Thứ bảy, 28/3/2020, 10:46 (GMT+7)

Phản ứng của Trung Quốc và châu Âu với cơn ác mộng Covid-19 

Trong khi Trung Quốc chuẩn bị chấm dứt phong tỏa Vũ Hán - nơi virus bùng phát vào cuối tháng 12/2019 - thì tâm chấn mới của đại dịch chuyển sang châu Âu với hàng loạt quốc gia phải hạn chế đi lại.

Điều này là một dấu mốc trong cuộc chiến với Covid-19 của Trung Quốc và từ đây có thể rút ra được một số bài học nhằm đánh bại dịch bệnh. Chính phủ các nước châu Âu phản ứng chậm chạp, dẫn đến hàng triệu người trên khắp lục địa đang bị giới nghiêm hoặc hạn chế di chuyển. Nhưng châu Âu có hành động quá muộn không? 

Trung Quốc có hệ thống kiểm soát cộng đồng dạng lưới, giúp làm chậm sự lây lan của Covid-19. Bên cạnh việc thông báo hoạt động ở các khu dân cư cho chính quyền, hệ thống cụm dân cư nhỏ có những nhân viên luôn sẵn sàng để giúp đỡ người cần trợ giúp. 

Giống châu Âu, Trung Quốc có vẻ lúng túng trong thời điểm đầu dịch. Phản ứng đầu tiên của thành phố Vũ Hán là "bịt miệng" những người như bác sĩ Lý Văn Lượng và kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội. Nhưng khi Trung Quốc bắt đầu huy động nhân lực, hàng loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ đã được thực hiện. Hoạt động di chuyển ở Vũ Hán buộc phải tạm dừng. Thành phố này cùng 15 thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc với dân số hơn 60 triệu người bắt đầu bị phong tỏa. Các chuyến bay và tàu hỏa bị hủy, đường bộ cũng bị chặn.

Việc cách ly hàng triệu người dân gây kinh ngạc. Ở đây, chúng ta cùng xem hệ thống khu vực theo ô nhỏ có vai trò quan trọng thế nào trong nỗ lực phong tỏa của Trung Quốc.

Cách Vũ Hán chiến đấu với virus trong thời kỳ phong tỏa

Dự án Khu vực lưới là một chương trình quản lý cộng đồng lần đầu được thử nghiệm ở quận Dongcheng ở Bắc Kinh năm 2004 trước khi thực hiện trên diện rộng. Được giới thiệu là một phương pháp quản lý dân cư địa phương hiệu quả, hệ thống chia thành phố thành các ô nhỏ, hay còn gọi là vùng, bởi các khối nhà và khu dân cư.

Mỗi ô nhỏ sẽ có những người được chỉ định để giám sát gọi là quản lý xã hội. Những người này có trách nhiệm thông báo mức độ dân cư ở khu vực đó với chính phủ địa phương. Họ cũng giám sát tất cả hoạt động xã hội cũng như tụ tập đông người trong khu vực mình quản lý, cũng như giúp đỡ những người già sống đơn thân và những người khuyết tật.

Theo Xinhua, có 13. 000 khu vực nhỏ và 8.700 nhân viên phụ trách những khu vực này ở Vũ Hán, với mỗi nhân viên quản lý 300-500 hộ gia đình. Trong mùa dịch, nhiều tình nguyện viên tham gia để giúp họ mua thực phẩm, thuốc và các nhu yếu phẩm khác. Hệ thống ô nhỏ đã đi vào hoạt động được vài năm, nhưng theo truyền miệng thì điều này chưa bao giờ được xem xét nghiêm túc cho tới khi đại dịch xảy ra.

Hệ thống đang hoạt động hết công suất, và vào 11/2, trụ sở Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Vũ Hán ra lệnh cho tất cả các khu vực dân cư hạn chế di chuyển.

Những nhân viên phụ trách các khu vực này thu thập dữ liệu từ các hộ gia đình, ví dụ như thân nhiệt, đôi khi là qua các nhóm chat trên WeChat.

Phản ứng của châu Âu với đại dịch

Trong khi virus hoành hành ở Trung Quốc và lây lan cho cả châu Á, châu Âu vẫn dửng dưng vì nghĩ mình được miễn dịch. Gần như không có lệnh giới nghiêm nào được đưa ra ở Italy sau khi có những ca đầu tiên ở Rome. Châu Âu bắt đầu thức tỉnh khi số ca nhiễm bùng nổ ở tỉnh Lombardy và Emilia-Romagna ở Italy. Cho tới lúc đó, người dân ở đây vẫn di chuyển tự do, cả trong khu vực lẫn sang nước ngoài. Nhưng khi Italy cuối cùng cũng chịu phong tỏa cả nước, những nước còn lại mới nối bước.

Phong tỏa bao gồm hạn chế tự do di chuyển; đóng cửa trường học, thư viện và các tòa nhà công cộng; đóng cửa biên giới; tuyên bố tình trạng khẩn cấp. 

Tỉ lệ tử vong: Châu Âu với Trung Quốc

Tỉ lệ tử vong là số người chết với cùng nguyên nhân tử vong. Số liệu này được tính bằng những dữ liệu có sẵn từ các nguồn chính thức, không tính những ca nghi nhiễm. Dữ liệu này, dù không phải là không thiếu sót, có thể cho chúng ta thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở một quốc gia nhất định.

Italy có tỷ lệ tử vong đáng báo động ở mức 10%, cao hơn nhiều so với thế giới. Điều này có thể do dân số ở miền bắc Italy thuộc nhóm già nhất châu Âu và già hơn cả dân số tỉnh Hồ Bắc. Độ tuổi trung bình ở Italy là 45,7, khoảng 22% dân số (14 triệu người) trên 65 tuổi. Không nghi ngờ gì khi Italy có tỷ lệ tử vong cao như vậy vì dịch bệnh dễ gây chết nhất cho bệnh nhân trên 80 tuổi. 

Những ca nhiễm chính thức đầu tiên ở Italy xảy ra ở Rome vào ngày 31/1, khi 2 du khách Trung Quốc có kết quả dương tính, 21 ngày sau, số ca tử vong ở Italy vượt qua Trung Quốc kể từ đầu đại dịch vào tháng 12 năm 2019.