Quay lại iOne |

Hân hạnh đồng hànhHân hạnh đồng hành

Dưới bóng bồ đề

Tôi vẫn giữ cho mình thói quen đọc Tâm kinh mỗi ngày vì tôi nhớ bà, nhớ nụ cười cuối cùng trước lúc ra đi của bà.

"Nếu tâm chúng sinh được thanh tịnh thì bóng Bồ đề tự hiện vào" (Kinh Viên Giác)...

Hôm nay, cả nhà tôi về quê, ăn giỗ bà nội hai. Sau khi làm lễ ở nhà thờ chính xong, bố và mấy anh em cùng ra thăm mộ ông bà. Trời đã sang thu, chiều đến nhanh và lành lạnh hơi may. Những người làm đồng cuối cùng cũng vội vã tìm đến những con mương nhỏ, rửa chân tay và hối hả về làng. Tiếng cười nói xa dần rồi tắt hẳn. Cả cánh đồng bỗng chốc lặng ngắt, đìu hiu. Chỉ có bố, mấy anh em tôi cùng những ngôi mộ và gió. Gió vi vút, ngập tràn khắp chốn. Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên những ngôi mộ. Chiều đã xuống tím sẫm. Mặt người cũng đã nhìn không tỏ. Chỉ có những đốm sáng của những bó hương là bỗng rực sáng hơn.

"Chào bố, mẹ và dì. Con đi đây. Con đi rồi có dịp con sẽ lại về, về thăm bố, mẹ và dì". Bố tôi khẽ thì thầm với những nấm mộ; nghe bố nói, nước mắt tôi tự dưng cứ chảy dài trên má. Ông bà, tổ tiên hẳn rồi, sẽ luôn nằm đây, giữa những cánh đồng quê, vi vút gió; đợi con, đợi cháu; chỉ con cháu là vô tâm; thi thoảng mới đảo về chốc lát, rồi lại vội vã rời đi. Người đã mất còn tồn tại ở cõi sống hay không là nhờ neo vào nỗi nhớ của những người còn sống nhưng người sống lại vẫn luôn vậy, ơ hờ và nhiều quên lãng.  Thực ra, tôi vốn có hai bà nội và bà nội hai chỉ là mẹ kế của bố. Bà nội cả là người sinh ra bố tôi, mất sớm từ khi bố mới lên 10. Chính vì thế, bà nội hai - người mà bố tôi gọi là dì (chứ không phải mẹ), lại là người một tay chăm bẵm bố, cũng là người bà gắn liền với những ký ức đầy ắp niềm vui chiều chuộng của tuổi thơ tôi.

Tôi được kể, bà nội hai tôi về làm vợ ông nội tôi, chỉ sau khi bà nội cả tôi mất vì bạo bệnh một thời gian rất ngắn. Là do hai cụ ngoại tôi chủ động mọi điều và cũng là hai cụ ngoại hối hả "xin" bà nội hai "về" vì hai cụ ngoại tôi thương con rể vụng về và đàn con dại. Ông nội tôi vốn là một ông giáo làng, ngoài việc gõ đầu trẻ, ông hầu như chẳng biết làm gì; kể cả việc chăm sóc chính mình. Vậy là, dù chưa một lần thực hiện thiên chức làm mẹ của chính mình; lấy ông tôi; bà nội hai đã mặc nhiên phải đóng vai trò của một người mẹ, lo lắng mọi bề cho sáu đứa trẻ thơ và một ông chồng lớn xác, nhiều vụng dại. 

Những năm ấy, chẳng phải một mình nhà ông nội tôi thiếu thốn, khó khăn; nó là câu chuyện nghèo chung của cả làng, cả xã. Để có đủ miếng ăn cho gia đình, bà nội hai tôi làm việc suốt ngày, chẳng khi nào dừng. Rỗi việc đồng, bà lại dậy sớm đi mót tôm, mót cá để cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Người bà vì thế quanh năm tanh mùi bùn; chả khi nào hết; gan bàn chân, chằng chịt nứt nẻ như ruộng khô, nhiều khi bật cả máu. Những ngày ấy; khi được về quê vào mỗi dịp hè, tôi thường hay ngây ngô hỏi:

- Bà giẫm phải gì mà chảy máu chân vậy?
Bà thường nhìn tôi, cười và đùa rằng:
- Là bùn ruộng cứa đấy. Bà cứ ngâm chân cả ngày trong bùn nên thế con ạ!

Để rồi, thời gian trôi chảy, khi đàn cháu nội, ngoại chúng tôi dần lớn khôn, cứng cáp hơn thì bà nội hai lại cứ càng ngày càng nhỏ thó và yếu ớt đi. Lưng bà thì đã còng xuống một cách thảm hại; mỗi khi bà đi, cái lưng đã gần như song song với mặt đất. Và rồi một buổi chiều hè tháng sáu, buổi chiều mà sau này khi nhiều tháng ngày đã trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi khoảnh khắc đó, nhớ mãi sắc mặt của bố khi bố nhận được tin báo từ chú út: "Anh về ngay nhé, bà đột quỵ, nhập viện cấp cứu rồi". Sau đó, chỉ một thời gian ngắn thì bà nội hai tôi liệt hẳn.

Ba năm cuối đời, bà nằm bất động trên giường. Từ một người làm việc luôn chân, luôn tay, giờ bà nằm đó, hoàn toàn bất động và bất lực, không còn cả tự làm chủ được việc vệ sinh cá nhân của mình. Sau cả một đời lam lũ, lăn lộn làm việc từ sớm mai đến đêm khuya, làm không cả kịp thở. Rồi cũng đến lúc bà nội hai tôi đã được nằm đó, nằm không, chẳng phải làm gì cả. Chỉ đau đớn là nó không phải là sự nghỉ dưỡng yên lành như bà đáng được hưởng mà nó trớ trêu lại là một sự giày vò, đớn đau mới; khốc liệt và khổ sở hơn cả quãng đời quần quật sớm tối trước đó của bà.

Căn phòng bà nằm dần trở nên u ám, nhiều bóng tối hơn, không chỉ còn thoang thoảng mùi khai của nước tiểu nữa mà giờ trộn lẫn thêm mùi của da thịt đang hoại tử; khó chịu vô cùng. Mỗi khi về thăm nhìn bà nằm đó, mái tóc đã bị cắt ngắn, đôi mắt ngây dại như trẻ lên ba; thân thể đầy đau đớn, lở loét; trái tim tôi lại như bị ai đó chặn lại; nghẹn cứng, nhói đau... Và rồi chẳng còn biết bám víu vào đâu và cũng để được nhẹ lòng hơn. Mỗi khi về thăm bà, tôi thường lên chùa Làng; khấn xin Bồ tát giúp bà bớt đau đớn. Và trong một lần như thế; tôi may mắn gặp được một cư sĩ tu tại gia, ông cho tôi một bài chú và dặn:
-  Đây là Tâm Kinh của Bồ Tát, diệt trừ được mọi khổ não cõi nhân sinh. Cô cứ về ngồi cạnh cụ, đọc bài chú này một ngày 7 lần, trong vòng 7 ngày, sẽ có tác dụng. Cụ cũng là một vị Bồ Tát vì từ vì bi mà cụ xuống trần đấy thôi!

Ông nói xong thì khẽ thở dài rồi đi luôn, không kịp cả nhận lời cảm ơn của tôi. Tôi về, kể với bố mẹ và các cô chú lời dạy trên của vị cư sĩ; bố tôi liền khóc rồi bảo:
- Đúng rồi, ông ấy nói đúng rồi. Bà là vị Bồ tát của bố và các cô chú. Không nghìn tay nghìn mắt, sao bà lo mọi việc chu toàn bao năm như vậy được. Rồi y như lời dặn; mọi người thay phiên nhau ngày ngày ngồi bên bà đọc Tâm kinh của Bồ Tát. Cũng chẳng biết bà nội hai của tôi khi ấy còn có thể nhận biết được những gì nhưng đúng đến ngày thứ bảy thì bà đi. Bà nhẹ mỉm cười rồi đi, y như một người đang đi vào giấc ngủ. Yên bình, thanh thản để hóa thành mây, thành gió về trời; trả lại mọi nhọc nhằn, cay đắng cho cõi nhân gian.

Sau ngày bà mất, đêm nào tôi cũng ước được gặp bà, dù chỉ một lần trong giấc mơ, ước được nằm trong lòng bà như ngày thơ bé, nhưng suốt về sau này; tôi không bao giờ mơ thấy bà. Để rồi, tôi lại nhớ và tin vào lời người cư sĩ già tôi từng gặp ở chùa làng rằng hẳn bà nội hai của tôi vốn là một vị Bồ tát và giờ thì bà đã trở về cõi của mình, yên bình, thanh tịnh như gió, như mây. Tuy vậy, tôi vẫn giữ cho mình thói quen đọc Tâm kinh mỗi ngày. Mỗi lần đọc, lần nào đến câu kết; nước mắt cũng cứ chảy dài. Có lẽ phần vì do tôi nhớ bà, nhớ nụ cười cuối cùng trước lúc ra đi của bà, phần là vì hạnh phúc bởi tôi luôn tin: "Sau cùng bà tôi đã đến bờ, đã giải thoát; đúng như những lời tâm kinh cuối cùng, tôi và mọi người từng đọc bên bà khi ấy". Đó là những lời cuối cùng bà có thể nghe, cũng là những thanh âm cuối cùng kết nối bà với cõi nhân gian này: "Yết đế, yết đế; ba la yết đế; ba la tăng yết đế; bồ đề tát bà ha".   

    Chaulebaonguyen

The unforgettable one - Người không thể quên" do Báo điện tử VnExpress, Trang tin tức giải trí iOne.net cùng Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) phối hợp tổ chức, thông qua hình thức bình chọn trực tuyến và đánh giá của ban giám khảo. Cuộc thi không giới hạn độ tuổi tham gia.

Bài dự thi xuất sắc do giám khảo quyết định sẽ nhận giải thưởng 15 triệu đồng. Bài thi được yêu thích nhất do độc giả bình chọn sẽ nhận giải thưởng 8 triệu đồng. Ngoài ra, 12 bài thi vào chung khảo nhận nhuận bút 1 triệu đồng mỗi bài.

Ban tổ chức nhận bài thi từ nay đến hết ngày 16/5 tại địa chỉ ione.vnexpress.net/nguoi-khong-the-quen. Vòng chung khảo diễn ra từ 28/5 đến 31/5. Xem chi tiết tại đây.

Bình luận

Đơn vị thực hiện