Chủ nhật, 1/3/2020, 00:06 (GMT+7)

Những khu phố Tàu ở Bắc Mỹ chìm nổi thời dịch Covid-19

Các khu phố Tàu trên khắp Bắc Mỹ quay cuồng vì hoảng loạn và sự thiếu hiểu biết lan truyền nhanh hơn cả virus. 

Cộng đồng người Trung Quốc từ New York đến California, từ Ontario đến New Mexico đều báo cáo doanh thu giảm tới 70%. Các cuộc diễu hành, hội chợ đường phố và lễ hội mùa xuân bị hủy bỏ, trung tâm thương mại và đường phố vắng tanh. Các doanh nhân khu phố Tàu nói rằng sự sụt giảm lớn nhất không phải do các khách hàng da trắng nhưng những người Mỹ gốc Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các bài đăng giật gân trên WeChat và Weibo. Tony Hu chia sẻ: "Mọi người đang hoảng loạn. Thật là điên rồ". Ông ngồi trong nhà hàng Lao Sze Chuan trống không của mình trong thời gian ăn tối ở khu phố Tàu của Chicago. 

Đặc biệt khó khăn là các công ty Mỹ phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc. Tourism Economics - một công ty tư vấn - dự kiến du khách Trung Quốc sẽ giảm gần 30% trong năm nay, gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ 10,3 tỷ USD đến năm 2024.

Lisa Shan - nhà bán buôn đồ nhựa cho khoảng 100 nhà hàng Trung Quốc ở Flushing, New York - đoán rằng một vài nhà hàng sẽ đóng cửa sớm.

"Cuộc khủng hoảng này còn tồi tệ hơn Sars", cô nói.

Tony Hu trong nhà hàng trống của mình, Lao Sze Chuan, ở khu phố Tàu của Chicago.
Rất ít du khách được nhìn thấy ở khu phố Tàu của Los Angeles vào 13/2. Ảnh: AFP.

Trên cả những khó khăn kinh tế, người Trung Quốc ở Bắc Mỹ là mục tiêu của việc nạn bài ngoại và phân biệt đối xử, trong đó một số người bị nói là "về nhà đi".

Một tờ rơi ở khu vực Carson của Los Angeles có con dấu giả mạo của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo cư dân tránh các cơ sở kinh doanh gốc Á vì virus corona. Một học sinh cấp hai gốc Á đã bị tấn công và nhập viện ở miền Nam California sau khi các bạn cùng lớp cáo buộc cậu bé có virus. Các bài đăng trực tuyến nói rằng căn bệnh này nên được đổi tên thành "Kung Flu". 

Các trường hợp kỳ thị, tránh né và tấn công khác đã được báo cáo trên khắp lục địa, gây ra bởi những lo ngại vô căn cứ rằng những người có đặc điểm châu Á có nhiều khả năng mang virus.

Nhưng người Mỹ gốc Á cũng không miễn nhiễm với những nỗi sợ hãi này. 

Ray Tong, một nhà thầu ở Milpitas, California, tránh các nhà hàng Trung Hoa yêu thích của mình, cho dù anh là người Mỹ gốc Hoa. Gần đây, anh đến một nhà hàng Trung Đông và thấy một số người Trung Quốc khác ở đó, họ có cùng suy nghĩ.

Chính quyền địa phương đã cố gắng thay đổi suy nghĩ của người dân và vực dậy các khu Chinatown bằng những thông báo trên dịch vụ công cộng, các buổi thảo luận, tuyên truyền.

Sở y tế công cộng Los Angeles kêu gọi "Tập trung vào sự thật, không sợ hãi", chống lại sự kỳ thị người châu Á. 

Canada bắt đầu chiến dịch "Together We Win", trong khi New York, với cộng đồng người Mỹ gốc Hoa lớn nhất Bắc Mỹ, bắt đầu "Show Some Love in Chinatown", khuyến khích khách hàng quay trở lại.

Những người khác chiến đấu với virus bằng các nội dung viral. Các chiến dịch online gây chú ý gồm #LoveBostonChinatown, #IamNotAVirus và #coronaracism.

Ủy viên hội đồng bang New York Ron Kim đã thành lập một hội đồng y tế người Mỹ gốc Á để nâng cao nhận thức cho mọi người, cung cấp dịch vụ chăm sóc và cho thấy các bác sĩ người Mỹ gốc Á đã góp phần chống lại dịch bệnh.

Các thị trưởng thì đang đi đầu phong trào này bằng đôi đũa.

Thị trưởng Bill de Blasio (phải) của thành phố New York dùng bữa tại một nhà hàng ở khu phố Tàu vào ngày 13/2. Ảnh: Xinhua.

Thị trưởng Libby Schaaf ở Oakland, California và Bill de Blasio của New York đều ăn dimsum trước máy quay. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã mua một cái chảo ở khu phố Tàu của San Francisco. Người dân địa phương Chicago đã tổ chức một tour ẩm thực qua các nhà hàng Trung Quốc. Thị trưởng Philadelphia Jim Kenney ăn ngon lành một đĩa sủi cảo tôm trước công chúng.

"Hãy gọi đây là hành động ủng hộ về đạo đức, chính trị và ẩm thực", tờ The Philadelphia Inquirer bình luận.

Đến 28/2, Mỹ ghi nhận 64 ca nhiễm nCoV, chưa có trường hợp tử vong, một bệnh nhân đang nguy kịch.

Covid-19 đã xuất hiện tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. Dịch khiến hơn 85.000 người nhiễm, trong đó gần 3.000 người tử vong, hơn 39.000 người khỏi bệnh trên khắp thế giới.

>>Xem thêm: 

* Người Mỹ gốc Á: Một cái hắt hơi cũng gây kỳ thị
* Tốc độ lây lan Covid-19 ở Trung Quốc chậm dần
* Châu Âu giữa dịch nCoV: Nỗi sợ lan nhanh hơn virus
* Nhiều quan chức cấp cao Iran nhiễm nCoV dấy lên nghi ngờ về kiểm dịch

Huyền Anh (Theo SCMP)