Thứ hai, 24/2/2020, 17:52 (GMT+7)

Những sai lầm khiến nCoV tàn phá 'Công chúa Kim cương' 

Nhật BảnSự chậm trễ của Nhật cùng những tính toán sai lầm khác đã khiến Diamond Princess bùng phát thành ổ dịch nCoV lớn nhất ngoài Trung Quốc.

Thuyền trưởng thông báo qua loa vào buổi tối: một hành khách rời khỏi tàu 9 ngày trước đã dương tính với nCoV. Những khách khác trên tàu bắt đầu hoảng loạn. Đây là đêm cuối của họ trong chuyến đi hai tuần trên du thuyền xa xỉ Diamond Princess.

Cuộc vui chơi bỗng dưng được kéo dài, khi mà tàu đã chuẩn bị cập bến ở Yokohama, Nhật Bản. Hành khách ăn tối với món thịt bò thăn, xem show trong nhà hát 700 chỗ ngồi, lấp đầy các quầy bar, sàn nhảy trong đêm. Những người tổ chức chuyến đi nhanh nhẩu vẽ ra hàng loạt hoạt động như bóng bàn, hát karaoke, nhảy Bollywood, để mua vui cho khách khi họ bị giữ lại trên tàu, chờ nhân viên y tế đến kiểm tra sàng lọc.

Tàu du lịch Diamond Princess được cách ly ngoài khơi bờ biển Yokohama, Nhật Bản, kể từ 3/2. Ảnh: Reuters.

Hy vọng tận hưởng giờ phút cuối của chuyến đi lãng mạn, Tyler và Rachel Torres - cặp mới cưới đến từ Texas - xem màn trình diễn của một ca sĩ hát phun lửa vào tối hôm đó. Rachel (24 tuổi) - nhà trị liệu - cho biết: "Chúng tôi thật sự không lường hết nguy cơ của việc ra khỏi phòng. Đang đi nghỉ trăng mật nên chúng tôi không muốn lãng phí những khoảnh khắc cuối trên tàu".

Trong khi lắc lư với tiếng nhạc, hành khách có thể đã bị phơi nhiễm virus. Tổng cộng, chính phủ Nhật Bản mất 72 giờ để đưa ra quyết định phong tỏa, kể từ khi nhận được thông báo về mối liên hệ giữa ca bệnh và con tàu này. 

Sự chậm chạp của chính phủ Nhật Bản, cùng với các biện pháp kiểm soát không hiệu quả trong hai tuần cách ly đã biến Diamond Princess thành một ổ dịch trôi lềnh bềnh trên biển.

Những hành khách có triệu chứng sốt bị bỏ lại trong phòng nhiều ngày mà không được xét nghiệm. Nhân viên y tế trên tàu thậm chí không mặc đồ bảo hộ. Các thủy thủ đoàn bị ốm ngủ cùng cabin với những bạn cùng phòng vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ trên tàu. 

Những người tổ chức vạch ra các hoạt động cho ngày tiếp theo trong khi diễn ra việc kiểm tra y tế. Mọi người giao lưu trên tàu, xếp hàng ăn buffet. Họ dùng chung muôi và gắp, lọ đựng muối và tiêu trên bàn. Các hành khách nghĩ rằng ngày rời tàu chỉ bị lùi khoảng một ngày. Nhiều người đang đi ăn sáng khi thuyền trưởng thông báo lại trên loa vào ngày 5/2 với nội dung "Bộ Y tế hiện đã xác nhận 10 ca nhiễm trên tàu. Hành khách cần trở lại phòng lập tức và phải cách ly 14 ngày tới".

Những hồi ức 'nhìn đâu cũng thấy virus'

Bị mắc kẹt trong cabin, 2.666 khách trên tàu có thì giờ ngồi nghĩ lại những khoảnh khắc tiếp xúc có thể khiến họ bị phơi nhiễm virus trước khi tàu bị phong tỏa. 

Bữa buffet trên Boong 14 chẳng hạn. Hôm đó, khách được yêu cầu rửa tay kỹ lưỡng trước khi xếp hàng. Bây giờ thì họ tự hỏi, tại sao buffet vẫn được tổ chức khi mà nhân viên tàu đã được thông báo về việc có hành khách nhiễm bệnh.

Ký ức về buổi đấu giá tác phẩm nghệ thuật, trà chiều, đêm giải đố và mạt chược... tất cả giờ đều ẩn chứa nguy hại. Sarah Arana (52 tuổi), một nhân viên y tế cộng đồng ở Paso Robles, California, cho biết: "Nhìn lại, mọi thứ đều nhiễm virus".

Các khu vực trên tàu.

Phát ngôn viên của Princess Cruises cho biết nhân viên đã thực hiện "quy trình sát trùng và sử dụng nước sát trùng có thể giết chết vi khuẩn trong 30 giây".

Nhưng hành khách tiếp tục phải lo lắng về lộ trình của họ trên đất liền. Người nhiễm bệnh đã đi xe bus ở Kagoshima, một thành phố ở Nam Nhật Bản. Gay Courter (75 tuổi) một nhà văn từ Crystal River, Florida, dừng lại ở điểm dừng cuối của tàu ở Naha, thủ phủ của Okinawa. Khi mọi người xuống tàu, các nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của họ. Lúc nghĩ lại, Bà Courter thắc mắc liệu virus corona đã phát tán khi đó hay chưa. Cùng chồng và một nhóm bạn, bà ăn mỳ và khoai lang chiên ở một bàn ăn ngoài trời. "Trong tâm trí, tôi hối hận vì đã làm vậy. Đó là một nơi đông đúc và có nhiều người trên tàu đi quanh thị trấn", bà nói.

Mỗi ngày trôi qua, số ca nhiễm lại tăng lên: 10, lại 10 người nữa, rồi vọt lên 41.

Điều khiến hành khách khó chịu nhất là cảm giác thông tin bị bưng bít. Mỗi lần Bộ Y tế thông báo các ca nhiễm mới, phải nhiều giờ sau, người trên tàu mới biết. Họ bắt đầu đếm xe cứu thương trên cầu cảng để đoán xem có bao nhiêu ca nhiễm mới được thông báo ngày hôm đó. Các du khách Nhật Bản treo những banner ngoài ban công, một trong số đó viết: "Cực kỳ thiếu thông tin, thiếu thuốc".

‘Không được chỉ dẫn’

Các thủ tục và quy định thay đổi xoành xoạch trong thời gian cách ly

Vào ngày thứ hai, nhân viên y tế cho những người trong cabin không có cửa sổ ra ngoài để hít thở không khí trong lành. Chưa đầy một ngày sau, hành khách lại được yêu cầu giữ khoảng cách xa nhau 2m.

Tyler Torres - một y tá - quan sát thấy nhiều người không đếm xỉa đến việc đeo khẩu trang trên tàu. Đến ngày thứ năm, hành khách được phát khẩu trang N95 và được khuyến cáo nên đeo mỗi khi mở cửa nhận đồ ăn và các nhu yếu phẩm từ nhân viên phục vụ.

Nửa thời gian cách ly trôi qua, chính quyền Nhật Bản thông báo một số người đủ điều kiện được chọn tiếp tục cách ly trên bờ, gồm những người ngoài 80 tuổi với các tình trạng bệnh lý riêng hoặc những người ở trong các cabin không cửa sổ. 

Thay đổi không mang lại sự yên tâm. Hành khách phải đợi nhiều ngày để có thuốc cho các bệnh mãn tính. Mọi người hết kem đánh răng và đồ lót sạch. 

Tadashi Chida - một hành khách ngoài 70 tuổi - gửi thư tay đến Bộ Y tế Nhật Bản nói rằng đội ngũ có vẻ bị quá tải và các nhân viên y tế không để ý hết được những người có triệu chứng. Chida nói: "Tàu này ngoài tầm kiểm soát rồi. Một đại dịch đang xảy ra. Chúng tôi không được chỉ dẫn". Ông và vợ phải đợi gần một tuần để lấy thuốc.

Con tàu nhìn từ trên xuống.

Yoshihide Suga, thư ký của Thủ tướng Shinzo Abe, tuần trước cho biết chính quyền đã có sự cân nhắc tối đa để đảm bảo sức khỏe của hành khách và thủy thủ đoàn. Lúc đầu, nhân viên y tế không kiểm tra mọi người vì không có đủ nguồn lực. Họ tập trung vào những người có nguy cơ cao hơn: những người có tiếp xúc trực tiếp với hành khách nhiễm bệnh, sau đó tới những người già hơn và người có triệu chứng.

Một số hành khách gặp khó khăn với việc tiếp cận kiểm tra y tế, ngay cả khi họ bắt đầu có triệu chứng. Trong ngày đầu cách ly, Carol Montgomery (67 tuổi) - một trợ lý hành chính ở San Clemente, California, Mỹ - gọi nhân viên y tế, nói rằng bà bị sốt và muốn được xét nghiệm. Bà nhận được câu trả lời rằng điều này tùy thuộc vào Bộ Y tế Nhật Bản, và không có sẵn dụng cụ xét nghiệm trên tàu.

Cuối cùng bà cũng thuyết phục được bộ phận y tế của tàu cho mình rời cabin để kiểm tra. Một bác sĩ thực hiện xét nghiệm cúm cho họ, trả về kết quả âm tính. Bác sĩ kê đơn kháng sinh cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu của bà Montgomery. Họ vẫn không được xét nghiệm virus. Sau đó cặp vợ chồng đã sơ tán cùng các công dân Mỹ khác.

John Haering, một chuyên viên quản lý đường ray đã về hưu từ Toole, Utah, gọi phòng y tế của tàu khi thân nhiệt tăng cao. Người ta trả lời rằng, nếu không có gì khẩn cấp thì ông phải đợi. Rồi cũng có người đến phòng, cầm tấm bảng hỏi về thân nhiệt của ông và bỏ đi. Trong phòng, hai vợ chồng ông mồ hôi vã ra. Họ phải tắm nước lạnh và nhai nốt những viên Tylenol cuối cùng, khi ông sốt đến 40 độ C.

4 ngày sau, khi cơn sốt qua đi, các nhân viên mặc đồ bảo hộ mới xuất hiện ở cửa và yêu cầu ông thu dọn đồ đạc, đưa ông vào một xe cứu thương, bỏ lại bà vợ trên tàu. Ngày tiếp theo, bác sĩ thông báo ông dương tính với virus. Ông ở trong bệnh viện, trong khi Melanie - vợ ông - đang cách ly ở một căn cứ quân sự ở Mỹ.

Ăn chung, tắm chung

Các nhân viên trên tàu phải làm việc tăng ca, đôi khi là ca kéo dài 13 tiếng. Họ phải chuẩn bị và mang đồ ăn 3 lần một ngày tới 1.500 phòng. Họ mang khăn, ga giường và cả những thứ trên trời dưới biển được yêu cầu: ô chữ sudoku, giấy gấp origami, mặt nạ làm đẹp và cả chocolate cho ngày Valentine.

1.045 nhân viên trên tàu phải duy trì nhiệm vụ của mình, dù họ là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Kết quả, 85 nhân viên phục vụ tàu dương tính với virus.

Ở khoang dưới, họ phải ở chung, ăn chung, phải trực điện thoại khi các bệnh nhân hoảng loạn gọi điện tìm câu trả lời cho hàng vạn câu hỏi vì sao. Họ lau sàn và tay vịn sau mỗi lần hành khách ra ngoài. Họ giặt đồ cho khách. Với một số công việc, họ không đeo găng tay, khẩu trang, trừ những ngày bắt buộc phải mang. Cũng có cả những nhiệm vụ mới như canh hành lang vào ban đêm để chắc chắn hành khách không rời phòng. Khi những hành khách phải vào viện, các nhân viên phải mang hành lý cho họ.

"Áp lực về tâm lý và thể chất chúng tôi phải chịu đựng là rất lớn", một nữ nhân viên giấu tên (vì sợ mất việc) cho biết. Cô cũng nhiễm nCoV.

Kể cả khi một người bị sốt, những người khác vẫn phải ở chung với họ. 'Anh bạn cùng phòng vẫn ở chung với tôi", một người có triệu chứng sốt nói. 'Nhưng anh ấy vẫn làm việc. Mà cách ly cũng có ích gì khi mà chúng tôi đều bị kẹt trong một cái hộp kín nhiễm virus".

Nhân viên kiểm dịch trên khoang tàu du lịch. Ảnh: AFP.

Bộ Y tế miễn cưỡng cử Kentaro Iwata, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm lên tàu vào thời điểm cuối của đợt cách ly. Vị tiến sĩ giật mình bởi sự thiếu biện pháp tự bảo vệ trên tàu. Ông cho biết một y tá tiếp nhận bệnh nhân mà không đeo khẩu trang.

"Cô ấy nói là mình đã bị nhiễm rồi, nên chẳng còn muốn giữ gìn gì nữa", tiến sĩ Iwata kể lại trong một video đăng trên YouTube. Ông sau đó đã xóa video này vì bị chỉ trích vi phạm mệnh lệnh trên tàu.

Tấm nilon mong manh 

Để tiêu khiển trong lúc cách ly, hành khách dành hàng giờ xem phim, lướt mạng xã hội, xem nhà ảo thuật trên tàu... Sự chán nản đã biến thành sợ hãi. Họ nghi vấn về sự hiệu quả của việc kiểm dịch, lo sợ virus lây qua các phòng bằng hệ thống thông khí. Tuy nhiên trung tâm CDC (Mỹ) trấn an hành khách bằng việc xác nhận chưa có bằng chứng cho thấy virus truyền qua tàu bằng hệ thống thông khí. 

Mỹ cuối cùng quyết định sơ tán công dân trên tàu cho dù những người này có nguy cơ lây nhiễm cao. Tình huống này trở nên rắc rối khi 14 trong số 328 hành khách trên chuyến bay chính phủ dương tính với nCoV ngay trước giờ áp chót. Hành khách phải đợi rất lâu trong khi các chuyên gia từ CDC và nhân viên Bộ Y tế, dịch vụ nhân sinh tranh luận xem nên làm gì. Cuối cùng họ quyết định đưa hết các hành khách lên máy bay. Họ đưa những người nhiễm bệnh ra sau, ngăn cách bởi tấm nilon cao hơn 3m.

Người Mỹ bị nhiễm virus corona ngồi cách sau tấm nilon chắn cuối máy bay. Ảnh: Philip and Gay Courter. 

Nhiều nước cũng học tập Mỹ bằng việc tổ chức các chuyến bay cho công dân của họ và thực hiện đợt cách ly 14 ngày mới. Tuy nhiên, điều đó cho phép nhiều người rời khỏi tàu sau thời gian cách ly, đa phần là người Nhật Bản. Đêm 18/2, Bộ Y tế cho phép hành khách xuống tàu, phát cho họ chứng nhận âm tính với virus. Gần 1.000 người được thả đi trong 3 ngày tiếp theo và họ vô tư sử dụng phương tiện công cộng như bus hoặc taxi. Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu những hành khách đó có thực sự không gây rủi ro cho cộng đồng hay không. Một số có thể có các triệu chứng sau khi đã xét nghiệm âm tính. Và chỉ hai ngày sau khi rời tàu vào 19/2 với kết quả xét nghiệm âm tính, một phụ nữ ở ngoài 60 tuổi đã bị sốt và xét nghiệm dương tính với virus vào 22/2.

Một ngày sau khi có tin tức 14 hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính đang bay đến Mỹ, Tổng thống Trump đã rất tức giận, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết. Quyết định đưa họ vào đất nước đã khiến ông bất ngờ. 

Hôm thứ năm (20/2), Linda Tsukamoto (63 tuổi) một quản lý siêu thị đã nghỉ hưu từ Marina del Rey, California, người quyết định không về nước bằng một trong các chuyến bay của chính phủ Mỹ, đã được thả ra khỏi tàu. Bà sẽ không được phép về Mỹ trong ít nhất hai tuần nữa, vì vậy bà đặt phòng ở một khách sạn ở Tokyo. Bà nói rằng các nhân viên khách sạn đang đeo khẩu trang và có những dấu hiệu cảnh báo khách về nguy cơ nhiễm virus. "Tôi sẽ ở trong phòng để tự giữ an toàn sau chuyến đi dài này", bà nói.

Tàu Diamond Princess chở 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn bị cách ly tại cảng Yokohama từ 4/2 sau khi một du khách Hong Kong từng đi trên tàu dương tính với nCoV. Trong quá trình cách ly giới chức y tế Nhật Bản liên tục phát hiện thêm các ca nhiễm nCoV. Ngày 19/2 là thời gian hết hạn cách ly trên du thuyền Diamond Princess. Khoảng 500 hành khách được rời đi sau khi kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Mỹ đã sơ tán hơn 300 công dân cùng thành viên gia đình họ vào ngày 17/2. Hong Kong và Canada cũng sơ tán công dân khỏi du thuyền.

Đến tối 23/2, Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận thêm ca tử vong thứ 3 liên quan đến du thuyền hạng sang này. Người đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi 80 được đưa lên tàu đến bệnh viện vào ngày 5/2 đã qua đời vào hôm nay. Theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân, cơ quan này nói bệnh nhân tử vong "vì viêm phổi" nhưng không xác nhận ông này có dương tính với nCoV hay không. Hai hành khách trên tàu tử vong trước đó là công dân Nhật Bản, gồm một cụ ông 87 tuổi và một cụ bà 84 tuổi. Họ đều qua đời tại bệnh viện và được xác nhận nhiễm nCoV. 

>>Xem thêm:

* Chuyên gia lý giải việc cách ly trên du thuyền Nhật thất bại
* Chuyến về nhà ác mộng của du khách Mỹ
* Tiện nghi trong du thuyền hạng sang bị cách ly
* Lời 'kêu cứu' của thủy thủ trên du thuyền Nhật 

Huyền Anh (Theo New York Times)