Thứ sáu, 10/1/2020, 00:00 (GMT+7)

Đường đến trường của anh em Phanh

Điện BiênGần 12km đường đèo, lên cao rồi xuống dốc, men theo con đường bê tông rộng chừng 3 m, bên là núi đá, bên là vực, hai anh em cậu bé người H’Mông dắt nhau đến trường.

13h30 chiều chủ nhật, sau hai ngày nghỉ, Vàng A Phanh (10 tuổi) và Vàng A Nhanh (9 tuổi) lại dắt tay nhau vượt quãng đường 12km về trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài (Mường Chà, Điện Biên). Đường tại bản Hừa Ngài nay đã bê tông hóa thay thế cho đường đất, đường mòn, người dân đi lại dễ dàng hơn.

Nhà nghèo, không có xe máy, ngày mưa bố mẹ mượn xe máy để đưa hai anh em đến trường hoặc nhờ người chở. Ngày nắng, trời khô ráo, anh em Phanh bắt đầu chuyến hành trình "phượt bộ".

Một bên là vách núi cheo leo, dốc thẳng đứng, một bên là vực thẳm cách hàng trăm mét so với mực nước biển, lên dốc cao rồi lại xuống nhưng Phanh không bao giờ buông tay em trai.

"Có những con dốc cao tít tắp đi mãi không tới, có chỗ đường lại cong cong, đi mệt lắm cô!", Phanh vừa thở vừa nói.

Lên dốc thì đổ người về phía trước để bước, xuống dốc lại giống đi xe đạp cần hãm phanh. Nhiều khi bước nhanh quá, Phanh ngã lộn nhào. Quần áo rách, chân tay xước xát đến rớm máu, đau đến phát khóc. Ngồi khóc chán, em lại bước tiếp đến trường. Các bước đi chậm, dè chừng hơn.

Bắt đầu đi bộ từ một năm trước, Phanh nhớ lại những ngày đầu tự đi học. Đi một đoạn phải nghỉ, chân tay mỏi rã rời, có những buổi đi vài tiếng mới tới trường chẳng giống như lúc được đi xe máy "vèo cái là đến" (chừng 20 phút chạy xe).

"Nhưng đó là chuyện ngày xưa chứ bây giờ em và em trai đi thấy bình thường, cứ hai tiếng đi bộ là đến trường", Phanh cười tít mắt.

Suốt quãng đường đi học, hai anh em ôn bài trên lớp, kể chuyện rồi lại nghêu ngao hát. Quãng đường của hai cậu bé người H'Mông ngắn lại. Vượt dốc, qua thác nước rồi lại men theo dãy núi... đường đến trường dần trở nên thân thuộc. Nhưng Phanh sợ các phiến đá to bất ngờ rơi từ trên cao xuống; Em sợ người lạ bắt cóc hai anh em và cả những chiếc xe máy phóng ẩu... 

Những ngày bố mẹ bận đi nương, trời tạnh ráo, mỗi tuần hai anh em sẽ đi 12 km đến trường rồi 12km về nhà. "Em thích mùa hè hơn vì mùa đông đi bộ rét lắm. Trên người có quần áo thì ấm nhưng mặt với tay bị hở ra là nẻ. Da đỏ ửng và buốt lắm cô", cậu bé kể.

15h30 phút, hai anh em đến trường.

Gia đình Phanh có ba anh em. Người anh lớn đang học lớp 7, hai anh em Phanh, Nhanh hơn nhau một tuổi nhưng học chung lớp, do bố Phanh làm nhầm giấy khai sinh. Lực học khá, ý thức tốt, Phanh được bầu làm lớp trưởng lớp 4A3. Lớn hơn các bạn cùng lớp 1 tuổi, Phanh có phần nhanh nhẹn, chững chạc và trưởng thành hơn.

Làm xong bài, em sẽ giảng cho em trai và các bạn những bài khó.

"Em thích làm lớp trưởng vì có thể giúp đỡ được các bạn trong lớp, nhắc nhở các bạn làm bài tập. Chiều tan học lại cùng các bạn ra vườn tưới rau, vệ sinh cá nhân và chuẩn bị ăn tối. Ăn xong, chúng em còn cùng nhau ôn luyện bài buổi tối", Phanh kể.

Phanh học đều các môn nhưng em thích học môn Toán vì "khi biết tính toán em có thể tính nhẩm được tiền bán con gà, bán tạ thóc giúp bố mẹ".

Thầy Trần Trung Quyền (34 tuổi), chủ nhiệm lớp Phanh, cho biết: "Phanh là cậu bé ngoan, lực học khá nhưng điều tôi thấy ngưỡng mộ chính là quyết tâm đi học của em. Nếu như nhiều bạn từng muốn nghỉ học thì Phanh lại luôn khao khát được đi học. Chưa bao giờ tôi phải đến nhà để vận động em đến trường, vì cả em và bố mẹ đều nhận thấy được tầm quan trọng của việc học. Cậu bé thực sự khiến tôi tự hào".

"Bố mẹ nó đã mù chữ, phải cho con đi học để biết cái chữ!" - anh Vàng A Chía (bố Phanh).

Tại các tỉnh vùng cao, cảnh thầy giáo "bắt" học sinh đi học, phụ huynh bắt con ở nhà làm nương, chăn trâu chẳng thiếu nhưng gia đình Phanh là ngoại lệ.

Anh Vàng A Chía (31 tuổi, bố của Phanh) khao khát được đi học hồi bé nhưng vì gia đình khó khăn, anh học hết lớp 3 rồi nghỉ. 2008, anh kết hôn với chị Giàng Thị Dung (31 tuổi) và sinh được ba anh em Phanh. Gia đình thuộc diện khó khăn, dù có một vài sào lúa cùng con trâu non chưa cày được, anh chị vẫn cố gắng cho con đi học.

"Con nó còn nhỏ, ở nhà chẳng giúp được gì nên đi học thôi. Đi học mới biết chữ chứ đừng như bố mẹ nó. Đi học không mất tiền lại được nuôi ăn, vậy tốt quá", anh Chía cười.

Theo lời anh Chía, con đi học còn có thịt để ăn thay vì những bữa cơm rau như ở nhà. "Nhìn con được ăn thịt, ăn đủ bữa tôi mừng lắm. Đời con phải hơn đời bố mẹ chứ".

Nhắc đến chuyện hai con trai tự đi bộ đến trường, anh Chía chỉ cười: "Lo chứ, không biết con đi đường có xảy ra chuyện gì hay không? Đợt nào không nhờ được người, không mượn được xe là các con tự đi bộ. Tôi cứ áng chừng hơn 2 tiếng rồi gọi điện thoại cho thầy giáo để hỏi con đến trường chưa? Biết là không nên nhưng hoàn cảnh nó vậy, không biết sao nữa".

Một năm, gia đình thu hoạch hơn chục bao thóc (mỗi bao chừng 40kg), cũng vừa đủ ăn chứ không dôi dư. Tiền không có nhưng việc học của các con, anh Chía, chị Dung chưa bao giờ tiếc: "Nó còn học được là tôi cho học. Học lên cấp 3 rồi thi đỗ đại học, bán thóc, bán trâu hay đi vay mượn tôi cũng làm".

Sau bữa ăn trưa ngày thứ sáu, nếu mưa thì ở lại trường, còn không, Phanh và Nhanh chuẩn bị đồ rồi đi bộ về nhà.

Tuổi còn nhỏ nhưng Phanh có thể đun nước, nấu cơm, quét dọn nhà cửa, cho gà, lợn ăn phụ giúp bố mẹ. Thỉnh thoảng, em và anh trai lại cùng ông nội đi chăn trâu trên nương cách nhà chừng 2km.

Với Phanh, về ít thì thích nhưng ở lâu thì không, vì em còn phải đi học. Em từng thỏ thẻ: "Nếu một ngày bố mẹ bắt nghỉ học, em sẽ khóc. Nhưng chẳng sao vì em có thể trốn bố mẹ rồi nhờ chú chở đến trường".

Chẳng còn mấy ngày nữa là Tết, Tết người H’Mông khác Tết người Kinh nhưng Phanh vẫn cảm thấy rộn ràng vì được nghỉ, được ăn bánh chưng và đi chơi: "Nghỉ Tết có hơn 10 ngày là thích chứ nghỉ hè thì chán lắm".

Hỏi về ước mơ, Phanh muốn làm giáo viên giống các thầy. Em muốn vận động nhiều bạn học sinh đến trường, giúp các bạn biết chữ. "Nhưng làm thầy giáo ở trường em đang học thôi, không xuống thị trấn đâu, thế xa quá", nói xong, cậu bé người H’ Mông lại cười khúc khích.

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ