Chủ nhật, 14/4/2019, 00:00 (GMT+7)

Quán cơm của những đứa trẻ 'nhặt rau, cắt thịt còn chưa thạo'

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại Xã Đàn (Hà Nội), Ong Mật là quán cơm do những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ, người tự kỷ và người có hội chứng down thực hiện.

Với mong muốn ‘yêu thương  - đồng hành - hy vọng’ cùng con trên mọi nẻo đường, phụ huynh của những đứa trẻ đặc biệt đã phối hợp cùng trung tâm Trợ giúp gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ chung tay tạo nên mái nhà Ong Mật ấm áp dành riêng cho các con. Những đứa trẻ ở đây được chuẩn bị kỹ năng nghề, vừa thực hành chế biến nguyên liệu, chế biến món ăn; vừa thực hành phục vụ khách đặt cơm online và trực tiếp tại quán.

Thành lập từ 1/2019, trải qua gần 3 tháng rèn luyện với sự hướng dẫn của các cô giáo đã có rất nhiều ‘chú ong’ làm việc thành thạo. Các bạn có thể tự nhặt rau, nạo khoai tây, gọt su su, thậm chí thái thịt chuẩn khuôn và đứng bếp.

Chị Thủy và các bậc phụ huynh muốn tạo cho con một nơi để rèn luyện kỹ năng, tự tin hơn trong cuộc sống.

Quán ăn phục vụ cơm văn phòng, có thể ăn tại quán hoặc đặt hàng online. Ngoài việc tạo ra môi trường để những đứa trẻ được học đầy đủ các kỹ năng nấu nướng và phục vụ khách, các bạn còn được chơi trò chơi, học toán, vẽ, tiếng Việt trong những giờ giải lao.

Thời gian đầu, các ‘chú ong’ còn loay hoay với cách cầm dao, thao tác chậm chạp, đôi khi quên mất cách làm nhưng như những chú ong cần mẫn, những đứa trẻ đều tỉ mẩn làm hết phần việc của mình. Bạn nào làm tốt sẽ được một sao, được tặng phần thưởng nên ai cũng rất hăng say.

Một niềm vui của con, mười kiên nhẫn của cha mẹ

Chị Nguyễn Thủy - chủ quán Ong Mật - cũng chính là một người mẹ có người con đặc biệt trong lớp. Hơn ai hết chị thấu hiểu nỗi khổ của con khi đi học bị cô lập, cả một mùa hè ở trong nhà không biết chơi gì, chỉ cắm mặt vào iPad, TV.

Từng là một người nóng tính nhưng nhờ con chị Thủy học được rất nhiều sự kiên nhẫn. Dù Dịu dàng của chị đã có kinh nghiệm 3-4 năm thái rau củ quả nhưng chỉ một tuần không đến lớp Ong Mật là lại quên mất cách thái su su. Vậy là chị lại cẩn thận hướng dẫn lại Dịu Dàng cách thái sao cho chuẩn.

"Khi mình không còn ở bên cạnh những đứa con đặc biệt của mình nữa thì ai, ai sẽ là người hỗ trợ nó? Nên tôi bắt buộc phải vừa yêu, vừa thương, vừa giận dỗi để sao cho con học được kỹ năng cơ bản nhất để chúng có thể tự phục vụ chính mình".

Các "nhân viên" ở đây được dạy tỉ mẩn từ cách thái thịt cho đến đổ rác sao cho đúng chỗ.

Ở đây các ‘chú ong’ được học tập và làm những công việc phù hợp với khả năng nên mỗi ngày của các bạn đều bắt đầu rất hào hứng. Nhìn các con được giao tiếp, được chành chọe với những bạn đồng trang lứa chị Thủy không quát mắng, can ngăn mà chỉ mỉm cười quan sát.

Bởi những đứa trẻ không biết đòi hỏi, đau ở đâu không biết, mệt mỏi ở đâu cũng không nói, nên chị đều cố gắng hiểu các con, cố gắng đọc suy nghĩ xem chúng muốn gì, thích gì để đáp ứng nhu cầu. Ở quán Ong Mật cũng tuyệt nhiên không có những lời chê bai, quát mắng. Chỉ nhẹ nhàng bảo các con làm không tốt, hãy làm lại đi. Thương nhưng chị Thủy không chiều hư, nếu bạn nào mắc lỗi nhiều quá chị chỉ cần nói nhẹ nhàng "Ngày mai con không cần đến Ong Mật nữa" là các bạn sợ và nghe lời ngay.

Suốt một buổi sáng chị luôn chân luôn tay làm việc, miệng liên tục nhắc nhở và phân chia việc đồng thời quan sát từng trạng thái của những ‘chú ong’. Bạn nào làm nhiều việc, sức khỏe yếu thì chị nhắc nghỉ ngơi đúng lúc.

Một nụ cười của con, một cái gật đầu đồng ý hay giao tiếp với khách hàng như ngày hôm nay đã phải đánh đổi bao nhiêu lòng kiên nhẫn của chị Thủy cùng 11 phụ huynh trên hành trình này.

Điều kỳ diệu của sự tự chủ

Các khách hàng đến quán ăn cơm, có người quay lại nhiều lần. Bạn Nhu, 23 tuổi chia sẻ "Đây là lần đầu tiên mình đến quán, biết được qua fanpage nên đã dẫn bạn bè đến ăn ủng hộ. Cơm của quán rất ngon, bọn mình đều ăn hết suất. Khi giao tiếp với những đứa trẻ ở đây mình cũng cảm thấy rất thoải mái. Mình nghĩ, các em đã cố gắng rất nhiều".

Khách ở đây không vội, họ ngồi nói với nhau những câu chuyện bình dị hướng những ánh mắt kiên nhẫn chờ đợi những đứa trẻ bưng cơm phục vụ.

"Hồng Hà tháng đầu tiên không nói gì hết nhưng giờ rất tươi. Bạn Đạt ngày xưa không biết cầm dao nhưng giờ cầm dao rất chuẩn. Đức Minh lúc đầu không làm gì nhưng bây giờ làm hết mọi việc, tiến bộ nhiều nhất", chị Thủy kể về những tiến bộ của những ‘chú ong’ với giọng nói rất vui vẻ.

Điều đặc biệt hơn là một vài đứa trẻ ở đây có những khả năng vượt trội. Bạn Thắng có thể biết rất nhiều đội bóng và các cầu thủ. Dịu Dàng không biết tiếng Việt nhưng khả năng tiếng Anh lại rất tốt. Bạn Đạt thì chỉ cần nói tên một đất nước thôi là có thể kể được quốc gia nào bên cạnh.

Sản phẩm của các cô cậu bé.

Không chỉ cho các con một cơ hội rèn luyện hiện tại, 11 phụ huynh ở đây còn hướng đến một tương lai mà các ‘chú ong’ có thể nhận biết tiền, trả lại được tiền thừa cho khách hay tự đi siêu thị mua đồ. Thời gian có thể sẽ rất dài, 1 năm, 2 năm hay nhiều hơn nữa. Nhưng ai biết được khi điều kỳ diệu xảy đến, một ngày nào đó những đứa trẻ có thể giành lại sự tự chủ để tự thể hiện với người bên cạnh rằng mình ổn.

Quán cơm của những đứa trẻ tự kỷ
 
 

Lê Minh