Thứ bảy, 17/8/2019, 00:00 (GMT+7)

Nhà tập thể gỗ 70 năm chờ sập: 'khu ổ chuột' giữa thủ đô

Trên con phố Hàm Tử Quan tấp nập có một khu tập thể hai tầng bằng gỗ: tối tăm, chật hẹp, dậy mùi ẩm mốc, nhiều chuột bọ và dường như sập bất cứ lúc nào.

Ông Bảo, người sống tại khu nhà gỗ này ngót nghét 40 năm nay cho hay, từ những năm 50 của thế kỷ trước, nơi đây được xây dựng lên để phân chia cho các cán bộ, công chức Bộ Giáo Dục. Khu nhà có diện tích khoảng 1300 m2 gồm hai tầng mái ngói, chia làm 24 gian với các căn hộ rộng từ 10 - 25 m2.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những căn hộ thời bao cấp từng là niềm mơ ước của bao nhiêu người giờ trở thành "khu ổ chuột" theo đúng nghĩa. Không gian sống vỏn vẹn 10 - 25m2 nên rất chật chội, bí bách. Thời gian xây dựng đã lâu cộng với quá trình cơi nới, sửa chữa của các hộ dân khiến khu nhà ngày một ọp ẹp, chắp vá. 

Nhiều gia đình phải cơi nới thêm nhà vệ sinh bên ngoài hành lang.

Nhiều hộ dân ở đây, vì hoàn cảnh nên chấp nhận mua lại một căn của khu nhà với giá rẻ. Do thiết kế ban đầu của khu nhà không có khép kín, nhà vệ sinh, công trình phụ dùng chung nên các gia đình đều phải tự xoay xở, cơi nới chút không gian phía trước để tận dụng làm bếp. Họ thường dùng bếp tổ ong, bếp từ, bếp điện cho gọn. Còn muốn đi vệ sinh hay tắm rửa thì phải ra khu vệ sinh chung. Khu này luôn trong tình trạng bẩn thỉu, bốc mùi nặng.

Qua thời gian, nhiều hộ gia đình đã chuyển đi vì không thể chịu cảnh sống trong nơm nớp nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Họ bán, cho thuê lại căn hộ. Người đến thuê thường là dân lao động nghèo ở các tỉnh đổ về, cần một chỗ giá rẻ để tá túc trong thời gian lên thành phố làm thuê, buôn bán kiếm sống.

Tuy nhiên, vẫn có những hộ bám trụ lại nơi đây gần cả đời người, suốt 3 - 4 thế hệ như vợ chồng ông Bảo - bà Thơm cùng 5 người cả con và cháu - sống ở gần cuối hành lang tầng 2. Bà Thơm trước là nhân viên trong Bộ Giáo dục nên được phân nhà theo chính sách từ cuối những năm 70. 

Gia đình 7 người, 3 thế hệ sống, sinh hoạt trong căn hộ vẻn vẹn 20 m2. Ông bà sống cùng vợ chồng cậu con trai lớn và hai cháu nhỏ. Ngoài ra còn có một cậu út đang học đại học. Lương hưu của ông Bảo - bà Thơm chẳng được bao nhiêu, nên họ đành chấp nhận sống cảnh chật chội, luẩn quẩn này.

"Nóng hơn cái hầm, nhưng sống mấy chục năm quen rồi. Nóng không ngủ được cũng phải cố mà ngủ, sáng hôm sau còn đi học, đi làm", ông Bảo nói.

Những hôm trời mưa, dột từ trong ra ngoài. Gia đình bà Thơm phải tự lấy nilong, tấm tôn để che chắn. Những tấm ván ngoài hành lang mòn đi theo thời gian, ông Bảo cũng phải lấy phông bạt, thậm chí bìa cactong để gia cố thêm. "Thay tấm ván mất 1 triệu nhưng không có tiền nên đành tạm bợ vậy".

"Quá là ổ chuột, trên cả ổ chuột. Cái gì cũng phải giữ lại để dùng vì nghèo quá. Vứt đi lại phải mua cái khác", ông Bảo nói.

Năm này qua năm khác, khu nhà không còn giữ được cấu trúc ban đầu do hệ quả của sự chắp vá, gia cố. Những bức tường gỗ được trát thêm xi măng để chống đỡ. Mái ngói, cột nhà được "chống thêm nạng" bằng những cột sắt. Riêng chiếc cầu thang gỗ "nguyên bản" sẽ phát ra những tiếng kẽo kẹt rùng mình khi có người bước lên. Cư dân đã quen với tiếng kẽo kẹt này, nhưng người lạ đến, sẽ thấy ghê chân bởi cảm giác lập bập, tưởng chân mình có thể thụt xuống bất cứ lúc nào.

Ẩm thấp, dột nát, bí bách, khu tập thể gỗ này còn bị chuột "xâm chiếm". Cứ đêm đến, chuột lại chạy rầm rập cả hành lang, trên các cột nhà. Bên cạnh đó, những dây điện chằng chịt suốt mấy chục năm cũng là mối đe dọa về cháy nổ, hỏa hoạn. Các gia đình ở đây thường phải đem hết giấy tờ quan trọng, bọc cẩn thận rồi để ra chạn bát đĩa vì sợ cháy bất cứ lúc nào.

Hệ thống dây điện chằng chịt tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Địa bàn phường Chương Dương, Hà Nội trước đây có 19 nhà tập thể bằng gỗ đều được xây dựng từ cuối thập niên 1950 đầu 1960, thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, do xuống cấp nghiêm trọng, nhiều căn nhà hư hỏng phải xây lại, cũng có những căn nhà bị hỏa hoạn thiêu cháy. Năm 2012, cũng trên phố Hàm Tử Quan, một vụ hỏa hoạn xảy ra khiến nơi sinh sống của 36 hộ dân bị cháy rụi, một người thiệt mạng.

Sau sự việc, chính quyền đã thu hồi các khu tập thể gỗ này để tái định cư cho dân. Nhưng nhiều năm qua, việc này vẫn chưa được giải quyết xong.

Tùng Đinh - Thúy Hậu