Thứ tư, 2/10/2019, 21:08 (GMT+7)

Những lớp học đêm trên vỉa hè Ấn Độ

Thay vì chen chúc trong các khu ổ chuột đông đúc, nhiều đứa trẻ ở Mumbai trốn đến những địa điểm yên tĩnh để học bài.

Mumbai là thành phố lớn nhất ở Ấn Độ, nơi tập trung đông dân cư, các phương tiện giao thông, khu công nghiệp, trung tâm thương mại sầm uất, cũng bởi vậy, tiếng ồn trở thành nỗi ám ảnh với học sinh, sinh viên.

Khu ổ chuột nằm trong thành phố Mumbai tráng lệ. 

Người trẻ than phiền tiếng ồn khiến họ không thể tập trung học tập. Cũng vì thế, học sinh, sinh viên bắt đầu tìm đến các vỉa hè, công viên yên tĩnh.

Tại một góc nhỏ gần công viên, ánh sáng của đèn cao áp cùng không gian tĩnh lặng xung quanh giúp hai sinh viên tập trung học. Bên cạnh họ là vở ghi chép, những cuốn sách nâng cao với khối kiến thức khổng lồ buộc phải tiếp thu trên trường mỗi ngày. 

Hai sinh viên tận hưởng sự yên bình và yên tĩnh mà họ không thể tìm thấy ở nhà. Ảnh: Emmanual Karbhari.

Motorwala (22 tuổi) sinh viên trường Luật cho biết, cậu dành phần lớn thời gian ban đêm trên các con phố yên tĩnh để học. Dù phải "chiến đấu" với muỗi,  sự ẩm thấp hay nền đất lạnh lẽo, Motorwala vẫn kiên quyết từ chối học ở nhà bởi: "Mình đã học tập trong suốt ba năm đại học và ở qua đêm tại đây khi có các kỳ thi quan trọng", nam sinh cho hay.

Hemantkumar Jain, cựu sinh viên của một trường đại học cho biết, những chiếc ghế kim loại rất cứng và thực sự không thoải mái, nhưng chúng giúp người học tỉnh táo hơn. 

Mặc dù học ở nơi công cộng, những người học vẫn duy trì quy tắc ngầm: Không nói to, không sạc các thiết bị điện tử, luôn để điện thoại ở chế độ im lặng. Không gian yên tĩnh chỉ bị phá vỡ khi có tiếng chó sủa hoặc một vài chiếc ô tô qua đường.

Các chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra vấn đề lớn nhất mà Mumbai đang gặp phải là thiếu không gian sinh hoạt. Trong số 18 triệu dân của thành phố, có đến 60% người đang sống trong các khu nhà ổ chuột ẩm thấp, chật chội. Thường một ngôi nhà chừng 18 mét vuông là không gian sinh sống của gia đình từ 4 người trở lên. Tiếng cười nói, tiếng ti–vi, cãi nhau và thậm chí là tiếng la hét của trẻ em đều trở thành thách thức lớn cho học sinh, sinh viên muốn tập trung học.

Ban đầu học sinh tự tìm đến các nơi yên tĩnh, nơi có ánh đèn cao áp để học. Chúng mang theo bạt hoặc bìa cứng để ngồi, nước uống và sách vở học tập. Dần dần, khi các góc học tập công cộng trở nên phổ biến trong học sinh, sinh viên, các cơ quan dân sự, tổ chức từ thiện và cả các chính trị gia định phương bắt đầu cải tạo, lắp đặt thêm đèn chiếu sáng, ổ cắm điện, một vài băng ghế, thậm chí họ còn phát trà và bánh miễn phí để cổ vũ người học. 

Các sinh viên cùng nhau học tập ở một địa điểm công cộng được đầu tư cơ sở vật chất. 

Phòng học tiện nghi có rất ít, đa phần học sinh nghèo của Mumbai vẫn tìm đến các địa điểm công cộng ngay trên hè phố để học.

Mahendra Devasi (18 tuổi), sống trong một ngôi nhà chật hẹp, cả gia đình dùng chung một phòng ngủ, nói rằng, cậu đã tìm đến các địa điểm công cộng để ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh vào trường Y sắp tới. Ngoài không gian yên tĩnh, Mahendra có cơ hội được gặp các anh chị sinh viên khóa trên – những người có thể cho anh nhiều lời khuyên hữu ích.

Đối với nhiều sinh viên, học tập ngoài đường phố cũng giúp tiết kiệm một số tiền lớn. Thông thường mỗi sinh viên phải mất từ 20 - 80 USD/ năm (500.000 - 2.000.000 đồng) để được học tại các thư viện và phòng đọc sách của thành phố. Tuy nhiên nếu học ở ngoài đường, họ không phải trả bất kỳ đồng phí nào, thêm vào đó các sinh viên có thể học đến sáng thay vì bị bó hẹp trong khung giờ quy định.


Một học sinh tên Vivek Kharwa đi học trên đường phố. 

Không ít người đã thành danh và đạt kết quả cao trong học tập từ chính những "lớp học ngoài đường phố". Đó là trường hợp của Raj Janagam (31 tuổi) – người đã dành hai năm để học ngoài đường và hiện tại, anh trở thành một doanh nhân thành đạt ở Mumbai.

Cũng giống như Raj Janagam, "lớp học đường phố" cũng giúp Ghulam Jilani Quadri gặp được những nhà hảo tâm - người hỗ trợ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế vươn lên trong học tập. Và hiện tại, Ghulam Jilani Quadri đang học tiến sĩ tại Mỹ.

Được đánh giá cao về sự yên tĩnh và không áp giờ giới nghiêm, tuy nhiên số lượng sinh viên nữ tìm đến các lớp học đường phố chỉ bằng một nửa sinh viên nam. Thay vì học qua đêm, nữ giới chỉ dám học đến 9 giờ tối vì vấn đề an toàn.

Aarti Dighe (23 tuổi) đang là sinh viên bày tỏ sự biết ơn khi có những góc học tập yên tĩnh ngoài đường phố. Mặc dù chỉ được học đến 9 giờ tối nhưng nữ sinh viên vẫn cảm thấy hài lòng vì bản thân vẫn hoàn thành tốt các bài giảng trên lớp, đồng thời đạt kết quả cao trong học tập – một bước đệm lớn cho sự thành công của họ trong tương lai. 

Nam Phương (theo Atlasobscura)