Thứ sáu, 24/5/2019, 18:20 (GMT+7)

Cá bống... 'ăn' rác thải nhựa ở bãi biển Đà Nẵng

Chú cá bống xuất hiện ở bãi biển T18 (Sơn Trà, Đà Nẵng) với một bụng... rác thải nhựa khiến người dân thích thú.

Mới đây, một cá bống "mắc cạn" xuất hiện ở bãi biển Đà Nẵng. Trong bụng cá chứa một lượng rác thải lớn. Mô hình chú cá bống há miệng... chờ rác đang gây ảnh hưởng tích cực đến thói quen nơi công cộng của người dân và khách du lịch đến Đà Nẵng.

Mô hình chú cá bống ăn... rác thải.
Cá bống "ăn" rác nhựa trên bãi biển Đà Nẵng
 
 

Dự án Cho Bống xin rác là sự hợp tác giữa bà Sarah Field (một người nước ngoài đang sinh sống ở Đà Nẵng) với BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Ấn tượng với hình ảnh Goby (cá bống) ở bãi biển Bali, bà Sarah Field đã quyết tâm đề xuất ý tưởng này với BQL bán đảo Sơn Trà. 

Dự án ý nghĩa, góp phần làm trong sạch bãi biển Đà Nẵng thu hút nhiều tình nguyện viên. 36 tình nguyện viên, 8 triệu đồng và 60 ngày thực hiện đã cho ra đời thùng chứa rác thải biển với tên gọi siêu đáng yêu: chú cá bống (Goby). Hiện, cá bống được để cố định ở bãi biển T18, mặt biển quảng trường Nguyễn Văn Thoại, tuyến biển Võ Nguyên Giáp. Dự án Cho Bống xin rác sẽ thực hiện trong vòng 10 tháng.

Chú cá bống được làm từ những vật liệu thân thiện với môi trường: tre, nứa,...

Mô hình cá bống được thực hiện thông qua nghệ thuật sắp đặt với các loại vật liệu khác nhau. Có thể hiểu theo 2 cách: Một là khi chứng kiến hình ảnh chú cá nuốt phải rất nhiều rác thải ra đại dương, con người sẽ ý thức tác hại của rác thải nhựa. Hai là hình ảnh chú cá nuốt rác thải con người sử dụng, thay vì để chúng nằm rải rác và trôi ra đại dương, sẽ gây ấn tượng. 

Bà Sarah Field (trái) - người đề xuất dự án Cho Bống xin rác.

Bà Sarah Field chia sẻ: "Bống là loài cá rất quen thuộc với văn hóa Việt Nam, gần gũi với trẻ nhỏ nên chúng tôi chọn hình ảnh chú cá bống với mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng. Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương. Đó là thông điệp của chúng tôi".

Chia sẻ với iOne, anh Hoàng Lâm (cố vấn dự án) nói về những khó khăn khi thực hiện: "Team thực hiện chỉ có ý tưởng chứ không có kỹ năng chuyên nghiệp. Khi quyết định thực hiện với tre, không ai hiểu rõ về vật liệu này cả. Do đó mất một thời gian để nhóm học hỏi từ các thợ tre dừa ở Hội An. Quá trình làm cũng có lúc không thành công, tuy nhiên các bạn đã khắc phục được thông qua hỏi han và sự giúp đỡ. Do chưa có tiền lệ và tiếng tăm, tiền tài trợ đến rất chậm. Team phải chắt chiu từng chút một. May mắn là cuối cùng cũng có đủ tiền để hoàn thành. Ban đầu team muốn thực hiện từ vật liệu quyên góp, nhưng do không có hiệu ứng nên không kêu gọi được. Sau cùng tất cả vật liệu phải được đi mua từ tiền tài trợ."

Anh Hoàng Lâm - cố vấn dự án Cho Bống xin rác.

Chia sẻ về kết quả thiết thực khi dự án được trình làng, anh Lâm nói: "Một chú cá bé nhỏ trên bãi biển sẽ không tức thì giải quyết được vấn đề lớn về rác thải. Nhưng nó là điểm khởi đầu, một phần nhỏ trong một chiến dịch lớn hơn về phát triển dân trí, ý thức bảo vệ môi trường sống. Nó thu hút sự chú ý theo cách sáng tạo, vui nhộn ngộ nghĩnh hơn, truyền đạt thông điệp thú vị hơn, đặc biệt là trẻ em. Với hiệu ứng truyền thông mà tụi mình mong đợi, thông điệp sẽ lan đi mạnh mẽ để nhiều cơ quan ban ngành, tổ chức doanh nghiệp chú ý đến, nỗ lực đưa ra các hành động của họ về môi trường."

Sau những kết quả ban đầu từ dự án Bống, nhóm đang lên kế hoạch thực hiện dự án Rùa. Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn kêu gọi các nhóm, đơn vị khác thực hiện các dự án khác trên biển. 

Quỳnh Anh