Thứ sáu, 7/2/2020, 09:00 (GMT+7)

Những thành phố quanh Vũ Hán vật lộn vì cạn kiệt thiết bị y tế

Trong bóng tối bao trùm Vũ Hán, các thành phố lân cận nhỏ hơn như Hiếu Cảm, Hoàng Cương... phải vật lộn vì cuộc tấn công của virus corona do thiếu thốn vật tư y tế.

Feng Chuncui phải sử dụng một chiếc khẩu trang trong hơn một tuần. Feng là bác sĩ phụ khoa tại một bệnh viện lớn ở trung tâm thành phố Hiếu Cảm, miền trung Trung Quốc. Nơi đây các nhân viên y tế đang phải tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân nhiễm virus corona trong khi trang thiết bị đang dần cạn kiệt. 

Cuối tháng trước, Feng trở thành một bệnh nhân trong số đó. Một đồng nghiệp bị nhiễm và Feng bị lây, buộc cô phải cách ly ở bệnh viện. "Bệnh viện đang tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân mỗi ngày và chỉ có một vài người được xuất viện. Chúng tôi đã sử dụng rất nhiều khẩu trang, đồ bảo hộ, kính và thuốc tẩy uế. Chiếc khẩu trang duy nhất mà tôi đang sử dụng được lấy từ văn phòng của mình. Tôi đã đeo nó hơn một tuần nay rồi", cô nói. 

Một nhân viên y tế đeo khẩu trang bảo hộ. Ảnh: Xinhua. 

Hiếu Cảm là thành phố có 4,8 triệu dân, cách Vũ Hán 60km về phía đông. Trong khi Vũ Hán tập trung sự chú ý và giúp đỡ của cả thế giới, những thành phố nhỏ hơn như Hiếu Cảm gần như không nhận được sự trợ giúp nào về vật tư y tế. 

Thị trưởng thành phố Hiếu Cảm - Wu Haitao - cho biết cả thành phố cần hơn 32.300 chiếc khẩu trang N95, 150. 700 khẩu trang phẫu thuật và 8.074 bộ đồ bảo hộ trong vòng 5 ngày tới. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Hoàng Cương - thành phố 7,5 triệu dân ở phía Tây Vũ Hán. Hoàng Cương và Hiếu Cảm là hai địa điểm tiếp nhận nhiều người từ Vũ Hán sơ tán tới nhất trước khi thành phố bị phong tỏa vào ngày 23/1. 

Vào ngày 3/2, Hoàng Cương xác nhận 1.422 ca nhiễm bệnh và Hiếu Cảm có 1.120 ca, cao thứ nhì và thứ ba của cả nước về số ca nhiễm. Hoàng Cương cố gắng kiểm soát dịch bệnh bằng cách đóng cửa toàn bộ ga tàu và cao tốc, và cho phép một người trong mỗi gia đình được ra ngoài mua nhu yếu phẩm một lần trong 2 ngày. Trường hợp ngoại lệ là nhân viên làm ở siêu thị, nhà thuốc và những người bệnh cần gặp bác sĩ. 

Một cư dân của thành phố cho biết, gia đình cô rất vất vả mới tìm được nhu yếu phẩm trong lúc thành phố bị phong tỏa. "Dì tôi bị nhiễm virus corona và phải nhập viện. Trong bệnh viện, y tá chỉ đeo khẩu trang thường để tự bảo vệ bản thân khỏi virus từ lượng bệnh nhân vô cùng lớn. Em gái tôi, người đang chăm sóc dì, không thể mua được cồn y tế để khử trùng nhà. Chúng tôi cố mua đồ qua mạng, nhưng thành phố bị phong tỏa khiến mọi dịch vụ chuyển phát vào thành phố ngừng hoạt động", người này nói. 

Ở quận Xiaochang thuộc Hiếu Cảm, Zhang Xiaofeng - một bác sĩ từ bệnh viện phụ sản thành phố - cho biết chính quyền đã yêu cầu bệnh viện của ông tiếp nhận cả bệnh nhân nhiễm corona từ cuối tháng 1 và toàn bộ giường đã kín trong vòng 2 ngày. "Chúng tôi còn thiếu cả dụng cụ y tế, ví dụ như khẩu trang và đồ bảo hộ. Lãnh đạo bệnh viện phải họp hàng ngày để tìm ra cách lấy được dụng cụ", Zhang cho biết. Đây là một tình huống bị làm khó bởi việc phong tỏa thành phố. 

Tờ Southern Metropolis News đưa tin hôm 2/2 cho biết bệnh viện trung tâm Hiếu Cảm sẽ hết vật tư y tế trong một tuần nữa nếu không có thêm hàng về. Một nhân viên logistics của bệnh viện cho biết: "Do tình hình giao thông mà một số dụng cụ cùng quyên góp không thể chuyển tới đây được, làm tình hình của chúng tôi ngày càng tệ hơn".

Bệnh nhân nhiễm virus corona với triệu chứng nhẹ được đưa đến bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters.

Trước đó, một bác sĩ của bệnh viện liên kết Vũ Hán cầu cứu trên Weibo vì bệnh viện sắp hết dụng cụ y tế, trong đó có kính mắt, đồ bảo hộ dùng một lần và khẩu trang N95. Bài đăng cũng xin sự trợ giúp về tài chính với số tài khoản của bệnh viện cùng số điện thoại mà mạnh thường quân trợ giúp có thể liên lạc. 

Hôm 2/2, thành phố Vũ Hán đã nhận được 10.000 bộ đồ bảo hộ, 80.000 khẩu trang N95,5 triệu khẩu trang dùng một lần và 4.200 cặp kính. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề với chất lượng của các dụng cụ y tế này. Một bác sĩ cho biết: "Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng những dụng cụ y tế kém chất lượng rất dễ hỏng. Tôi không biết ai mang chúng cho bệnh viện, những thứ này có thể gây tử vong cho bác sĩ và y tá ở đây". 

Nhân viên chuyển vật tư đến bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Cùng với tình trạng thiếu dụng cụ y tế, các bệnh viện cũng đang trong tình trạng quá tải, các y bác sĩ phải làm việc đến kiệt sức. Bắc Kinh đã cử hơn 6.000 nhân viên y tế tới để giúp đỡ các bác sĩ ở tỉnh Hồ Bắc, các bác sĩ trong lực lượng quân đội cũng được cử đến để giúp đỡ.

Một bác sĩ 28 tuổi ở Trung Quốc đã đột tử sau khi làm việc không ngừng nghỉ trong 10 ngày. Bác sĩ Song Yingjie là nhân viên của một phòng khám ở tỉnh Hồ Nam, nằm bên cạnh tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn dịch. Anh có nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt cho các tài xế và hành khách trên cao tốc và đã làm việc không nghỉ từ ngày 25/1. Anh mất sau khi trở về ký túc xá, theo thông báo của thành phố. 

Chị gái của Song, hơn 2 tuổi, đang bị kẹt ở Vũ Hán. Cô thấy hối hận vì không rời khỏi Vũ Hán trước khi có lệnh phong tỏa và giúp đỡ em mình trong lúc cần thiết. Cô nói em trai là người thấu hiểu người khác và rất quan tâm tới gia đình. 

Cha của anh khi trả lời phỏng vấn đã cho biết: "Con gái tôi đang ở Vũ Hán và không thể trở về. Thành phố đang bị phong tỏa. Bạn hỏi tôi có lo lắng không à? Tất nhiên là có. Con trai tôi làm nhiệm vụ ở trên đường cao tốc. Bạn hỏi tôi có sợ không? Giờ nó chết rồi. Tôi rất đau khổ". Chính quyền địa phương đang giúp đỡ gia đình Song giải quyết hậu sự.

Sáng nay, Lý Văn Lượng - một trong những bác sĩ đầu tiên cố gắng cảnh báo công chúng về dịch virus corona - cũng đã qua đời. Anh bị lây nhiễm khi tiếp xúc với một bệnh nhân mà không có đồ bảo hộ.

>>Xem thêm: 

Gương mặt lồi lõm in hằn khẩu trang của bác sĩ Vũ Hán
Cuộc sống ở Trung Quốc thay đổi thế nào bởi dịch nCoV
Thư của cô gái Vũ Hán: 'Thế giới chỉ sống sót khi Trung Quốc vượt qua khủng hoảng'
Hàng xóm thành 'kẻ thù của nhau' vì nCoV ở Trung Quốc

Huyền Anh (Theo SCMP)