Thứ bảy, 8/2/2020, 00:03 (GMT+7)

Tỏi và nước muối không thể chống được virus corona

Một số phương pháp lan truyền như súc miệng với nước muối, ăn kim chi, trát phân bò... được các chuyên gia khuyến cáo không thể giúp chống lại virus corona.

Chuyên gia hô hấp Zong Nanshan được biết tới nhờ phát hiện ra các mức độ của bệnh SARS năm 2003. Một số tin đồn nói rằng vị chuyên gia này đã đưa ra lời khuyên súc miệng với nước muối có thể phòng tránh loại virus corona - dịch bệnh về phổi đang lan rộng ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tin đồn này được xác nhận không đúng. Nhà khoa học này chưa bao giờ đưa ra lời khuyên như vậy.

Khi virus corona tiếp tục lan rộng ra toàn thế giới - khiến hơn 29.000 người nhiễm bệnh, gây tử vong cho 638 người - mọi người càng tin tưởng hơn vào việc các phương pháp chữa bệnh tại nhà sẽ giúp họ tránh được bệnh. Chuyên viên hướng dẫn thể hình người Singapore, Yeoh Wen Ning (32 tuổi) nhận được một tin nhắn về lời khuyên phòng bệnh này từ mẹ chồng. Cho rằng đây là chuyện của mấy bà nội trợ thích buôn chuyện, cô lờ tin nhắn đi và không chuyển tiếp nó.

Cô cho biết: "Thật ra tôi không đọc hết tin nhắn đó. Tôi thường không để ý tới mấy chuyện như vậy". Ning là người hiểu biết nên không tin vào những thứ không có căn cứ như vậy. Nhưng nhiều người khác vẫn chia sẻ tin nhắn tới bạn bè và gia đình. 

Người dân mua thuốc y học cổ truyền Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 5/2. Ảnh: New York Times.  

Một người phụ nữ đã gửi tin nhắn vào nhóm chat của gia đình, nói rằng virus corona có thể được chữa khỏi nếu uống một bát nước tỏi luộc. "Các bác sĩ Trung Quốc đã chứng minh hiệu quả rồi. Nhiều bệnh nhân cũng thấy phương pháp này hiệu quả", nội dung có đoạn. 

Ở một nhóm chat khác, những người trẻ tuổi của gia đình lờ đi lời khuyên này. Tuy nhiên, họ không dám chỉnh lại lời của người dì trên nhóm chat vì sẽ bị cho là thiếu tôn trọng. 

Một số lời khuyên phổ biến khác lan tràn trên mạng như ăn nhiều kimchi, súp gà, thuốc Bắc, thuốc lá Ấn Độ... cũng có thể ngăn chặn virus. Và theo lời một người đứng đầu một Đảng Hindu của Ấn Độ, thoa phân bò lên người có thể chống lại virus. Các phương pháp này lan truyền qua nhiều nước khác. 

Justin Chu, một quản lý bán hàng, được mẹ khuyên nên uống súp đỗ xanh để tránh virus. Lời khuyên này tới từ các họ hàng ở Hong Kong, rồi được mẹ của Chu gửi tới những người thân ở Canada. 

Đôi khi những lời khuyên kiểu này tới từ những người có tiếng nói trong xã hội. Tờ New York Times cho biết, ở Myanmar, loa phát thanh phát đi những lời khuyên từ các nhà sư phật giáo rằng để 7 hạt tiêu đen lên lưỡi sẽ tránh được virus. 

Ở Indonesia, Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto cho rằng thư giãn và làm việc ít đi sẽ tránh được bệnh. Trong khi một bộ trưởng ở Myanmar chia sẻ một bài đăng trên Facebook cho rằng ăn nhiều hành sẽ làm virus không lây lan được. 

Ở Philippines, một nhà khoa học đã đề xuất nghiên cứu biện pháp chữa bệnh từ dầu dừa. 

Rất nhiều các biện pháp trong số này đã bị loại bỏ bởi trang kiểm chứng thông tin AFP (Fact Check). Họ đã xác nhận với bệnh viện Chi nhánh đầu tiên của Đại học Y Quảng Châu - nơi bác sĩ Zhong công tác - rằng tin đồn súc miệng nước muối là không có căn cứ chính xác. 

Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng xác nhận không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể chặn được bệnh. WHO cũng xác nhận một số phương pháp tự điều trị là sai trên tài khoản Twitter với hashtag #Biếtsựthật. Một bài đăng trên Twitter vào ngày Chủ nhật viết: "Dầu mè rất ngon nhưng nó không thể tiêu diệt được virus corona". Một bài khác viết: "Tỏi là một thực phẩm bổ dưỡng có tác dụng chống các loại vi khuẩn. Tuy nhiên, không có một bằng chứng nào trong đại dịch lần này cho thấy ăn tỏi sẽ bảo vệ mọi người khỏi nCoV". 

Một phòng thí nghiệm nghiên cứu y học cổ truyền Trung Quốc tại Lianyungang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc năm ngoái. Ảnh: EPA.  

Đại dịch SARS năm 2003 cũng chứng kiến các tin đồn tương tự. Vào thời điểm đó, nông dân Trung Quốc bắn pháo hoa để đuổi thần dịch bệnh, trong khi những người khác uống súp đỗ xanh để phòng bệnh. Một số các phương pháp không đúng khác được liệt kê như dấm, củ cải và súp châu chấu... cũng có thể ngăn chặn dịch. 

Tuần trước, sau khi trang Xinhua đưa tin một hỗn hợp từ cây kim ngân và các loại cây có hoa sẽ chống lại được virus, mọi người vội đến các hiệu thuốc mong mua được các sản phẩm. Sau đó, truyền thông quốc gia phát đi một thông báo, trích lời Zhang Boli - một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trong các nỗ lực phòng chống dịch bệnh - cảnh báo về các tác dụng phụ của loại thuốc này. 

Tuy nhiên, cơ quan y tế đứng đầu Trung Quốc vẫn khuyên các bệnh viện sử dụng thuốc Bắc như một cách chữa trị khác, đồng thời cho rằng cách này không phải để phòng bệnh và sẽ cần được điều chỉnh tùy theo khí hậu của nơi bệnh nhân đang chữa trị và tình trạng sức khỏe của họ. Bác sĩ đa khoa Tan Tze Lee từ Phòng khám Edinburgh ở Singapore cho rằng không có một bằng chứng nào cho thấy các phương pháp trên mạng có tác dụng. Tuy nhiên, ông cho biết: "Nếu những việc này khiến bạn cảm thấy yên tâm thì bạn có thể làm". Ông cho rằng điều quan trọng nhất ở đây là giữ vệ sinh. "Tốt nhất là rửa tay. Hãy chắc chắn rằng tay bạn sạch và không chạm lên mặt", ông nói. 

Các cơ quan y tế trên toàn thế giới cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của vệ sinh khi virus dễ lây lan qua giọt nước bọt nhỏ. Họ khuyên người dân nên rửa tay thường xuyên; Giữ khoảng cách một mét với người khác; Hạn chế sờ mắt, mũi, miệng; Sử dụng khẩu trang đúng cách nếu có triệu chứng... 

Nếu mọi người cần tìm cách để tăng sức đề kháng, bác sĩ Tan có lời khuyên: "Tôi luôn tin rằng nếu bạn ngủ đủ giấc, giữ cho bản thân khỏe mạnh, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên... Tất cả những việc đó sẽ góp phần lớn vào việc tăng sức đề kháng cho bạn".

>>Xem thêm: 

* Tại sao trẻ em ít nhiễm virus corona?
* Viêm phổi corona nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu
* Cuộc sống ở Trung Quốc thay đổi thế nào bởi dịch nCoV
* Những thành phố quanh Vũ Hán vật lộn vì cạn kiệt thiết bị y tế

Huyền Anh (Theo SCMP)