italy đã khiến người dân cảm thấy an toàn khi thực hiện thói quen thường nhật của họ. Ông quy kết rằng sự bùng nổ các ca lây nhiễm từ một tuần trở lại đây là hậu quả của thái độ chủ quan đó. 

Chính phủ đã kêu gọi sự đoàn kết tập thể trong việc tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển. Nhưng hôm 21/3, hàng trăm thị trưởng của các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất đã phàn nàn rằng "các biện pháp đó là chưa đủ". Các nhà lãnh đạo miền bắc đang đấu tranh để chính phủ đàn áp mạnh mẽ hơn.

Thống đốc vùng Lombardy, Attilio Fontana, nói rằng việc chính phủ triển khai 114 binh lính đến khu vực là hành động vô nghĩa, "ít nhất 1.000 quân phải được điều động", ông nói. Vào 21/3, ông quyết định đóng cửa văn phòng làm việc, cấm hoàn toàn chuyện đi bộ ngoài phố. Ông cho biết, chính phủ cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp "cứng rắn hơn" để yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm túc lệnh phong tỏa.

"Ý của tôi là nếu chúng ta đóng cửa mọi thứ ngay từ đầu, khoảng hai tuần, có lẽ bây giờ chúng ta sẽ được ăn mừng chiến thắng", ông Fontana nói. 

Pirellone, một tòa nhà mang tính biểu tượng ở Milan, được chiếu sáng với thông điệp "Stay at home". Ảnh: New York Times.

Đồng minh chính trị của ông, Luca Zaia, chủ tịch của vùng Veneto, cũng đồng ý rằng Rome phải thực thi biện pháp cách ly mạnh mẽ hơn, bao gồm đóng cửa tất cả nhà hàng, cấm hoạt động công cộng thậm chí là đi bộ. 

Ông Zaia có một số đóng góp quan trọng trong cuộc chiến với Covid-19. Khi các ca nhiễm bắt đầu lan rộng ra cả nước, ở thị trấn Vò, nơi có khoảng 3.000 người bị cách ly đầu tiên, đã giảm đáng kể số lượng bệnh nhân. Chủ tịch vùng Veneto từng làm trái quy định của chính phủ khi ra lệnh tăng cường xét nghiệm tại địa phương, điều bị chính phủ cho là "lãng phí nguồn lực". 

Ông Zaia cho rằng việc xét nghiệm liên tục đã giúp xác định được những người có khả năng lây bệnh mà chưa có triệu chứng. "Ít nhất điều này làm chậm tốc độ lây lan của virus và giúp các bệnh viện giảm tải áp lực". Nếu không làm xét nghiệm từ sớm, số lượng bệnh nhân quá đông sẽ phá hủy các hệ thống chăm sóc sức khỏe và gây ra thảm họa quốc gia.

"Người Mỹ và những người khác", ông nói, "cần phải sẵn sàng".

Hoàng Hà (theo New York Times)