Thứ tư, 5/2/2020, 12:15 (GMT+7)

Hàng xóm thành 'kẻ thù của nhau' vì nCoV ở Trung Quốc

Nhằm săn lùng người Vũ Hán - nơi khởi phát dịch virus corona - chính quyền khuyến khích người dân cảnh báo, khiến ngay cả người không có triệu chứng bệnh cũng bị tẩy chay.

Một người bị từ chối bởi hàng loạt khách sạn sau khi xuất trình căn cước công dân. Một người khác bị đuổi khỏi làng. Một người nữa thấy thông tin cá nhân của mình trên mạng sau khi đăng ký với cơ quan chức năng.

Những người này đều tới từ Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của đại dịch đã cướp đi sinh mạng 492 người (trong đó có hai người ngoài Trung Quốc đại lục) với hơn 24.550 ca lây nhiễm trên thế giới. Họ nằm trong số hàng triệu người bị xã hội xa lánh ở quê hương, không thể về nhà và bị lo sợ là người mang virus corona bí ẩn.

Một người đàn ông đến từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đi qua cầu sông Cửu Giang gần một trạm kiểm soát ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Ảnh: Reuters.

Cho dù có hệ thống giám sát tối tân với hệ thống nhận diện gương mặt và loạt camera cao cấp dùng để theo dõi 1,4 tỷ dân, chính phủ vẫn sử dụng cách truyền thống là nhờ người dân "report" lẫn nhau khi cố kiểm soát dịch bệnh.

Chính quyền mất khoảng 5 ngày để liên lạc được với Harmo Tang - một sinh viên đang học ở Vũ Hán - sau khi anh trở về quê nhà ở Linhai, phía đông tỉnh Chiết Giang. Tang cho biết đã tự cách ly sau khi các cán bộ địa phương hỏi về thông tin cá nhân, trong đó có tên, địa chỉ, số điện thoại, số căn cước công dân và ngày anh trở về từ Vũ Hán. Vài ngày sau, những thông tin này bắt đầu xuất hiện trên mạng, cùng danh sách những người từ Vũ Hán quay về Linhai. 

SenseTime là một trong những công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đang phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Ảnh: NY Times.

Những quan chức địa phương này không đưa ra lời giải thích nào. Họ trở lại vài ngày sau đó để dán tấm niêm phong vào cửa nhà Tang. Tấm biển cảnh báo hàng xóm rằng có người trở về từ Vũ Hán đang sống ở đây. Trên đó còn có số hotline để người dân gọi điện thông báo nếu Tang hoặc người thân rời khỏi căn hộ. 

Tang cho biết nhận được 4 cuộc gọi một ngày từ nhiều cơ quan chính phủ khác nhau. "Thật ra không có ai thông cảm hết. Họ không dùng lời lẽ quan tâm mà là cảnh báo. Tôi cảm thấy không thoải mái", anh nói. 

Một người bị nghi ngờ nhiễm coronavirus ở Vũ Hán, Trung Quốc, được đưa đi từ căn hộ. Ảnh: AFP.

Tất nhiên, Trung Quốc có trách nhiệm tìm ra những người mang bệnh. Đại dịch đã khiến một số phần của đất nước lâm vào tình trạng đóng cửa, làm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại và dựng lên rào cản đối với các quốc gia bên ngoài. 

Một số cán bộ chính phủ vẫn kêu gọi người dân thấu hiểu khi những lo ngại về định kiến bắt đầu lan rộng. Các chuyên gia cho rằng sự kì thị một bộ phận người vốn đã yếu thế sẽ phản tác dụng, phá hủy lòng tin trong cộng đồng và làm những người cần được kiểm tra càng trốn tránh kỹ hơn. 

Bí thư Thành uỷ Vũ Hán Mã Quốc Cường cho biết trong buổi họp hôm 28/1: "Chúng tôi đang giám sát kỹ vấn đề này. Tôi tin một số người sẽ báo cáo ngay khi thấy người Vũ Hán. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng đa số sẽ đối xử thiện chí với người Hồ Bắc". 

Nhiều nhóm tình nguyện viên đang tích cực lên tiếng về việc hỗ trợ lãnh đạo địa phương tập trung vào việc tìm và cô lập người Vũ Hán. Trên các màn hình lớn và biển quảng cáo, các poster và video khuyến cáo mọi người ở trong nhà, đeo khẩu trang và rửa tay. 

Ở tỉnh Hà Bắc, một quận đã treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD) cho những ai phát hiện được người Vũ Hán. Các hình ảnh trên mạng cho thấy nhiều nơi chặn đường hoặc cho người canh gác. Một số cư dân ở các tòa chung cư còn chặn đường vào tòa nhà bằng những chiếc xe đạp đi chung. 

Ở tỉnh miền đông Giang Tô, lệnh cách ly đã biến thành giam cầm khi các nhà chức trách dùng thanh kim loại để chặn cửa một gia đình vừa trở về từ Vũ Hán. Để có đồ ăn, gia đình này phải nhờ hàng xóm thả bằng dây thừng từ trên tầng xuống ban công.

Người Vũ Hán bị giam cầm trong nhà
 
 

Người Vũ Hán bị giam lỏng trong nhà - cánh cửa bị chặn bởi các thanh kim loại. Video: Baidu.

Lo sợ cho sự an toàn của các con khi tình hình ở quê nhà xấu đi, Andy Li - một nhân viên công nghệ từ Vũ Hán đang du lịch cùng gia đình ở Bắc Kinh - thuê một ô tô để tới Quảng Đông nỗ lực tìm nơi trú ẩn với họ hàng ở đó. Ở Nam Kinh, anh bị một khách sạn hạng sang từ chối cho thuê phòng. Sau đó anh tự cách ly cùng gia đình trong 4 ngày trước khi chính quyền địa phương yêu cầu tất cả người Vũ Hán chuyển tới một khách sạn cạnh nhà ga trung tâm thành phố. 

Li cho biết, khách sạn này không cô lập mọi người đúng cách: nhân viên giao đồ ăn đến và đi, các kẽ hở ở cửa và tường tạo điều kiện cho virus phát tán. Li nói: "Họ chỉ đang cố gắng để cách ly người Vũ Hán khỏi người Nam Kinh. Họ không quan tâm nếu người Vũ Hán lây bệnh cho nhau. Tôi không phàn nàn về chính phủ bởi luôn có những kẽ hở trong chính sách. Nhưng tôi rất lo lắng cho con mình". 

Để đối phó với điều này, Li phải dùng khăn tắm và khăn giấy chặn khe hở ở cửa. 

Khắp cả nước, phản ứng của chính quyền địa phương gần giống với chính sách huy động lớn từ thời Mao Trạch Đông hơn là dựa vào dữ liệu giám sát hiện đại. Họ cũng sử dụng các chiến thuật Bắc Kinh sử dụng để ứng phó với đại dịch SARS vào năm 2002 - 2003 khi Bắc Kinh chưa hiện đại về kỹ thuật như bây giờ. Các điểm kiểm soát để kiểm tra thân nhiệt ở các bốt thu phí, cổng trước của các chung cư, khách sạn, cửa hàng tạp hóa và ga tàu. Những người cầm nhiệt kế không đưa nhiệt kế đủ gần để kiểm tra được thân nhiệt chính xác. Việc kiểm tra như vậy là vô giá trị, bằng chứng là đã có một người đàn ông bị cảnh sát điều tra vì nghi ngờ giấu triệu chứng bệnh để đi du lịch. 

Chính quyền đã sử dụng hệ thống theo dõi thẻ căn cước (ID) để khoanh vùng người Vũ Hán. Một bài báo trên tờ People’s Daily kêu gọi các hành khách trên những chuyến bay hay chuyến tàu có người nhiễm bệnh tự trình diện. 

Các trạm kiểm soát kiểm tra thân nhiệt của người dân. Ảnh: Reuters. 

Các chiến dịch đã làm cuộc sống đảo lộn theo nhiều hướng. Jia Yuting - một sinh viên 21 tuổi ở Vũ Hán - trở về thăm gia đình ở miền trung Trung Quốc 18 ngày, lâu hơn 14 ngày cách ly - nhận được tin ông của cô ở làng bên cạnh bị ốm. Trong khi đi thăm ông, cô đã theo hướng dẫn của địa phương và đăng kí thông tin cá nhân với Hội đồng địa phương. 

Khi một giáo viên cấp hai của cô liên lạc trên Wechat để hỏi về tình hình sức khỏe, cô nhận ra thông tin của mình đã bị tuồn lên mạng. Sau đó cô nhận được một cuộc gọi đe dọa từ một người đàn ông sống cùng thành phố với mình. Người này nói với cô: "Tại sao mày lại quay lại Vũ Hán? Đáng nhẽ mày nên ở lại đây. Con chó Vũ Hán!". Chính quyền không có lời giải thích cho việc đã xảy ra. Ba ngày sau khi về nhà, ông cô mất. Cán bộ địa phương lập tức nói với gia đình cô rằng không được quay lại làng để dự đám tang. 

Jia Yuting buồn vì không thể an ủi bà của mình. "Tôi cảm thấy dân làng thật ngu ngốc và chính phủ cũng không giúp ích gì. Thay vào đó họ phát tán thông tin khắp nơi mà không hề đính chính là tôi không mắc triệu chứng nào hết. Tôi đã rất yêu thương ông. Tôi nghĩ đây không còn là nhân tính nữa, đây là sự độc ác", cô nói.

Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và hơn 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến sáng 5/2, bệnh dịch đã khiến 492 người thiệt mạng (trong đó có hai người ngoài Trung Quốc đại lục, gồm một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines, một người Hong Kong). Hiện trên thế giới ghi nhận hơn 24.551 người nhiễm bệnh, chủ yếu ở Trung Quốc. Sáng 4/2, Việt Nam xác nhận ca thứ 10 dương tính với nCoV.

>>Xem thêm: 

Cuộc chiến sinh tồn khốc liệt của người Vũ Hán
Chèo thuyền vượt sông Dương Tử trốn khỏi vùng dịch
Người Vũ Hán khốn khổ vì bị kỳ thị ngay tại quê hương
Viêm phổi corona nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu

Huyền Anh (Theo Ny Times)