Thứ sáu, 15/11/2019, 10:00 (GMT+7)

Tại sao người Hàn Quốc dành cả thanh xuân để học và thi?

Những người trẻ tuổi dành 25 đến 30 năm đầu đời để học và thi, thậm chí tạm gác hẹn hò, kết hôn cho đến khi tìm được công việc đầu tiên.

Ngày 14/11, hơn nửa triệu sĩ tử Hàn Quốc bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học mang tên College Scholastic Aptitude Test (CSAT). 

Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc cũng được coi là một sự kiện quan trọng quốc gia. Trong ngày thi, các cơ quan bắt đầu làm việc muộn hơn một giờ để giao thông thuận tiện cho các sĩ tử tới địa điểm thi. Tại Seoul, lịch trình chuyến bay cũng được thay đổi trong 35 phút (từ 13h05 đến 13h40) khi bài nghe tiếng Anh diễn ra. Nhiều phương tiện bị cấm khỏi khu vực thi trong vòng 200m nhằm giảm tiếng ồn. Các ngân hàng và thị trường tài chính cũng bắt đầu phiên giao dịch muộn hơn để đảm bảo kỳ thi kéo dài 9 tiếng, từ 8h40 tới 17h40.

Kỳ thi Suneung bao gồm bài kiểm tra về các chủ đề như địa lý, đạo đức, tư tưởng, luật pháp và chính trị, lịch sử thế giới, cùng nhiều lĩnh vực khác. Điểm số cao không chỉ minh chứng cho năng lực học tập mà còn có ý nghĩa quyết định cả số phận của một học sinh Hàn Quốc, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân. Tại Hàn, người dân coi đây là kỳ thi quyết định thành bại của cuộc đời, khốc liệt không khác gì "đấu trường sinh tử". 

Một thí sinh chuẩn bị cho bài kiểm tra Suneung tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: EPA. 

Các học sinh bắt đầu ôn luyện cho Suneung từ năm 13 hoặc 14 tuổi. Trong năm đầu tiên của THPT, sau giờ học trên lớp, học sinh đến những lớp học thêm và lò luyện thi với tổng thời gian học lên tới 16 tiếng mỗi ngày. Nhiều người ước mơ đặt chân vào các đại học hàng đầu Hàn Quốc như ĐH quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc, ĐH Yonsei. Ba ngôi trường thường được gọi với tên viết tắt "SKY". Trong số hàng trăm nghìn người tham gia kỳ thi, chỉ khoảng 2% được nhận lời mời vào các đại học này, theo BBC. 

"Những người trẻ dành 25 đến 30 năm đầu đời cho việc học để thi và cuối cùng khi họ bước ra khỏi vỏ ốc vào thế giới thực, họ nhận ra cuộc sống không phải là một bài trắc nghiệm... đó đã là một cuộc khủng hoảng".

Có hàng triệu người Hàn Quốc như Lee Jin - hyeong buộc phải tiếp tục học ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học. "Tôi học từ 9h sáng đến 1h sáng hôm sau, đều đặn như thế", Lee - người dành phần lớn thời gian trong các phòng học và thư viện ở Seoul - nói.

Ở tuổi 35, Lee đã tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính nhưng chưa có công việc toàn thời gian nào. Anh đang học để tham gia kỳ thi công chức với hy vọng trở thành một cảnh sát.

Tại Hàn, nhiều lao động trí thức trong các ngành như dịch vụ dân sự, thiết kế, báo chí, thậm chí cả những vị trí đáng mơ ước tại đế chế như Samsung, LG và Hyundai, đều yêu cầu phải vượt qua các kỳ thi mở rộng, các chứng chỉ và nhiều bằng cấp khác.

Cha mẹ cầu nguyện cho sự thành công của con em mình trong các kỳ thi Suneung tại Đền Jogye ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP.

Minji Kim (tên đã được thay đổi), 29 tuổi, cho hay cô đã trải qua hơn 50 kỳ thi "quyết định cuộc đời", bao gồm cả "Suneung" cũng như các kỳ thi vào trường trung học, bằng cấp đặc biệt và chuyên môn báo chí. "Tôi bắt đầu những kỳ thi kiểu này từ năm học tiểu học. Tôi hiểu rằng các kỳ thi có khả năng làm thay đổi đời mình nên tôi không dám đi chơi vào cuối tuần vì cần dành hết thời gian cho việc học", cô nói. 

Hồi tháng 8/2015, Kim tham gia cuộc thi đầu tiên sát hạch vào một tờ báo. Cô phải thực hiện bài kiểm tra đánh giá kiến thức ở nhiều lĩnh vực như xã hội, kinh tế, chính trị, thậm chí tiếng Trung. "Tôi được yêu cầu làm hai bài luận trong hai giờ. Sau đó thậm chí phải test uống rượu cùng người tuyển dụng để họ đánh giá thái độ của ứng viên", cô nói. 

Kim cho hay các cuộc thi này có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần mỗi lần và thường yêu cầu các ứng viên phải tạm ngừng mọi hoạt động khác trong cuộc sống trong khi chờ đợi bước tiếp theo. "Một số bạn bè tôi sống ở ngoại ô Seoul phải đến trước một ngày và đặt khách sạn ở để tham gia cuộc thi. Cuối tuần nào cũng thế, chi phí rất tốn kém trong khi chẳng thể biết có được nhận hay không. Các công ty không chi trả khoản phí này cho bạn", cô nói. 

Cô Kim tiết lộ, ngay cả khi được nhận công việc mới bạn vẫn phải vượt qua tiếp các kỳ thi nếu muốn thăng tiến trong lĩnh vực chuyên môn. "Nếu bạn muốn xây dựng một chương trình quảng bá trong công ty, bạn cũng cần phải vượt qua kỳ thi về cách quảng bá của mình, nói dễ hiểu đó là một cấp độ hoặc chứng chỉ cụ thể", cô nói. 

"Người Hàn Quốc thích các kỳ thi tiêu chuẩn, giống như một thước đo khách quan về trình độ của một người", Shin Gi-wook - GS xã hội học kiêm Giám đốc chương trình Hàn Quốc tại ĐH Stanford nói. 

"Người Hàn coi trọng sự đoàn kết do đó cảm thấy thoải mái hơn khi mọi người được đánh giá dựa trên một cơ sở như nhau nhằm tránh sự chủ quan và tranh cãi", ông nói. "Chức năng của các kỳ thi trong xã hội Hàn Quốc hiện đại là khi bạn có điểm thi cao chứng tỏ trình độ của bạn tốt. Đó được coi là cách dễ dàng và đơn giản nhất để đảm bảo tương lai của một cá nhân trong xã hội phân tầng rõ rệt như thế".

Cha mẹ Hàn Quốc lên chùa cầu con đỗ đại học
 
 
Cha mẹ Hàn Quốc lên chùa cầu nguyện cho con. Video: SCMP

Lee Jin-hyeong thi tới 4 lần mỗi năm trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đạt được kết quả cần có để vào vòng tiếp theo. "Hầu hết những người trong độ tuổi 20 và 30 đều đến thư viện hàng ngày như tôi, học để thi các kỳ thi tương tự nhằm trở thành nhân viên chính quyền, cảnh sát, lính cứu hỏa. Tôi có thể nói khoảng 80% trong số họ đang ở tình trạng như thế", Lee nói. 

"Hầu hết các cuộc thi chỉ diễn ra 1-2 lần mỗi năm. Những người không đủ điểm để vào các trường đại học hoặc các công ty tốp đầu sẽ phải đợi thêm một năm nữa để thi lại", GS Shin nói.

2/3 người Hàn Quốc trong độ tuổi 25-34 có bằng đại học, tỷ lệ cao nhất trong các nước thành viên của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Giống như Lee, nhiều người trong số đó lựa chọn gác lại các mối quan hệ xã hội, hẹn hò, kết hôn cho đến khi tìm được công việc đầu tiên. Thật không may, điều này có thể kéo dài cả thập kỷ.

GS Shin cho biết, xã hội Hàn Quốc cũng rất nhạy cảm về tuổi tác và hầu hết các công ty thiết lập một giới hạn tuổi khi tuyển dụng nhân viên. "Những người không thể chứng minh năng lực trên thị trường việc làm ở độ tuổi 20 hay 30 sẽ gặp khó khăn để thực hiện điều này vào những năm sau đó trong suốt cuộc đời họ", Shin nói. 

"Có một áp lực rất lớn đè nặng tại kỳ thi công chức của tôi. Càng nhiều năm dành cho việc học, áp lực càng tăng lên", Lee thừa nhận.

Hơn nửa triệu học sinh trên khắp Hàn Quốc làm bài kiểm tra Suneung để vào đại học. Ảnh: EPA. 

Nhiều nhà phê bình từ lâu đã đặt câu hỏi liệu văn hóa thi cử cực đoan của Hàn Quốc có thực sự cần thiết trong một xã hội mà nhiều người gọi là "địa ngục Joseon" vì thiếu sự linh hoạt về xã hội, thiếu cơ hội việc làm và tất cả đều cảm giác vô vọng, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-29 vào nửa đầu năm 2018 là 11,9%, cao nhất kể từ năm 2015. 

Nhiều người cũng kêu gọi giảm áp lực thi cử của kỳ thi này, bởi đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử ở nước này ở mức cao và tiếp tục tăng hàng năm. Tuy nhiên, cuộc thi nay vẫn chưa hạ nhiệt. 

"Học tập là một điều tốt nhưng học cả ngày lẫn đêm như ở Hàn Quốc thật là điều khủng khiếp đối với trẻ em. Đây không phải là điều không có ý nghĩa thiết thực với xã hội, dù chúng ta có quan tâm đến năng suất và hạnh phúc hay không", John Lie - một giáo sư xã hội học tại Đại học California, Berkeley nói. 

Các chuyên gia như GS Shin nói rằng, văn hóa học tập cực đoan của Hàn Quốc khiến những người trẻ choáng ngợp khi bước vào cuộc sống thực tế. "Những người trẻ dành 25 đến 30 năm đầu đời cho việc học để thi và cuối cùng khi họ bước ra khỏi vỏ ốc vào thế giới thực, họ nhận ra cuộc sống không phải là một bài kiểm tra trắc nghiệm với nhiều lựa chọn và không phải luôn luôn có một câu trả lời rõ ràng cho mọi vấn đề. Đối với họ đó là một cuộc khủng hoảng giữa cuộc đời", Shin nói. 

"Việc dành cả tuổi trẻ để học cho hết kỳ thi này đến kỳ thi khác là vắt kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần", ông nói thêm. 

Nỗi ám ảnh với việc học một phần là do truyền thống Nho học của Hàn Quốc, nhưng nó cũng có bối cảnh lịch sử và xã hội hiện đại. "Giáo dục là nguồn lực chính cho xã hội Hàn Quốc trong thời kỳ phát triển. Người Hàn tin rằng nếu không có nỗi ám ảnh về giáo dục thì quốc gia này không thể đạt được vị thế hiện nay trong nền kinh tế thế giới. Giáo dục là cốt lõi trong những nỗ lực vươn tới thành công của Hàn Quốc", GS Shin phân tích. 

Ông nói thêm chắc chắn sẽ có cách cải thiện trong hệ thống tuyển sinh đại học và tuyển dụng việc làm bằng cách tạo ra các tiêu chí tuyển sinh đa dạng ở mỗi trường đại học. 

Các hoạt động cổ vũ cho kỳ thi này cũng diễn ra rất... tưng bừng. Ảnh: EPA. 

"Mọi thứ đang trở nên rối loạn chức năng, một căn bệnh về bằng cấp", giáo sư Lie thuộc ĐH Berkeley, nói. "Xã hội hiện đại cần thợ cơ khí tự động và thợ sửa ống nước, đầu bếp và các ngôi sao nhạc pop? Rõ ràng là thế. Họ có cần bằng đại học hay các chứng chỉ cao cấp không? Tôi nghĩ là không", ông nói. 

Minji Kim - người hiện làm việc cho công ty của Anh - nói, cô không cần trải qua bài kiểm tra để có vị trí hiện tại của mình nhưng vẫn muốn học tiếp trong tương lai. "Tôi không muốn thi thêm nữa, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ phải thi chừng nào còn sống ở nơi này", cô nói.

Huyền Anh (Theo SCMP)