Vietnam Thứ năm, 9/1/2020, 20:31 (GMT+7)

Người Việt tại Australia: 'Ám ảnh với những con koala ôm cây chờ chết'

Bầu trời đỏ rực, nhiệt độ tăng cao, khói bụi mù mịt... ngoài điều kiện sống tồi tệ, người Việt ở Australia còn phải chứng kiến nhiều cái chết cháy sém của những con vật tội nghiệp.

Bùng phát, lan rộng và kéo dài 3 tháng qua, thảm họa cháy rừng tại Australia đến 8/1 đã khiến 26 người thiệt mạng, thiêu rụi 7,3 triệu ha đất, 500 triệu con vật và hơn 2.000 ngôi nhà. Hai bang thiệt hại nặng nề nhất là New South Wales (NSW) và Victoria. Cuộc sống của người dân nơi đây hoàn toàn đảo lộn.

Hỏa hoạn tại Kulnara, gần núi Mang Mang, NSW, ngày 6/12/2019. Ảnh: Matthew Abbott /The Guardian.

Cách vịnh Bateman (nơi có diện tích cháy rừng lớn) 100 km, anh Nguyễn Tuấn Duy (30 tuổi) sinh sống tại thành phố Canberra liên tục cập nhật những tin tức về vụ cháy. Anh chia sẻ, cháy rừng không còn xa lạ với người Australia, nhưng việc phải hít thở trong không gian đậm đặc mùi khói suốt thời gian dài khiến nhiều người ở đây đau đầu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Giao thông đi lại cũng gặp nhiều khó khăn. Thỉnh thoảng, đường vào Sydney lại bị đóng do lo ngại các đám cháy lan rộng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến hàng hóa nhập về.

"Khoảng 4h chiều 8/1, chính quyền địa phương lại thông báo sẽ có một đợt khói bụi từ NSW tiến vào thành phố Canberra do đám cháy mới gây ra. So với trước, đợt khói lần này không dày đặc và mùi khói không đến mức khiến người dân khó thở. Nhiệt độ và độ ẩm tại Canberra đã dần cải thiện", anh nói.

Người Việt tại Australia kể về thảm họa cháy rừng
 
 
Video: Khói bụi mù mịt tại Canberra ngày 6/1. Nguồn: Nguyễn Tuấn Duy

Nhắc lại những vụ cháy lớn tại Australia xảy ra vào ngày đầu năm mới, anh Duy cho biết, hôm 1/1, trên đường đi làm có thấy một đợt khói lớn kéo tới Canberra. Chúng dày đặc, mù trời đến mức khó thở. Có lúc, tình trạng ô nhiễm không khí vượt mức báo động. Bầu trời vàng rực do khói bụi cùng những cơn bão cát, xe ô tô phủ đầy bụi. "Từ đó đến nay, cứ vài ngày khói lại tràn về một lần. Người dân vô cùng hoang mang, nhất là thời điểm chính phủ ra cảnh báo mọi người nên chuẩn bị tinh thần di tản", anh kể. 

Theo lời anh Duy, rất nhiều người trong khu vực cháy phải di tản đến thành phố Canberra khi nhà cửa, tài sản đã bị lửa thiêu trụi. Một số người đến ở nhờ nhà người thân, số khác phải đi thuê phòng trọ.

Cách nơi anh Duy chừng 300 km, anh Chu Minh Đức (24 tuổi) đang sống tại Bankstown, Sydney, thuộc bang NSW cho biết, từ khi những đám cháy lan rộng, thời tiết và tình hình giao thông ở Sydney thay đổi nhiều. "Australia vốn là một trong những quốc gia ít khói bụi, nguồn nước sạch tới mức bạn có thể uống ở bất cứ đâu nhưng nay thì không. Mức nhiệt của Sydney dao động từ 40 -55 độ C kèm theo khói bụi. Bầu trời chuyển từ xanh sang vàng, cam, đỏ và mặt trời đỏ rực như muốn nổ tung".

Những trục đường chính gần khu vực cháy đều phải đóng để bảm an toàn. 

"Tôi bị ám ảnh với hình ảnh những con koala không có khả năng chạy thoát, chỉ biết ôm chặt lấy thân cây và chờ chết. Các bệnh viện cho động vật đang cố gắng chữa trị và mong chúng hồi phục sớm. Koala là một trong những động vật mang hình ảnh của đất nước này".

Một con gấu túi được giải cứu khỏi đám cháy rừng được điều trị tại Bệnh viện Port Macquarie Koala, Australia, ngày 6/12/2019. Ảnh: Michaela Skovranova.

Cũng sinh sống ở Sydney, chị Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi) không nghĩ đám cháy có thể lan rộng và ảnh hưởng khủng khiếp như hiện tại. Tình trạng khói bụi kéo dài khiến một số người bị ho, cay mắt, khó thở. Bầu trời tại một số vùng biển ở tiểu bang NSW, Victoria và South Australia phủ màu đỏ rực.

Một số người dân Australia, đặc biệt là những người bị thiệt hại bởi vụ cháy vô cùng lo lắng, đau thương. 

"Tại nơi tôi sinh sống, mỗi ngày người dân đều cầu nguyện để Chúa ban mưa xuống, mong dập tắt được những đám cháy. Suốt ba tháng, Sydney gần như không có một giọt mưa, mức nhiệt độ trong ngày khá cao. Tính riêng ngày 4/1, nhiệt độ lên tới 47 độ C", Thùy Linh cho biết.

Các du học sinh, người dân ở Sydney cũng quyên góp, ủng hộ tiền, đồ dùng chữa cháy, thực phẩm cho các vùng chịu thiệt hại nặng nề từ vụ cháy. Thậm chí, nhiều người dành kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới đến những vùng bị cháy làm tình nguyện viên. Họ tìm kiếm và chữa trị bỏng cho koala, kangaroo.

Sinh sống tại thành phố Brisbane thuộc bang Queensland, cách Sydney hơn 900 km, anh Lê Long (32 tuổi) cảm thấy đau xót trước những gì Australia đang phải chịu. So với các tiểu bang gần khu vực cháy, thành phố Brisbane không bị ảnh hưởng quá lớn về thời tiết và thay đổi trong đời sống thường nhật. Mưa ít, khói bụi và bầu trời không mù mịt, âm u, là những gì anh có thể cảm nhận quanh khu vực mình sống.

"Giờ chỉ mong những cơn mưa lớn trút xuống để hồi phục những cánh rừng cháy đen, cuốn khói bụi và trả lại cho Australia sự bình yên như trước kia", anh Long nói.

Thúy Quỳnh