Thứ ba, 24/3/2020, 11:44 (GMT+7)

Hôn nhân đồng giới ở Hàn qua chuyện của hai cô gái yêu nhau

Hôn nhân đồng giới chưa được công nhận tại Hàn Quốc nên Kim Kyu-jin, 28 tuổi, phải sang New York cùng vợ mình năm ngoái để đăng ký kết hôn.

Cô Kim Kyu-jin không tự nhận mình là một nhà hoạt động xã hội. Danh xưng này có xu hướng khiến những người dân Đại Hàn "ngoan đạo" và luôn tuân thủ quy tắc xã hội nơi đây sợ hãi. Cô cho rằng mình là một người lao động, chỉ mong muốn được lấy người mình yêu.

Tại Hàn Quốc, hôn nhân đồng giới vẫn chưa được công nhận. Kim và hôn thê đã phải bay sang New York, tìm đến một cơ quan đăng ký kết hôn tại Manhattan để có thể trở thành vợ chồng hợp pháp. Sau khi từ Mỹ về, cả hai đã tổ chức một "đám cưới hình thức" như bao cặp đôi Hàn Quốc khác.

Cô Kim và vợ mình mặc váy trắng. Ảnh: Hoseon Lee/Jintaeyong.

"Chúng tôi tổ chức đám cưới tại Hàn Quốc sau khi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Mỹ, nhằm đưa ra một lời thông báo với mọi người: rằng chúng tôi cũng là con người, chúng tôi cũng là công dân Hàn Quốc và muốn được kết hôn giống như bao nhiêu người khác", Kim nói. 

Việc ủng hộ hôn nhân đồng tính ở Hàn Quốc, và nhiều quốc gia tại Đông Nam Á vẫn đang vấp phải nhiều tranh cãi. Mạng xã hội của Hàn Quốc cũng đưa ra những quan điểm khác nhau về các khía cạnh liên quan tới giới tính, như quan hệ đồng tính, thu nhập lao động của nữ giới hay những định nghĩa và tiêu chuẩn về cái đẹp đang bị "thao túng" bởi nền công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ có quy mô khổng lồ.

Cô Kim chấp nhận tham gia phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia KBS vào "khung giờ vàng", và trên trang tin tức chính thống của Kakao Talk - một ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Hàn Quốc.

"Tôi nghĩ hành động này sẽ có tác động tới xã hội và chính phủ", Kim chia sẻ. "Tôi làm vậy vì quyền lợi của chính mình".

Bài phỏng vấn của Kim đã nhận được khoảng 10.000 bình luận từ mạng xã hội, 80% trong số phản hồi mang lời lẽ tiêu cực. Một vài người còn bảo cặp đôi "Hãy xéo khỏi Hàn Quốc đi!". Một số bộ phận khác thì lo lắng rằng xã hội và các gia đình sẽ sụp đổ, tan nát trước trào lưu đám cưới đồng tính hiện hành. Có nhiều bình luận mang tính công kích, dọa dẫm và quấy rối tình dục.

Sau khi làm việc với luật sư, và thuyết phục cảnh sát làm việc với các cổng thông tin điện tử, cô Kim đang chuẩn bị đâm đơn kiện 100 người có bình luận xúc phạm nặng nề nhất.

"Mẹ có cái nhìn tiêu cực về xu hướng giới tính của tôi, bù lại, bố luôn đứng về phía tôi và ủng hộ. Tuy nhiên, khi phải công bố chuyện này ra toàn xã hội, chẳng mấy ai đồng tình và cảm thông cho chúng tôi", Kim thổ lộ.

Bố mẹ của cô Kim đến từ một vùng đất có truyền thống và tư tưởng vô cùng bảo thủ ở tỉnh Busan, thuộc phía đông nam của Hàn Quốc. Theo như Kim nói, bố cô rất lo lắng vì ông bà của Kim rất gia trưởng và cổ hủ.

"Bố lo rằng tôi có thể trở thành tâm điểm đàm tiếu và chú ý, sẽ có nhiều lời bàn tán mang tính công kích, châm biếm, chẳng hạn như từ phía nhà thờ", Kim chia sẻ.

Do không chịu nghe lời, Kim đã cãi nhau với bố, điều này khiến ông vắng mặt tại đám cưới của cô tổ chức ở Seoul. Hiện tại, hai bố con vẫn chưa thể làm lành.

Cô Kim và vợ mình. Ảnh: Hoseon Lee/Jintaeyong.

Vợ chồng Kim không phải là cặp đôi đầu tiên dám thách thức và phá vỡ giới hạn xã hội, cũng như "thuần phong mỹ tục" tại Hàn Quốc về vấn đề hôn nhân.

Vào năm 2013, nhà làm phim Kim Jho Gwang-soo đã tổ chức đám cưới với bạn trai lâu năm. Cặp đôi đồng tính nam này trao nhau lời thề nguyện trên một cây cầu, và sau đó đã phải "chiến đấu" với luật pháp để được đăng ký kết hôn.

Nhà thờ lẫn Đảng Bảo thủ đều phản đối kịch liệt hôn nhân đồng tính. Năm ngoái, các nhà lập phái thuộc cánh hữu còn ban bố các pháp chế phủ nhận mọi khía cạnh về "xu hướng tính dục" không hề liên quan tới việc kỳ thị phân biệt. Điều luật này được thông qua và thi hành bởi Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc. Ngay cả Tổng thống Moon Jae-in thuộc Đảng Tự do, từng là một luật sư bảo vệ quyền lợi con người, cũng từng phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử năm 2017 rằng, ông không có thiện cảm với đồng tính luyến ái. Và ông cũng không có ý định luật pháp hóa xu hướng này.

Khi nhậm chức Tổng thống, ông Moon cũng từng nói ông phản đối vấn nạn kỳ thị và phân biệt đối xử, nhưng đồng thời, cũng nhấn mạnh rằng xã hội vẫn chưa đạt được sự đoàn kết và đồng nhất trong việc luật pháp hóa hôn nhân đồng tính. Vấn đề này cần phải được xem xét và thảo luận.

Theo một báo cáo vào tháng 11 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, giới trẻ thuộc nhóm LGBT tại Hàn Quốc đang phải chịu đựng sự thờ ơ, hắt hủi và thái độ thù địch từ phía cộng đồng, đến nỗi họ cảm thấy bị cô lập, tẩy chay và thậm chí bị ảnh hưởng trầm trọng về mặt tinh thần.

Dẫu vậy, Kim cho rằng thái độ của mọi người đang dần thay đổi. Công ty sản xuất đồ uống có cồn lớn nhất Hàn Quốc - Oriental Brewery, từng đăng tải hình ảnh một lon nước màu cầu vồng (màu sắc tượng trưng cho giới LGBT toàn cầu) lên mạng xã hội, nhằm thể hiện sự ủng hộ của họ tới những người đồng tính vào Lễ hội Văn hóa Queer Seoul. Đây là lần đầu tiên một công ty lớn tại Hàn Quốc có hành động táo bạo như vậy.

Kim cũng từng rất lo sợ mình và vợ sẽ bị bên tổ chức hôn lễ ở Seoul từ chối cung cấp dịch vụ. Người đảm nhiệm việc tổ chức đám cưới đã phải gọi điện cho bên cung cấp tiệc cưới để hỏi. Ông chủ khách sạn trả lời rằng: "Tôi vẫn nhận được tiền như thường lệ, có vấn đề gì đâu chứ?". Cả thợ làm tóc lẫn những nhà cung cấp dịch vụ khác cũng không có ý kiến hay tỏ thái độ bài xích.

"Tôi nhận ra rằng Hàn Quốc là một đất nước theo chủ nghĩa tư bản - khách hàng là Thượng đế", Kim chia sẻ. "Tôi nghĩ các doanh nghiệp tư nhân sẽ bắt đầu nhìn nhận những người đồng tính như vị khách mà họ cần phục vụ".

Kim đang làm việc tại một công ty sản xuất hàng tiêu dùng của châu Âu. Ông chủ của cô rất tán thành việc cô và vợ mình kết hôn. Kim cũng ước mơ rằng một ngày nào đó, mình sẽ trở thành người phụ nữ đồng tính không phải gốc Âu đầu tiên trở thành giám đốc điều hành - "đó sẽ là một biểu tượng của tính đa dạng", Kim nói.

Tuy vậy, cặp đôi đồng giới này vẫn gặp phải nhiều cản trở và khó khăn. Sau tuần trăng mật ngọt ngào ở Seychelles, họ quay về Hàn Quốc và đối mặt với thực tại nghiệt ngã. Thu nhập của họ vẫn phải tách riêng, không thể sáp nhập thành tài sản chung. Nếu một trong hai cần phải điều trị và bác sĩ yêu cầu sự đồng ý từ phía gia đình, họ cũng không thể ký tên đồng ý chữa trị cho đối phương với danh nghĩa người nhà, càng không thể để lại di chúc cho nhau. Luật pháp Hàn Quốc vốn ưu tiên quyền thừa kế cho người thân ruột thịt trong gia đình, gần như không đưa ra quyền lợi nào cho các đối tượng không được luật pháp công nhận là vợ hoặc chồng.

"Thông thường, khi bay về Hàn Quốc, chúng tôi phải điền vào tờ khai nhập cảnh và khai rõ có đi với người nhà hay không, nếu đi thì có bao nhiêu người. Tôi đã khai với họ là tôi chẳng có người thân nào đi cùng cả," Kim nói.

Xem thêm:
Đám cưới 'đẹp như mơ' của cặp đôi lesbian Hàn Quốc

Alexandra V