Thứ sáu, 7/2/2020, 14:24 (GMT+7)

Phía sau cái chết của bác sĩ Lý: Nghi ngại bao trùm

Sự ra đi của bác sĩ Lý cho thấy nhiều khía cạnh đáng báo động, trong đó có số phận của những bác sĩ, y tá và nhân viên y tế nhiễm virus corona.

Cuối tháng 12/2019, khi thế giới còn chưa biết gì về chủng virus corona mới (nCov), bác sĩ Lý Văn Lượng cùng các đồng nghiệp khác ở Vũ Hán bắt đầu cố gắng đưa ra các cảnh báo về một loại virus gây bệnh chết người. 

Tại bệnh viện, họ đã "bối rối" khi thấy một nhóm bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi do virus, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Các bác sĩ sớm nhận ra rằng nhiều bệnh nhân có một điểm chung, đều liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam - nơi buôn bán nhiều động vật sống hoang dã. "Bệnh nhân đang bị cách ly ở khoa cấp cứu của bệnh viện chúng tôi", Lý gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS. Anh khuyên bạn bè mặc quần áo bảo hộ để tránh virus.

Bác sĩ Lý Văn Lượng. 

Tin nhắn cảnh báo của anh được bạn bè chụp lại đưa lên mạng và nhanh chóng lan truyền. Đêm 30/12/2019, bác sĩ Lý bị các quan chức y tế thành phố Vũ Hán triệu tập. Ngày 3/1, cảnh sát Vũ Hán triệu tập bác sĩ Lý cùng một số đồng nghiệp. Anh bị cảnh sát buộc ký biên bản "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".

Không lâu sau khi bị khiển trách, bác sĩ Lý đã được minh oan khi hàng loạt người Vũ Hán ngã bệnh vì các triệu chứng sốt. Lý điều trị cho một phụ nữ 82 tuổi nhưng không mặc đồ bảo hộ. Ngày 10/1, Lý bắt đầu bị ho. Anh sốt và nhập viện hai ngày sau đó với triệu chứng khó thở. Sau vài lần xét nghiệm, bác sĩ Lý xác định bị nhiễm virus corona. Anh qua đời vào khoảng 2h58 phút (1h58 giờ Hà Nội) ngày 7/2. 

Lý Văn Lượng, 34 tuổi, người gốc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Anh theo học chuyên ngành y học lâm sàng ở Đại học Vũ Hán vào năm 2004. Sau ba năm làm việc ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến Đông, anh trở về Vũ Hán và làm việc tại bệnh viện trung tâm thành phố đến nay. Truyền thông trong nước cho biết, vợ anh đang mang thai đứa con thứ hai và gia đình không có điều kiện tốt. Trước khi qua đời, Lý chia sẻ trên tài khoản weibo của mình rằng "khi virus corona tiếp tục lây lan, tôi không muốn rời đi. Tôi sẽ làm việc ở tuyến đầu khi hồi phục". 

Bác sĩ Lý Văn Lượng sau khi nhiễm nCoV.

"Sự ra đi của 'người cảnh báo' là bằng chứng cho thấy sự bất tài của chính quyền địa phương trong việc khắc phục một loại virus truyền nhiễm gây chết người", theo Global Times.

Zeng Guang - nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) - cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tổng biên tập Hu Xijin của Global Times rằng "chúng ta nên đánh giá cao 8 bác sĩ cảnh báo ở Vũ Hán". 

"Họ đã khôn ngoan trước khi dịch bệnh bùng phát", Zeng Guang nói và cho biết thêm rằng bất kỳ phán đoán nào cũng cần được hỗ trợ bởi bằng chứng khoa học. 

Một số người dùng mạng Trung Quốc cho biết "chính quyền Vũ Hán nợ bác sĩ Lý Văn Lượng một lời xin lỗi". "Chúng tôi đã mất một người hùng. Nếu cảnh báo của anh ấy được lưu tâm thì dịch bệnh có thể không tiếp tục xấu đi thế này", một người viết.

Chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán bị phong tỏa. Ảnh: AFP.

Tờ SCMP cho rằng, chính phủ không chỉ thất bại trong việc kiểm soát hành vi buôn bán động vật hoang dã tại chợ tươi sống Hoa Nam - nơi những bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh - mà còn cố bưng bít thông tin chính về sự lây lan của virus corona mới, thậm chí cố gắng bịt miệng những người nói sự thật. 

"Chính quyền Vũ Hán dối lừa công chúng về sự lây lan của virus. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12, các quan chức nhấn mạnh căn bệnh này được kiểm soát và phủ nhận khả năng lây truyền từ người sang người, bất chấp việc 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân. Cảnh sát Vũ Hán thậm chí triệu tập 8 bác sĩ vì 'phát tán tin đồn thất thiệt' chỉ vì cảnh báo loại virus mới lây lan từ người sang người. Vì thông tin sai lệch từ chính quyền của mình, Vũ Hán đã bỏ lỡ cơ hội vàng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh dẫn tới buộc phải phong tỏa cả thành phố vào hôm 23/1. Virus đã lan rộng khắp đại lục, bao gồm và Hong Kong, Ma Cao". 

Ngay cả sau khi phong tỏa, các quan chức chính phủ Vũ Hán vẫn không trung thực về dịch bệnh. Trong khi một số bệnh viện Vũ Hán kêu gọi cung cấp khẩn về nguồn vật tư y tế thì chính quyền vẫn tuyên bố nguồn cung cấp y tế là đủ. Bất chấp lời hứa về việc chăm sóc tốt những người bị phong tỏa, vẫn có hàng dài người chờ đợi ở các bệnh viện lớn trong thành phố, khiến việc xác định và cách ly bệnh nhân không hiệu quả. 

New York Times nói rằng, cái chết của bác sĩ Lý cho thấy một vấn đề nhạy cảm của chính phủ Trung Quốc. Trong khi các nhân viên y tế phải chống chọi lại với dịch bệnh, họ cũng phải làm dịu sự chỉ trích gay gắt vì chính phủ đã không phản ứng đúng cách khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán - thành phố 11 triệu dân.

Trong những ngày gần đây, Trung Quốc tăng cường việc kiểm duyệt thông tin sau một làn sóng chỉ trích trên mạng và loạt bài điều tra của các phóng viên đã vạch trần những hành động sai lầm của các nhân viên chính phủ khi đã đánh giá thấp và coi thường mức độ nghiêm trọng của virus corona.

Cái chết của bác sĩ Lý cũng cho thấy một khía cạnh đáng lo ngại của dịch bệnh, không được đề cập đến trong các số liệu thống kê chính thức: Số lượng bác sĩ, y tá và nhân viên y tế bị nhiễm virus. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng là một lời nhắc nhở về những rủi ro mà các đội ngũ nhân y tế đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona phải đối mặt.

Một số hình ảnh chưa được xác minh chỉ ra rằng hàng trăm nhân viên y tế có thể đã bị lây nhiễm nCoV ở Vũ Hán. Trước đó, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói rằng một bệnh nhân đã nhiễm cho 14 nhân viên y tế khác tại một bệnh viện. 

Bác sĩ Lý cũng là trường hợp bệnh nhân trẻ bất thường khi bị nhiễm virus, ít nhất là theo dữ liệu thu thập được cho đến nay. Các nghiên cứu chỉ ra trung bình bệnh nhân nhiễm virus corona là từ 49 đến 56 tuổi.

Sự giận dữ của công chúng Trung Quốc đã bùng ra sau loạt thông tin hỗn loạn về tình trạng của bác sĩ Lý. Global Times ban đầu đăng trên tài khoản Twitter vào khoảng 20h40 tối 6/2 rằng anh Lý đã qua đời vì nhiễm nCoV, dẫn lời bạn bè và các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.

Chỉ trong vài phút, hàng chục nghìn bình luận đổ về bày tỏ sự bàng hoàng và đau xót. Tuy nhiên, vài giờ sau, bài viết bị xóa. Các kênh truyền thông khác của nhà nước Trung Quốc cũng đồng loạt xóa thông tin về cái chết của bác sĩ trẻ mà không giải thích. Bệnh viện sau đó xác nhận họ vẫn đang nỗ lực chiến đấu để cứu anh. "Không ngủ! Chờ đợi một điều kỳ diệu đến với anh. Tối nay chúng ta không cần ngủ, nhưng Lý Văn Lượng phải sống", một người viết trên weibo. Hai tiếng sau đó, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán xác nhận bác sĩ Lý đã qua đời.

Bệnh viện trung tâm Vũ Hán nơi Lý công tác đã trở thành một trong những "chiến trường khốc liệt nhất" trong cuộc chiến chết chóc với căn bệnh có nguy cơ trở thành đại dịch. Thất bại trong nỗ lực giành lại sự sống của Lý Văn Lượng là một minh chứng cho sự khó khăn phức tạp của trận chiến, tờ Global Times bình luận. 

Một nhân viên bước ra khỏi phòng cấp cứu Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Ảnh: Baidu.

Dịch viêm phổi cấp do virus nCoV, thuộc chủng corona, khởi phát tại Vũ Hán - thủ phủ tỉnh Hồ Bắc - từ tháng 12/2019 sau đó lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và 28 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Chủng virus mới được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, khó thở và ho; bệnh diễn biến nặng có thể gây suy thận, viêm phổi dẫn đến tử vong. 

Tính đến ngày 7/2, số người chết vì virus corona tăng lên 638 người, trong đó một trường hợp tử vong ở Philippines (công dân Trung Quốc tới từ Vũ Hán hôm 25/1) và một người đàn ông ở Hong Kong ngày 4/2, các ca tử vong còn lại đều ở Trung Quốc. Tổng số ca nhiễm toàn thế giới hiện là 29.275. 

Huyền Anh (Theo Global Times, NY Times, SCMP)