Thứ hai, 23/3/2020, 11:05 (GMT+7)

Nước Anh thời Covid-19 trong mắt một người Việt ở lại

Anh Ngô Hoàn, 32 tuổi, quyết định ở lại Anh khi dịch bùng nổ và chứng kiến tình trạng người dân đổ xô tích trữ, London bị biến thành 'thành phố bị bỏ quên'.

Nước Anh đang chứng kiến sự bùng phát Covid-19 với 5.683 người nhiễm, 281 ca tử vong (tính đến 23/3). 

Những ngày qua, người dân trong nước, du học sinh và người nước ngoài đang học tập và làm việc tại đây không tránh khỏi lo âu. Trong số này, nhiều người tìm mọi cách để đặt vé máy bay về nước dù giá vé bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Một số người khác quyết ở lại nơi họ từng khát khao đặt chân tới. Tiến sĩ trẻ Ngô Hoàn, hiện làm việc tại Viện vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London - một Viện hàng đầu thế giới chuyên về bệnh dịch - là một trong số người ở lại. 

Theo TS Ngô Hoàn, Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Anh, mà còn thay đổi toàn bộ lối sống cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân nước này.

Đường phố London vắng vẻ trong thời kỳ Covid-19 bùng phát. Ảnh: Ngô Hoàn.
Thiên đường mua sắm Oxford vắng vẻ, nhiều cửa hàng đóng cửa Ảnh: Ngô Hoàn.

London vốn là một thành phố sôi động bởi các dịch vụ thương mại, mua sắm và giải trí. Phố Oxford là thiên đường mua sắm sầm uất bậc nhất London - với dòng người từ khắp nơi đổ về đây nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần - nay vắng lặng. Anh Hoàn nói, Covid-19 đã biến London trở thành "thành phố bị bỏ quên".

Người dân hạn chế ra ngoài, đường phố vắng vẻ, lác đác vài người đi lại, những địa điểm du lịch, cửa hàng buôn bán... đồng loạt đóng cửa. Thành phố náo nhiệt ngày trước giờ chẳng khác các vùng quê yên bình tại Anh.

Từ ngày 21/3, chính phủ Anh thông báo đóng cửa tất cả nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ đêm, hệ thống phòng tập gym cho đến nhiều trạm tàu điện ngầm, tránh tụ tập đông người gây lan truyền dịch bệnh. Toàn bộ trường học đóng cửa, học sinh và sinh viên học online thay vì đến lớp. Siêu thị luôn trong tình trạng khan hiếm thực phẩm do người dân mua về tích trữ trong mùa dịch. Một số thành phố bị phong tỏa khiến người dân không thể di chuyển qua lại. Sắp tới, chính phủ Anh có khả năng đóng cửa biên giới để ngăn người nhập cư và cấm người dân ra đường nếu không thật sự cần thiết.

"Những sắc lệnh mới ban hành khiến người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ, nhiều siêu thị lớn rơi vào tình trạng thiếu hàng. Tối 21/3, mình đến siêu thị nhưng nhiều quầy hàng trống trơn, không còn gì để mua. Đó là cảnh tượng chưa từng xảy ra từ khi mình đến Anh làm việc", anh nói.

Trước khi dịch bệnh lan rộng, anh Hoàn cho biết người dân Anh tỏ ra khá bàng quan và xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Họ ra đường không hề đeo khẩu trang, vẫn tụ tập ăn uống, đến các địa điểm đông người vì nghĩ Covid-19 không nghiêm trọng như dịch cúm mùa. Chỉ đến khi dịch bùng phát, nước Anh ghi nhận nhiều ca tử vong, khi đó người dân và chính phủ mới thực sự lo lắng.

Nhắc tới hệ thống y tế tại Anh, tiến sĩ trẻ thừa nhận có sự khác biệt hoàn toàn so với Việt Nam và nhiều quốc gia khác. NHS (Cơ quan y tế quốc gia Anh) khuyến cáo người dân không tự ý đến bệnh viện gặp bác sĩ mà tự cách ly ở nhà trong vòng 14 ngày. Nếu có bất kỳ triệu chứng gì cần gọi đến số điện thoại 111 để được tư vấn. Do vậy, dù lo lắng hay nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân không trực tiếp đến bệnh viện để thăm khám.

"Phải thừa nhận rằng, Covid-19 xảy ra đã để lộ sự yếu kém của NHS, bao gồm thiếu nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trầm trọng. Đó là lý do tại sao rất nhiều sinh viên quốc tế (trong đó có cả Việt Nam) đã về nước khi dịch bùng phát. Ít nhất khi về nước, họ có thể đến bệnh viện gặp bác sĩ bất cứ lúc nào nếu cảm thấy không khỏe, thay vì tự cách ly như tại Anh", TS Ngô Hoàn kể.

Ga tàu điện ngầm vắng vẻ vì Covid-19. Ảnh: Ngô Hoàn.

Thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong hệ thống NHS ở Anh nói riêng và hệ thống y tế ở nhiều nước phương Tây, nhưng tiến sĩ trẻ cho rằng, sống và làm việc ở đâu thì nên tin tưởng vào hệ thống y tế ở đó. "NHS đang quá tải do trùng với thời điểm nhiều dịch bệnh nhất năm, nhưng nếu thực sự bị nhiễm Covid-19, bạn sẽ được điều trị một cách tốt nhất".

Bên cạnh đó, tiến sĩ trẻ nhấn mạnh, việc một lượng lớn du học sinh và người làm việc ở nước ngoài kéo về nước trong mùa dịch sẽ mang theo gánh nặng rất lớn cho quốc gia. Nhất là khi bệnh chuyển biến nặng đối với người già, trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch - những đối tượng này cần được ưu tiên hàng đầu thay vì những người trẻ khỏe.

"Như một câu nói trên mạng xã hội rằng 'việc bạn có thể làm tốt nhất lúc này là hãy ngồi yên một chỗ'. Không đi du lịch, không tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, rửa tay thường xuyên bằng nước sát trùng - là tất cả những gì bạn có thể làm để bảo vệ bản thân và cộng đồng", anh Hoàn chia sẻ.

Thuý Quỳnh