Thứ tư, 10/7/2019, 00:00 (GMT+7)

Khu tập thể Kim Liên, Hà Nội - nơi cổ thụ 'sống' trong nhà dân

Khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) tồn tại những cái cây 40 - 50 tuổi, gốc to 2 - 3 người ôm, lừng lững trong nhà dân.

Giữa cái nắng như đổ lửa của trưa hè, từng con ngách nhỏ của khu tập thể Kim Liên vẫn mát rượi vì được phủ kín bởi những tán lá xanh mướt. Khác xa với cuộc sống vội vàng, tấp nập bên ngoài, lạc đến khu tập thể này, người ta dễ cảm nhận được sự yên bình, chậm rãi của một khung cảnh Hà Nội xưa.

Một gốc cây án ngữ trước sân của một hộ gia đình. 

Được xây dựng từ khoảng năm 1959, tập thể Kim Liên là một trong những khu tập thể lâu đời nhất tại Hà Nội còn tồn tại đến nay.

Từ những năm 1990, khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu về chỗ ở ngày càng cao, nhiều người dân tại khu tập thể Kim Liên buộc phải cơi nới không gian sống, những "chuồng cọp" dần xuất hiện. Cũng bởi vậy, không gian, cấu trúc ban đầu của khu tập thể bị phá hủy. Những hàng cây, từ chỗ đang sống riêng dần dà buộc phải "bước vào" các ngôi nhà. Nhiều cây bị vây tứ phía, trở nên đứng ngay giữa nhà, đâm thẳng qua mái tôn, nhiều cây "án ngữ" ngay trước sân, trước cửa...

Nhiều người sinh ra đã thấy cây trong nhà, sống lâu cũng quen, không có cũng nhớ. Có người đến thuê nhà đã thấy cây nằm trong sân, nên chấp nhận nó như một phần tất yếu của không gian sống.

Chung sống với người, những gốc cây sần sùi trở thành nơi để đồ, giá treo  tiện dụng. Cây mọc bám theo khung sườn của các ngôi nhà, mọc thẳng, mọc nghiêng đủ mọi dáng. Thậm chí nhiều hộ gia đình muốn xây sửa, phải lựa để không làm ảnh hưởng đến thân cây.

Cô Thu Phương (sống tại khu C10) cho biết: "Ở đây lâu mới biết, người và cây 'nương nhờ' vào nhau mà sống. Người nhờ cây mà có bóng mát, cây mọc trong nhà cũng được chằng chéo, không dễ bị bật gốc mỗi khi có bão gió".

Cây xanh "nép mình" phía sau khu tập thể. 

Lo ngại về tính mạng

Chung sống với hộ gia đình nhà chị Khánh Huệ (khu C13, tập thể Kim Liên) là cây xà cừ gần 50 năm tuổi. Theo lời chị Huệ, cây có từ ngày bố chị còn nhỏ, đến khi chị ra đời gốc cây cũng đã phải 2 người ôm. 

Cây xà cừ gần 50 năm tuổi trong bếp nhà chị Huệ.

"Càng ngày gốc cây càng to, nhà mình phải thường xuyên cắt tỉa không để cho gốc ra rễ. Giờ gốc cây to bằng 1/4 căn bếp, chỉ sợ cây phát triển nhanh, chiếm toàn bộ diện tích bếp là mất chỗ nấu nướng".

Sống với cây cũng không đơn giản, mùa nắng thì thích, nhưng đến mùa mưa, gia đình chị Huệ và các hộ dân xung quanh khốn khổ. Không dưới 3 lần nhà chị phải làm lại mái vì cành cây đổ khiến mái thủng. Cây lại mọc nghiêng, thân chống vào thành tường, nên các gia đình xung quanh đây đều lo ngại "cây đổ là nhà đổ".

"Nếu xin chính quyền thì chặt cũng được nhưng chẳng ai dám. Một phần là do phong thủy, phần khác là chi phí thuê người chặt lên đến cả chục triệu đồng, nên nhà chị lại thôi", chị Huệ nói. 

Người dân dùng bạt quấn chặt gốc cây để tránh thời tiết mưa gió.

Cách nhà chị Huệ không xa, ngay tại khu chợ tạm, chủ một cửa hàng kinh doanh bánh kẹo than phiền nhà bị dột, nước đọng ở trên mái mỗi khi trời mưa cũng chỉ vì cây mọc giữa nhà. Để khắc phục, nhiều gia đình phải dùng ni-lông, bạt, xốp nhựa quấn quanh phần thân và phần mái để chống nước chảy xuống.

Bất tiện trong nhà, trên mái, cây còn ảnh hưởng đến đường thoát nước khi lá cây rụng, bịt chặt miệng cống. Người dân Kim Liên thường xuyên phải móc cống để tránh tràn nước, ngập vào mùa mưa.

Chung sống với cây, hưởng bóng mát của cây, chịu đựng không ít phiền toái, thậm chí đối diện với cả những rủi ro về tính mạng, nhưng một người dân nơi đây chia sẻ: "Giờ mà không có cây trong nhà lại cảm giác như một 'người thân' đi xa, trống trải lắm".

Tùng Đinh - Thúy Quỳnh