Chủ nhật, 26/1/2020, 11:00 (GMT+7)

Tết của nhân viên chăm thú dữ

Thay vì sum vầy bên gia đình ngày đầu năm mới, các nhân viên chăm nuôi động vật đón Tết bên đàn thú dữ.

Khác với công việc văn phòng, các nhân viên tại tổ thú dữ, Xí nghiệp chăn nuôi động vật số 1, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội chưa bao giờ được hưởng một kỳ nghỉ Tết trọn vẹn.

Trong ký ức của chị Trần Thị Ngọc (35 tuổi), ngày Tết chẳng khác ngày thường mà công việc có phần căng thẳng hơn.

"Vào dịp lễ tết, lượng công việc tăng cao, tổ thú dữ nói riêng và các nhân viên trong vườn thú phải luân phiên làm việc suốt 24 giờ. Sáng chiều làm việc như ngày thường để phục vụ khách tham quan. Tối muộn lại trông coi, kiểm tra tình hình con thú... nhiều khi mải làm mà quên mất đang trong dịp lễ", chị kể.

20 năm trong nghề chăm nuôi thú dữ, chưa bao giờ chị Ngọc được đón Tết trọn vẹn bên gia đình. Có năm trực qua giao thừa, năm làm từ mùng 1 đến hết mùng 3 vì thiếu người, ưu tiên cho anh em ở xa về quê. "Không nghỉ trước thì nghỉ sau, làm nhiều thành quen. Trước tết mình tranh thủ giờ nghỉ để sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa, nói chung vẫn "kham" nổi", chị Ngọc nói.

Hiểu đặc thù công việc nhưng chẳng thiếu lúc chị Ngọc chạnh lòng, rớm nước mắt khi nhìn các gia đình đưa con đi chơi vào dịp tết. Cũng có con, biết mong muốn được bố mẹ cho đi chơi nhưng công việc vẫn phải làm, bầy thú cần phải ăn... Chị Ngọc nén cảm xúc, tiếp tục công việc.

Nhớ lại tết 2018 - năm con sư tử con tên Chăm được sinh tại vườn thú - sau sinh, sư tử cái mất, một tay chị Ngọc chăm bẵm, nuôi dưỡng con Chăm chẳng khác gì con ruột. "Thời gian đầu tôi ở lại xí nghiệp đến tối muộn để tiện chăm sóc con Chăm. Thậm chí, 10 giờ đêm 30 Tết tôi còn chưa về nhà. Gia đình, con cái gọi điện thoại giục nhưng vì lo cho sư tử con, sát Giao thừa tôi mới về. Sáng hôm sau lại đến sớm".

Theo lời chị Ngọc, tết ở vườn thú chẳng mấy khi rảnh tay. Lúc nào nghỉ lại ngồi chơi với bầy thú. Quanh quẩn cũng nhanh hết ngày nhưng chỉ tiếc không thể bên gia đình những ngày đầu năm mới.

"Làm công việc phục vụ nhân dân, đi làm dịp lễ tết là chuyện thường", anh Nguyễn Quang Phúc (49 tuổi) - tổ trưởng tổ thú dữ - nói.

Đối với anh Phúc, tết là dịp vườn thú đón khách đông hơn mọi khi. Cũng bởi vậy, hai từ "nghỉ tết" với anh và 10 nhân viên trong tổ là điều xa xỉ. Ai đó có thể bàn đi du lịch, thăm họ hàng nhưng với các nhân viên, mọi mối quan tâm đều dồn vào 16 cá thể thú dữ.

"Hôm nay tâm lý con Phi không được ổn định/ Sức khỏe con hổ Đông Dương có vẻ yếu, cần bổ sung dinh dưỡng..." – sự an toàn và sức khỏe của con thú luôn được đề cao.

Nhắc đến những chuyện bi hài trong ngày lễ, anh Phúc kể, nhiều khi đang ăn tất niên hay đi chúc tết sáng mùng một mà có chuông điện thoại, anh em  lại buông bát đũa rồi chạy thẳng đến vườn thú.

Có vợ là bác sĩ thú y chăm sóc động vật móng guốc, nhiều đêm bầy thú sinh nở, đau ốm, vợ chồng anh Phúc lại phóng xe đến xí nghiệp. Đến tết, anh chị gửi con sang ông bà, rồi đến vườn thú "ăn tết", tối muộn mới về.

"Ai chẳng thương con... Nhưng cái nghề nó là vậy, tránh sao được", anh Phúc thở dài.

Giống với anh Phúc, anh Phạm Đình Mạnh, Trưởng phòng kỹ thuật, công viên Thủ Lệ cũng quen với những cái tết xa gia đình: "Con thú cũng giống như người, đâu có báo trước hay tránh ngày lễ tết để đau ốm. Cứ có việc là đi, chẳng kiêng mùng 1, mùng 2 tết đâu".

Theo anh Mạnh, ngoài chăm sóc thú, các nhân viên phải thay phiên đứng quanh khu vực tham quan để hướng dẫn du khách, nhắc nhở người dân không cho đồ ăn, xả rác, trêu chọc thú.

"Đến giờ đóng cửa, mọi người bắt đầu dọn dẹp đến tối muộn. Xong việc, mọi người thay ca, về nhà nghỉ ngơi, hôm sau lại đến sớm. Từ ban lãnh đạo cho đến anh em nhân viên ai nấy cũng tất bật với công việc", anh Mạnh kể.

Chị Hà Thu Phương, Giám đốc xí nghiệp chăn nuôi động vật số 1 cho biết, tết là thời điểm nhân viên làm việc liên tục 24 giờ từ vệ sinh, cho thú ăn, dọn dẹp, hướng dẫn du khách tham quan cho đến việc trông nuôi thú mỗi đêm. Hiểu được đặc thù công việc, xí nghiệp cố gắng bố trí lịch nghỉ tết cho nhân viên (2 – 3 ngày ngắt quãng) và ưu tiên người ở xa được về quê ăn tết hai ngày liên tục rồi lên đổi ca.

"Theo lịch nghỉ của nhà nước cán bộ công nhân viên nghỉ từ 7 – 9 ngày (tùy năm), nhưng anh em trong xí nghiệp được nghỉ 3 – 4 ngày là mừng lắm. Việc nhiều, nhân lực ít, anh em nhân viên cố gắng chia sẻ với nhau", chị Phương nói.

Thúy Quỳnh

Ảnh: Tùng Đinh