Thứ ba, 14/4/2020, 11:39 (GMT+7)

Chợ động vật hoang dã ở Indonesia yên ắng vì Covid-19

Cách biệt cộng đồng và nỗi sợ virus lây lan khiến người dân không còn đến các khu chợ buôn bán động vật hoang dã từng rất sầm uất.

Từng là điểm đến hút khách du lịch, các chợ động vật hoang dã ở Indonesia chứng kiến lượng khách giảm mạnh do Covid-19. Đại dịch đã nâng cao nhận thức của mọi người về mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã.

Các tổ chức như Change for Animal, Flight, Jakarta Animal Aid Network và Animal Asia kêu gọi chính phủ Indonesia cấm tất cả hoạt động buôn bán động vật hoang dã để lấy thịt, đặc biệt là chim và động vật có vú, đồng thời đóng cửa khu chợ bán động vật để giảm thiểu nguy cơ bệnh từ động vật lây sang người. Yêu cầu của họ chưa được thực hiện, nhưng các biện pháp giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh và việc buôn bán động vật đã được tiến hành.

Chợ Satria, ở thị trấn Denpasar phía nam Bali, bán mọi loài từ dơi, khỉ đến chim quý, rắn và cá. Khu chợ này từng là địa điểm thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước vào cuối tuần. Nhưng nơi này bắt đầu vắng vẻ vào sáng 11/4.

Khu chợ rộng 0,5 ha, từ lâu trở thành mục tiêu của chỉ trích vì có số lượng tiểu thương đông, là nơi chính phủ quảng bá như một địa điểm du lịch. Giờ đây, chỉ có một vài tiểu thương tới chợ, vệ sinh các chuồng rồi nhét vào những cửa hàng chật hẹp, tối tăm. Một vài khách du lịch đeo khẩu trang đi xem các quầy hàng. Một khách cho biết: "Tôi nuôi bồ câu ở nhà nên tôi muốn mua vài con hôm nay. Vào cuối tuần ở đây thường khá đông nhưng giờ đây rất yên ắng".

Kinh tế Bali phụ thuộc rất nhiều vào du lịch và phải hứng chịu nhiều tổn thất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất tại Đông Nam Á với 399 ca tử vong và hơn 4.557 người nhiễm nCoV. Để giảm thiểu sự lây lan Covid-19, vào giữa tháng 3, chính phủ Indonesia ngừng chính sách cấp visa miễn phí cho du khách nước ngoài trong một tháng. Do đó, nhiều khách sạn ở Bali đóng cửa và phải sa thải nhân viên, trong khi các địa điểm du lịch đóng cửa hoặc không có khách.

Sri Wahyuni, một tiểu thương bán chim ở chợ Satria cho biết: "Gần đây không có khách nước ngoài đến chợ". Cô cho biết thêm, chợ thường là điểm đến ưa thích của cả du khách nước ngoài lẫn địa phương.

Tuy nhiên khu chợ này cũng có "mặt tối" như buôn bán bất hợp pháp một số động vật cần được bảo vệ như linh miêu, rái cá, đại bàng và sáo nâu Bali. Marison Guciano - nhà bảo tồn từ tổ chức Flight - cho biết đội của ông đang giám sát một vài chợ động vật ở Indonesia và thấy rằng mặc dù việc buôn bán các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng diễn ra bí mật, động vật hoang dã vẫn được rao bán công khai.

Một số bộ phận của tê tê có giá trị để làm thuốc ở một số nước như Trung Quốc hay Việt Nam, dù các công dụng này chưa được khoa học chứng minh và thịt của chúng được coi là một thực phẩm quý. Chính phủ Indonesia tuyên bố rằng tê tê là một loài được bảo vệ ở nước này để hạn chế hành vi buôn lậu.

Gần như mọi nơi ở Indonesia đều có các khu chợ tương tự chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán - ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Ở những khu chợ này, động vật hoang dã bị bán và giết hại hàng ngày, theo Lola Webber - đồng sáng lập tổ chức Change for Animals. Webber cho biết: "Điều kiện sống không đảm bảo sức khỏe cùng nguy cơ nhiễm bệnh do quá nhiều loài bị nhốt và giết hại, là điều kiện hoàn hảo để phát sinh bệnh chết người mới".

Theo dữ liệu từ tổ chức Profauna Indonesia - tổ chức Phúc lợi động vật - khoảng 60% các loài bị buôn bán ở chợ là động vật quý hiếm và cần được luật pháp bảo vệ. Vào tháng 2, Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm buôn bán, tiêu thụ và vận chuyển động vật hoang dã trên toàn quốc. Indonesia chưa làm theo Trung Quốc, song chính quyền địa phương cũng thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, dù chưa có hiệu quả rõ rệt.

Hàng trăm con dơi bị tiêm thuốc mê và hỏa thiêu ở một chợ ở Solo, đảo Java vào ngày 14/3. Ban quản lý một khu chợ khác, Pasty ở thành phố Yogyakarta đang thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường vệ sinh chợ. Quản lý chợ Woro Sudarini cho biết: "Chúng tôi vệ sinh chuồng và cả chợ thường xuyên hơn, và xịt thuốc khử trùng 2 lần một tuần". Giống như chợ Satria, một số lượng lớn động vật hoang dã bị buôn bán ở chợ Pasty, bao gồm dơi, khỉ và chim.

Quản lý ở một số chợ khác cho biết càng ngày càng ít người đến chợ khi chính phủ kêu gọi người dân thực hiện cách biệt cộng đồng. Tại khu chợ ở Tomohon, Bắc Sulawesi, nhiều biện pháp để hạn chế virus lây lan được áp dụng từ tháng trước. Chợ truyền thống Tomohon - còn được biết đến với tên chợ Beriman -  bán nhiều loại động vật bao gồm cả dơi, rắn và chó. Các nhà hoạt động vì phúc lợi động vật từ lâu kêu gọi chính phủ đóng cửa khu chợ nhưng bị người dân địa phương thường tiêu thụ thịt động vật hoang dã ở đây và các tiểu thương phản đối.

Dơi hun khói bày bán ở chợ truyền thống Tomohon. Ảnh: AFP.

Frank Delano Manus - Giám đốc tổ chức Animal Friends Manado - nhấn mạnh, mặc dù khu chợ vẫn mở cửa, chính quyền địa phương đã giảm mức độ buôn bán động vật hoang dã. Các biện pháp như thuyết phục tiểu thương chuyển sang bán thịt gà và thịt bò thay vì thịt dơi và thịt chó; hạn chế giờ mở cửa từ cả ngày xuống nửa ngày; xịt thuốc sát khuẩn thường xuyên và xây dựng chốt kiểm soát ở biên giới với các tỉnh. Những chốt kiểm soát này để ngăn chặn việc nhập thịt dơi và rắn từ ngoài tỉnh Bắc Sulawesi. Khoảng 90% thịt dơi, rắn và chó bán ở chợ Tomohon thường được nhập từ nhiều nơi khác trên cả nước.

Các cuộc điều tra của tổ chức Animal Friends thực hiện trong năm 2018 và 2019 cho thấy trung bình 7 tấn thịt rắn và 1,3 tấn thịt dơi được bán ở chợ hàng tuần. Manus cho biết tổ chức này hy vọng những biện pháp chính phủ đang thực hiện sẽ thay đổi thái độ của người dân về buôn bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã ở Indonesia.

Báo cáo mới nhất chỉ ra rằng doanh số thịt dơi và nhiều loại động vật hoang dã khác ở chợ Tomohon giảm 30%. Manus cho biết: "Có thể có 2 lý do. Thứ nhất, vì lệnh cách biệt cộng đồng. Thứ hai, vì mọi người sợ ăn thịt dơi". 

Luật bảo tồn tự nhiên của Indonesia quy định người phạm tội buôn lậu động vật hoang dã có thể phải chịu mức án lên đến 5 năm tù và bị phạt 100 triệu rupi (6.400 USD). Tuy nhiên các nhà bảo tồn cho rằng mức phạt này vẫn còn nhẹ.

Guciano đến từ tổ chức Flight cho biết chính phủ đã sai lầm khi tuyên bố chợ động vật hoang dã là điểm đến cho khách du lịch. Ông thúc giục khách du lịch không nên mua động vật hoang dã ở chợ cũng như thông qua môi giới, một khi lệnh cấm di chuyển được gỡ bỏ.

Indonesia là quốc gia có hệ sinh thái phong phú, đa dạng và là nhà của số lượng lớn loài động vật bản địa. Guciano cho biết động vật hoang dã nên được tiếp tục thực hiện chức năng của chúng - là một phần của hệ sinh thái cân bằng. Ông cho biết thêm: "Đại dịch Covid-19 lần này là lời nhắc nhở chúng ta không nên buôn bán động vật hoang dã. Thay vào đó hãy để chúng sống trong môi trường sống tự nhiên".

>>Xem thêm: 

* Không cấm buôn bán động vật hoang dã, virus corona sẽ lại bùng phát
* Khu ổ chuột ngập mưa lụt như 'bom hẹn giờ' chờ bùng phát Covid-19
* Indonesia bị tố không minh bạch về số người chết
4 câu hỏi về việc vì sao dịch bệnh thường bắt nguồn từ Trung Quốc

Huyền Anh (Theo SCMP)