Thứ năm, 16/1/2020, 14:33 (GMT+7)

5 câu hỏi chưa được làm rõ về vụ Gateway

Các vết tiêm trên cơ thể nạn nhân xuất hiện thế nào; ông Phiến đi đâu, làm gì từ 8 - 11h sáng ngày xảy ra cái chết của bé Long; vì sao trách nhiệm của trường Gateway không được đề cập...

Sau hơn một ngày làm việc, phiên tòa xét xử 3 bị cáo liên quan tới cái chết của bé Lê Hoàng Long (học sinh trường Gateway) tuyên phạt Nguyễn Bích Quy 24 tháng tù; Doãn Quý Phiến 15 tháng tù tội Vô ý làm chết người; Nguyễn Thị Thủy 12 tháng tù, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề trong một năm, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Công ty TNHH Ngân Hà phải bồi thường 249 triệu đồng cho gia đình bị hại.

Tại Tòa, anh Lê Văn Sơn - bố nạn nhân - nói, đây là "vụ án oan nghiệt và còn nhiều uẩn khúc". Kết thúc phiên tòa, luật sư Nguyễn Thanh Sơn - người bảo vệ quyền lợi cho bà Nguyễn Bích Quy - cũng nhận định, còn nhiều chi tiết mâu thuẫn, nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng. Ông cho biết, thân chủ của mình sẽ kháng cáo.

Dưới đây là những câu hỏi chưa được giải đáp:

Các vết tiêm trên cơ thể nạn nhân xuất hiện như thế nào?

Tại phiên xử sáng 14/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) công bố kết quả khám nghiệm tử thi cháu Lê Hoàng Long: "Vùng lằn bẹn bên phải có các vết thủng da, rạn các vết tiêm diện tích 2x1 cm, vùng lằn bẹn bên trái có các vết thủng da, rạn các vết tiêm diện tích 2x0,8cm".

Ngoài ra, cơ thể Long còn có những vết xây xước. Điều này được bà Nga (bác ruột của Long) - lý giải: vài ngày trước đó, khi tắm cho Long, bà thấy người nạn nhân có vết xước do nô nghịch. Chị Hải Linh (dì ruột của Long) - người thường xuyên chăm sóc cho nạn nhân cho biết, trong quá trình tắm cho Long cũng phát hiện những vết xây xước ở chân tay, vết muỗi đốt khi về quê chơi.

Luật sư Nguyễn Thanh Sơn nói: "Các vết xây xát trên cơ thể đã được lý giải, nhưng suốt thời gian xét xử, tình tiết trên cơ thể cháu Long có nhiều vết tiêm tại vùng bẹn vẫn chưa được làm rõ".

Lời khai của anh Nguyễn Thành Chung (nhân viên bảo trì trường Gateway - người đã bế cháu Long từ trên xe và đưa vào phòng cấp cứu) tại tòa, cho biết: Khi bế Long vào phòng y tế của trường anh Chung thấy người nạn nhân hơi cứng. Lúc sơ cứu có 4 người (anh Chung và 3 nữ y tế) thực hiện các biện pháp hà hơi thổi ngạt, ép lồng ngực nhưng không có phản ứng. Cả 3 nhân viên y tế đều khẳng định: Chỉ hà hơi, thổi ngạt và không tiêm vào cơ thể cháu bé.

Với những tình tiết được nêu cùng lời khai của các nhân chứng, luật sư đại diện của bà Quy cho rằng chi tiết các mũi tiêm phần lằn bẹn hai bên của cháu Long cần được làm sáng tỏ.

Áo của nạn nhân được thay đổi như thế nào?

Cáo trạng của VKSND Cầu Giấy và lời khai của nhân chứng đều khẳng định, buổi sáng trước khi đi học Long mặc áo đỏ, quần tối màu, đi dép màu đỏ đen... Nhưng đến 16h15 chiều 6/8, khi được phát hiện đã chết trên sàn ôtô, nạn nhân mặc chiếc áo màu trắng, chiếc áo màu đỏ ướt mồ hôi được cất gọn trong balo.

Chiếc áo đỏ cháu Long mặc đi học sáng 6/8 được camera tòa nhà ghi lại.

Tình tiết này gây ra nhiều phỏng đoán, trong đó nạn nhân được cho là đã tự thay áo sau khi cảm thấy quá nóng vì bị nhốt trong xe. Tuy nhiên, lời khai từ những người thân thiết với bé Long không giúp củng cố giả thuyết này.

Chị Nguyễn Phương Loan - giáo viên trực tiếp dạy nạn nhân ở mẫu giáo từ 9/2018 - 5/2019 - cho biết, Long là học sinh rất thông minh, nhanh nhẹn, khá hiếu động. Long từng được dạy những kỹ năng mềm ở mẫu giáo như: đánh răng, rửa mặt, quét nhà, lau nhà, lau giá kệ, đồ chơi, việc thay quần áo, gấp quần áo... Trong số đó, Long không hề thích hoặc quen với việc tự thay đồ.

"Tôi chưa từng thấy cháu tự thay quần áo. Long chỉ thay đồ khi có giáo viên đứng cạnh hướng dẫn, nhắc nhở", chị Loan nói.

Luật sư Sơn nêu băn khoăn: việc Long tự thay đồ, rồi lại gấp gọn, cất vào balô là điều rất khó hiểu với những người từng biết về bé.

Vấn đề này không tìm được câu trả lời tại Tòa.

Bị cáo Phiến đi đâu, làm gì từ 8h đến 11h sáng 6/8/2019

Trong phần hỏi đáp giữa các luật sư và ông Phiến vào chiều 14/1, ông Phiến cho biết, khoảng 8 giờ sáng 6/8, ông rời khỏi khu Ký túc xá Học viện Báo chí (bãi đỗ của chiếc xe đưa đón - PV), sau đó đi ăn sáng, uống trà đá, rồi về nhà ăn cơm và ngủ trưa, nhưng do lâu quá, ông không nhớ chính xác mốc thời gian.

Trước câu trả lời của ông Phiến, luật sư Sơn nêu: tại biên bản làm việc ngày 25/12/2019 với cơ quan điều tra, ông Phiến khai: Trong khoảng 3 tiếng (từ 8h - 11h) ông về nhà, mở cửa nhưng không có ai, sau đó ở trong nhà đến chiều.

Nhưng cũng trong biên bản làm việc ngày 25/12, cơ quan điều tra xác định camera tầng hầm B1 CT2 chung cư Bộ công an (nơi ông Phiến ở) ghi nhận hình ảnh: Khoảng 5h37 ông Phiến lấy xe máy rời khỏi tầng hầm, đến 11h07 ông về gửi xe tại tòa nhà; 15h19 lại rời khỏi. "Vậy suốt từ 8h - 11h ông Phiến đi đâu?", câu hỏi được đặt ra.

Đáp lại, ông Phiến cho rằng những tình tiết này cơ quan điều tra đã có. Bị cáo từ chối trả lời.

Ông Phiến từng có tiền án, tiền sự?

Trong phiên làm việc sáng 14/1, ông Phiến nhiều lần bị hỏi: "Bị cáo từng có tiền án phải không". Đáp lại, ông Phiến khẳng định: "Tôi chấp hành đúng pháp luật. Tôi chưa từng có tiền án, tiền sự".

Bị cáo Doãn Quý Phiến có mặt tại phiên tòa sáng 15/1.

Trái ngược với khẳng định trên, luật sư Sơn nêu tại phiên xét xử: bị cáo Doãn Quý Phiến từng bị Công an Từ Liêm, Hà Nội bắt ngày 27/3/1982 vì tội "Cố ý gây thương tích".

"Tình tiết này cần được VKS làm rõ, nhất là khi hồ sơ của ông Phiến ghi đã có 'tiền án tiền sự' nhưng trong quá trình xét xử lại không đề cập. Đây là chi tiết quan trọng để luận tội. Trong trường hợp ông Phiến có tiền án tiền sự mà chưa được xóa án, bị cáo cần phải chấp hành đủ hai hình phạt", luật sư đại diện của bà Quy nêu rõ.

Bên cạnh đó, luật sư phía bị hại hỏi bị cáo Phiến: Là lái xe, khi nghe thấy tiếng hô hoán 'có người ngất' trên xe mình, tại sao ông Phiến không xuống luôn xe để xem xét tình hình mà vẫn ngồi yên? Khi có người trong trường đến bế cháu bé, nam tài xế mới mở cửa xe và quan sát tình hình. 

Ông Phiến không trả lời câu hỏi này.

Trách nhiệm của trường Gateway?

Sự việc xảy ra, phơi bày nhiều kẽ hở trong quy trình vận hành, quản lý học sinh của trường Gateway cũng như cách làm việc tắc trách của nhân viên nhà trường. 

Hồ sơ vụ án nêu rõ: 8 giờ sáng bị cáo Thủy - chủ nhiệm lớp bé Long - đã báo cáo về sự vắng mặt của Long với nhà trường, phòng giáo vụ, nhưng không có ai kiểm tra, thông báo cho phụ huynh. Đến 11h30, Thủy tiếp tục thông báo cho một người ở phòng giáo vụ "vẫn vắng cháu Long" nhưng nhà trường vẫn không thông báo đến gia đình.

Phiên tòa ngày 14/1 công bố các video ghi lại từ camera an ninh của trường như: cảnh đưa học sinh đến trường, cảnh bà Quy dẫn các cháu lên nhà ăn; cảnh ông Phiến đưa xe quay về bãi đỗ xe, cảnh phát hiện cháu Long trên ôtô, cảnh cấp cứu trong phòng y tế... Tuy nhiên, cảnh quay quan trọng nhất - học sinh xuống xe - nhằm xác định có hay không chuyện bỏ quên Long trên xe buýt lại không rõ.

Đại diện trường Gateway có mặt tại Tòa nhưng không được hỏi, cũng không phát biểu bất cứ điều gì về các vấn đề liên quan.

Với trường Gateway, Tòa nhận định, Trường "chưa kiểm tra chặt chẽ" dù có ban hành các quy trình vận hành.. Tuy nhiên do gia đình nạn nhân không yêu cầu, HĐXX không xem xét trách nhiệm dân sự với trường.

Sau khi nghe 3 bị cáo trả lời chất vấn của luật sư, các nhân chứng trả lời câu hỏi của HĐXX, cuối phiên xử sáng 14/1, anh Lê Văn Sơn nói: "Sự việc của con tôi xảy ra rất nhiều oan nghiệt, uẩn khúc, rất nhiều vấn đề mà không được rõ ràng, sáng tỏ từ trong quá trình điều tra. Gia đình tôi chưa cảm nhận được một vấn đề gì rõ ràng. Bản cáo trạng của VKSND quận Cầu Giấy rất sơ sài và chưa chỉ rõ được hết các sai phạm, các tình tiết chưa logic, chưa trùng khớp với nhau. Tôi đề nghị quý tòa xem xét, bổ sung những phần còn thiếu, chưa rõ ràng".

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định:

Cần phải xác định lỗi của nhà trường và công ty Ngân Hà trong sự việc trên về việc ban hành nội quy, quy chế quản lý học sinh, đặc biệt là quy trình đưa đón; Nhà trường đã tổ chức triển khai, phổ biến và tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, nhân viên về quy trình này hay chưa...

Đối với công ty Ngân Hà, cần xem xét công ty này có đủ điều kiện hoạt động chưa? Xe ôtô sử dụng đưa đón học sinh có đáp ứng đủ yêu cầu? Việc ký hợp đồng làm việc với tài xế ra sao? Đã ban hành quy trình và tổ chức tập huấn cho lái xe và nhân viên giám sát xe?

Từ cơ sở đó sẽ xem xét trách nhiệm của Nhà trường và Công ty Ngân Hà trong vụ việc này.