Thứ sáu, 1/11/2019, 00:00 (GMT+7)

Nỗ lực 'học để được như người bình thường' của chàng trai không tai 

Phạm Đức Chinh sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, kết cấu cơ mặt không hoàn chỉnh, không có tai trái và tai phải gần như không nghe được.

8 giờ sáng, Đức Chinh (26 tuổi) đạp xe chừng 2 km từ nhà trọ đến phòng nghiên cứu của khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách Khoa (Hà Nội) để làm trợ lý nghiên cứu, phát triển dây chuyền công nghệ, sản xuất nước trái cây cô đặc - công việc mà chàng trai chỉ cao 1,5m và nặng 35 kg vẫn làm hàng ngày. 

Phạm Đức Chinh. 

Tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ thuật hóa học của ĐH Bách Khoa năm 2017, một năm đi làm bên ngoài, đến giữa 2019, Đức Chinh quyết tâm thi cao học (bậc học lên thạc sĩ) tại trường Bách Khoa theo đúng ngành học.

Ngoài thời gian học tập trên lớp, 9x xin làm trợ lý nghiên cứu tại phòng lab (phòng nghiên cứu). Nhìn sự tự tin trong đời sống và công việc, không ai nghĩ Đức Chinh từng trải qua một tuổi thơ hằn những nỗi đau, sự chế giễu, cười nhạo của bạn bè...

Chinh sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cả gia đình không một ai mắc bệnh lạ nhưng khi con trai ra đời, bố mẹ Chinh bàng hoàng vì ngoại hình của con có đôi phần khác biệt. Sau nhiều lần thăm khám, các bác sĩ kết luận Đức Chinh bị dị tật bẩm sinh, kết cấu cơ mặt không hoàn chỉnh (dị dạng sọ mặt, không có gò má, hở hàm ếch, tai trái không có vành tai, ống tai, tai phải có ống tai nhưng rất nhỏ, gần như không nghe được).

"Bác sĩ nói tai mình gần như không tiếp nhận được âm thanh, việc nghe mọi người nói chuyện là qua não bộ hoặc một cơ quan khác", Chinh kể.

Ngày mới sinh, mẹ Chinh - cô Vũ Thị Oanh (sinh năm 1970) - khóc suốt vì thương con, lo lắng cho tương lai của cậu con trai duy nhất trong nhà. Cô Oanh tâm sự: "Dù sinh con ra có bị dị tật, cả gia đình không có ý định từ bỏ bởi đó là máu thịt, là người con mà tôi dứt ruột đẻ ra".

Ngoại hình khác biệt, ba tuổi mới tập nói, giao tiếp khó khăn khi không thể nói tròn vành rõ chữ, Chinh từng bị bạn bè, hàng xóm xa lánh. Từ lúc học mẫu giáo, tiểu học cho đến khi lên cấp hai chẳng ai muốn chơi với Chinh dù lúc nào cậu cũng mong muốn được kết bạn.

Do thân hình nhỏ bé, bố mẹ đăng ký học chậm một năm, 7 tuổi Chinh vào lớp 1. Không thể tập trung bài giảng trên lớp vì nghe tiếng cô quá nhỏ, ghi cũng chậm hơn, suốt 5 năm cấp một và hai năm đầu cấp 2, điểm số thấp kỷ lục càng khiến cậu bé Chinh bị bạn bè xa lánh.

Việc Chinh nghe được những lời nói mỉa mai, xúc phạm từ bạn bè về dáng vẻ bề ngoài là chuyện như cơm bữa. "Hồi bé do chưa hiểu gì nên thấy bình thường. Nhưng càng lớn, những lời lẽ xúc phạm không dừng lại ở mình mà họ còn nói bóng gió về bố mẹ mình, khi sinh ra một đứa con 'quái thai'. Nhiều lúc nghe xong, vừa tức, vừa tổn thương và từng có suy nghĩ sẽ lao vào đánh lại. Khóc nhiều, buồn cũng không thiếu nhưng nghe nhiều thành quen, giờ cũng chẳng nhớ làm gì", 9x bồi hồi.

"Tôi là người bình thường, đừng thương hại tôi!"

Chinh hay nói với bạn bè, ngoài hình dáng bên ngoài, anh chẳng có gì khác biệt. Anh vẫn đi học, giúp đỡ việc nhà, thi đỗ vào trường danh tiếng và giờ đang theo học thạc sĩ.

Hàng ngày, Đức Chinh đạp xe từ nhà đến phòng lap tại trường để nghiên cứu.

Đức Chinh tâm sự, Hóa học đã khiến cuộc đời anh bước sang một trang mới. Năm lớp 8, khi bắt đầu tiếp xúc với Hóa, cậu bé 15 tuổi thích thú với những phản ứng hóa học độc đáo. Càng tìm hiểu cậu càng thấy hấp dẫn rồi xin bố mẹ cho đi học thêm, điểm số qua các kỳ đều trên tám phẩy, riêng Hóa lúc nào cũng trên chín phẩy.

Lên cấp ba, Chinh theo học lớp tự nhiên. Nhiều lần nghe thầy cô ca ngợi về trường Bách Khoa, cậu học sinh Phạm Đức Chinh đặt quyết tâm thi đỗ. Trong kỳ thi đại học năm 2012, 9x đăng ký thi khối A với tổng ba môn là 25,5 điểm và đỗ vào ngành Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa.

Đỗ vào trường đại học danh tiếng, bên cạnh những lời chúc mừng, ngưỡng mộ, Chinh nhận không ít lời nghi ngờ về thực lực, về việc "ăn may", "khoanh bừa" mới đỗ. "Mọi người nói về ngoại hình mình ra sao cũng được, nhưng mình sẽ bị tổn thương nếu ai đó nghi ngờ về khả năng học tập. Phải chăng mọi người nghĩ người dị tật không thể học giỏi?", Chinh nói.

Ngày thông báo kết quả với bố mẹ, thầy cô, bạn bè, mọi người đều sửng sốt nhưng riêng cậu bạn "nối khố" Đoàn Trọng Quang (SN 1994) học chung từ cấp 1 đến hết cấp 3 với Chinh chẳng mấy bất ngờ. "Làm bạn hơn 20 năm, ngày nào mình cũng qua nhà rủ Chinh đi học. Mọi người không biết nhưng mình tin tưởng tuyệt đối vào lực học của Chinh", Quang nói.

Thay vì sợ sệt hay có ý định bắt nạt cậu bạn cùng lớp, Quang luôn là người sát cánh bên Chinh. Theo Trọng Quang, từ những ác cảm ban đầu, các thành viên trong lớp dần yêu quý và tôn trọng Chinh bởi sự thông minh và quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của cậu bạn.

Nhớ về quãng thời gian học đại học, Đức Chinh từng hối hận khi bản thân "ngủ quên trong chiến thắng" suốt năm nhất. Đến năm thứ hai, nam sinh dần lấy lại phong độ, lấp đầy những lỗ hổng kiến thức. Sau 5 năm đại học, ngoài những học bổng của trường, của khoa, Đức Chinh còn sở hữu hai bài báo khoa học trong nước cùng một bài báo quốc tế. Năm 2017, nam sinh tốt nghiệp loại Giỏi với điểm trung bình 3.2/4.0.

Đức Chinh kiểm tra quá trình hoạt động của máy móc tại phòng nghiên cứu. 

Thừa nhận lo sợ khi ra trường bị mọi người "trông mặt bắt hình dong", nhưng Đức Chinh tự nhủ sẽ nỗ lực vươn lên không mệt mỏi để chứng minh: Bản thân là một người bình thường, người có thể khiến bố mẹ, bạn bè và thầy cô hãnh diện. Và một người dù không có vành tai, ống tai hay có vẻ bề ngoài khác biệt vẫn có thể trở thành một nhà khoa học.

Thúy Quỳnh