Thứ sáu, 3/1/2020, 00:00 (GMT+7)

Những người 'sống giữa bầy thú'

Hơn 20 năm chăm bẵm, vệ sinh, thậm chí là ngủ cạnh chuồng hổ, sư tử... ở Vườn thú Hà Nội, anh Phúc, chị Ngọc chỉ cần ngửi mùi chất thải là biết chúng khỏe mạnh hay ốm yếu.

8 giờ sáng tại Xí nghiệp chăn nuôi động vật số 1, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội, anh Nguyễn Quang Phúc (49 tuổi, tổ trưởng tổ chăm nuôi thú dữ) mở cánh cửa sắt cao chừng hai mét để bước vào khu vực nuôi nhốt gấu – hổ - sư tử. Một mùi "ngai ngái" từ chất thải động vật xộc tới. Bước qua khay thuốc sát trùng, người đàn ông gần 50 tuổi cùng một vài nhân viên tiến vào trong. 

Khu nuôi nhốt thú dữ tại Công viên Thủ Lệ (Hà Nội)

Nghe tiếng bước chân, một con sư tử lừng lững, nặng gần 200 kg tiến sát song cửa sắt, những con hổ Đông Dương, sư tử Nam Phi, gấu chó, gấu ngựa cũng tỉnh dậy. Con gầm gừ, con cọ bờm vào thanh sắt như cách chào hỏi mỗi sáng.

Đi sâu vào trong ngách nhỏ, anh Phúc kéo sợi dây sắt, cánh cửa nối giữa khu "trưng bày - không gian để khách du lịch ngắm" với ngăn chuồng bên trong lộ ra. "Phi, ra!" - nghe hiệu lệnh, con sư tử tên "Phi" lững thững bước đi. Anh Phúc và một người đồng nghiệp khác sập cửa, khóa chốt cẩn thận rồi mở cửa chuồng trong, bắt đầu công việc cọ rửa, quét dọn. 

Khoảng 10 giờ sáng, một vài nhân viên kéo xe chở thịt lợn, thịt bò, sườn, gà vào trong khu nuôi dưỡng. "Con Phi ăn 5 kg thịt bò + sườn, con Chăm ăn 3,6 kg sườn + bò + gà...  Sau khi chia khẩu phần ăn, cửa sập lại mở, các con thú được gọi vào "ăn sáng". Đến chiều, một số con sẽ được ăn thêm.

Xe thức ăn mỗi sáng của bầy thú dữ được chở đến và các nhân viên bắt đầu phân chia. 

Hiện Vườn thú Hà Nội có trên 500 cá thể được chia thành các khu nuôi dưỡng: động vật móng guốc, khỉ, cá sấu, cầy, thú nhỏ và thú dữ. Riêng khu vực chăn nuôi thú dữ có 16 cá thể gồm: ba hổ, một báo gấm, chín gấu ngựa, một gấu chó và hai sư tử.

Tổ chăm nuôi thú dữ, có người làm vài năm, có người hơn 20 năm. Họ đều tâm niệm "gắn bó được với thú dữ là cái duyên không phải ai cũng có được".

Chăm thú dữ là nghề 'mở mắt là nhìn phân'

Gắn bó với vườn thú hơn 20 năm, chị Hà Thu Phương - Giám đốc xí nghiệp chăn nuôi động vật số 1 - cho biết, chăm động vật, nhất là thú dữ, không đơn thuần là việc cho chúng ăn. Người làm công việc này còn phải tìm hiểu tâm lý, tính nết, tính khẩu phần thức ăn, chú trọng hàm lượng dinh dưỡng, định kỳ nâng cao sức đề kháng, chế độ ăn uống cho phù hợp.

"Con nào thể trạng mệt mỏi phải bổ sung dinh dưỡng, béo lại nghĩ cách cho  vận động, tập thể dục. Mà khổ nhất là chúng không biết nói. Đau không biết kêu, mệt không biết than, nên việc của người chăm sóc là phải quan sát tính cách của từng con, nhìn biểu hiện trên sắc mặt, hành động, cử chỉ, tiếng gầm, hơi thở để nhận biết sức khỏe", chị Phương nói.

Chị Phương đùa với đồng nghiệp: "Đúng là cái nghề sáng mở mắt là nhìn thấy phân".

Bởi mỗi sáng trước khi dọn chuồng mọi nhân viên phải chú ý quan sát chất thải của từng con để đoán biết tình trạng sức khỏe và có các phương án điều trị phù hợp. Chất thải lỏng hay rắn, màu sắc, hình dạng ra sao... đều được quan sát và ghi lại tỉ mỉ. Bên cạnh đó, việc lấy mẫu chất thải đi xét nghiệm được làm thường xuyên.

"Người ta luôn nghĩ phân động vật là thứ gì đó kinh khủng nhưng với chúng tôi, phải 'nhờ' chất thải mới biết con thú bình thường hay không", chị Phương nói thêm. 

Còn chị Trần Thị Ngọc (44 tuổi) bắt đầu công việc chăm sóc và điều khiển một con sư tử tại Vườn thú từ năm 1997, đến nay đã được 22 năm.

Chị Trần Thị Ngọc - nhân viên tại tổ chăn nuôi thú dữ. 

Ngày 4/1/2018, con sư tử con - giống sư tử Nam Phi được sinh ra tại Vườn thú Hà Nội. Nhớ lại phút giây con Chăm (tên của con sư tử) ra đời, chị Ngọc nói: "Chuồng thú sinh con tuyệt đối không được vào nên chúng tôi lắp camera để theo dõi. Nhìn con Nam (sư tử cái) rặn đẻ mà ai nấy đều nín thở. Đến lúc đẻ được rồi mà con non nằm im là lo. Chỉ khi nghe con non 'oe' lên một tiếng, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm".

Một tuần sau sinh, sư tử cái chết. "Ngày con Nam chết anh em chẳng nói với nhau câu gì, mỗi người thất thần ngồi một góc. Buồn lắm chứ, nó thân thiết với mình bao nhiêu năm, giờ như vậy chịu sao được", chị nhớ lại. 

Ngày con Nam mất, một tay chị Ngọc chăm bẵm, cho uống sữa, dùng tay massage để kích thích sự bài tiết cho con Chăm. Thậm chí chị chẳng ngại chui vào chăn để ôm, sưởi ấm bằng thân nhiệt của mình, đồng thời vỗ rồi xoa bụng cho Chăm chẳng khác gì con ruột.

Chị Ngọc và con sư tử tên Chăm 2 tuổi. 

Nhóm công nhân chăm sóc đàn thú dữ có 10 người nhưng chỉ chị Ngọc là điều khiển được con Chăm. Gọi ra là ra, gọi vào là vào, bảo ngồi là ngồi, nhưng đôi khi nó cũng ngang bướng như trẻ con, lại phải nịnh nọt, thậm chí dụ bằng đồ ăn.

Vừa dọn chuồng chị vừa nói: "Ngửi mùi phân động vật nhiều cũng quen, nhưng hôm nào cơ thể yếu là nôn thốc nôn tháo ngay. Công nhận cái mùi nó nặng quá, ngửi không quen là choáng váng. Vậy mà nhiều khi con Chăm còn giẫm bét phân ra hết chuồng, mắng nó biết, nhưng vài hôm lại đâu vào đấy".

Ngủ sát chuồng hổ là chuyện thường

Được coi là "trùm cuối" tại tổ chăm nuôi thú dữ, 26 năm theo nghề, anh Nguyễn Quang Phúc chưa từng "ngán" loài động vật nào.

Anh Phúc nhớ lại quãng thời gian con hổ Bình Dương bị hỏng một móng phải tháo khớp. Khi ấy anh phải kê một tấm ván nằm sát chuồng thú, cách chừng một mét để trông nom. "Lưỡi thú dữ rất sắc, chỉ cần chúng liếm vào vết thương là đứt chỉ. Chỉ cần thấy nó chuẩn bị quay vào vết thương mình phải động vào cũi để đánh lạc hướng, lơ là cái là có chuyện ngay", anh Phúc nói.

Nhớ lại kỷ niệm vui buồn với nghề chăm thú dữ, anh kể: "Lúc con hổ Bình Dương làm phẫu thuật xong, nó không chịu ăn uống gì, cứ cho ăn là lại đẩy ra, mọi người đều bó tay. Thấy vậy mình bèn thái thịt thành từng miếng nhỏ, lấy que xiên thịt rồi chạm vào chuồng. Thấy tiếng động con hổ há miệng để mình đút cho ăn. Ngày trước miếng thịt 5 kg nó ăn một phút là hết, nhưng giờ thái được 2 kg thịt mà nó ăn hết là mừng lắm. Lúc ấy mình sướng chảy cả nước mắt. Người ốm thì được chứ thú ốm là khổ".

Người làm nghề chăm nuôi thú sợ nhất là tiếng điện thoại lúc nửa đêm, bởi gọi "tầm đó" là đàn thú có chuyện. Thú dữ ốm không báo trước, nửa đêm, rạng sáng phải đến vườn thú là chuyện thường. Nhiều đợt thú ốm, anh Phúc ở xí nghiệp đến vài ngày không về nhà. "Về lại lo, thôi thì để các anh em nghỉ ngơi, mình cứ ngồi trông thêm. Nói thì bảo nói quá, chứ đôi khi mình chăm sóc đàn thú còn quá chăm con", anh nói.

Với họ, bầy thú dữ khỏe mạnh, nô đùa, nhận được những lời khen, tràng vỗ tay từ du khách mỗi ngày là thấy "sướng rồi".

Thúy Quỳnh

Ảnh: Tùng Đinh