Thứ sáu, 3/4/2020, 11:22 (GMT+7)

Những hôn lễ bị virus corona 'phá đám'

Cô dâu mặc váy trắng, tay cầm bó hoa nhựa đặt mua trên Amazon, tấm thảm và những ánh đèn lung linh trang trí trên vòm hoa cũng thế. Bữa tiệc cưới giản đơn: chỉ có gia đình và chủ hôn. 

Mặc dù dự báo có mưa, thời tiết đã ủng hộ đôi trẻ. Đám cưới của cô sinh viên 23 tuổi Eliana Amrami và bạn trai 22 tuổi Elliot Birn diễn ra ngay tại khu vườn của bố mẹ cô ở quê nhà Chicago, trời trong vắt. Như thông lệ trong lễ cưới của người Do Thái, cô dâu và chú rể cùng thực hiện nghi thức đập vỡ kính bằng chân.

Không thể trực tiếp tham dự đám cưới do lệnh hạn chế tụ tập trong dịch, gia đình và bạn bè của cặp đôi chọn cách kết nối vào trang web họp trực tuyến (Zoom) hoặc là xem trực tiếp trên YouTube. Yên vị trong nhà ở cách một khoảng an toàn, họ được chứng kiến cảnh tân lang tân nương nắm chặt tay nhau và đạp lên tấm kính qua màn hình điện thoại. Qua máy tính xách tay, những người họ hàng lớn tuổi - cũng đang theo dõi buổi lễ - mỉm cười và vẫy tay.

 Eliana Amrami và Elliot Birn kết hôn trong vườn nhà.

Cô dâu Amrami ban đầu dự định tổ chức hôn lễ tại khách sạn Chicago Hilton vào 29/3. Nhưng vào 12/3, thống đốc bang Illinois, JB Pritzker, đã khuyến cáo tất cả sự kiện đông người nên được hoãn đến tháng 5. Viễn cảnh phải chờ đợi thật đau đớn. "Chúng tôi là người Do Thái chính thống nên chưa được phép sống chung trước khi chính thức thành vợ chồng. Chúng tôi không thể chờ được, chúng tôi rất muốn được kết hôn". 

Sau một đêm đầy nước mắt, gia đình cô đã quyết định tổ chức một đám cưới ngay tại sân sau nhà rồi truyền lên Zoom. Vị chủ hôn cũng rất sẵn lòng giúp đỡ, miễn là ở ngoài trời.

Mọi thứ suôn sẻ hơn Amrami mong đợi. Trước đám cưới, cô đã rất buồn vì không thể tin lần đại sự trong đời lại lâm vào hoàn cảnh như vậy. Bây giờ thì cô rất mãn nguyện vì cuộc sống vẫn còn rất tươi đẹp. 

Amrami là một trong số rất nhiều người bị virus corona "phá đám" (cưới). Hiện tại khoảng 20% dân số thế giới đang sống trong tình cảnh bị phong tỏa. Một số người đã lên kế hoạch kết hôn trong những tháng tới. Nhưng bây giờ, cuộc sống hàng ngày đang bị tạm dừng nên bất kỳ suy nghĩ tổ chức tiệc tùng với gia đình và bạn bè (mà trong đó thường có nhiều người lớn tuổi và dễ ốm đau) là điều không nên. 

Những ai đã dành nhiều tâm sức để thiết kế cho đám cưới trong mơ của mình chắc hẳn sẽ rất đau lòng trước sự gián đoạn do Covid-19 gây ra. Debbie Odukoya, 29 tuổi, một nhà tâm lý học ở London, tâm sự: "Bây giờ tôi sẽ học cách chấp nhận sự thật". Cô sẽ cưới hôn phu 33 tuổi tại Lagos, Nigeria, vào tháng 4. Tám trăm là số khách mời dự kiến tham dự hôn lễ tại quê chồng Nigeria, sau đó là một đám cưới tại nhà vợ (ở Anh) dành cho 400 khách vào ngày hôm sau. Tổ chức hai đám cưới không phải là dễ. "Chúng tôi đã dành đúng một năm để lên kế hoạch cho mọi thứ", Odukoya thở dài.

 Deborah Odukoya và Oluchi. 

Từ đầu tháng ba, khách mời đã bắt đầu báo hủy vì chuyến bay của họ bị cấm. Nhưng Odukoya vẫn hy vọng đám cưới sẽ diễn ra. Nhưng vào ngày 18/3, chính phủ Nigeria tuyên bố bất cứ ai "hạ cánh" xuống đất nước họ sẽ phải bị cách ly trong 14 ngày. Đám cưới lại diễn ra trong hai tuần đó nên bắt buộc phải hủy. Odukoya nói: "Vào ngày đó tôi sẽ đi làm cho khuây khỏa. Thật sự rất khó để bình tĩnh lại, tôi không muốn gục ngã".

Rất may là các bên dịch vụ và trung tâm tiệc cưới sẵn lòng dời lịch mà không tốn phí, nên cô cũng đỡ được phần nào, chỉ mất tiền vé máy bay. Bạn bè cô cũng hứa đặt lại vé khi có lịch. "Mọi người đều rất tốt bụng," cô cảm thấy biết ơn. 

Một câu chuyện khác của Gemma Finn, nhân viên truyền thông 28 tuổi cũng đến từ London. Cô suýt nữa mất hết tiền cọc khi đến thuê nguyên một quán pub để tổ chức đám cưới với cô bạn gái Ali vào ngày 15/5. Lúc đó Gemma đã sẵn sàng giao tiền nhưng Ali ngăn lại. Cuối cùng đó lại là quyết định đúng. "Tôi mừng vì cô ấy nhạy cảm", Gemma nói đùa. "Cô ấy đã tiết kiệm cho chúng tôi hơn 1.000 bảng Anh".

Về chuyện hậu cần chuẩn bị cho đám cưới, không phải ai cũng may mắn như vậy. Anh chàng 27 tuổi tên James cho biết: "Mọi việc rất căng". Anh lên kế hoạch tổ chức hôn lễ tại một trung tâm nọ vào tháng 6. Tuy nhiên, vào ngày 25/3, địa điểm đó gửi email đến báo là mọi đám cưới từ nay đến tháng 6 đã bị hủy và James phải chịu 80% chi phí, do một điều khoản trong hợp đồng. Họ khuyên anh đòi quyền lợi bên công ty bảo hiểm, mặc dù không có gì đảm bảo anh sẽ được đền bù. James và vợ sắp cưới đều bàng hoàng. Không những ngày trọng đại tan tành mà tự dưng họ còn phải đối mặt với một món nợ lớn. Sau phản ứng dữ dội của James và các cặp đôi khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự, trung tâm này đã đồng ý cho phép họ dời lịch. Nhưng sự việc này căng thẳng đến mức James không muốn tổ chức ở đó nữa. "Nó vẫn còn một mùi vị kinh khủng trong miệng", anh nói. 

Elliot Metson, nhân viên hành chính 30 tuổi, là một trong những người cuối cùng may mắn được kết hôn trước khi nước Anh ra lệnh phong tỏa. Hôn lễ đó được tổ chức ngay trước ngày Thủ tướng Boris Johnson công bố các biện pháp chống dịch (23/3). Nhưng việc kết hôn khi đại dịch đang rình rập cũng tổn thất nhiều. Trong những ngày trước đám cưới, mọi người liên tục báo không tham dự được. Nhưng Metson không trách họ vì anh hiểu nỗi lo đó là có cơ sở. Cuối cùng, hai người vẫn trở thành vợ chồng theo kế hoạch.

Vào buổi sáng khi cô dâu đang chuẩn bị cho đám cưới, thêm nhiều vị khách nhắn tin nói họ không thể tham dự vì lo ngại về sức khỏe. "Chỉ là mọi thứ tồi tệ hơn một chút nữa thôi", Metson nói. Cuối cùng, chỉ có vỏn vẹn 40 người đến chung vui (hai vợ chồng cũng chỉ mời 87 người). Dù một số bàn trống một nửa, họ vẫn rất vui vẻ. Đáng ra nếu lùi thời điểm tổ chức thì bữa tiệc sẽ đông đủ hơn nhưng họ không hối hận vì đó là một ngày rất đẹp và cả hai đều hạnh phúc vì đã được kết nghĩa vợ chồng.

Đối với một vài người, việc phong tỏa giúp họ nhận ra điều gì là quan trọng nhất cuộc đời. Isobel Burston, 25 tuổi, một giáo viên dự định kết hôn với anh bạn trai Ian vào cuối tháng 4. Tuy nhiên vào 26/3, chính quyền ra quyết định cấm tụ tập trên 10 người. Vậy là Burston và Ian phải bàn lại về kế hoạch lễ cưới gồm 120 vị khách đã lên danh sách từ trước. May thay địa điểm tổ chức đã đồng ý hoãn đám cưới không cần đền bù. Một vài ngày sau, báo chí lại đăng tin cả nước sắp bị phong tỏa. Burston nhớ lại: "Lúc đó tôi quay sang Ian và nói: "Em muốn cưới anh". "Cuối tuần này được không em?". Anh nhìn sâu vào mắt tôi. Khoảnh khắc đó chúng tôi nhận ra rằng nếu muốn kết hôn, chúng tôi phải làm ngay". 

 Hôn lễ gọn nhẹ của Isobel và Ian.

Ngày hôm sau, chàng Ian gọi cho vị chủ hôn và ông ấy đồng ý thực hiện buổi lễ. Địa điểm cho thuê lúc đầu cũng cho phép họ sử dụng một căn phòng nhỏ. Burston liền đặt mua một chiếc váy dạ hội ship ngay ngày mai, còn Ian thì đi siêu thị mua hoa cưới. 

Vào ngày 21/3, lễ cưới giản dị với sự chứng kiến của cha mẹ, anh chị em và ông bà gọi điện qua Facetime. Vị chủ hôn tuyên bố cả hai chính thức thành người một nhà. Sau đó, họ ăn tiệc với bánh quiche và bánh mì cuộn xúc xích mà mẹ của Burston đã chuẩn bị, rồi ra biển chụp ảnh kỷ niệm.

Burston kể lại: "Nghe có vẻ sến súa, nhưng ngay khi bước vào và nhìn thấy Ian ở đó và cả gia đình bên cạnh, tôi chợt nghĩ: 'Tự dưng tôi lại phí thời gian lo lắng làm gì? Thứ tràn ngập ngày hôm đó là niềm vui và tình yêu. Không hề có cảm giác thiếu thốn gì cả. Theo một cách nào đó, nó còn đặc biệt hơn rất nhiều".

 Hiện tại thì tuần trăng mật đang phải hoãn lại. Họ còn đùa rằng bắt đầu cuộc sống hôn nhân bằng 24/7 thời gian ở bên nhau trong một căn hộ nhỏ cũng rất thú vị.

Thủy Tiên (Theo Guardian