Thứ ba, 20/11/2018, 00:24 (GMT+7)

Các thầy cô đặc biệt và những món quà 20/11 'lạ thường'

Thầy Bao là giáo viên một trường dân tộc nội trú, cô Giang đang dạy trẻ khuyết tật, còn cô Hà có học trò là những đứa trẻ nhiễm HIV. Họ mong đợi gì trong ngày hôm nay?

Thầy Dương Công Bao

Đường đến trường của thầy Bao.

Thầy Bao, sinh năm 1981, là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Ái Quốc, Lục Bình, Lạng Sơn - nơi học sinh phải vượt qua vài quả đồi đi học, nơi thầy cô dạy các em tại những lớp học đơn sơ, dựng tạm. 

Thầy nói với iOne, 20/11 chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác.

"Vận động các em đi học đã khó, làm sao mong các em nhớ đến ngày Nhà giáo như dưới xuôi được. Nếu như các thầy cô giáo ở dưới xuôi cứ đến ngày này là được tặng hoa, tặng quà thì chúng tôi chẳng có bao giờ. Họa hoằn lắm là một bó hoa rừng được các em học sinh lượm lặt. Nhưng nếu có, nó sẽ là món quà quý nhất, là tất cả những gì chúng tôi mong đợi", thầy nói

Bắt đầu công việc dạy học cho các trẻ em vùng cao cũng được chừng 9 năm tại nhiều điểm trường khác nhau, nhưng khi chuyển công tác đến xã Ái Quốc, ở một trường cách xa trung tâm huyện chừng 30 km, thầy Bao vẫn có những trải nghiệm rất mới.

Những đứa trẻ - động lực để thầy Bao đến lớp.

Thầy chia sẻ: "Do cách xa trung tâm huyện, quãng đường di chuyển hoàn toàn bằng đường đất, ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì không thể nào đi nổi. Học sinh tại trường 100% là người Dao, cuộc sống gần như biệt lập với bên ngoài do vậy mà khả năng giao tiếp, tiếp nhận kiến thức đối với các em còn rất yếu kém. Dạy kiến thức cho các em cũng gặp phải những khó khăn nhất định".

Nhớ đến kỷ niệm khó quên trong thời gian đi dạy của mình, thầy Bao nói: "Cách đây khoảng vài tháng, vào một buổi tối, chúng tôi đi kiểm tra quân số các em học sinh tại nhà chung (do đây là trường bán trú) thì tá hỏa phát hiện thiếu mất hai em học sinh, tìm khắp mọi nơi không thấy đâu, vậy là 'trò chơi' trốn tìm giữa thầy và trò bắt đầu trong đêm tối. Hai em học sinh quá nhớ nhà trong những ngày đầu đi học nên đến đêm muộn đã rủ nhau trốn về. Đường tối, đèn pin thì không, lại lo sợ các em gặp phải nguy hiểm nên tất cả các thầy trong trường người đi bộ, người đi xe chia ra khắp các nẻo để tìm, may là tình huống xấu không xảy ra".

Cô Nguyễn Thanh Giang

Cô Giang (áo tím) và những học trò đặc biệt.

Cùng tuổi với thầy Bao, cô Giang đang làm việc tại trường Chuyên biệt Bình Minh (Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội). Cô chỉ mong nhận được một bông hoa trong ngày 20/11 này.

Trường Chuyên biệt Bình Minh là ngôi trường dành cho học sinh đặc biệt (khiếm thính và khuyết tật trí tuệ). Cô Giang chọn nơi này cũng xuất phát từ hoàn cảnh riêng của bản thân. "Lúc nhỏ tôi cũng là một đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, nhưng đến 9 tháng tuổi tôi bị ốm nặng, bố mẹ cũng đưa đi chạy chữa khắp nơi song đôi chân tôi ngày càng teo tóp. Bác sĩ kết luận bị liệt một chân. Có lẽ từ cơ duyên đó mà trong lòng tôi luôn khao khát được trở thành một giáo viên để giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh giống như mình, thậm chí thiệt thòi hơn mình. Cứ thế cho đến nay tôi đã có 13 năm đứng lớp".

Khi được hỏi món quà nào trong ngày 20/11 làm cô cảm thấy hạnh phúc nhất, cô Giang chia sẻ: "Nghề dạy cho các trẻ em đặc biệt có những đặc thù riêng nên chính bản thân tôi cũng chẳng mong ước gì, chỉ cần một hành động nhỏ như con biết thơm lên má cô hay một bông hoa tặng cô bằng cách vứt xuống đất (do cách thể hiện có hơi đặc biệt) tôi cũng thấy quý gấp vạn lần so với những món quà đắt tiền".

Cô Phùng Thị Thúy Hà

Một "bưu thiếp" học sinh tặng cô Hà nhân sinh nhật.

Sinh năm 1975, cô Hà đang làm việc tại trường Tiểu học Yên Bài B (Ba Vì, Hà Nội) - nơi cô được phân công dạy cho trẻ em nhiễm H từ năm 2006 đến nay. Dù không phải học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn như các bạn miền núi, hay nhận thức còn yếu như các bạn học sinh khuyết tật, nhưng trẻ nhiễm "H" đối diện với sự thiếu thốn, tổn thương về mặt tinh thần.

Hiểu được nỗi lòng của các con, không chỉ là một cô giáo luôn truyền dạy kiến thức, cô Hà còn là một người mẹ, một người bạn luôn lắng nghe, luôn đồng cảm và vận động các con phải thật mạnh mẽ, phải thật cố gắng trong cuộc sống. Nhắc đến ngày 20/11 của mình cô Hà bật cười nhớ lại: "Đối với tôi ngày 20/11 nào cũng chứa đầy những kỷ niệm khó quên".

"Các con mỗi đứa phân chia nhau hái hoa rồi ghép lại thành một bó hoa thập cẩm được ngắt ở vệ đường rồi lấy những tờ giấy vở đã bỏ đi để bọc lại; hoặc các con tự sáng tạo ra đủ món đồ để tặng cô. Thực sự đứng giữa sân trường mà được học trò ríu rít xung quanh, tặng những món quà handmade thì tôi thấy đó là thứ hạnh phúc không thể nào diễn tả nổi".

Cô Hà và những món quà "được bọc cẩn thận" của học sinh.

Cô Hà cũng nhớ đến một món quà mà cậu học trò tên là Nguyễn Duy Hiển đã dành tặng cô nhân ngày sinh nhật: "Sau khi các bạn đã về hết, Hiển đứng lấp ló ở ngoài cửa rồi tiến lại gần chỗ tôi, xòe ra một chiếc hộp tự gấp bằng giấy rồi nói thật nhanh 'Cô ơi con tặng cô!' rồi chạy mất.

Về đến nhà tôi mới mở ra thì thấy trong hộp là 8 - 9 con hạc bằng giấy nhỏ xíu. Hôm sau đến lớp tôi có hỏi con: 'Tại sao con lại tặng cô món quà xinh thế?', con nói với tôi rằng: 'Có phải nếu gấp được càng nhiều con hạc giấy thì con sẽ nhanh khỏi bệnh không cô?'. Chắc lúc làm quà tặng cô, con đang nhớ đến câu chuyện trong sách giáo khoa cô từng giảng, kể về một bạn nhỏ bị ốm và bạn ấy đã nghĩ rằng khi gấp được 1000 con sếu thì bạn sẽ có cơ hội sống tiếp. Thực sự các con vẫn biết lo, biết buồn, các con hiểu mình là trẻ nhiễm 'H", cô chia sẻ.

Đây chỉ là 3 câu chuyện nhỏ để bạn biết rằng, không phải thầy cô giáo nào cũng ngập trong hoa và quà vào ngày 20/11, dù họ, tất cả, đều xứng đáng được hưởng điều đó.

Thúy Quỳnh