Thứ sáu, 13/3/2020, 10:24 (GMT+7)

Cư dân Hong Kong phủ nhận là 'bệnh nhân số 0' trên Diamond Princess

Hành khách bị cho là bệnh nhân lây truyền cho người khác trên tàu nói 'bị đổ lỗi một cách không công bằng'.

Hành trình trên du thuyền hạng sang vòng quanh châu Á đáng ra là kỳ nghỉ gia đình lý tưởng, nhưng bất ngờ trở thành cơn ác mộng đối với Wu cùng hai cô con gái của ông. Wu bảo mình bị đổ tội là "bệnh nhân số 0" khiến dịch bệnh bùng phát trên tàu với hơn 700 hành khách nhiễm bệnh và 7 ca tử vong.

Wu (80 tuổi) bày tỏ sự tức giận và thất vọng với những gì đã xảy ra và chia sẻ về hàng loạt sự việc diễn ra trên tàu tính tới thời điểm nó bị cách ly.

Ông Wu trong cuộc phỏng vấn với SCMP.

Nhiều bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc đổ lỗi cho Wu là nguồn gốc gây lây nhiễm. Ngay cả Wikipedia cũng có một bảng thống kê về dịch bệnh trên tàu, trong đó chỉ ra rằng ông là trường hợp quan trọng nhất.

Wu là một giáo viên thể dục đã về hưu, sống cùng vợ trong căn hộ nhỏ ở khu Kwai Chung. "Nếu tôi là bệnh nhân đầu tiên, tại sao hai cô con gái dùng bữa cùng tôi hàng ngày trên tàu và người vợ ở chung một mái nhà lại không nhiễm bệnh", ông nói.

Bà Wu đồng tình với chồng: "Chúng tôi được đưa đến khu cách ly trong 14 ngày và được kiểm tra nhiệt độ đều đặn. Mọi thứ vẫn bình thường". 7 người được cho là có tiếp xúc gần gũi với Wu ở Hong Kong, trong đó có 4 người trong gia đình đã được đi cách ly, sau đó đủ điều kiện để được ra ngoài.

Wu kể, một thông báo từ chính quyền Hong Kong vào đầu tháng 2 nói rằng ông bắt đầu ho vào ngày 19/1 - một ngày trước khi lên tàu - là sai sự thật. Ông quả quyết rằng điều này bắt đầu khoảng 3 ngày sau khi ông lên tàu. Thêm vào đó, chính quyền y tế Nhật Bản đã xác nhận có 2 hành khách khác trên tàu có triệu chứng trước khi Wu bắt đầu có biểu hiện.

Du thuyền Diamond Princess đi vòng quanh châu Á với 6 điểm dừng chân. Ảnh: AFP.

Ra khơi

Kỳ nghỉ này là món quà từ các con gái của Wu - một cơ hội để tận hưởng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán trên con tàu sang trọng với nhà hàng sushi, spa và casino cùng các du khách ngoại quốc. Du thuyền đi vòng quanh châu Á, khởi hành ở Nhật Bản tới Hong Kong, Việt Nam và sau đó quay về Tokyo.

Ba người bay đến Tokyo vào ngày 17/1 để ngắm cảnh trước khi lên tàu ở cảng Yokohama 3 ngày sau đó. Tàu cập cảng đầu tiên ở Kagoshima hôm 22/1, cả gia đình lên một chuyến xe buýt của công ty tàu du lịch, đến một trung tâm thương mại. Wu cho biết xe của ông chở 40-50 người. Sau đó, trong lượt xét nghiệm lần một khi tàu Diamond Princess quay lại Yokohama, 2 người từ chuyến xe được xác nhận dương tính với nCoV. "Tôi không biết liệu còn ai trên xe mắc bệnh nữa không. Tôi không thể khẳng định được. Chúng tôi đi cùng xe đó về tàu. Tôi ngồi với con gái và không nói chuyện với ai trong suốt chuyến đi", ông nói.

Kagoshima, miền nam Nhật Bản - nơi hành trình của Diamond Princess dừng chân ngày 22/1. Ảnh: AFP.

Wu cho hay bắt đầu ho vào ngày 23/1 - không phải ngày 19/1 theo như thông báo ngày 1/2 của Bộ Y tế Hong Kong. Trung tâm bảo vệ sức khỏe tiếp tục với thông báo đó vào ngày hôm sau khi bác sĩ Chuang Shuk-kwan, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm, cho biết tình trạng ho của Wu diễn biến tệ hơn vào ngày 23/1.

Kwwan tin ngày khởi phát triệu chứng  là vào cùng ngày hôm đó, dựa trên một phần của kết quả chụp X quang - cho thấy có bóng đen ở phổi của ông sau khi được nhập viện. "Tôi nhớ mình bắt đầu ho vào ngày 23/1, chắc chắn là sau khi lên tàu. Nhưng nó không nghiêm trọng".

Ông kể mình và con gái lớn ngâm trong bể bơi nước nóng và đi xông hơi 3 lần. Wu chia sẻ: "Tôi sẽ không xuống bể bơi nếu tôi có ho vào thời điểm đó". Công ty tàu du lịch cho biết ông không hề tìm kiếm sự giúp đỡ y tế ở trung tâm y tế trên tàu.

Trở về nhà

Con tàu cập cảng Hong Kong vào ngày 25/1. Wu xuống tàu cùng 130 hành khách khác, nhiều người trong số đó là người nước này. Khi ấy thành phố đã tuyên bố dịch sau khi có 5 ca nhiễm và 108 ca nghi nhiễm. Tất cả chuyến bay và tàu cao tốc đến Vũ Hán - thành phố tâm dịch - bị hủy. Các tờ khai y tế được phát tại mọi điểm ra vào Hong Kong, nhưng ban lãnh đạo thành phố từ chối đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Khi thành phố đang vật lộn với dịch, Wu quay lại căn hộ ở Kwai Chung, nhưng tình trạng ho của ông vẫn không ngừng. Vợ ông từng là y tá, bà kiểm tra thân nhiệt cho chồng, nằm trong khoảng 36,1 và 36,4 độ C, tức trong ngưỡng bình thường. Nhưng tới ngày 30/1, Wu quyết định gọi xe cứu thương đến trung tâm y tế Caritas. 2 ngày sau ông được xác nhận đã nhiễm virus và được chuyển đến bệnh viện Princess Margaret.

Wu cho biết: "Tôi được đưa đến bệnh viện không phải vì sốt". Wu bảo thân nhiệt ông bình thường sau khi được chuyển đi. Sau khi xác nhận Wu bị nhiễm, chính quyền Hong Kong báo động cho chính quyền Nhật Bản để bắt đầu kiểm tra các hành khách còn lại vào ngày 3/2, khi con tàu quay lại Yokohama. Cả tàu bị cách ly 14 ngày, và số ca nhiễm bùng nổ, vượt qua 170 ca trong một tuần.

Hành khách đeo khẩu trang trên tàu tại cảng Yokohama, Nhật Bản ngày 20/2. Ảnh: Reuters. 

Trong một diễn biến trên tàu vào ngày 19/2, Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Nhật Bản cho biết Wu bắt đầu ho vào ngày 23/1, mâu thuẫn với thông báo từ chính quyền Hong Kong. Giới chức Y tế Nhật Bản cũng công khai số liệu các ca nhiễm trên tàu, cho thấy có 2 hành khách có triệu chứng vào ngày 20/1 - 3 ngày trước trường hợp của Wu.

Giáo sư David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về bệnh hô hấp của Đại học Trung Quốc cho biết bệnh nhân 80 tuổi là ca đầu tiên nhiễm nCoV có liên quan đến tàu Diamond Princess. Tuy nhiên, thời gian cho thấy ông không phải là "bệnh nhân số 0" và các triệu chứng bắt đầu biểu hiện vào ngày 23/1.

Giáo sư Joseph Tsang Kay-yan cho biết: "Vẫn có nhiều điều không chắc chắn chỉ dựa trên những thông tin sẵn có". Ông cũng lưu ý nhiều trường hợp như bệnh nhân có thể đã nhiễm virus ở các nơi khác trước khi lên tàu hoặc mọi người bị nhiễm sau khi ở cùng một chỗ. "Tôi nghĩ rất có khả năng bệnh nhân người Hong Kong bị nhiễm từ những người khác trên xe buýt vì có 2 ca nhiễm trên tàu có triệu chứng trước khi ông và gia đình có kết quả âm tính", Tsang nói.

Giáo sư Tsang cho biết việc Wu dương tính với virus khởi nguồn cho hàng loạt các biện pháp kiểm tra và cách ly, tuy nhiên không thể đánh đồng ông là bệnh nhân đầu tiên. Cũng có khả năng ngày phát triệu chứng của 2 bệnh nhân trên xe buýt là 20/1. Ông cho biết: "Giới chức y tế Nhật Bản nên xem xét các ca bệnh và công khai thông tin".

Phát biểu tại buổi họp báo với quan chức y tế Nhật Bản, Giáo sư Hiroshi Nishiura từ Đại học Hokkaido, chuyên nghiên cứu thông tin lây nhiễm, cho biết ông không chắc chắn ca nhiễm đầu tiên là người Hong Kong. Không có bằng chứng của bệnh nhân siêu truyền nhiễm trên tàu, ông cho hay.

Các nhà chức trách không có đủ thông tin về dịch bệnh trước khi nhận diện được virus vào ngày 3/2, Nishiura cho biết thêm.

 Chuyến bay do chính phủ thuê đưa người Hong Kong trở về từ Tokyo vào ngày 20/2 sau khi hoàn thành cách ly trên tàu Princess Diamond. Ảnh: Xinhua.

Một chứng cứ khác của giả thuyết "Wu là bệnh nhân số 0" là vào ngày 10/1 ông đã đến Trung Quốc, chỉ vài tiếng nhưng cũng đã kịp nhiễm bệnh. Wu cho hay ông và vợ đến nhà ga ở quận Luohu thành phố Thâm Quyến gần biên giới Hong Kong để lấy vé về quê ở tỉnh Phúc Kiến, thời gian dự định là sau chuyến đi trên tàu du lịch. Ông chia sẻ: "Chúng tôi đợi ít nhất một tiếng để lấy được vé tàu, vì lúc đó là trước Tết Nguyên Đán. Tôi không để ý đến đại dịch vào lúc đó. Nếu không tôi đã không đi Nhật Bản".

Vào ngày 19/1, chính phủ Trung Quốc tuyên bố ca nhiễm virus đầu tiên ở thành phố Thâm Quyến, cũng là ca đầu tiên ở Quảng Đông. Nhưng Wu cũng loại bỏ khả năng ông là người duy nhất trên tàu nhiễm nCoV từ Trung Quốc. "Có khoảng 300 người Hong Kong trên tàu. Không lẽ không ai trong số họ từng đến Thâm Quyến hay đại lục trước khi lên tàu? Chỉ có mình tôi thôi à?", Wu nói.

Gần 370 hành khách trên tàu là người Hong Kong. Chính phủ đặc khu đã sắp xếp ít nhất 3 chuyến bay để đưa hầu hết những người này về nhà, trong khi những người còn lại tự lên lịch trình riêng. Trong những người Hong Kong trên tàu, 10 người dương tính với nCoV khi trở về thành phố. Cuối tuần trước, chính quyền thông báo 2 người trong số này đã tử vong.

Vào ngày Wu trả lời phỏng vấn với SCMP, ông quay lại bệnh viện Princess Margaret để kiểm tra cùng vợ. Ông cho biết: "Kết quả xét nghiệm máu và chụp X-quang của tôi đều tốt. Bác sĩ bảo tôi nên tập thể dục nhiều hơn". Wu là bệnh nhân lớn tuổi nhất trong số 14 người nhập viện cùng, nhưng đã khỏi bệnh trong 20 ngày - nhanh hơn nhiều so với 13 người còn lại. Ông miêu tả bệnh lần này chỉ như một cơn cảm lạnh.

Kể từ khi về nhà, Wu cho biết ông đã lấy lại 3kg sút trong khi ở khu cách ly. Nhưng ông lo lắng về sự nổi tiếng tiêu cực mà mình nhận được, cũng như tỏ rõ sự lo ngại rằng con cái ông sẽ chịu hậu quả nếu danh tính của ông bị tiết lộ. "Bởi vì tôi mà gia đình phải cách ly. Tôi không muốn mang lại nhiều rắc rối hơn cho họ. Nhưng tôi không thể chấp nhận việc mọi người gọi tôi là nguồn bệnh", ông nói. 

Wu cũng cho biết chuyến đi trên tàu Diamond Princess sẽ là chuyến đi cuối cùng của ông. "Tôi sợ lắm rồi", ông nói. 

>>Xem thêm:

* Chuyên gia lý giải việc cách ly trên du thuyền Nhật thất bại
* Chuyến về nhà ác mộng của du khách Mỹ
* Những sai lầm khiến nCoV tàn phá 'Công chúa Kim cương' 

Huyền Anh (Theo SCMP)