Vietnam Thứ hai, 8/7/2019, 00:02 (GMT+7)

Cô gái Thái thủ khoa ĐH KHXH&NV: 'Lịch sử Việt Nam hấp dẫn tôi'

Lalitpat Kerdkrung (sinh năm 1995, du học sinh Thái Lan) vừa trở thành thủ khoa đầu ra ngành Việt Nam học với tổng điểm 3,92/4.

Sinh ra trong gia đình có bố làm kỹ sư, mẹ làm y tá, Lalitpat Kerdkrung (tên gọi ở Việt Nam là Minh Trang) từ lâu nuôi dưỡng mơ ước trở thành một nhà ngoại giao. Bắt đầu từ năm học cấp 2, Lalitpat muốn được đứng trước đám đông, thể hiện quan điểm và thuyết phục mọi người bằng tài diễn thuyết. 

"Khi ấy, mình được xem bài phỏng vấn đại sứ Thái Lan ở Mỹ và cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ. Ông ấy không chỉ giỏi tiếng Anh mà bài thuyết trình rất thuyết phục. Đó cũng là lúc mình khao khát được trở thành một nhà ngoại giao", Lalitpat nói.

Lalitpat Kerdkrung - du học sinh Thái Lan.

Trong khi bạn bè muốn giành học bổng để sang châu Âu du học, Lalitpat khiến cả gia đình và bạn bè bất ngờ khi lựa chọn Việt Nam. Cô chia sẻ, từ hồi học cấp 3 đã rất hứng thú với lịch sử, đất nước Việt Nam, nhưng mọi thứ đều chỉ trên sách vở. Lalitpat quyết định "tìm đường" đến Việt Nam để thỏa mãn sự tò mò đó.

Khi biết Bộ ngoại giao Thái Lan có học bổng đi ba nước: Việt Nam, Indonesia và Malaysia, 9x ngày đêm tìm hiểu tài liệu, trau dồi kiến thức và quyết tâm đặt chân đến quốc gia hình chữ S. 3 tháng tập trung ôn luyện, trải qua nhiều vòng phỏng vấn, cuối cùng Lalitpat nhận được suất học bổng do chính phủ Thái Lan cấp.

Trước khi giành được học bổng, Lalitpat đã trúng tuyển vào ngành Chính trị học, ĐH Chulalongkorn - ngôi trường danh giá số một Thái Lan (được xếp hạng 247 trên thế giới). Nhưng vì khao khát đến đất nước mình yêu thích, Lalitpat thuyết phục bố mẹ và lên đường.

Sau 3 tháng học ngôn ngữ và tự ôn luyện, tháng 8/2014, Lalitpat nhập học ngành Việt Nam học tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Cô thừa nhận tiếng Việt rất khó nhằn, luôn phải học thêm và "kè kè" quyển từ điển bên mình nhưng các môn học tại Việt Nam không thể làm khó cô gái Thái.

Lalitpat phải học rất nhiều từ ngữ chuyên ngành, thầy cô giảng khá nhanh. Nữ sinh luôn tự nhủ cứ học nhiều, luyện nhiều sẽ thuần tục. Trong suốt 4 năm học, nữ sinh Thái Lan luôn đạt điểm A+ các môn, chỉ có hai môn phải nhận điểm B+. 

Với phương châm học: đọc nhiều, không nghỉ học, thường xuyên ôn luyện trên internet... Lalitpat là người nước ngoài đầu tiên trở thành thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Lalitpat Kerdkrung cùng mẹ và bà trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường đại học.

Thay vì thi tốt nghiệp, Lalitpat lựa chọn làm khóa luận với đề tài: Chính sách đối ngoại của vương quốc Xiêm và Đại Nam đối với các nước phương Tây nửa đầu thế kỷ 19, và đạt điểm tối đa.

Lý giải việc lựa chọn đề tài, 9x mong muốn có thể giúp đỡ các bạn sinh viên Việt Nam - Thái Lan hiểu rõ hơn về phong tục, lịch sử của hai quốc gia. Để thực hiện đề tài này, Lalitpat phải liên tục bay về Thái Lan để tìm tài liệu, cũng như mệt mài tìm kiếm tài liệu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Vừa làm khóa luận, vừa làm hồ sơ, thủ tục để sau khi kết thúc khóa học, nữ sinh người Thái Lan tiếp tục sang Anh học thạc sĩ như mục tiêu đã đặt ra.

Trong bài luận gửi trường đại học dự tuyển ở Anh, Lalitpat viết: "Tôi từng có 5 năm học tại Việt Nam. Tôi cảm nhận được khả năng ngoại giao ở Việt Nam ngày càng nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, nhất là khi trở thành quốc gia tổ chức cuộc họp Apec 2017 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019. Đây là lý do tôi mong muốn có thể học tập và góp sức mình để giúp đất nước của tôi ngày càng phát triển hơn, đặc biệt về mặt ngoại giao".

'Việt Nam là một phần trong trái tim tôi'

Sau những nỗ lực, phấn đấu cho công việc học tập và giành được kết quả như ý, giữa tháng 7 Lalitpat sẽ trở về Thái Lan để chuẩn bị sang Anh du học vào tháng 9. Trước khi về nước, 9x sẽ đi thăm bạn bè, thầy cô để cảm ơn vì đã giúp đỡ mình trong suốt 5 năm học tại Việt Nam.

Nhắc về sở thích, 9x là "tín đồ" của nhiều món ăn Việt Nam như: bún đậu, bún chả, nem rán... Cô cũng lên kế hoạch thưởng thức hết các món ăn, trước khi về nước.

Từng lo sợ cuộc sống du học sinh sẽ muôn vàn khó khăn, rằng điều kiện kinh tế của Hà Nội không bằng Bangkok... cô gái Thái thậm chí từng có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống của người Việt. Thế nhưng, khi sống ở Việt Nam một thời gian, mọi suy nghĩ của Lalitpat dần thay đổi.

Cô gái Thái yêu cách sống chậm của Hà Nội, thích khám phá từng con hẻm nhỏ khu phố cổ, thưởng thức các món ăn mà ở Thái Lan không có. Cô cảm nhận được sự thân thiện và hạnh phúc của người dân nơi đây. Suốt 5 năm học, chưa bao giờ Lalitpat cảm thấy lãng phí. 

Lalitpat trong lần đến thăm Quốc Tử Giám.

"Nếu bây giờ có một người Thái Lan bình luận không tốt về Việt Nam, mình sẽ nói: Bạn không bao giờ ở đây và bạn đừng cho quyền tự quy chụp mọi thứ. Việt Nam khác hoàn toàn so với bạn tưởng, nếu không hiểu, xin đừng dùng từ ngữ như vậy", 9x nói.

Lalitpat nhớ lại lần đi thực tập tại Sài Gòn kéo dài hai tháng. Tuần đầu tiên, Lalitpat thích không khí, thích người dân Sài Gòn vì chúng có phần giống thủ đô Bangkok. Nhưng sau đó, cô nhớ Hà Nội, nhớ cái cảm giác bình yên, nhớ cuộc sống chậm nơi đây. Nếu mệt thì nghỉ, nếu chán lại có thể lấy xe máy đi ngắm phố phường.

Trong dự tính, sau khi kết thúc khóa học thạc sĩ, Lalitpat sẽ quay về Thái Lan để công tác ở Bộ Ngoại giao. Nếu có cơ hội, nữ thủ khoa mong được phụ trách mảng về Asian hoặc Việt Nam để vận dụng tốt kiến thức trong thời gian đã học, đồng thời góp phần xây dựng mối quan hệ của hai nước Việt - Thái ngày càng tốt đẹp hơn. 

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ