Thứ bảy, 25/1/2020, 18:59 (GMT+7)

Người Vũ Hán đón năm mới như chờ tận thế

Trung QuốcCảm giác hoảng loạn lan rộng khắp Vũ Hán - thành phố 11 triệu dân đang bị phong tỏa trong nỗ lực kiểm soát dịch virus chết người mang tên Corona.

Tại Vũ Hán, người dân đổ đến các siêu thị và cửa hàng tích trữ hàng hóa giữa bối cảnh giá cả tăng vọt vì thành phố bị phong tỏa. Các tuyến giao thông thành phố ngừng hoạt động. Nguồn hàng hóa khan hiếm dẫn đến tình trạng quá tải tại các siêu thị. Giá cả trên trời nhưng người dân vẫn vét sạch gần như mọi kệ hàng để dự trữ đồ dùng cho gia đình. Nhiều trạm xăng cũng quá tải sau khi xuất hiện tin đồn dự trữ nhiên liệu thành phố đang cạn dần. Chia sẻ với Guardian, một nhân chứng cho hay ông phải xếp hàng gần 1 giờ để đổ xăng cho ôtô. Một người khác cho biết, các hiệu thuốc đã bán hết khẩu trang. 

Nhiều tòa nhà gấp rút phun thuốc sát trùng. Các hộ gia đình hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. "Khi đọc tin tức vào lúc thức dậy, tôi cảm thấy mình như phát điên", Xiao (26 tuổi), một giáo viên tiểu học ở Vũ Hán nói. 

Một số người dân đăng ảnh ăn mì tôm lên mạng xã hội. "Tôi sẽ không ra ngoài để hạn chế việc bị lây bệnh", "Hi vọng Vũ Hán có thể nhận được các hỗ trợ sớm", một người khác viết. Nhiều cơ sở y tế tại Vũ Hán đang trong tình trạng quá tải vì số bệnh nhân tăng vọt. 

Bệnh nhân xếp hàng chờ trong một bệnh viện tại Vũ Hán để xét nghiệm nhiễm virus Corona. Ảnh: AFP.

Hàng trăm bệnh nhân tuyệt vọng chờ được xét nghiệm có bị nhiễm virus Corona mới hay không. Nói với SCMP, cô Xiaoxi (36 tuổi) cho hay, suốt một tuần qua đã chật vật đưa chồng đến đủ bệnh viện lớn nhỏ để xin xét nghiệm trong vô vọng. "Tôi không có gì bảo vệ. Không có áo bảo hộ, chỉ có mỗi một chiếc áo mưa. Tôi đang đứng trước cửa bệnh viện dưới trời mưa. Tôi đã tuyệt vọng rồi, chẳng thiết đếm ngày tháng nữa. Tôi không biết liệu hai vợ chồng có sống để đón năm mới hay không", người phụ nữ cho biết.

Xiaoxi và chồng trải qua đêm giao thừa không khác gì "ngày tận thế" vì cả hai không biết phải đi đâu giữa thành phố Vũ Hán bị phong tỏa. Xiaoxi chia sẻ video cho thấy khu điều trị sốt của bệnh viện chật kín bệnh nhân chờ được chăm sóc. Cô cho biết nhiều thi thể bệnh nhân bị bỏ mặc ở hành lang, quấn vải lanh và không ai xử lý vì bệnh viện không đủ nhân lực.

Bệnh viện quá tải ở Vũ Hán
 
 

Chồng Xiaoxi đã vào được khu chờ của phòng cấp cứu một bệnh viện địa phương, chờ được làm thủ tục nhập viện. Anh bắt đầu sốt gần 10 ngày trước, hiện bắt đầu ho ra máu.

Cả hai vợ chồng đã tìm đến 4 bệnh viện lớn nhưng đều bị từ chối nhập viện vì họ quá tải và không còn đủ khả năng xét nghiệm. Họ thậm chí bị từ chối ngay cả việc gọi xe cứu thương đến nhà. "Bệnh viện đầu tiên bảo chúng tôi về nhà và cấp cho một ít thuốc cảm cúm. Nhưng chồng tôi vẫn sốt cao. Chúng tôi chạy từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhưng đều bị cho về sau khi cấp thuốc kháng sinh. Những ngày qua, chồng tôi không ăn được bao nhiêu. Bệnh tình ngày một nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều người chết và không ai đoái hoài đến những thi thể đó. Nếu tình hình tiếp diễn, chúng tôi chắc tận số rồi", cô nói. 

Xiaoxi cho rằng hệ thống y tế của thành phố đang trong tình trạng quá tải và mất kiểm soát vì nhu cầu xét nghiệm, điều trị tăng vọt. "Bạn sẽ nhìn thấy nhiều gia đình cãi nhau với bác sĩ và y tá, cầu xin được chẩn đoán bệnh hoặc sắp xếp giường nằm. Chúng tôi tuyệt vọng lắm rồi", cô nói. 

Xiaoxi cũng không dám về nhà gặp con gái 6 tuổi vì bản thân cũng bắt đầu cảm thấy không khỏe. "Tôi không thể về nhà để tránh nguy cơ lây thêm bệnh cho con gái và cha mẹ chồng". 

Hàng triệu công dân Trung Quốc bị cô lập, đón ngày Tết Nguyên đán trong lo lắng, bất an. Đối với nhiều người xứ Trung, đặc biệt là với những người làm việc xa quê, đây là dịp duy nhất trong năm họ có thể trở về nhà. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhiều gia đình đã hủy bỏ kế hoạch trở về. Hôm 24/1, hashtag #"New Year’s Eve in ICU" trở thành trend trên Weibo. 

Zhu Wenyi (21 tuổi), sinh viên đại học, sống tại Huangshi - một trong 10 thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc bị cô lập. Cô trải qua đêm giao thừa ở nhà trong lo lắng liệu bản thân có bị lây nhiễm loại virus chết người hay không. Zhu cho biết, cô ở cùng một người bạn ở Vũ Hán. Người bạn của cô có một trong những triệu chứng của virus, đã bình phục nhưng Zhu vẫn lo lắng. "Tôi cảm thấy mình bị khó thở. Người dân nói rằng chính quyền Vũ Hán đã hành động quá chậm. Đó là sự thật", cô nói. 

Chưa đầy một tuần trước, các quan chức ở Vũ Hán - nơi đầu tiên phát hiện virus - cho biết căn bệnh bí ẩn gây ra ít nguy hiểm và không có bằng chứng nào cho thấy có thể truyền từ người sang người. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc trước đó cho biết tình hình chung có thể phòng ngừa thành công và kiểm soát. Thế nhưng, các trường hợp đã tăng lên gấp ba. 

Theo SCMP, các nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc hôm nay 25/1 xác nhận thêm 15 ca tử vong vì dịch viêm phổi lạ. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng xác nhận có 41 người chết, trong tổng số 1.287 ca nhiễm nCoV được phát hiện, tính đến hết ngày hôm qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đây là "tình trạng khẩn cấp Trung Quốc" nhưng chưa phải mối lo ngại quốc tế. Phần lớn các nạn nhân tử vong là người cao tuổi, đã mắc nhiều chứng bệnh trước khi nhiễm nCoV. 

Bệnh viện gồng mình trong dịch virus Corona. Ảnh: Reuters.

Ký ức về bùng nổ dịch SARS ở Trung Quốc hồi năm 2002-2003 đã tạo ra cái bóng ám ảnh cho cơn khủng hoảng virus Corona. Trung Quốc từng trả giá vì che giấu đại dịch SARS. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) xuất hiện vào năm 2002 ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong sáu tháng, SARS đã ảnh hưởng đến khoảng 30 quốc gia và lây nhiễm cho 8.400 ca đã qua kiểm tra. Theo số liệu của WHO, dịch SARS đã cướp đi 744 sinh mạng trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc đại lục và Hong Kong nặng nhất với lần lượt 349 người và 299 người tử vong. 

Số người chết vì virus Corona tính đến hiện tại là 41. 

Dịch viêm phổi do nCoV xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Nguồn cơn của chủng virus mới được cho là từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán. Các triệu chứng bệnh bao gồm sốt, khó thở và ho. Ngoài Trung Quốc, dịch đã xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Nepal, Pháp và Việt Nam.

Trung Quốc hiện đóng cửa một phần Vạn Lý Trường Thành cùng các địa danh nổi tiếng khác ở Bắc Kinh và nhiều thành phố để kiểm soát dịch bệnh. Một loạt các lễ hội mừng Tết Nguyên đán cũng bị hủy bỏ. 13 thành phố tại tỉnh Hồ Bắc áp lệnh cấm đi lại nhằm ngăn nguy cơ lây lan, khiến khoảng 41 triệu người bị ảnh hưởng.

>>Xem thêm: Trung Quốc đón năm mới giữa ám ảnh virus Corona

Như Quỳnh (Theo SCMP, Guardian)