Thứ hai, 17/2/2020, 12:52 (GMT+7)

Cuộc 'săn tìm' người phơi nhiễm nCoV ở Hawaii

MỹSau khi cặp vợ chồng người Nhật du lịch ở biển Waikiki được xác nhận dương tính với nCoV, đội ngũ y tế Hawaii ráo riết điều tra xem còn người khác bị phơi nhiễm không.

Chantelle Pajarillo đi nghỉ tại một resort ở bãi biển Waikiki, Hawaii, Mỹ với hy vọng có kỳ nghỉ cuối tuần đáng nhớ với gia đình. Sự yên bình kết thúc ngay khi cô bật tivi vào tối 14/2 và biết được một cặp Nhật Bản ở cùng khách sạn nhiễm virus corona. 

Pajarillo không biết đôi kia đã ở phòng nào, nhưng đó không phải là điều quan trọng nữa. Cô dùng một xấp giấy thấm chất khử trùng và bắt đầu lau chùi tất cả bề mặt mà mình thấy. "Tôi lau sạch mọi thứ mình nghi ngờ họ chạm vào: cửa kéo, tủ lạnh, mặt bàn và nhà tắm. Tôi là người sợ vi khuẩn nên đã dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ mình", Pajarillo nói.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, cặp vợ chồng (độ tuổi 60) đến đảo Maui từ 28/1 đến 3/2 và tham quan đảo Oahu (nơi có thành phố Honolulu) từ 3 đến 7/2. Tại Honolulu, họ trú tại khách sạn Grand Waikikian, thuộc tập đoàn Hilton. Hiện chưa rõ khách sạn họ ở tại Maui. Sau khi trở về nhà ở Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản, người chồng lên cơn sốt ngày 8/2 và nhập viện sau đó. Người vợ sốt nhẹ vào 14/2. 

Thành phố biển ở Hawaii - nơi có nhiều khách du lịch quốc tế mỗi năm. 

Các nhân viên y tế ở Hawaii tất bật làm việc cả cuối tuần để tìm ra những người có thể đã tiếp xúc với cặp đôi người Nhật. Giới chức y tế cho biết, cả hai được xét nghiệm khi quay về Nhật Bản. Tuy nhiên, người chồng bắt đầu có triệu chứng khi đang nghỉ dưỡng tại một trong những khu vực nổi tiếng nhất Hawaii với nhiều khách du lịch quốc tế. 

Có hơn 9 triệu khách du lịch tới Haiwaii mỗi năm, một phần ba số đó là khách quốc tế. Giới chức y tế cho biết, có rất ít nguy cơ virus này đã lây lan, nhưng họ vẫn tiếp tục tìm kiếm.

Chưa có ca nhiễm nào được xác nhận ở Mỹ trước khi hai du khách này được xét nghiệm ở Nhật Bản. Nhưng có ít nhất một người dân địa phương cho biết, anh có thể đã tiếp xúc với du khách người Nhật nhiễm virus. Người này tên John Fujiwara (52 tuổi). Fujiwara cho biết, người bạn mà ông tới thăm khoảng 30 phút vào ngày 4/2 có nhiều điểm trùng hợp với người đàn ông được miêu tả bởi giới chức y tế: cùng lịch sử chuyến bay, sống cùng thành phố và cũng khoảng ngoài 60 tuổi.

Fujiwara không liên lạc được với bạn kể từ khi người này rời Hawaii vào ngày 7/2. Trước đó, người bạn có vẻ khỏe mạnh, chỉ hơi mệt mỏi khi họ gặp mặt uống cà phê, nói chuyện và tặng nhau chocolate. Bạn của Fujiwara đã dành cả buổi sáng để đi mua sắm ở khu người Hoa, và kể rằng mình định tới dự một sự kiện nói tiếng Nhật ở một cửa hàng tạp hóa ngay sau đó. 

Fujiwara đã liên hệ với cán bộ y tế và tự cách ly sau khi đọc bài báo về người đàn ông ở Honolulu.

Trong một email gửi cho The New York Times, Fujiwara kể một chuyên gia can thiệp dịch bệnh của Bộ Y tế Hawaii không xác nhận bạn của Fujiwara là người được xét nghiệm. Nhưng họ nói rằng ông nên liên lạc với cơ quan này nếu thấy bất kỳ một triệu chứng nào trước ngày 18/2 - hai tuần sau khi gặp bạn. Đây là thời gian ủ bệnh tối đa của virus corona.

Thống đốc bang Hawaii - David Ige - lo ngại sự bùng phát của dịch sau khi cặp vợ chồng Nhật đi nghỉ ở Hawaii được xác định dương tính với virus corona. Ảnh: AP.

Người phát ngôn cho Bộ Y tế Hawaii, Janice Okubo, cho biết người đàn ông Nhật nhiễm virus "được tin là không có bất kỳ tiếp xúc nào lâu và gần với người dân Hawaii", nhưng cán bộ y tế vẫn tiếp tục điều tra.

Bác sĩ, tiến sĩ Sarah Park - nhà dịch tễ học của bang - cho biết người này có khả năng cao bị phơi nhiễm virus trước khi rời Nhật Bản hoặc khi đang trên đường tới Hawaii. Người đàn ông Nhật và vợ đều được xác nhận dương tính với nCoV nhưng không có triệu chứng nào khi ở Hawaii. Người này đến Maui vào ngày 28/1 và cũng không có triệu chứng ở Maui. Song sau khi tới Honolulu, ở đảo Oahu vào ngày 3/2 người này bắt đầu có triệu chứng cảm lạnh.

Người phát ngôn của tập đoàn Hilton Grand Vacations - điều hành khách sạn mà cặp vợ chồng ở khi ở Waikiki - cho biết công ty đang làm việc với cán bộ y tế. Một lá thư được nhét qua khe cửa của các khách, cung cấp những cách tránh nhiễm virus, trong đó có rửa tay.

Aubree Gordon - Giáo sư về dịch tễ học ở Đại học Michigan - cho biết cô đồng ý với cán bộ y tế Hawaii rằng những người di chuyển cùng người đàn ông có khả năng nhiễm cao nhất. Những người chạm vào những bề mặt mà người này tiếp xúc trước đó cũng có nguy cơ. Gordon nói: "Tôi nghĩ chúng ta sắp có một loạt ca thế này xuất hiện".

Dịch viêm phổi cấp nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc. Chủng virus mới được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. 

Chính quyền Trung Quốc đã ban lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đối với Vũ Hán và một phần của vài thành phố lân cận nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Gần 60 triệu người bị ảnh hưởng khắp trong và xung quanh Vũ Hán.

Tính đến 17/2, hơn 71.326 người trên toàn thế giới nhiễm virus corona và 1.775 người tử vong, hầu hết trong số đó sống ở Trung Quốc. Có 5 ca tử vong ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục, gồm một người đàn ông Đài Loan (16/2), một người Trung Quốc ở Pháp (15/2), một cụ bà ở Nhật Bản (13/2), một người đàn ông Hong Kong (4/2), một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines (2/2).

Tại Mỹ, 15 người dương tính với virus, hầu hết trong số đó có triệu chứng nhẹ. Hôm nay, hơn 400 công dân Mỹ trên tàu Diamond Princess (trừ 40 người nhiễm virus corona) được sơ tán về nước. Sau khi trở về, những người sơ tán sẽ bị cách ly trong 14 ngày tại căn cứ không quân Travis ở California, hoặc căn cứ chung San Antonio-Lackland ở Texas để kiểm dịch. Canada, Hong Kong, Hàn Quốc, Australia cũng đang chuẩn bị gửi các chuyến bay đến Nhật Bản để sơ tán công dân của họ khỏi tàu.

Bấm vào đây để xem chi tiết.

>>Xem thêm: 

Mặt trái của việc cưỡng chế người dân cách ly để chống Covid-19

Nhiệt kế ở các chốt kiểm tra liệu có chính xác?

Hàng xóm thành 'kẻ thù của nhau' vì nCoV ở Trung Quốc

Mặt trái của cuộc truy tìm bệnh nhân nhiễm nCoV

Huyền Anh (Theo New York Times)