Thứ ba, 4/2/2020, 13:21 (GMT+7)

Viêm phổi corona nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu

Các chuyên gia hàng đầu báo động, sự gia tăng nhanh chóng của virus corona từ Vũ Hán rất có thể dẫn đến một dịch bệnh toàn cầu.

Tình hình hiện nay thật nan giải. Một dịch bệnh bùng phát và lây lan ở một vài châu lục đang có nguy cơ gây hậu họa cho toàn cầu, bất chấp lệnh cấm di chuyển và cách ly của hàng loạt quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. 

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được loại virus này nguy hiểm đến đâu, và dịch bệnh này có thể gây tổn thất lớn bao nhiêu. Nhưng người ta  gần như chắc chắn rằng virus này lây được từ người sang người.

Virus corona ở Vũ Hán cực kỳ dễ lây truyền, giống như bệnh cúm, SARS và MERS. Tiến sĩ Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), cho biết: "Bệnh này cực kỳ dễ lây nhiễm. Gần như chắc chắn là một dịch bệnh toàn cầu sắp xảy ra. Nhưng nó có thể là một thảm họa không? Điều này tôi không dám chắc".

Các nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân nhiễm virus corona vào một khu cách ly ở Fuyang, Trung Quốc hôm 1/2. Ảnh: AP.

Trong ba tuần qua, số ca nhiễm đã tăng vọt từ 50 người ở Trung Quốc lên thành gần 20.600 người ở ít nhất 23 quốc gia, ghi nhận 427 người tử vong (số liệu tính đến sáng ngày 4/2). Nhưng một số mẫu về dịch tễ học khác nhau ước tính số ca nhiễm trên thực tế có thể đã lên tới 100.000 hoặc hơn thế nữa. 

Tốc độ lây truyền của virus này không nhanh như cúm và thủy đậu nhưng số lượng các ca nhiễm lại tăng vọt, gấp nhiều lần so với dịch SARS và MERS trước đó. Khi SARS được ngăn chặn thành công vào tháng 7/2003 sau khi bùng phát 9 tháng, chỉ có 8.098 ca được ghi nhận. MERS được phát hiện và lây lan từ 2012 nhưng mới chỉ có 2.500 ca được thống kê. SARS gây tử vong cho 10% số người nhiễm và con số này ở MERS là 1/3 (cứ 3 người mắc thì có 1 người tử vong). 

Dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918) chỉ gây tử vong 2,5% các ca nhiễm nhưng bệnh này bị truyền nhiễm cho quá nhiều người và trình độ y tế bấy giờ chưa đủ tiên tiến nên dẫn tới cái chết của 20 triệu người (trong tổng số 50 triệu người nhiễm bệnh). Ngược lại, đại dịch cúm H1N1 (năm 2009) chỉ gây ra con số tử vong là 285.000, ít hơn con số của bệnh cúm theo mùa thông thường và có tỷ lệ tử vong khá thấp, ở mức 0,02%. 

Tỷ lệ tử vong trong dịch virus Vũ Hán hiện nay là 2%, cho dù con số này có thể giảm khi các xét nghiệm được tiến hành và có các ca bệnh nhẹ hơn. Dẫu vậy, theo các chuyên gia, khó mà đưa ra chắc chắn câu trả lời cho câu hỏi có bao nhiêu người trên toàn thế giới sẽ chết vì virus corona. 

Các bệnh nhân tại bệnh viện ở Fort Riley, Kan trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: AP. 

Bác sĩ, tiến sĩ Thomas R. Frieden - Cựu giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), hiện điều hành tổ chức phi lợi nhuận Resolve to Save Lives - một tổ chức chuyên đối phó với các dịch bệnh lớn - cho biết: "Nó đang lây lan nhanh đến mức khó mà kiểm soát được. Rất có khả năng virus corona sẽ lây lan như cúm hoăc các vi sinh vật khác. Nhưng ta vẫn chưa biết nó có mức ảnh hưởng thế nào". 

Trong trận dịch cúm năm 2009, họ cho rằng đây là tận thế ở Mexico, nhưng cuối cùng nó cũng không gây thiệt hại nặng nề đến vậy. Chưa thể tìm ra được một con số ước tính về mức độ gây tử vong của virus cho tới khi một số nghiên cứu được thực hiện như: Thử máu để xem bao nhiêu người có kháng thể, nghiên cứu về độ lây nhiễm trong gia đình và nghiên cứu về gen để kết luận liệu chủng virus này có nguy hiểm hơn chủng khác hay không.

Chuyên gia cho biết việc đóng cửa biên giới nơi dịch bùng phát chưa bao giờ hoàn toàn thành công vì luôn có kẽ hở. Tuy nhiên, đóng cửa cùng với kiểm tra nghiêm ngặt có thể làm chậm sự bùng phát của bệnh, qua đó có thêm thời gian để phát triển các phương pháp điều trị bệnh. 

Bản đồ số ca nhiễm bệnh ở các quốc gia trên toàn cầu (tính đến ngày 4/2). 

Hậu quả của dịch bệnh ở một số nước có thể là khác nhau. Những nước có nền y tế phát triển như Mỹ có thể phát hiện và cách ly kịp thời các trường hợp nhiễm bện. Ttrong khi những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém hơn có thể không theo kịp được quá trình này. 

Bác sĩ Peter Piot, Giám đốc Trường Vệ sinh và Y khoa nhiệt đới London (School of Hygiene and Tropical Medicine), cho biết: "Dịch bệnh này lây lan giống H1N1 hơn SARS và tôi đang hết sức cảnh giác. Chỉ 1% số ca tử vong thôi đã là 10. 000 người chết trên 1 triệu người". 

TS Michael Ryan - người đứng đầu bộ phận phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong cuộc phỏng vấn với STAT News hôm 1/2 rằng vẫn có bằng chứng cho thấy virus này có thể kiểm soát được và thế giới cần tiếp tục cố gắng. 

TS W. Ian Lipkin thuộc trường Y tế Công cộng Mailman - người đang ở Trung Quốc tư vấn cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh - cho hay, virus này rõ ràng có thể bị lây truyền qua các tiếp xúc thông thường, tuy nhiên các phòng thí nghiệm vẫn đang chậm trong quá trình phân tích các mẫu bệnh. 

Các bác sĩ rời khu vực cách ly bệnh nhân trở về từ Trung Quốc, ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AP. 

Đời sống ở Trung Quốc đã thay đổi rõ rệt trong hai tuần vừa qua. Đường phố vắng hoe, các sự kiện công cộng bị hủy bỏ và người dân phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. "Tất cả các nỗ lực có thể làm chậm quá trình lây lan của virus. Vẫn chưa rõ về độ chính xác của các xét nghiệm được thực hiện trong các phòng thí nghiệm quá tải ở Trung Quốc, khi số lượng các bộ lấy mẫu đang cạn kiệt và số lượng xét nghiệm quá lớn khiến kết quả có thể không chính xác", TS W. Ian Lipkin nói. 

Theo một số báo cáo gần đây từ Trung Quốc, một số người bị nhiễm bệnh có thể lây virus cho người khác kể cả khi họ chưa có triệu chứng bệnh. Việc này khiến cho việc kiểm tra tại hải quan khó khăn hơn rất nhiều. 

Một mô hình được đưa ra bởi Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu ước tính khoảng 75% số người từ Trung Quốc tới châu Âu có thể đang trong giai đoạn ủ bệnh và các biện pháp kiểm tra ở sân bay có thể không có tác dụng. Phần lớn người mắc bệnh bị lây từ người quen bị nhiễm từ trước, có thể là đồng nghiệp hoặc thành viên gia đình. 

Mục tiêu dễ tấn công nhất của virus là châu Phi, theo nhiều chuyên gia. Ở đây có hơn một triệu người Trung Quốc đang làm việc trong ngành khai khoáng hoặc xây dựng. Ngoài ra, cũng có nhiều người châu Phi đang làm việc và học tập ở Trung Quốc và một số nước có virus. "Nếu những người ở châu lục này nhiễm bệnh, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở đây có thể không phát hiện được", bác sĩ Daniel Bausch, chuyên gia đầu ngành của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ (ASTMH), nói. 

Nam Phi và Senegal có thể chẩn đoán được. Nigeria và các quốc gia khác có thể xin WHO mẫu bệnh và yêu cầu huấn luyện thực hiện xét nghiệm nhưng việc này rất mất thời gian. Ít nhất 4 quốc gia châu Phi đã phát hiện và cách ly các trường hợp nghi nhiễm, theo bài báo trên SCMP. Họ đã gửi mẫu đến Pháp, Đức để xét nghiệm. 

 Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ đón đợi máy bay chở 32 công dân Mông Cổ di tản khỏi Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Với tình hình các hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước đang tích cực cảnh giác, đề phòng. Các bác sĩ ở Mỹ đều có hai câu hỏi khi tiếp xúc với bênh nhân bị cảm hoặc có vấn đề về hô hấp: Bạn có tới Trung Quốc gần đây không? Bạn có tiếp xúc với ai tới Trung Quốc gần đây không? Nếu câu trả lời là có, họ sẽ được cách ly lập tức. Việc giao thương với Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng khi sự gấp rút trong việc ngăn chặn người chết đang gia tăng. 

Có khả năng virus Vũ Hán sẽ yếu đi khi thời tiết ấm hơn, tương tự như cúm, sởi. Dịch SARS và MERS bùng phát vào mùa đông, một số virus gây bệnh cúm cũng bùng phát vào mùa đông. Tuy nhiên, nếu trận dịch kết thúc vào tháng Sáu, có thể sẽ có một làn sóng thứ hai xảy ra vào mùa thu, giống hai lần vào năm 1918 và 2009. Vào lúc đó, có thể đã có thuốc chữa, mặc dù cần có sự thử nghiệm kỹ càng và áp lực từ chính phủ để khiến các phương thức này có sẵn và có giá thành phải chăng. 

Ở Trung Quốc, một vài loại thuốc đã được khuyên dùng. Một sự kết hợp phổ biến là thuốc chứa lopinavir và ritonavir với truyền interferon, một loại protein báo hiệu đánh thức hệ thống miễn dịch.

Ở Mỹ, loại thuốc được sử dụng là thuốc chữa HIV có giá thành khá đắt. Trái ngược lại, ở Ấn Độ, một loạt các nhà sản xuất đã đưa ra loại thuốc chữa trị HIV ở châu Phi, sản phẩm này đã được WHO chứng nhận. Các công ty tư nhân cũng tham gia vào công cuộc tìm phương pháp chữa bệnh, với một loại thuốc thử nghiệm của Gilead được tin là có thể chống lại virus corona và công ty này đã quyên góp một số lượng thuốc này cho Trung Quốc. 

Cho dù công nghệ hiện đại khiến cho việc tìm ra vắc xin nhanh hơn, đạo đức nghề y vẫn bắt buộc rằng thuốc phải được thử nghiệm trên động vật và trên người để chắc chắn về độ an toàn và hiệu quả. Không thể rút ngắn quá trình này vì các tác dụng phụ nguy hiểm có thể xuất hiện trong thời gian dài và hệ miễn dịch của người cần có thời gian để tạo ra kháng thể chứng minh được vắc xin đó có hiệu quả hay không. 

Những thứ đang được thử nghiệm tại Trung Quốc có được các quốc gia khác chấp nhận hay không phụ thuộc vào việc các bác sĩ ở đây thực hiện các thử nghiệm nhiều thế nào. Bác sĩ Schaffner cho biết: "Chúng ta tin tưởng ở Chúa. Còn những thứ khác phải đưa ra được dữ liệu chứng minh".

>>Xem thêm: 

Cuộc chiến sinh tồn khốc liệt của người Vũ Hán
Trung Quốc chỉ trích tạp chí Đức đăng hình gây hoảng loạn
Người Vũ Hán khốn khổ vì bị kỳ thị ngay tại quê hương

Huyền Anh (Theo NY Times)