Thứ năm, 15/11/2018, 12:08 (GMT+7)

Sĩ tử Hàn thi đại học: Căng thẳng, khốc liệt chẳng kém gì Việt Nam

Công sở Hàn tan muộn tránh tắc đường; xe cộ bị cấm đi lại gần trường thi, còn phụ huynh thì đã cầu nguyện từ 100 ngày trước...

Hôm nay, gần 600.000 học sinh Hàn Quốc bước vào kỳ thi đại học. Ở xứ xở kim chi đây được coi là kỳ thi khốc liệt nhất cuộc đời - không khác gì "đấu trường sinh tử". 

Năm nay, kỳ thi diễn ra vào ngày 15/11 với gần 590.000 thí sinh dự thi tại 1.190 điểm trên cả nước. Ảnh: Flickr.

Học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 phải tham gia kỳ thi cấp quốc gia mang tên College Scholastic Aptitude Test (CSAT), giống như thi SAT ở Mỹ. Sau đó, họ sẽ thi đại học, gọi là Suneung. Điểm số ở Suneung ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc đời các sĩ tử, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân. Tại Hàn, người dân coi đây là kỳ thi quyết định thành bại của cuộc đời. 

Học sinh Hàn Quốc sẽ thi đến 8 tiếng đồng hồ, bao gồm các môn: Quốc ngữ, Toán học, Tiếng Anh, các môn khoa học (tối đa 4 môn), các môn xã hội (tối đa 4 môn) và có thể chọn thêm môn ngoại ngữ 2 (tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập hay tiếng Việt). Bắt đầu từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hàn Quốc đưa môn tiếng Việt vào danh sách các môn ngoại ngữ thứ hai của kỳ thi quan trọng này. 

Những đại học hàng đầu đất nước mà học sinh muốn vào, gồm: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc, Đại học Yonsei. Ảnh: Flickr.

Phần lớn học sinh lớp 12 coi năm học này là "năm địa ngục" vì phải dành hầu hết thời gian để ôn tập cho kỳ thi cuối cùng trong cuộc đua vào trường đại học. Mỗi thí sinh phải học thêm 8 tiếng mỗi ngày, chưa kể thời gian học ở trường. Một ngày của các bạn trẻ bắt đầu từ 8h đến 17h, sau đó đến trung tâm luyện thi từ 18h đến 22h. 

Đoạn phim ngắn về cuộc sống của học sinh Hàn Quốc
 
 

Sốc với cái kết trong phim ngắn về cuộc sống của học sinh Hàn Quốc. 

Nhiều người kêu gọi giảm áp lực thi cử của kỳ thi này, bởi đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử ở nước này ở mức cao và tiếp tục tăng hàng năm. Tuy nhiên, cuộc thi nay vẫn chưa hạ nhiệt. 

Trong ngày thi, các cơ quan làm việc muộn hơn để giao thông thuận tiện cho các sĩ tử tới địa điểm thi. Các loại xe cũng bị cấm đi lại trong khu vực cách địa điểm thi 200m nhằm giảm tiếng ồn trong khi các thí sinh làm bài. Cảnh sát, bác sĩ được huy động trực gần trường, sẵn sàng ứng biến với các trường hợp khẩn cấp.

Một số tổ chức còn trao cho thí sinh lá bùa may mắn được gọi là "Yut" với hy vọng các em sẽ đỗ vào trường mong muốn. Trong khi đó, nhiều nơi còn có xe bus với khẩu hiệu, áp phích, cờ hoa cổ vũ học sinh. Riêng ở Seoul, gần 800 ôtô sẽ được đặt quanh thành phố để chở học sinh nào bị muộn, cửa xe có dán chữ "Xe chuyên chở thí sinh", và tất nhiên chúng đều miễn phí. 

Nhiều phụ huynh đến chùa, miếu cầu nguyện cho việc học hành, thi cử thuận lợi, nhất là 100 ngày trước khi kỳ thi diễn ra. Có bà mẹ thậm chí đã quỳ lạy đến cả nghìn lần cầu may mắn cho con. Trước và trong kỳ thi, sĩ tử và người nhà kiêng kỵ nhiều việc, trong đó có đánh rơi đồ (mang nghĩa trượt). Người ta còn tặng các loại bánh làm từ đồ nếp, vì trong tiếng Hàn, từ "dính" tương đương "đỗ".

Các hoạt động cổ vũ cho kỳ thi này cũng diễn ra rất... tưng bừng. Học sinh khóa dưới tập trung tại cổng trường để cổ vũ cho các anh chị lớp 12 thi tốt. Băng rôn, cờ hoa và cả những người nổi tiếng tại Hàn cũng nhiệt tình động viên fan cố gắng vượt qua kỳ thi bằng những nhắn nhủ đầy tâm huyết. 

Học sinh Hàn Quốc có một truyền thống lâu đời, là tập trung quỳ lạy trước các điểm thi để cùng nhau cầu chúc cho các "tiền bối" làm bài thi thật tốt. Hành động "đáng yêu" này được nhiều người ở Hàn quan tâm, phần lớn họ tin rằng, việc thành tâm cầu nguyện sẽ giúp các sĩ tử tránh được những sai sót không đáng có trong khi thi. 

Hôm nay, tại 1.190 điểm thi trên cả nước Hàn Quốc, các thí sinh bắt đầu bước vào kỳ thi quyết đình thành bại cuộc đời, cùng cổ vũ cho các bạn ấy nhé. 

Huyền Anh (tổng hợp)