Chủ nhật, 16/2/2020, 15:00 (GMT+7)

Mặt trái của việc cưỡng chế người dân cách ly để chống Covid-19

Dù có công nghệ tiên tiến, chính quyền Trung Quốc vẫn dựa vào sức người để kiểm soát việc cư dân tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Trung Quốc đang huy động hàng nghìn tình nguyện viên tới các thành phố và làng quê để thực hiện chiến dịch xã hội lớn nhất trong lịch sử. Quốc gia này đang phải chống chọi với dịch viêm phổi do chủng virus corona mới. Mục đích là giữ hàng triệu người không được tiếp xúc với nhau, trừ những người thân gần gũi nhất. 

Tình nguyện viên khử trùng một khu nhà ở tại Thai Châu, một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Những tòa chung cư ở một số thành phố phát hành loại giấy thông hành để điều chỉnh tần suất ra vào nhà của cư dân. Những chung cư này còn từ chối cho cư dân vào nếu họ vừa về từ bên ngoài thành phố. Các bến tàu không cho người dân vào nội thành nếu họ không thể chứng minh được mình sống hoặc làm việc ở đó. Tại những vùng quê, các ngôi làng chặn người ngoài bằng ô tô, lều và các loại hàng rào tự chế khác. 

Trung Quốc có hàng loạt các công nghệ tiên tiến nhưng vẫn phải dùng sức người để kiểm soát dân số, kiểm tra thân nhiệt của người dân, ghi chép lịch sử di chuyển, giám sát cách ly, và quan trọng nhất là cô lập những người mang virus. Kiểm soát an toàn cho cư dân có nhiều mức độ chặt chẽ, từ chốt kiểm soát ở cửa chung cư đến bên ngoài. Chính sách này đang được áp dụng với ít nhất 760 triệu dân ở Trung Quốc, theo một thống kê của New York Times

Nhiều người trong số này sống xa Vũ Hán - tâm điểm của dịch bệnh. Trên khắp Trung Quốc, các khu dân cư đều đưa ra những luật lệ riêng quy định từng hành động của người dân - có nghĩa số người bị ảnh hưởng bởi những điều này còn nhiều hơn dự đoán. Những chính sách nhằm đối phó nCoV rất đa dạng, có nơi bị phong tỏa hoàn toàn, nơi khác lại chỉ có một vài điều luật. 

Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi một cuộc chiến toàn dân để ngăn chặn đại dịch. Những lệnh cấm đã ngăn các công nhân viên quay lại làm việc, gây nên sức ép cho nền kinh tế Trung Quốc. Thêm đó, chính quyền địa phương có quyền thắt chặt hoạt động của người dân. Không ngạc nhiên khi một số chính sách đã bị đẩy đến mức cực đoan. 

Li Jing (40 tuổi) là một giáo sư xã hội học ở Đại học Chiết Giang, tỉnh Hàng Châu. Cô suýt bị cấm đưa chồng đến bệnh viện sau khi anh bị hóc xương cá. Lý do vì khu vực cô sống chỉ cho phép một người ra khỏi nhà trong một ngày. Li cho biết: "Một khi đại dịch được công khai, chính phủ đặt sức ép lớn lên vai chính quyền địa phương. Điều này gây ra sự ganh đua giữa các tỉnh. Chính quyền ở đây chuyển từ bảo thủ sang cấp tiến. Kể cả khi tình hình bớt căng thẳng hoặc số người chết không còn cao, bộ máy chính phủ không thể đổi hướng hoặc giảm bớt về như trước được".

Những nỗ lực phòng ngừa của chính phủ đang được dẫn dắt bởi vô số những cơ quan cấp khu vực. Cơ quan này đóng vai trò cầu nối giữa người dân và chính quyền địa phương. Chống lưng cho họ là hệ thống quản lý lưới của chính phủ, chia đất nước thành nhiều phần khác nhau và bổ nhiệm người quản lý mỗi khu vực nhất định, đảm bảo có sự giám sát chặt chẽ với lượng dân cư lớn.

Tỉnh Chiết Giang với dân số gần 60 triệu, đã bổ nhiệm 330.000 "công chức lưới". Tỉnh Hồ Bắc, với thủ phủ là Vũ Hán đã bổ nhiệm 170.000, Tứ Xuyên với 308.000 và siêu đô thị Trung Khánh là 118.000 người... Chính quyền kết hợp giữa sức người với công nghệ di động để theo dõi những người đã bị nhiễm virus. Hệ thống mạng di động của nhà nước cho phép người dùng gửi tin nhắn đến một đường dây nóng để nhận được danh sách những tỉnh mà họ tới. 

Ở một nhà ga tàu siêu tốc ở thành phố Yiwu vào tuần trước, những nhân viên mặc đồ bảo hộ yêu cầu hành khách xuất trình tin nhắn này trước khi cho họ lên tàu. Một ứng dụng của công ty điện tử quân sự làm việc cho nhà nước cho phép công dân điền tên và số căn cước (ID), sau đó họ sẽ nhận được kết quả thông báo liệu mình có tiếp xúc với người mang bệnh trên máy bay, tàu hay xe bus chưa. 

Vẫn còn quá sớm để kết luận liệu kế hoạch của Trung Quốc có ngăn chặn được dịch hay không. Với số lượng lớn những ca dương tính được xác nhận mỗi ngày, chính phủ có lý do để giảm tối đa việc tiếp xúc giữa con người và việc di chuyển nội địa. Nhưng các chuyên gia cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, những biện pháp độc đoán có thể phản tác dụng, khiến người nhiễm bệnh lẩn trốn và làm đại dịch khó kiểm soát hơn. 

Alexandra L.Phelan, một chuyên gia về luật y tế toàn cầu ở Đại học Georgetown nói: "Y tế công cộng phụ thuộc vào niềm tin của cộng đồng. Những hành động như cách ly trên phạm vi cộng đồng và bản chất độc đoán của hành động này, đi cùng với sự vào cuộc của cảnh sát và chính quyền đã biến việc này thành hành động mang bản chất cưỡng chế thay vì vì sức khỏe cộng đồng".

Ở thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, nhiều người dân đã phàn nàn trên mạng xã hội vì không vào được nhà khi trở về từ bên ngoài thành phố. Họ bị yêu cầu phải xuất trình giấy tờ từ chủ tòa nhà hoặc nơi làm việc, nếu không sẽ không được vào. 

Nada Sun, 29 tuổi, về thăm gia đình ở Wenzhou, một thành phố khác của tỉnh Chiết Giang. Cô nói với mẹ mình bị khó thở, sau đó được khuyên nên tới bệnh viện. Cô không bị sốt cao nhưng bệnh viện vẫn yêu cầu xét nghiệm. Các kết quả trả về đều âm tính với virus. Kể cả như vậy, sau khi trở về nhà, cô được yêu cầu cách ly trong 2 tuần. Cô được thêm vào một nhóm chat trên WeChat, trong đó có bí thư phường và những tình nguyện viên khác. Cô được yêu cầu phải xuất trình thân nhiệt và địa điểm hiện tại hai lần một ngày. "Tôi lo là họ đã có quá nhiều thông tin", cô nói. 

Các sĩ quan cảnh sát bảo vệ một khách sạn đang được sử dụng để cách ly y tế ở Vũ Hán. Ảnh: AP.

 Ở một số nơi khác, luật lệ lại không hà khắc. Người dân tự nguyện ở trong nhà, đặt đồ ăn qua mạng và làm việc tại chỗ. Một số nơi cư xử nhân đạo hơn. Bob Huang, người Mỹ gốc Trung Quốc, sống ở tỉnh Chiết Giang, cho biết tình nguyện viên ở tòa nhà của mình đuổi bắt một người đi uống rượu qua đêm. Tuy nhiên, họ vẫn mang đồ ăn từ McDonald’s cho một gia đình bị cách ly. Huang (50 tuổi) có giấy thông hành từ ban quản lý tòa nhà nên có thể lái xe đưa khẩu trang cho bạn bè. Một số tòa nhà không cho ông vào, một số khác yêu cầu để lại thông tin. Một ngôi làng gần đó hỏi bằng giọng địa phương, nếu ông trả lời được bằng giọng đó thì được phép vào. Huang cho biết, vì ông không nói được giọng đó nên phải đợi. "Nhưng dân làng khá thân thiện. Họ đưa ghế cho tôi, mời tôi hút thuốc và không yêu cầu xuất trình căn cước", Huang nói. 

Hàng Châu đưa ra lệnh cấm các nhà thuốc bán thuốc giảm đau để buộc người có triệu chứng đến chữa trị ở bệnh viện. Thành phố Nam Kinh yêu cầu tất cả người đi taxi đều phải xuất trình căn cước và để lại thông tin. Tỉnh Vân Nam muốn tất cả các nơi công cộng đều có mã QR để mọi người quét khi đến và đi. Một số nơi cấm tụ tập đông người. Cảnh sát ở tỉnh Hồ Nam đã phá một tụ điểm chơi mạt chược gồm 20 người.

Tại một nhà ga đường sắt cao tốc phía đông thành phố Nghĩa Ô, tình nguyện viên đã hỏi du khách và kiểm tra điện thoại của họ. Ảnh: New York Times.

Chính phủ có vẻ đã nhận ra một số địa phương đã đi quá giới hạn. Phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang - Chen Guangsheng -  cho rằng việc khóa người dân trong nhà để cách ly là không phù hợp. Chính phủ cũng kêu gọi các làng bỏ đi những rào chắn không cần thiết để đảm bảo việc vận chuyển thực phẩm và đồ dùng cần thiết. 

Tòa chung cư của Zhang Yingzi ở Hàng Châu trước đó đã cấm người ngoài thành phố vào. Sau đó lệnh cấm được đổi, chỉ áp dụng với những người đến từ tỉnh Hồ Bắc và các thành phố có nhiều ca nhiễm virus mới như Chiết Giang và Ôn Châu.

Zhang (29 tuổi) cho biết: "Có quá nhiều người, một số người trong số đó cần phải quay lại làm việc". Nhiều người vẫn cảm thấy không yên tâm vì các biện pháp đối phó với virus bị nới lỏng quá nhanh. 

Zhang Shu (27 tuổi) lo lắng rằng cha mẹ và hàng xóm đang trở nên ung dung trước virus này, kể cả khi có các nhân viên lái xe quanh làng yêu cầu mọi người ở nhà. "Những người bình thường đang bắt đầu cảm thấy tình hình không còn kinh khủng như trước nữa. Họ lúc nào cũng không yên".

>>Xem thêm: 
Nhiệt kế ở các chốt kiểm tra liệu có chính xác?

Hàng xóm thành 'kẻ thù của nhau' vì nCoV ở Trung Quốc

Mặt trái của cuộc truy tìm bệnh nhân nhiễm nCoV

Cuộc sống ở Trung Quốc thay đổi thế nào bởi dịch nCoV

Huyền Anh (Theo New York Times)